Đi tìm Nghi Xuân bát cảnh: Song Ngư hý thủy – Cô Độc lâm lưu (Kỳ cuối)

24/10/2017 10:03

Theo dõi trên

Đảo vốn là Song Ngư, song có đứng trên bãi cát Đan Nhai đất Nghi Xuân nhìn ngược lên phía Bắc mà ngắm, thì mới hiểu được cái tên của nó, chính thị là “đôi cá dỡn nước” vậy.



Song Ngư hý thủy
 
Trước cuộc hành trình đi tìm “Nghi Xuân bát cảnh”, chúng tôi thường chỉ biết đến đảo Song Ngư (hay hòn Ngư) là một trong những điểm tham quan hấp dẫn khi du lịch Cửa Lò. Cái tên ấy có đôi khi cũng gợi lên một chút tò mò và gắn với nhiều câu chuyện, thế nhưng dường như vẫn rất mơ hồ.
 
Chỉ đến khi đứng nơi cửa biển Đan Nhai (nay là đất Xuân Hội), nhìn ngược lên phương Bắc mà ngắm thì mới nhận ra hòn đảo do đâu mà mang cái tên như thế.
 
Đảo Song Ngư cách Cửa Hội chừng năm cây số, được hình thành bởi hai ngọn núi đứng song đôi, ngọn nhỏ cao khoảng 90m, ngọn lớn chừng hơn 130m. Hình thế của hai ngọn núi tương đối giống nhau: một đầu hơi nhô cao tròn trịa, ở giữa vồng lên còn đầu kia thì thoai thoải kéo dài.
 
Từ trong bãi biển nhìn ra, giữa muôn ngàn con sóng bạc đầu chợt nổi lên hai bóng núi xanh thẫm, nhấp nhô ẩn hiện, trông chẳng khác nào hai con cá khổng lồ đang bơi lội đùa dỡn trên mặt nước. Mới hay cái tên “Song Ngư hý thủy” quả thực chẳng sai.
 
Cảnh đẹp kỳ lạ và huyền ảo ấy, suốt một thời gian dài đã là niềm cảm hứng cho biết bao nhiêu văn nhân thi sỹ mỗi dịp ghé qua đây, “người nhiều có thể dăm ba bài, người ít cũng có vài câu cảm tác tâm đắc”.
 
Ngay cả vua Lê Thánh Tông mỗi khi có dịp tuần thú phương Nam cũng đều tranh thủ ghé “Đan Nhai hải môn” mà ngoạn cảnh, để rồi ghi lại những câu thơ tuyệt đẹp tặng nơi này:
 
Hy kỳ Tam Tọa thanh u cảnh

Đoạn tịch Song Ngư thủy hý điêu
 
Đảo Song Ngư ngày nay về mặt địa giới hành chính thuộc vào Cửa Lò của Nghệ An, và trên thực tế cũng trở thành một danh thắng gắn với Thị xã du lịch nổi tiếng này.
 
Thế nhưng do góc nhìn khác nhau và có lẽ cũng do nhịp sống xô bồ vội vã, nên rất ít khách tham quan được biết về vẻ đẹp “Song Ngư hý thủy” của nó. Rất ít người biết rằng hòn đảo nhỏ bé này từng là một trong “bát cảnh” nổi danh của đất học Nghi Xuân.
 
Cô Độc lâm lưu
 
Cô Độc là ngọn núi nhỏ nhất của nhóm núi Ngũ Mã trong Hồng Lĩnh, nay thuộc địa phận xã Xuân Hồng. 
 
Núi nằm tách riêng ra ở mé sông Lam, ven quốc lộ 1A. Nhìn tổng thể giống như một con nghé (núi Cô Độc) vừa tách ra khỏi đàn trâu (nhóm Ngũ Mã), muốn lội xuống dòng sông mà mới đặt được nửa thân mình xuống nước.
 
Chuyện dân gian kể rằng, trong lúc cả đàn đang cùng nhau gặm cỏ, chú nghé con chợt nhìn sang bên kia sông. Bên ấy bãi cỏ dường như xanh tốt hơn, đang gọi mời mơn mởn. Không cưỡng lại được, nghé ta lẳng lặng tách đàn, lần xuống mé sông.
 
Chú nghé con định bơi sang bờ bên kia. Nhưng có lẽ ông trời bực mình vì chú bỏ bầy “đánh lẻ”. Thế nên khi hai chân trước vừa đặt xuống sông, nghé con bị trời hóa đá, trở thành hòn núi “cô độc”, chơ vơ đứng một mình suốt hàng triệu năm qua.
 
Xưa kia núi Cô Độc còn rõ hình đôi chân trước cắm ở ngoài sông, nước chảy lồng phía dưới, thuyền bè có thể luồn qua mà đi lại, kỳ thú vô cùng. Thế rồi sông Lam đời này qua đời khác bồi đắp từng chút phù sa mà lấp dần khoảng trống đó, đến nay thì đã chẳng còn.
 
Trên sườn núi có ngôi đền Linh Từ Thánh Mẫu (còn được biết đến là Đền Củi) thờ bà Phạm Ngọc Trần là vợ vua Lê Lợi, từng xả thân vì đại nghiệp của chồng.
 
Ở đỉnh núi còn có tảng đá lớn, mặt rộng gần trượng, chính giữa có một lỗ rất sâu được gọi là “Đá Cối”, tương truyền là dấu tích do Ninh quân công Trịnh Toàn dùng để giã gạo nuôi quân.
 
Núi Cô Độc ngày nay thường được người dân địa phương gọi là Núi Bà, cái danh cũ kỹ thuở nào đã chẳng còn mấy ai nhắc tới.
 
Vậy nên nếu đi qua Đền Củi, xin hãy nhớ rằng trái núi nhỏ bé kia đã từng là danh thắng “Cô Độc lâm lưu”, tề danh trong “Nghi Xuân bát cảnh” tao nhã một thời!
 
Thái Hồ

Bạn đang đọc bài viết "Đi tìm Nghi Xuân bát cảnh: Song Ngư hý thủy – Cô Độc lâm lưu (Kỳ cuối)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.