Mặc dù lăng được xây trong hoàn cảnh đất nước có nhiều biến cố phức tạp, khung cảnh khu lăng Tự Đức vẫn lưu giữ được nét thơ mộng và lãng mạn như chính chủ nhân nó.
Vua Tự Đức (1829 - 1883) tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, lên ngôi năm 1848. Mười năm sau đó, khi thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng, Gia Định và các tỉnh Nam Kỳ, triều đình hoang mang, dân chúng hoảng sợ. Nhà vua bất lực trước vận nước, sống trong dằn vặt, lại không có con nối dõi nên ngày càng bi quan, chán nản. Ông đã hạ lệnh xây dựng lăng tẩm cho mình như một hoàng cung thứ hai và cũng để làm "ngôi nhà lâu dài của trẫm". Khi các quan trông coi về địa lý đã tìm được địa cuộc ở làng Dương Xuân Thượng, vua Tự Đức chuẩn định mô thức kiến trúc theo ý mình.
Nằm gần khu mộ vua là Bia đình (đình dựng bia). Đó là một toà nhà rất lớn, tường dày với những cây cột lớn hai người ôm được chạm trổ rất công phu. Trong bia đình có tấm bia đá lớn nhất Việt Nam. Bệ bia là hai khối đá rất lớn đỡ tấm bia “Thánh đức thần công” cao khoảng 5m, rộng 2,6m, dày 0,50m và nặng 20 tấn. Hai mặt bia lưu giữ bài thơ "Khiêm cung ký" nổi tiếng của vua Tự Đức viết năm 1871 và được khắc vào năm 1875.
"Khiêm cung ký" là lời tự sự và cũng là nỗi lòng của vị vua "lực bất tòng tâm" với lời văn day dứt như tự trách bản thân: "Riêng ta chỉ ngậm ngùi vì việc học chưa thành, chí chưa đạt, hư danh không xứng với thực tội, chất yếu không cáng đáng được việc nhiều, đất đai bị chiếm chưa lấy lại được, biên cương giặc cướp chưa yên, việc nối dõi chậm chạp, gay go, khó kiếm được người, biết lấy ai đảm đương việc nước...".
Theo thông lệ, vị vua sau sẽ viết bia để ghi nhớ công ơn của vị tiền nhiệm. Nhưng Vua Tự Đức lại viết bia cho mình để tự đánh giá công tội.
Kiến trúc trong lăng Tự Đức đều lấy chữ "Khiêm" (nghĩa là khiêm cung, khiêm tốn) là lấy ý vua Tự Đức: "Khiêm là kính, là nhường, có địa vị mà không ở, tự uốn nắn để hạ mình. Ta mang lấy sỉ nhục, gánh lấy tội lỗi... tài năng công đức chi mà bảo không khiêm. Nếu leo lên mà nhìn quanh (lăng) thì trước mặt là đàn Nam Giao, sau lưng là chùa Thiên Mụ, đủ rõ chí hướng bình sinh của ta vậy".
Với vai trò là một ông vua trị vị đất nước, nhưng vua Tự đức đã không hoàn thiện được nhiệm vụ của “Thiên tử”. Tấm bia đá được ví như bản kiểm điểm bản thân của nhà vua. Đó cũng thể hiện đức tính khiêm nhường của ông với các thế hệ đi trước và tấm gương cho các hậu duệ đời sau sau học tập.