Cảnh đẹp nên thơ ở Nghi Xuân
Nghi Xuân vốn là đất cổ ngàn năm, từ xa xưa đã nổi danh với thế đất quý “tam hợp châu tuần” với ba mặt được biển, sông và núi cao ôm ấp, nhìn từ trên cao trông giống như cái mũ cánh chuồn của các vị văn quan.
Có lẽ nhờ thế mà xưa nay, công hầu danh tướng - văn nhân thi sỹ nơi đây đời nào cũng có. Địa linh - nhân kiệt, nói thế để biết rằng danh thắng ở đất này, đương nhiên cũng được liệt vào hàng tuyệt phẩm từ lâu. Tiêu biểu nhất chính là “Nghi Xuân bát cảnh”.
“Tám cảnh đẹp đất Nghi Xuân” xưa kia vốn dĩ có mười. Nhưng có những cảnh dẫu rất đẹp, rất thơ mà lại nơi đâu cũng có (dạng như tiều phu đốn củi, ngư ông dong thuyền…). Ấy vậy nên các bậc danh sỹ trong vùng đã quyết định bỏ bớt đi hai cảnh, còn lại tám cảnh đặc sắc nhất, xếp thành bốn cặp đối liên:
Hồng Sơn liệt chướng - Đan Nhai quy phàm
Uyên Trừng danh tự - Quần Mộc bình sa
Giang Đình cổ độ - Hoa Phẩm thắng triền
Song Ngư hý thủy - Cô Độc lâm lưu
“Hồng Sơn liệt chướng” – “Phên dậu” núi Hồng
Dãy Hồng Lĩnh nằm ở phía Nam vùng đất, nổi bật lên giữa vùng duyên hải, sừng sững chắn ngang con đường huyết mạch Bắc Nam. Xưa kia nơi đây rất gần với biên giới (ở dãy Hoành Sơn), ngăn cách nước ta với Vương quốc Chăm-pa cổ.
Người phương Nam tại nhiều thời điểm đã trở nên rất hùng mạnh và hiếu chiến, thường xuyên đưa quân càn quấy, cướp bóc các miền biên ải. Ngàn Hống khi đó trở thành tấm “phên dậu” quan trọng thứ hai, ngăn bước kẻ thù. Danh xưng “liệt chướng” chính là vì lẽ đó.
Dĩ nhiên, dãy núi “chín mươi chín đỉnh” hùng vĩ, ngang tàng này đâu chỉ là bức tường thành ngăn giặc, nó hẳn còn là một kỳ quan. Thế núi rất đẹp bởi một bên là sông Lam, bên kia là biển cả, trước và sau là những cánh đồng thẳng cánh cò bay của hai huyện Can Lộc, Nghi Xuân.
Những đỉnh núi sát vai nhau trùng trùng điệp điệp, dẫu không đủ con số 99 như trong truyền thuyết (theo thống kê có từ 65 - 70 đỉnh), thì cũng đã là muôn hình vạn vẻ xinh tươi. Nào Tai Voi, nào Bàn Thạch, Tượng Đầu… Nào Thiên Tượng với dấu tích đóng quân của Hùng Vương (truyền thuyết), hay Ngọc Lâu nơi có hành cung vua Lý Thánh Tông ngày xưa dùng để nghỉ chân khi kinh lý.
Trong núi còn có rất nhiều hang động, suối khe, nhiều đền chùa, di tích. Mỗi nơi ngoài vẻ đẹp huyền bí và lịch sử lâu đời, thì còn gắn liền với những câu chuyện kể vô cùng kỳ thú, từ chuyện thần tiên hạ giới cho đến chuyện những cao nhân, dị sỹ nhờ núi non mà ghi dấu ấn của mình.
Như chuyện “cố Bu” (Phan Bô) lập sơn trại giữa Truông Mây, chống lại triều đình thối nát. Ông cướp của nhà giàu và tham quan ô lại, đem phân phát cho người dân đói khổ trong vùng. Chuyện “cố Ghép” ở núi Mã Yên, một tay đào núi khuân đá, tạo thành Truông Ghép từng là con đường tắt nối liền Nghi Xuân và Can Lộc.
Tháp Cờ trên đỉnh núi Ông (đỉnh cao nhất của dãy Hồng Lĩnh) là do con trai vua Mai Hắc Đế dựng lên để dấy binh khởi nghĩa. Mỏm Đá Nhoi ở núi Liệt Sơn là nơi xưa kia các sỹ phu bất mãn triều đình vào ở ẩn, mỗi buổi chiều về lại đứng ngóng cố hương (“nhoi” tiếng địa phương có nghĩa là trông, làngóng)…
Cũng giống như biển Đông xưa kia được gọi là Quế Hải - sông Lam là Thanh Khê, dãy Hồng Lĩnh xưa được giới học giả gọi là Hồng Sơn, còn dân quê thôn dã gọi đơn giản là Rú Hống (Hồng) hay Ngàn Hống. Bản thân câu chuyện về ngọn núi cũng đã lắm ly kỳ.
Chuyện kể rằng thuở xa xưa, dãy núi được trời đất tạo nên với 100 đỉnh chẵn. 99 đỉnh trong số đó, tùy theo hình dáng của mình mà được mang những cái tên rất dân dã thân quen, như đỉnh Mồng Gà, đỉnh Đầu Voi, Yên Ngựa…
Có lẽ vì thế mà đỉnh Ngọc tự cho mình là cao sang hơn, không muốn đứng chung bèn tách ra đứng một mình bên kia rào Rum (nay là đất Đức Thuận thuộc thị xã Hồng Lĩnh).
Đàn chim Hồng lại nghe nói nơi đây có núi trăm đỉnh, bèn cử 100 con đến ngự, để cho núi càng đẹp, đất càng linh. Ngờ đâu sau khi 99 con đã tìm được chỗ đậu trên 99 đỉnh, con còn lại dù biết kia là Đỉnh Ngọc, là vị trí sang cả nhất mà cũng chỉ cách có một dặm đường.
Nhưng nó không muốn xa bầy, đành phải lượn quanh 99 đỉnh kia, loay hoay tìm chỗ đáp. Một nông dân ở xã Mỹ Dương (nay là Xuân Mỹ) trông thấy, thương con chim có tình có nghĩa mà trở nên bơ vơ, bèn gọi bạn bè chạy vào chân núi đắp lên một “cục lịp” (“lịp” có nghĩa là “nón”) cho chim đậu.
Con chim cũng hiểu thành ý nên dù “cục lịp” nhỏ bé thô sơ cũng chẳng tị hiềm, bèn sà xuống đỗ. Ngờ đâu do đắp vội, “cục lịp” bị vỡ, chim đành bay đi. Cả đàn chim thấy bạn phải bỏ đi cũng bèn cất cánh bay theo, và rồi không bao giờ trở lại. Núi tiếc nuối nên mang tên Hồng từ đó.
Ngày nay dấu tích của “cục lịp” vẫn còn. Núi Hồng vẫn sừng sững đứng canh bên con đường Nam Bắc. Đình đài lầu các, cái còn cái mất. Và những câu chuyện kể xa xưa thì vẫn say đắm lòng người.
“Đan Nhai quy phàm” – Buồm về cửa biển Đan Nhai
Cửa Đan Nhai là nơi sông Lam đổ vào biển (bây giờ là Cửa Hội), từ xa xưa đã tấp nập “trên bến dưới thuyền”. Đan Nhai gọi theo tên vùng đất doi ra ở cửa sông, nay thuộc xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân.
“Đan Nhai” còn có nghĩa là “ráng đỏ” – “Đan Nhai quy phàm” cũng được hiểu là cảnh buồn về giữa ráng đỏ chiều hôm. Xưa kianhững khi chiều buông, ráng trời đỏ rực bao trùm lên cửa biển, lấp lánh cả một vùng trời nước mênh mông.
Giữa cảnh sắc ấy, từng đoàn thuyền thêu qua dệt lại, nào thuyền buôn, nào thuyền đánh cá… hối hả dong buồm về bến để nghỉ ngơi. Cửa sông ngày trước cũng còn lắm cồn nhiều bãi nên thuyền phải nương theo con nước, lúc “bát” lúc “cạy” (sang phải sang trái) mà đi.
Những cánh buồn no gió “dập dờn qua lại hàng đàn, khác nào đàn bướm đang vờn hoa, đàn cá đang vờn nước” (sách Nghi Xuân địa chí đời nhà Nguyễn). Đâu đây còn thấp thoáng bóng những người phụ nữ, liêu xiêu nhỏ bé giữa buổi nhá nhem, đứng đợi chồng về.
Khung cảnh đó quả thực đẹp đến nao lòng.
Đan Nhai giờ đây đã “thay tên đổi họ”, cả đất và người đang thay da đổi thịt từng ngày. Cửa sông vẫn tấp nập tàu thuyền.Ráng đỏ chiều hôm vẫn bao lần nhuộm hừng cảnh sắc. Nhưng những cánh buồm xưa kia thì đã vắng tự bao giờ.
Kỳ 2: Uyên Trừng danh tự - Quần Mộc bình sa
Thái Hồ