Định hướng lưu giữ và bảo tồn di sản mộc bản ở Nghệ An

06/09/2017 15:06

Theo dõi trên

Được in trên gỗ và sử dụng khá nhiều ở các triều đại phong kiến Việt Nam vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, mộc bản được xem như những cuốn sách đặc biệt. Nghệ An là một trong số ít những địa phương hiện nay còn lưu giữ nhiều mộc bản có giá trị với tuổi đời hàng trăm năm. Tuy nhiên, việc lưu giữ và bảo tồn thể loại di sản này cho các thế hệ sau thực sự là vấn đềkhông đơn giản đã và đang đặt ra.



Nhưng di sản quý giá đang được các cán bộ văn hóa xem xét

Tư liệu quý được thế giới công nhận

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng gần 700 tấm mộc bản, nhiều nhất là ở chùa Đức Sơn (xã Vân Diên, huyện Nam Đàn); thiện đàn xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) và một số ít do các nhà sưu tầm giữ lại. Một trong những bộ mộc bản có giá trị đang được lưu giữ hiện nay là 50 tấm mộc bản với nội dung về “Trần Đại Vương chính kinh” và “Cứu sinh thuyền chính kinh”đang được lưu giữ tại thư viện tỉnh Nghệ An. Bộ mộc bản là tài sản của gia đình cụ Trần Hiêng (xã Công Thành, Yên Thành) tặng cho thư viện tỉnh năm 2007. Hiện, bộ “Trần Đại Vương chính kinh” đã được phiên âm dịch nghĩa.

Có thể nói, không chỉ ở Nghệ An mà mộc bản trên khắp nước ta hiện nay không còn nhiều. Năm 2009, UNESCO công nhận mộc bản là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam và được ghi danh trong Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đó là mộc bản Triều Nguyễn, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) và mộc bản Trường Lưu (Hà Tĩnh).

Ông Đào Tam Tĩnh, nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hán – Nôm Nghệ An, là người chuyên nghiên cứu về mộc bản nhiều năm cho rằng: Về số lượng, mộc bản ở Nghệ An không thua kém bất cứ địa phương nào, thậm chí còn nhiều hơn cả một số địa phương đã được UNESCO công nhận. Tuy nhiên, để nhìn nhận và đánh giá đúng giá trị của các mộc bản thì không dễ và cần phải có một quá trình nghiên cứu công phu...

Theo sử sách ghi lại, nguồn gốc của bộ mộc bản được xác định là vào những năm đầu thế kỷ 20 – thời kỳ nước ta đang bị thực dân Pháp đàn áp, xâm lược. Khi đó, dòng họ Trần đã thành lập văn thiện đàn. Để phản đối ách đô hộ của kẻ xâm lăng, các thành viên trong hội đã khắc những bản kinh, trong đó nêu những tấm gương anh hùng của dân tộc để cổ vũ tinh thần yêu nước, làm việc thiện. Riêng bộ mộc bản “Trần Đại Vương chính kinh” gồm 18 tấm, mỗi tấm khắc 4 trang cả hai mặt, rộng bằng với khổ trang sách, viết về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, được lấy từ bản gốc ở đền Ngọc Sơn, Hà Nội...
 


Kho mộc bản được phát hiện tại đền Thiện (Tây Lộc, Diễn Ngọc, Diễn Châu)



Những “trang sách cổ” độc đáo và vô giá trị

Định hướng bảo tồn và phát huy di sản 

Những mộc bản đã và đang lưu giữ được ở Nghệ An hiện nay cũng cho thấy đây là các tài liệu hết sức quý giá và đáng được tôn vinh, gìn giữ. Tuy nhiên, để làm được điều này là không dễ dàng. Khó khăn hiện nay là tỉnh chưa xây dựng được một kế hoạch dài hơi để làm công tác nghiên cứu, sưu tầm. Công tác giới thiệu, quảng bá về các mộc bản chưa bài bản và khoa học. Tình trạng bảo quản còn sơ sài, thủ công và thiếu sự đầu tư…

Chính vì vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản mộc bản ở Nghệ An nói riêng, ở nước ta nói chung là rất cần thiết. Quá trình trên phụ thuộc rất lớn vào việc định hướng mô hình quản lý di sản theo hướng phát triển nào. Để lựa chọn mô hình bảo tồn và phát huy di sản, chúng ta phải căn cứ trên những tiêu chí như: Mục đích, nguyên tắc, loại hình di sản và nguồn lực, bao gồm các nguyên tắc, mục tiêu, nội dung hoạt động, với các vấn đề cụ thể.

Trên cơ sở đảm bảo được những tiêu chí trên, việc bảo tồn và phát huy di sản mộc bản nói chung cần được triển khai theo những định hướng như sau:

Về định hướng bảo tồn: Ngoài những phần được xuất bảo thành sách và các tài liệu nghiên cứu cần hạn chế tối đa sự can thiệp vào mộc bản. Tránh coi đây là nguồn lợi để phát triển kinh tế. Các cơ quan nghiên cứu cần cung cấp, chia sẻ thông tin và thảo luận để đưa ra cách phân loại và thống kê di sản theo phương án tối ưu giúp cho việc tra tìm, sử dụng, kiểm kê được thuận lợi, không xáo trộn. Mặt khác, cần có nơi bảo quản, lưu giữ thích hợp, đáp ứng các điều kiện kỹ thuật đòi hỏi, kho trưng bày phải đạt yêu cầu khoa học. Phát hiện và thống kê những ván khắc bị thiếu, mất, hư hỏng, mờ chữ; đồng thời xây dựng kế hoạch sưu tầm. Nhận diện và phân loại các rủi ro để có các biện pháp hạn chế, khắc phục…

Định hướng phát huy mộc bản: Nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch dựa trên mộc bản là cách tốt nhất để phát huy giá trị di sản. Cần chọn lựa có chọn lọc khía cạnh nào để khai thác di sản, làm cho nó thực sự sống...

Có thể nói, mộc bản là một trong những di sản quý giá của nền văn hóa dân tộc Việt nói chung, của tỉnh Nghệ An nói riêng cần phải được lưu giữ. Để làm được điều này không dễ và đòi hỏi có sự đầu tư cả về vật chất lẫn trí tuệ dựa trên những định hướng đúng đắn và sự đồng thuận của các bên liên quan bao gồm chính quyền sở tại, những người sở hữu trực tiếp di sản và cộng đồng người dân.

M.T

Bạn đang đọc bài viết "Định hướng lưu giữ và bảo tồn di sản mộc bản ở Nghệ An" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.