Di sản văn hóa phi vật thể - những di sản sống, những giá trị sống

29/11/2021 07:36

Theo dõi trên

Di sản văn hóa phi vật thể là những thứ “phi vật thể” mà ta đang đắm chìm trong nó từng ngày từng giờ, là những thứ đã đắp bồi nên con người ta, tâm hồn ta. Nó là di sản của cha ông ta để lại từ ngàn xưa, nhưng nó cũng là báu vật của ta hôm nay, và là tài sản thừa kế của con cháu chúng ta sau này…

Văn hóa và di sản văn hóa phi vật thể

Hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng hào hứng tham gia một trong những hoạt động lễ hội ở một miền quê, một vùng đất; cũng từng thành kính thắp lên bàn thờ những nén hương thơm ngát để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên trong mỗi dịp Tết đến Xuân về; hay từng bâng khuâng, ngỡ ngàng và thảng thốt bên một nét hoa văn dịu dàng, tinh tế của những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ một làng nghề mộc mạc, thâm trầm… Đấy chính là những di sản sống, những giá trị sống và là hồn cốt của dân tộc Việt. 

Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII khai mạc sáng 24/11/2021 tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ quan điểm: “văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Vì thể, "chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy" và "nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông".

Di sản văn hóa là yếu tố quan trọng, có tính quyết định để làm nên diện mạo, bản sắc riêng của một dân tộc hay một vùng văn hóa. Để mất di sản, dù chỉ là một phần, cũng chính là đánh mất bản sắc. Bảo tồn và phát huy di sản vì sự phát triển bền vững vừa là mục tiêu vừa là động lực của mỗi địa phương và của cả nước. 

Theo kết quả kiểm kê đến năm 2018, toàn tỉnh có 2.602 di tích - danh thắng. Tính đến năm 2021, Nghệ An có 461 di tích, danh thắng được xếp hạng, trong đó có 05 di tích Quốc gia đặc biệt, 143 di tích Quốc gia và 313 di tích cấp tỉnh.. Trong 960 di sản di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê (số liệu năm 2015), có: 92 di sản lễ hội, 28 di sản tiếng nói, chữ viết, 93 di sản nghề thủ công truyền thống, 111 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 122 di sản ngữ văn dân gian, 235 di sản tập quán xã hội và 279 di sản tri thức dân gian.

20211129-062726-1638142837.jpg
Niềm vinh dự lớn lao của người Nghệ là Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Dân tộc Kinh có kho tàng văn học dân gian, dân ca Ví, Giặm, Ca trù, hàng trăm lễ hội, làng nghề... Dân tộc Thổ hát ví, hát nhà tơ, kể đắng với điệu đu đu điềng điềng, lễ xuống đồng, mừng cơm mới. Dân tộc Thái có chữ Thái cổ, kho tàng truyện cổ (Xống chụ xôn xao...), các điệu hát múa lăm, khắp, nhuôn, xuối, nghề dệt thổ cẩm... Dân tộc Khơ Mú có hát tơm, múa hát hò vó, re ré, nghề đan lát mây tre... Dân tộc Mông có hát kể (khúa kê), cự xỉa, lù tô, vàng hủa, nhạc cụ khèn, kèn lá, đàn môi, sáo và đặc biệt là nghề rèn... Dân tộc Ơ Đu có lễ hội đón tiếng sấm đầu năm, các điệu hát múa dân gian...

Các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đang được bảo quản, phát huy giá trị tại các bảo tàng, nhà truyền thống phục vụ nghiên cứu, tham quan, giáo dục truyền thống. 

Văn hóa phi vật thể luôn mang màu sắc dân gian, có sự gắn bó chặt chẽ, đồng hành với đời sống và trở thành những “di sản sống”, những “giá trị sống”. Nếu như di sản văn hóa vật thể là những giá trị hữu hình, tồn tại dưới dạng vật chất, chứa đựng những hồi ức sống động của loài người, là bằng chứng vật chất của các nền văn hóa, văn minh nhân loại, thì di sản văn hóa phi vật thể là những giá trị vô hình, được lưu truyền và biểu hiện bằng hình thức truyền miệng, truyền nghề và các dạng bí quyết nghề nghiệp khác.

cua-lo-a1-1-1638143186.jpg
Bãi biển Cửa Lò, là điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách; là tài nguyên du lịch văn hóa của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Diệu

Di sản văn hóa, trong đó có văn hóa phi vật thể, là tài sản vô giá, là nguồn dinh dưỡng nuôi nấng, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, và là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới trong giao lưu văn hóa.

Nó tồn tại phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và hành vi của con người, là các chủ thể sáng tạo văn hóa và chủ sở hữu di sản, rồi từ đó làm nên sức mạnh, sức đề kháng của cộng đồng. 

Nhiều di sản Nghệ An đã và đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách như Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, bãi biển Cửa Lò, vườn quốc gia Pù Mát … Và chính sự phong phú của hệ thống di sản đang giúp Nghệ An thu hút khách du lịch, từng bước khai thác tài nguyên du lịch văn hóa của tỉnh nhà.

Nếu hội họa là nghệ thuật của màu sắc, đường nét; âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh, tiết tấu… thì di sản văn hóa phi vật thể là nghệ thuật của văn hóa. Di sản văn hóa phi vật thể là vật liệu, chất liệu và là tiếng nói của văn hóa. 

Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể

Mỗi dân tộc (ở Nghệ An) có một đặc điểm lịch sử, hình thành và phát triển riêng. Vì thế, các sinh hoạt văn hóa tinh thần cũng có đặc trưng riêng, từ tiếng nói chữ viết, phong tục tập quán, tín ngưỡng đến tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian... 

Nếu người Thái được nhớ đến bởi các điệu múa, hát nhuôn, xuối, lăm, khắp nhiều màu sắc, kho tàng truyện kể, tri thức dân gian phong phú thì người Mông lại khiến người ta nhớ về tiếng khèn tha thiết cùng nghề rèn bậc thầy; người Kinh lại được biết đến bởi những lễ hội, tín ngưỡng và hơn hết là những làn điệu Ví, Giặm đi vào lòng người. Và dù là loại hình di sản gì của dân tộc nào cũng phản ánh sâu sắc, rõ nét nhất đời sống và những giá trị tinh thần chủ yếu, thế giới quan, nhân sinh quan và bản sắc của dân tộc đó.

Nội dung của dân ca Ví, Giặm vô cùng phong phú, từ mô tả cuộc sống sản xuất, sinh hoạt đến phản ánh lịch sử, phong tục, tập quán, lễ nghi, ca ngợi tình yêu quê hương, xứ sở và đặc biệt là phản ánh tình yêu nam nữ... 

20211129-065422-1638143915.jpg
Dân ca Ví, Giặm được khởi nguồn từ đời sống lao động và sinh hoạt của người dân xứ Nghệ. Ảnh: Nguyễn Diệu

Loại hình diễn xướng dân gian này là một đặc trưng nổi trội thể hiện tính địa phương cao độ, cho phép biểu hiện sự tự do tối đa trong việc biểu đạt tư tưởng, tình cảm của người hát bằng ngôn ngữ địa phương. Dân ca Ví, Giặm được khởi nguồn từ đời sống lao động và sinh hoạt của người dân xứ Nghệ. Người Nghệ hát Ví, hát Giặm ở mọi nơi, mọi lúc: khi ru con, đan lát, dệt vải, lúc làm ruộng, chèo thuyền, xay lúa... 

Để thấy rằng, hệ thống di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Nghệ An phong phú, mang đậm bản sắc của từng dân tộc. Thế nhưng “kho tàng” (di sản văn hóa phi vật thể) lại có nguy cơ mai một trước thách thức của quá trình hiện đại hóa, xu thế hội nhập và sự giao lưu, tiếp xúc của nhiều luồng văn hóa. 

Cụ thể, nhiều nơi, nhất là vùng dân tộc thiểu số, quá trình khai thác, phát triển kinh tế làm thay đổi môi trường sinh thái ngày càng diễn ra mạnh mẽ, không phù hợp với sinh hoạt văn hóa của các cộng đồng dân tộc, vừa làm mai một và mất đi những sắc thái độc đáo trong kiến trúc nhà ở, nếp sống, sinh hoạt truyền thống lâu đời của cư dân miền núi, kéo theo nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác không có điều kiện, môi trường thực hành. Và nếu cộng đồng không làm tốt việc trao truyền thì nguy cơ mai một, thất truyền và biến mất di sản là hiện hữu. Hay chính sự giao lưu, tiếp biến văn hóa cũng làm phai nhạt bản sắc, làm biến đổi, thậm chí làm lệch lạc giá trị văn hóa truyền thống. 

Những hạn chế trong nhận thức và những điều kiện khách quan khác trong quá trình tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố văn hóa hiện đại dẫn đến sự biến đổi trong lối sống, cách ăn mặc, ngôn ngữ, cách thức thực hành các nghi lễ, phong tục truyền thống của các dân tộc, làm mai một di sản và mất dần bản sắc truyền thống của các dân tộc, nhất là dân tộc thiểu số vùng miền Tây Nghệ An.

Với di sản văn hóa vật thể, cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng, thực hiện khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ di tích. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích. Đồng thời, tăng cường các hoạt động phát huy giá trị di tích thông qua lễ hội và các hoạt động văn hoá tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng tại di tích. 

anh-1-1-1638144078.jpg
Lễ hội đền Bạch Mã (xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương) cần dược lưu giữ, trao truyền. Ảnh: Nguyễn Diệu

Công tác nghiên cứu khoa học cần được tăng cường và trao đổi kinh nghiệm về việc bảo tồn, phát huy di tích, công tác xã hội hoá trong bảo tồn, phát huy di tích cần được quan tâm đúng mực. Đặc biệt hơn cả là gắn hệ thống di tích - danh thắng với phát triển du lịch, song hành để cùng phát triển. 

Riêng với văn hóa các dân tộc thiểu số, cần có những biện pháp cụ thể để bảo vệ, lưu giữ, trao truyền các di sản có nguy cơ mai một. Trong đó, cần quan tâm đến đội ngũ nghệ nhân nắm giữ di sản và bồi dưỡng, đào tạo, trao truyền cho các thế hệ kế cận.

Trong xu thế bảo tồn, phát huy di sản bền vững, ngoài định hướng bảo tồn còn phải hướng đến quy hoạch di sản gắn với du lịch. Di sản là tài nguyên quan trọng bậc nhất của du lịch, có mối quan hệ nhân quả với việc hình thành các điểm du lịch, khu du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch, do đó cần phải làm tăng giá trị di tích bằng du lịch văn hoá, phát triển kinh tế du lịch. 

Đây đang là một hướng đi đúng mà chúng ta đã và đang thực hiện. Và để phát triển kinh tế di sản, chúng ta cần phải làm tốt việc này hơn nữa. Phải phát hiện, nhận diện và thiết kế các di tích thành những điểm đến hấp dẫn khách tham quan; tạo các tour du lịch hấp dẫn gắn kết các di tích các danh thắng và các loại hình di sản khác. 

Trong công tác phát triển sản phẩm du lịch, điều quan trọng là cần tạo dựng không gian phù hợp cho di sản, giúp di sản tồn tại và được truyền dạy đến các thế hệ sau.

Ðể làm được điều này, cần tham vấn ý kiến để tìm ra các hình thức và không gian phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất sự thương mại hóa, tránh rẻ rúng; bảo đảm văn hóa và di sản được tôn trọng đúng mực.

20210306-091251-1638144361.jpg
Tín ngưỡng thờ cá Voi (cá Ông) của người dân phường Nghi Hải (TX Cửa Lò) là nét văn hóa đặc trưng cần được phát huy. Ảnh: Nguyễn Diệu

Phát triển du lịch di sản sẽ góp phần tạo ra thu nhập, việc làm, vừa tạo ra động cơ và nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đồng thời giúp tăng cường hiểu biết, tôn trọng đa dạng và giao thoa các nền văn hóa, góp phần tạo nên thái độ ứng xử phù hợp giữa người dân, du khách với di sản. Chưa kể du lịch di sản cũng sẽ góp phần tạo nguồn thu để quay trở lại tái đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo, phục dựng và quản lý di sản.

Vì vậy, để góp phần gìn giữ và truyền đạt di sản lại cho các thế hệ mai sau, các tổ chức và người làm văn hóa, làm du lịch, cơ quan quản lý và các địa phương cần phối hợp đồng bộ, thống nhất để hoạt động một cách sáng tạo, hiệu quả, luôn mang ý nghĩa xã hội - văn hóa

Di sản văn hóa là thước đo quan trọng về sự giàu có, bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, vùng miền. Đó cũng là nguồn tài nguyên, là sản nghiệp văn hóa quan trọng làm nền tảng cho sự tồn tại và phát triển. 

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng là công việc thường xuyên, cấp bách, góp phần giữ gìn thuần phong, mỹ tục, xây dựng nhân cách, đạo đức theo chuẩn mực chân - thiện - mỹ; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần, nâng cao nhận thức của nhân dân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An. 

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Di sản văn hóa phi vật thể - những di sản sống, những giá trị sống" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.