Đền thờ Quốc Mẫu và những truyền thuyết về mẹ Âu Cơ

24/10/2017 10:46

Theo dõi trên

Huyện Hạ Hòa là vùng đất địa đầu của tỉnh Phú Thọ. Đây là một vùng đất cổ, nơi phát tích của dân tộc Việt Nam. Tương truyền, thủa lập quốc, đất Hạ Hòa đã vinh dự và tự hào khi được mẹ Âu Cơ (bà mẹ đầu tiên của muôn dân đất Việt) lựa chọn làm nơi dừng chân trên hành trình đưa năm mươi người con lên ngàn khai sơn phá thạch.

Chính trên vùng đất này, mẹ Âu Cơ đã cùng đàn con của mình ra sức dạy dân cày cấy, trồng trọt, chăn nuôi để phát triển sự sống gây làng dựng nước. Trải theo năm tháng, những dấu tích vang bóng một thời ấy cũng đã lùi sâu vào quá khứ trở thành các lớp trầm tích ẩn mình trong những câu chuyện và phong tục của bà con nơi đây. Nổi bật nhất là những truyền thuyết và lễ hội tưởng nhớ đức mẹ Âu Cơ trên đất Hiền Lương.  
 


Cổng đền mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương

Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ nằm ẩn mình dưới tán đa cổ thụ trong một khuôn viên khá rộng, giữa một miền quê trung du thanh bình, trù phú, hữu tình với những núi đồi trùng điệp, sông ngòi uốn lượn, đầm nước mênh mang, đồng ruộng phù sa màu mỡ. Theo những tư liệu và hiện vật còn lưu giữ thì đền được xây dựng dưới triều vua Lê Thánh Tông. Ngôi đền nhìn về hướng Nam, bên trái có giếng Loan, bên phải có giếng Phượng, phía trước đền có ao sen và phía xa có núi Giác tựa như án thư, phía sau có sông Thao uốn khúc như rồng bọc. Thế tụ thủy tụ phúc ấy đã làm cho ngôi đền hội tụ được đầy đủ linh khí thiêng liêng của đất trời để che chở cho con dân đông đàn dài rộng.

Trải qua hơn năm thế kỷ, với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi đền cổ xưa đã bị hư hỏng và không còn nguyên vẹn. Ngôi đền hiện nay là ngôi đền mới được phục dựng nhưng vẫn giữ được những đường nét kiến trúc, chạm khắc giống thuở ban đầu với các góc mái cong vút duyên dáng cùng các hoa văn đục chạm rất tinh tế, sơn son thiếp vàng lộng lẫy rực rỡ theo các môtip trang trí truyền thống như hình lưỡng long chầu nguyệt hoặc tùng cúc trúc mai... Ngoài ra, trong đền mẫu Âu Cơ còn treo nhiều hoành phi, câu đối và bày đặt một số tượng (tượng Đức Ông, tượng Phật…) cùng bài vị và nhiều đồ thờ quí hiếm khác.


Ngôi đền hiện nay cũng không quá rộng. Đền được thiết kế theo hình chữ Đinh, gồm năm gian đại bái và ba gian hậu cung. Bên ngoài thờ Vua Hùng - Cao Minh cùng các bộ tướng. Bên trong, trên sàn gác cao, có thang gỗ leo lên, đặt cỗ khám, trong khám là tượng mẫu Âu Cơ. Tượng mẫu Âu Cơ ngồi uy nghi, đầu đội mũ lấp lánh kim cương, cổ đeo vòng vàng, mình mặc áo đỏ yếm trắng, chân đi hài cong, một tay cầm viên ngọc, một tay kia đặt lên gối dáng vẻ rất thư thái với nét mặt nhân hậu và nước da hồng hào. Đây là bức tượng cổ, có niên đại khoảng 550 năm, rất có giá trị. Đại thể, nhìn pho tượng người ta thấy toát lên một vẻ đẹp sang trọng, thanh cao, quí phái nhưng cũng rất mực đôn hậu, bao dung, gần gũi. Phải chăng người nghệ nhân thời xưa đã ngưỡng vọng đức mẹ qua những trang sử và suy ngẫm về những vẻ đẹp yêu thương, tần tảo của bao bà mẹ Việt Nam mà tưởng tượng và sáng tạo được một dung nhan huyền diệu đến tuyệt vời như vậy.

Ngoài khối công trình chính thì trong khuôn viên đền thờ còn có nhiều khối công trình kiến trúc khác cũng rất đẹp góp phần tạo lên một không gian bề thế trang nghiêm làm nơi hội tụ cho con dân đất Việt về bên Quốc Mẫu để tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính với đức mẹ Âu Cơ. Đó là cổng đền, nhà lưu niệm, nhà khách, nhà hữu mạc, đền mẫu Thượng Thiên, giếng Loan, giếng Phượng… Phải nói thêm, đến thăm đền mẹ Âu Cơ rất nhiều người đã có ấn tượng với cổng đền rất đồ sộ. Cổng được làm theo kiểu ngũ môn với ba lối đi chính ở giữa, hai lối đi phụ ở hai bên. Phần giữa cổng đền làm theo hình chữ nhật với hai tầng lầu nhìn rất uy nghi. Hai cổng phụ hai bên cũng làm theo kiểu hai tầng tám mái với những đầu đao cong vút. Khối công trình này còn có sáu nghi môn cao vút. Hai nghi môn phía ngoài cùng (cổng phụ) có đắp đôi nghê như thể đang kiểm soát tư cách của những người ra vào. Còn khu cổng chính có bốn nghi môn trên đỉnh có đắp trang trí bốn trụ hoa biểu sống động với những con phượng đang chụm đuôi lại gợi ra ý niệm về một bầu trời bao la. Và xung quanh đền là một vườn cây xanh tốt với rất nhiều cây đa, cây chò, ngọc lan, tùng... được rất nhiều chính khách đưa về đây hội tụ góp phần làm thành một cảnh quan vừa cổ kính, trang nghiêm vừa thoáng đãng, xanh mát quanh năm...

Cùng với khu đền thờ là chứng tích vật chất, đất Hiền Lương được tắm mình trong những trang huyền thoại về mẹ Âu Cơ. Như chúng ta đã biết, cộng đồng các tộc người Việt Nam luôn tự hào về dòng giống “con rồng cháu tiên” cao quí của mình. Tương truyền, Lạc Long Quân là con trai thần Long Nữ ở miền biển khơi có sức khỏe vô địch và nhiều phép lạ đã kết hôn với Âu Cơ thuộc dòng Thần Nông ở vùng núi cao phương Bắc (động Lăng Xương, Thanh Thuỷ, Phú Thọ) nổi tiếng xinh đẹp. Hai người đã từng có những tháng ngày hạnh phúc ở cung điện Long Trang. Tuy nhiên, một người thuộc nòi rồng quen ở dưới nước, một người thuộc giống tiên chuyên ở chốn non cao nên “âm dương hợp lại mà sinh ra con” còn “dòng giống bất đồng”, thủy thổ tương khắc do đó khó ở dài lâu với nhau được, đành sớm phải chia li. Tương truyền, sau khi Lạc Long Quân và Âu Cơ chia tay, mỗi người đem theo năm mươi người con đi về một phía. Lạc Long Quân đem năm mươi người con về miền thủy quốc chia trị các xứ. Âu Cơ đưa năm mươi người con về đất Phong Châu mà suy phục lẫn nhau, tôn người con cả lên làm vua lấy niên hiệu là Hùng Vương thứ nhất và lập ra nhà nước Văn Lang, chính quyền đầu tiên của nước Việt.  

Truyền thuyết kể rằng, khi đưa đàn con ngược sông Thao đến trang Hiền Lương thấy nơi đây đất tốt, sơn thủy hữu tình với núi cao đồng rộng sông dài nước hồ xanh mát nên đã dừng chân ở lại khai hoang lập ấp. Tại đây mẹ Âu Cơ đã dạy dân đốt cỏ trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, bắc cầu qua suối, đào giếng Loan, giếng Phượng lấy nước sạch cho dân ăn uống. Chẳng bao lâu vùng đất Hiền Lương đã trở nên trù phú. Sau đó mẹ đã để lại một người con ở lại đất này rồi đưa đàn con men theo dòng suối đi vào những cánh đồng phía trong để tiếp tục khai phá. Cứ vậy mẹ gây dựng cho mỗi người con ở một nơi. Chẳng bao lâu, các con của mẹ đều có nơi có chốn ổn định. Kể từ khi gây dựng xong cho các con thì cũng là lúc mẹ hình thành nên giang sơn cương vực bờ cõi nước nhà. Rồi sau đó mẹ lại trở về trang ấp ở Hiền Lương sinh sống và gắn bó phần đời còn lại của mình ở nơi đây. Thỉnh thoảng, mẹ cũng có đi lại thăm nom các con và ở lại mỗi chỗ dăm hôm để tiếp tục dạy dỗ dân chúng làm ăn.



Hồ sen trước đền mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương

Người Hiền Lương vẫn nhớ và truyền nhau về chuyện mẹ Âu Cơ không chỉ dạy dân trồng lúa, trồng mía mà còn sáng tạo, chế biến nhiều loại bánh từ những thứ trồng được ấy. Họ kể rằng: lúc được mùa, mẹ Âu Cơ lấy gạo nếp giã nhỏ thành bột và nhào với nước mưa và mật, rồi đem lèn mỏng cho vào lửa hấp, cuộn tròn và lăn dài ra, đặt vào lá chuối, chờ cho bánh nguội thì cắt ra từng khúc như bánh rán, bánh mật, bánh nếp. Và họ cũng kể cho nhau nghe câu chuyện mẹ hóa. Họ bảo, một đêm, mẹ Âu Cơ mơ thấy Tiên ông đến và bảo rằng: ngày mai con phải đi về phương Nam gặp tiên. Cứ thế, theo lời Tiên ông, mẹ đã đi về phương Nam. Khi đến chân một trái núi, nhìn lên, mẹ thấy trái núi như một ngai vàng. Bỗng thấy một Tiên ông tóc trắng râu dài xuất hiện tay cầm gậy, xung quanh có mây xanh mây trắng vần vũ. Tiên ông bảo mẹ rằng: Ngọc Hoàng sai con xuống hạ giới để sinh ra giống người. Nay con cháu đã đông đàn dài lũ, chúng đã biết làm ăn sinh sống. Vậy đến ngày mùng bảy tháng giêng con phải về trời theo lệnh vua cha nghe con. Khi về trời con hãy lên núi Nỏ ta cho người đón. Nói rồi, Tiên hòa vào đám mây biến mất. Mẹ Âu Cơ bỗng bừng tỉnh, Núi Nỏ mẹ mơ thấy đó chính là núi Ông (Xuân Áng, Hạ Hòa). Rồi đến tết năm đó, mẹ cho gọi đông đủ con cháu trong vùng về ăn tết. Một cái tết thật vui vẻ với nhiều trò chơi hấp dẫn. Đúng sáng ngày mùng bảy tháng giêng, mẹ Âu Cơ dặn các con ở nhà chăm chỉ làm ăn và phải thương yêu đùm bọc nhau để mẹ lên núi ít ngày hái thuốc. Dặn con cháu xong, mẹ đi lên núi Nỏ, gặp một khe đá, mẹ đi ngược theo triền đá. Khi mặt trời lên thì mẹ cũng vừa thấm mệt, bỗng mẹ nghe thấy có những tiếng cười khúc khích. Hoá ra đó là tiếng cười của các tiên nữ được Ngọc Hoàng sai mang xiêm váy xuống đón mẹ về trời. Một tiên đã nữ quỳ lạy trước mẹ thưa rằng: chúng con tuân lệnh Ngọc Hoàng về đây đón mẹ. Mời mẹ xuống ao tắm và thay váy áo để về trời cho kịp. 

Nói rồi, các tiên nữ đã đem áo váy từ trời xuống cho mẹ tắm và thay. Dòng nước mẹ Âu Cơ tắm chảy xuống chân núi, tạo thành một con suối. Người đời sau gọi đó là Ao Trời - Suối Tiên (thắng cảnh này ở Quân Khê, Hạ Hòa). Sau khi thay xiêm áo xong, mẹ Âu Cơ giữ lại dải lụa đào và ngước nhìn về phía chân núi xa xa. Nơi đó mẹ đã nuôi dạy cháu con gây dựng làng xóm và gắn bó cả cuộc đời. Khi theo các tiên nữ bay về trời, mẹ Âu Cơ cố tình bay lượn thật thấp để nhìn thấy cháu con và nơi ở lần cuối. Bất thần, mẹ thả dải khăn đào xuống như thể để lại tình thương yêu cho con cháu. Lúc bấy giờ các con cháu của mẹ đang vui chơi, bỗng thấy trời tối sầm, bão tố nổi lên. Rồi một dải lụa đào bay lượn trên không, bay mãi rồi từ từ rơi xuống ôm lấy cả ngôi nhà và đàn cháu con đang nhảy múa. Lúc này ai cũng hiểu: mẹ đã về trời. Đàn con thương nhớ đã thắp nhang cầu nguyện cho mẹ rồi họ gập dải khăn của mẹ đặt lên bàn thờ. Tại đây, con cháu đã dựng đền thờ mẹ (Hiền Lương, Hạ Hoà) để đời đời hương khói. Từ đó đến nay, dân trong vùng cứ đến ngày  mùng bảy tháng giêng lại tế lễ linh đình để tưởng nhớ Mẹ (lễ hội bắt đầu từ ngày mùng năm tháng giêng nhưng lễ chính được tổ chức trong ngày “tiên giáng” mùng bảy), ngoài ra trong năm còn có các ngày lễ khác như ngày mười hai tháng ba, mười ba tháng tám, ngày “tiên thăng” hai mươi nhăm tháng chạp. Và lễ hội Hiền Lương bây giờ cũng là một trọng lễ trong vùng. Đây là lễ hội mở đầu cho các lễ hội trên quê hương đất Tổ, đặc biệt là giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng. Tưởng nhớ mẹ Âu cơ, khi tổ chức lễ hội ở Hiền Lương bao giờ người ta cũng đem dải lụa đào trải trên ngọn cây đa cổ thụ tại đền và dâng những thứ bánh khi xưa mẹ dạy dân làm (người ta làm bánh bằng bột gạo nếp thơm và mật ngon, nhào kỹ rồi lăn thành hình tròn, sau đó cắt thành từng đoạn như đốt tre và được hấp chín. Họ dâng một trăm cầu bánh ngọt và lễ vật tượng trưng cho một trăm người con dâng lên mẹ Âu Cơ trong ngày lễ hội) để ghi nhớ công ơn cao dầy của đức mẹ. 

Theo nghi lễ truyền thống, vào sáng sớm ngày mùng bảy tháng giêng, lễ hội đền Mẫu được mở đầu bằng lễ tế Thành Hoàng ở đình do đội tế toàn nam giới đảm nhiệm. Đến giờ Thìn (từ 7 đến 9 giờ), có tám cô gái mặc đồng phục rước một cỗ kiệu bát cống sơn son thiếp vàng theo nhịp trống đi từ đình Đức Ông vào đền mẫu Âu Cơ. Dẫn đầu đoàn nghi lễ là những người rước cờ thần, tiếp theo là phường Bát âm (chỉ dùng đàn, sáo, nhị, trống, phách...), rồi đến những kiệu lễ vật dâng mẫu (gồm cỗ chay, bánh mật, ngũ quả, tiền giấy ngũ sắc ...) và kiệu bát cống, cuối cùng là đoàn người gồm những vị chức sắc mặc áo dài khăn xếp và người đi trẩy hội. Khi vào đến đền, việc tế lễ lại do đội tế nữ (gồm 12 cô gái thanh tân có nhan sắc, học vấn, mặc áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt dây lưng lụa, riêng chủ tế mặc trang phục hoàn toàn mầu đỏ) đảm nhiệm. Sau khi đội tế nữ thực hiện xong các nghi thức tế lễ thì chuyển sang phần hội với các trò chơi như đu tiên, cờ người, chọi gà ... được tổ chức ở ngoài sân đền. Lễ hội đền mẹ Âu Cơ rất đông vui, thu hút được nhiều người xem, chẳng thế mà ca dao vùng này vẫn thường nhắc nhở nhau rằng: “Mồng bảy trong tiết tháng giêng/ Dân Hiền (Hiền Lương) tế lễ, trống chiêng vang trời/ Anh em Bách Việt ta ơi/ Ngày xuân thong thả tới nơi xem tường/ Đây ngày hội tế Mẫu vương/ Người sinh ra Tổ Hùng Vương nước nhà”.

Đền mẫu Âu Cơ và lễ hội thờ mẫu Âu Cơ với những giá trị lịch sử văn hóa to lớn như vậy nên đã được nhà nước ghi nhận và bảo tồn. Đền thờ mẫu Âu Cơ được Bộ Văn hóa - Thông Tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia (năm 1991) và "Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ" cũng đã được vinh danh và công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (tháng 1 năm 2017).



Đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương

Trải qua thời gian những “sự thật lịch sử” đã được nhân dân các thế hệ không ngừng “thơ và mộng”, lớp bụi thời gian cứ dày mãi tạo thành những trầm tích. Ngày nay giải mã được những trầm tích ấy ta sẽ thấy được những vấn đề về đời sống của xã hội cũng như tâm tư tình cảm của nhân dân được gửi gắm, kí thác vào những tín hiệu giống như những mật mã đó. Trở lại với những huyền thoại về mẹ Âu Cơ trên đất Hiền Lương, bóc bỏ ánh hào quang được nhân dân “thơ và mộng” kia đi thì những huyền thoại ấy ngoài việc để giải thích một số địa danh (núi Ông, ao Trời, suối Tiên...) hay lý giải về các lễ hèm (trải dải lụa đào trên ngọn cây đa cổ thụ, dâng bánh mật...) chúng ta còn nhận ra một số vấn đề về đời sống xã hội của cư dân nơi đây từ thủa lập quốc. Câu chuyện mẹ Âu Cơ dạy dân trồng lúa, trồng mía và làm các loại bánh thực chất là phản ánh quá trình con người bắt đầu chuyển từ săn bắn hái lượm sang thuần hoá lúa hoang và biết dùng lửa để chế biến lúa gạo thành các loại bánh. 

Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi thấy truyện cổ dân gian kể về đề tài cây lúa của các dân tộc Việt Nam, nhiều truyện có môtip "chế biến lúa thành các món ẩm thực"; môtip gồm có hai dạng: dạng thứ nhất, chế biến lúa thành các loại cơm/ xôi; dạng thứ hai, chế biến lúa thành các loại bánh (1). Đối chiếu với môtip này, truyền thuyết mẹ Âu Cơ dạy dân làm bánh ở Hiền Lương thuộc dạng thứ hai. Dạng này so với dạng thứ nhất thì ý nghĩa nghệ thuật và ý nghĩa thẩm mỹ cao hơn. Nó không đơn giản là phản ánh quá trình con người biết cách chế biến lúa gạo thành cơm/ xôi để ăn nữa mà cao hơn là biết kết hợp các loại nông sản để chế biến thành các loại bánh nhằm thay đổi khẩu vị. Tìm hiểu sâu môtip chế biến lúa thành bánh chúng ta cũng sẽ thấy nó không đơn giản là sự phản ánh và lưu giữ quá trình chế tạo lúa thành các loại bánh mà ẩn chứa trong đó còn có bao điều khác nữa. Đó là những quan niệm về thế giới và con người của người xưa. Nhìn nhận vấn đề này, nếu xét ở góc độ “văn học nghệ thuật là bức tranh phản ánh đời sống” thì chúng ta thấy môtip này có chức năng như dạng thứ nhất. Nó phản ánh sự phát triển vượt bậc trong đời sống ẩm thực của người Việt Nam thời xưa. Lần thứ nhất là biết cách chế biến lúa thành cơm/ xôi thay cho việc “ăn sống nuốt tươi” của thời nguyên thuỷ; lần thứ hai là biết chế tạo lúa gạo (kết hợp với sản phẩm của các cây trồng khác) thành các thứ bánh. Và nếu xét dưới góc độ tư tưởng văn hoá thì cái bánh với người Việt Nam có khi không chỉ là món ẩm thực để thay đổi khẩu vị mà còn ẩn chứa trong đó biết bao điều thú vị về nhân sinh, trong  lịch sử ẩm thực của Việt Nam từng có nhiều loại bánh đã đi vào lịch sử văn hoá của dân tộc như vậy (bánh chưng, bánh giầy). Do đó, qua việc giải thích về một số loại bánh như truyền thuyết đã kể trên, ông cha chúng ta đã thể hiện những tư tưởng, triết lý của mình về thế giới và con người. Truyền thuyết Hùng Vương có kể về sự tích cái bánh ót rằng: nàng công chúa út của vua Hùng đã “nghe theo lời thần, đổ gạo nếp vào lá chít cuộn hình chóp rồi cho vào nồi nhen lửa luộc. Khi vớt ra những chiếc bánh xinh xinh nhọn đầu bốc khói trông chẳng khác ngọn núi xanh với những làn mây bạc vờn quanh”. Bánh ót vừa là bánh nhưng cũng là hình ảnh của quê hương, là bức tranh của núi non đất Tổ kỳ tú. Đặc biệt trong dạng thứ hai (môtip chế biến lúa thành bánh) chúng tôi rất chú ý đến truyện “Bánh chưng, bánh giầy”. Đây là hai loại bánh không thể thiếu được trong những ngày lễ tết, hội hè ở Việt Nam. Bánh chưng, bánh giầy là những sản phẩm của nghề nông được hoàng tử Lang Liêu làm ra theo lời thần mách bảo. Trong ngày lễ Tiên Vương nhìn những cặp bánh của Lang Liêu, Vua Hùng đã nói rằng: “Bánh hình tròn là tượng trời ta đặt tên là bánh giầy, bánh hình vuông là tượng đất, các thứ thịt mỡ, đậu xanh, lá dong là tượng cầm thú cây cỏ muôn loài ta đạt tên là bánh chưng”. Hình thức và ý nghĩa các vật làm nên  bánh chưng và bánh giầy chứa đựng biết bao điều sâu xa về xã hội, con người, tư tưởng nhân sinh. Giải mã được ý nghĩa của những cặp bánh chúng ta sẽ thấy được những bài học tư tưởng, triết lý sâu sắc của tổ tiên thời xưa. Hình thức vuông, tròn của bánh chưng và bánh giầy là biểu hiện quan niệm về vũ trụ của cha ông ta thời cổ đại. Đây chính là sự nhận thức về thế giới: trời hình tròn - đất hình vuông. Thần thoại Việt Nam cũng đã từng giải thích “Trời tròn như cái bát úp, đất vuông như cái mâm con”. Có thể nói quan niệm trời hình tròn đất hình vuông là nhận thức sai lầm khoa học. Nhưng với người xưa thì đây là một bước tiến vĩ đại xét về tư tưởng. Nó thể hiện khát vọng vươn lên khám phá và chiếm lĩnh thế giới tự nhiên của con người thời tiền sử. Hình thức vuông - tròn cũng là biểu hiện của triết lý âm dương. Cặp bánh chưng và cặp bánh giầy là một cặp vuông - tròn. Cặp vuông - tròn này vừa tượng trưng cho trời - đất vừa thể hiện ước mong âm dương hoà hợp để con người và muôn vật sinh sôi phát triển. Muôn vật trong chiếc bánh chưng và chiếc lá dong gói bên ngoài là cả một mô hình, một quan niệm về một xã hội nông nghiệp tự cấp tự túc khép kín cùng với những khát vọng về sự phồn thực của cha ông thời cổ đại. Bánh ót, bánh chưng, bánh giầy hay bánh mật là những thứ bánh do khối óc và đôi bàn tay lao động của con người làm ra nhưng khi đi vào các truyện kể dân gian lại được kì diệu hoá bằng một nguồn gốc cao quý (bánh do thần linh dạy bảo). Người xưa kể như vậy là để đề cao những thứ bánh quý của dân tộc. Mặt khác chúng ta thấy các loại bánh này được chế biến từ lúa gạo mà thành cho nên việc đề cao các loại bánh này còn thể hiện một tư tưởng tôn sùng lúa gạo của người xưa. Theo thời gian những thứ bánh này đã đi vào đời sống văn hoá của dân tộc, đi vào tâm thức của mọi người dân đất Việt trở thành một trong những “linh hồn” của văn hoá nước nhà.

Ngoài ra môtip chế tạo lúa gạo thành các loại bánh kể trên, truyền thuyết mẹ Âu Cơ ở đây còn có môtip mẹ Âu Cơ bay về trời theo lệnh của Ngọc Hoàng. Có thể nói đây là môtip thường thấy trong các truyền thuyết dân gian. Môtip này một mặt vừa có ý nghĩa thiêng hoá nhân vật mình tôn sùng, làm cho mẹ Âu Cơ trở thành bất tử, mặt khác nó cũng phản ánh thái độ tình cảm trân trọng yêu quí của nhân dân lao động đối với bà mẹ vĩ đại của người Việt Nam. Đây chính là cách nghĩ, cách làm của thể loại truyền thuyết. Với hình thức này hình ảnh và công đức của mẹ Âu Cơ sẽ sống mãi trong tâm thức các thế hệ muôn dân đất Việt.

Có thể nói, đền thờ và lễ hội mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương và những truyền thuyết về mẹ trên vùng đất này không chỉ thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của con dân đất Việt với tổ tiên sinh thành mà ẩn chứa trong đó còn biết bao giá trị văn hoá, lịch sử. Những tầng lớp ý nghĩa văn hóa lịch sử này đã bị lớp bụi thời gian che mờ. Ngày nay để hiểu đầy đủ về những giá trị ấy, để thấy được bức tranh sinh động của những buổi đầu dựng nước trên vùng đất này chúng ta cần phải giải mã những tín hiệu đã được “thơ và mộng” bởi “sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian”. Có lẽ hơn ai hết, đương thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người đã nhìn nhận ra vấn đề này một cách rất sâu sắc. Trong một bài viết đăng trên báo Nhân Dân ông đã chỉ ra rằng: “Những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hóa, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng, chắp đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian làm nên những tác phẩm văn hóa mà đời đời con người ưa thích” (2). Có lẽ đây cũng là kim chỉ nam cho những ai muốn hiểu và biết về truyền thuyết và lễ hội lịch sử của dân tộc.  

Chú thích: 


1. Phan Ngọc Anh, “Truyện kể dân gian Việt Nam về đề cây lúa và tín ngưỡng thờ lúa vùng đất Tổ”, Luận văn Thạc sỹ, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội.

2. Phạm Văn Đồng, “Nhân ngày giỗ tổ vua Hùng”, Báo Nhân Dân số ra ngày 29 tháng 4 năm 1969.
 
Phan Ngọc Anh - Đào Thị Thu Hiền

Bạn đang đọc bài viết "Đền thờ Quốc Mẫu và những truyền thuyết về mẹ Âu Cơ " tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.