Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài - Người viết biểu tạ tội cho Vua Trần Anh Tông

23/04/2024 00:19

Theo dõi trên

Mới đây, UBND xã Diễn An (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) phối hợp với hội đồng gia tộc họ Đoàn tổ chức lễ hội đền thờ Đoàn Nhữ Hài.

nqt00593-729188814-1713804085.jpg
Mộ và đền thờ Đoàn Nhữ Hài tại xã Diễn An (huyện Diễn Châu, Nghệ An). Ảnh tư liệu 

Nhữ Hài làm quan như được “trời tính”

Theo “Danh nhân Thăng Long”, Nhữ Hài làm quan như một sự tình cờ hiếm hoi. Chuyện kể rằng: Anh học trò Đoàn Nhữ Hài đang mải học tại chùa Tư Phúc thì gặp thiên tử - vị vua được nói đến ở đây là Trần Anh Tông. Gặp Đoàn Nhữ Hài, vua liền hỏi: “Sao người lại vào đây?”. Người học trò quỳ lạy mà thưa rằng: “Thần vì mải học nên lỡ đi lầm vào đây”. Vua cho là người hiền bèn mời Nhữ Hài vào phòng nghỉ mà bảo: “Ta vừa rồi vì say rượu mang tội với thượng hoàng. Nay ta muốn dâng biểu tạ tội, người hãy thảo giúp ta”... Nhữ Hài không ngần ngại mà viết luôn. 

Sáng hôm sau vua Trần Anh Tông cùng ông về Thiên Trường. Vua lệnh cho ông vào sân dâng biểu tạ tội lên thượng hoàng. Ông làm theo lời vua Anh Tông nhưng quỳ gối chờ mãi từ sáng mà thượng hoàng Trần Nhân Tông không cho gọi. Cho đến khi trời gần tối, mưa lớn kéo đến, thượng hoàng mới cho gọi người dâng biểu vào. Vậy là lần đầu tiên họ Đoàn được vào yết kiến thượng hoàng Trần Nhân Tông. Thượng hoàng đọc trong biểu thấy lời lẽ hết sức thống thiết, liền hỏi: “Người soạn biểu là ai?”. Vua Anh Tông đáp: “Là thư sinh Đoàn Nhữ Hài làm”. Nghe vậy, thượng hoàng tỏ vẻ bằng lòng, khen ngợi Nhữ Hài soạn biểu hợp ý người. Vua Anh Tông cũng vì thế mà được tha tội.

nqt00605-488324439-1713804239.jpg
Đoàn Nhữ Hài (1280 - 1335) từng là vị quan trải qua ba đời vua nhà Trần - Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Trần Minh Tông. Ông người làng Hội Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng châu (nay thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương)

Ngay sau đó Đoàn Nhữ Hài được trọng dụng, được phong chức Ngự sử trung tán, khi ấy ông chưa đầy 20 tuổi.

Thời gian làm quan, ông được giao nhiều trọng trách: đi sứ, chỉ huy quân đội, phụ trách việc nội triều... Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt bổn phận và chức trách được giao phó. Những việc nổi bật ông đã làm được trong thời kỳ làm quan có thể kể đến là hai chuyến đi sứ và chỉ huy quân đội.

Đoàn Nhữ Hài đi sứ lần thứ nhất tới Chiêm Thành vào năm 1303. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có viết về chuyến đi đó của Đoàn Nhữ Hài như sau: “Trước đây, sứ nước ta tới Chiêm Thành, đều lạy chúa Chiêm trước, rồi sau mới mở chiếu thư. Đến khi Nhữ Hài tới, liền bưng ngay chiếu thư để lên trên án và nói với chúa Chiêm: “Từ khi sứ thiên triều mang chiếu thư của thiên tử sang, xa cách ánh sáng lâu ngày, nay mở chiếu thư, thực như trông thấy mặt thiên tử, tôi phải lạy chiếu thư đã, rồi mới tuyên đọc sau”. Rồi lập tức hướng vào tờ chiếu mà lạy. Lúc ấy, chúa Chiêm đứng bên cạnh, lạy thế không khỏi có chút chưa ổn, nhưng lấy cớ mà lạy chiếu thư thì về lý là thuận, mà sứ tiết cũng không phải khuất”...

Đoàn Nhữ Hài làm như vậy là để tỏ sự cung kính, đề cao nước Việt trước mặt vua Chiêm Thành. Ông làm như thế là thuận lễ nên vua Chiêm cũng không thể chê trách được. Qua sự việc đó, vua Anh Tông lại càng ngợi khen Đoàn Nhữ Hài. Ông được vua thăng chức làm Tri khu mật viện sự vốn là chức quan chỉ được trao cho những người trong tôn thất. Đoàn Nhữ Hài nhận được đặc ân này, quả thực là hiếm hoi.

nqt00608-310612054-1713804031.jpg
Đương thời ông có công viết “biểu tạ tội” cho vua Anh Tông và làm các chức Ngự sử trung tán, Tham tri chính sự, Hành khiển kiêm chức Kinh lược đại sứ Nghệ An; làm sứ giả đi Chiêm Thành hai lần và nhận nhiệm vụ làm Đốc tướng...

Bốn năm sau (1307), họ Đoàn được cử sang Chiêm Thành lần thứ hai. Nhiệm vụ lần này của ông là đến châu Ô, Lý (vua Chiêm là Chế Mân đã dùng hai châu này làm vật dẫn cưới công chúa Huyền Trân nhà Trần) để giám sát tình hình và vỗ yên dân chúng nơi đây. Ông lấy lòng dân chúng hai châu này bằng cách chọn chính những người dân châu đó làm quan, đồng thời cấp cho dân chúng ruộng đất, miễn tô thuế trong 3 năm. Nhờ thế mà lòng dân được yên ủi, nương tựa, cuộc sống của dân chúng được yên bình, hạnh phúc.

Năm Tân Hợi (1311), Đoàn Nhữ Hài cùng vua Trần Anh Tông dấy binh chinh phạt Chiêm Thành. Là quan văn, Đoàn Nhữ Hài chỉ huy quân đội bằng mưu trí nhiều hơn là bằng “sức”. Trong trận chinh phạt này, Đoàn Nhữ Hài đã chỉ huy quân đội thắng trận mà không cần nhiều đến sức người. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Trước đó, Chế Chí sai người sang cống. Người ấy là trại chủ Câu Chiêm. Vua sai Đoàn Nhữ Hài bí mật ước hẹn với hắn. Đến khi vua đích thân đi đánh, đến phủ Lâm Bình chia quân làm ba đường: Huệ Vũ Vương Quốc Chẩn theo đường núi, Nhân Huệ Vương Khánh Dư theo đường biển, vua tự dẫn sáu quân theo đường bộ; thủy bộ cùng tiến. Lấy Đoàn Nhữ Hài làm Thiên tử chiêu dụ sứ đi trước.

Vua đến Câu Chiêm dừng lại. Nhữ Hài sai người tới chỗ trại chủ, nói rõ ý yêu cầu quốc chủ ra hàng. Trại chủ báo cáo với Chế Chí. Chế Chí nghe theo, đem gia thuộc đi đường biển tới hàng. Nhân Huệ Vương đem quân đuổi theo. Nhữ Hài lập tức chạy thư tâu rằng: “Khánh Dư muốn cướp công vua”.

nqt00613-467628395-1713804382.jpg
Cuộc gặp gỡ của ông với vua Trần Anh Tông thực là “cuộc gặp gỡ ngàn năm mới có” (Ngô Thì Sĩ)

Vua giận lắm, sai bắt giám quân của Khánh Dư là Nguyễn Ngỗi đem chặt chân. Nhân Huệ sợ, sai ngự doanh tạ tội nói rằng: “Thần sợ nó đến giữa biển lại đổi bụng khác, nên mới chặn đằng sau thôi”. Vua nguôi giận, sai chia quân đi tuần các bộ lạc. Người Chiêm tụ tập định đánh vào ngự doanh. Tiếng voi đã gần, quân sĩ có vẻ lo sợ. Được vài hôm, quân của Huệ Vũ Vương tự tìm đường mà tới, người Chiêm chạy tan. Trận đánh không mất một mũi tên mà Chiêm Thành bị dẹp, đó là công sức của Nhữ Hài”...

Quả thực với tài thao lược, Đoàn Nhữ Hài đã dẹp được quân Chiêm mà không tốn một mũi tên hòn đạn nào. Việc này thực là “xưa nay hiếm”, ngay cả võ tướng còn ít người làm được thì việc một văn quan thực hiện được như thế này thực đáng nể phục!

Đoàn Nhữ Hài là vị quan có nhiều công trạng. Tuy nhiên, tác phẩm của ông thì không thấy sách nào chép lại. Duy còn lại bài biểu tạ tội viết hộ vua Trần Anh Tông nói trên. Bài biểu này được lưu trong bản thần tích ở quê ông với tựa đề Đoàn Trung Tán công hương chi thần tích, tuy nhiên không rõ có đúng nguyên văn hay không.

Việc làm quan của ông như được “trời tính”, cuộc gặp gỡ của ông với vua Trần Anh Tông thực là “cuộc gặp gỡ ngàn năm mới có” (Ngô Thì Sĩ). Chùa Tư Phúc là nơi gặp gỡ giữa vua Trần Anh Tông và Đoàn Nhữ Hài, cũng là nơi “phát đoan” cho mọi sự phát triển về sau này của chàng học trò họ Đoàn.

nqt00596-921071581-1713804630.jpg
Mộ và đền thờ Đoàn Nhữ Hài được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia

Đền thờ tại làng Nguyệt Tiên

Năm Ất Hợi 1335, quân Ai Lao vào xâm lược đất Nam Nhung (nay là xã Bồng Khê, huyện Con Cuông). Bấy giờ Đoàn Nhữ Hài đang quản quân Thần Sách, Thần Vũ kiêm Kinh lược sứ Nghệ An nên vua tấn phong ông làm Đốc tướng thống lĩnh đại quân. Các quân thứ đều phải chịu mệnh lệnh của Đoàn Nhữ Hài.

Vùng đất Nam Nhung rất hiểm trở, sông ngòi nhiều. Đoàn Nhữ Hài do chủ quan về số lượng của quân Ai Lao đóng giữ ở ấp Nam Nhung ít và yếu, nên ông chỉ sử dụng quân Thần Vũ và quân Nghệ An ra trận. Trận đánh rất quyết liệt, mây mù che tối, quân giặc bố trí quân lính đã phục sẵn hai bên bờ sông. Lực lượng lớn, bất ngờ đánh úp từ các hướng, sau trận giao tranh quyết liệt, quân của Đoàn Nhữ Hài thua trận, rơi xuống nước quá nửa. Đoàn Nhữ Hài tử trận ở tuổi 55. 

nhu-hai00000000638494019900179402-1713805204.jpg
Ngày 12/3 âm lịch hàng năm, nhân dân và con cháu dòng họ Đoàn về đền tế lễ, tưởng niệm Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài

Đến thời Hậu Lê (năm Cảnh Hưng thứ 2 - 1739) hậu duệ của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài là Đoàn Viết Yến, lúc này làm Tri huyện Quỳnh Lưu thấy đền thờ của ngài nằm ở vùng đất xa xôi, khó khăn cho việc hương khói và thăm viếng của con cháu nên đã xin phép nhà vua cho chuyển đền thờ của Đoàn Nhữ Hài và lập mộ chiêu hồn Ngài trong khuôn viên đền thờ tại làng Nguyệt Tiên (xã Diễn An, huyện Diễn Châu).

Đền thờ Đoàn Nhữ Hài được xây dựng trên một khu đất rộng khoảng 2300m2, ngoảnh mặt về phía chính Tây. Lúc đầu quy mô đền còn đơn sơ, đến thời nhà Nguyễn, đặc biệt là đời Tự Đức Nguyên niên, đền thờ Đoàn Nhữ Hài được nhân dân và dòng họ trùng tu, xây dựng với quy mô lớn gồm các công trình: Cổng tam quan, sân vườn, hạ điện, trung điện, thượng điện, hữu - tả vu và 1 nhà soạn lễ... 

nhu-hai2638494020077212369-1713805376.jpg
Lễ hội Đền thờ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài là dịp để con cháu cũng như nhân dân địa phương thể hiện lòng tri ân đối với người đã có công với dân với nước, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài - Người viết biểu tạ tội cho Vua Trần Anh Tông" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.