Đền Đức Ông, thị trấn Tứ Trưng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) được công nhận di tích lịch sử Quốc gia

25/03/2024 11:32

Theo dõi trên

Sáng 24/3 huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng di tích Quốc gia đối với đền Đức Ông, thị trấn Tứ Trưng. Đền được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia - di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 29/12/2023.

img-4964-1711260929-1711341028.jpeg
Ông Trần Đình Thành (thứ 2 từ bên phải) - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch trao Bằng di tích Quốc gia đền Đức Ông cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường.

Về di tích đền Đức Ông thuộc địa giới hành chính của thôn Văn Trưng xưa, nay thuộc đất khu 5 thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường. Đây là ngôi đền chung của 3 làng cổ: Thế Trưng, Văn Trưng và Vĩnh Trưng thờ vị Thành hoàng Đông Kinh Phán Quan Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần, húy là Nguyễn Văn Nhượng có công lao đánh giặc Ai Lao và thờ vọng Công chúa của nước Chiêm Thành.

Theo các thư tịch cổ, đền Đức Ông tiền thân là lăng Đức Ông cùng với lăng Bảo Trưng (xã Phú Đa) được xây dựng từ sau khi danh tướng Nguyễn Văn Nhượng mất, tức là vào thời Lý (thế kỷ 11), cách ngày nay hơn 1000 năm. Lăng Đức Ông xưa kia xây to đẹp, đến thời Lê Trung hưng (cuối thế kỷ 18) thì bị tàn phá nặng nề, chỉ còn giữ được các đạo sắc phong và một số xà cột bằng gỗ. Nhân dân Tứ Trưng góp công góp của dời về vị trí hiện nay để xây dựng đền thờ, từ đó gọi là đền Đức Ông. Đến thời Nguyễn, đền được trùng tu, tôn tạo. Dấu vết còn lại hiện nay là các bẩy hiên ở hậu cung được chạm khắc hình lá rất tinh xảo.

Năm 1963, nhân dân phá dỡ tòa tiền tế của đền để lấy vật liệu làm kho tập thể, trường học... Khoảng năm 1990 - 1991, địa phương cho xây dựng lại tòa tiền tế trên nền cũ nhưng làm theo kiểu tường hồi bít đốc, quá giang gối tường, mái lợp ngói Sông Cầu. Những năm sau đó, đền được tôn tạo khuôn viên, xây cổng, lát sân... Ngôi đền Đức Ông hiện nay được xây dựng cuối thế kỷ 18; tu sửa vào giai đoạn đầu thế kỷ 20, tôn tạo tiền tế cuối thế kỷ 20 và tiếp tục tu sửa hậu cung, thay thế một số cấu kiện kiến trúc bị hỏng vào đầu thế kỷ 21.

Về sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tiệc chính của đêm diễn ra hàng năm vào  mùng 6 - mùng 7 tháng Giêng: Ngày giỗ Đức Ông (lễ hội khai xuân - hội Rưng,); Tiệc ngày 23 tháng Tám: Tiệc hát nhà trò; Tiệc ngày 21 tháng Mười Một: Tiệc bánh dày.

img-4912-1711246646-1711341063.jpeg
Đền Đức Ông ở thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường là ngôi đền cổ, được xây dựng với nhiều kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc dân gian đặc sắc. Ảnh: Kim Ly

Đền Đức Ông hiện có hai tòa kiến trúc, song, chỉ có hậu cung còn giữ được nhiều yếu tố kiến trúc gốc thời Lê. Chính vì vậy, nghệ thuật chạm trổ ở đây được thể hiện trên hầu hết các cấu kiện gỗ, từ ngoài cửa vào bên trong hậu cung như: Ván nong, cốn mê, cốn nách, đầu bẩy, đều được đục bong, chạm thủng hay chạm nổi đề tài rồng phượng, kim nghê, vân mây, hoa lá, chim muông… vừa phong phú, sinh động lại vừa tinh tế, đặc sắc. Tiêu biểu nhất là chạm trổ ở ba vì kiến trúc và cửa khám thờ hậu cung. Có thể khẳng định, chạm trổ của đền Đức Ông chủ yếu là đề tài rồng và với tư duy phong phú kết hợp với trình độ nghệ thuật chạm khắc trên gỗ điêu luyện.

Đền Đức Ông hiện còn lưu giữ hệ thống di vật phong phú như: Ngai, mâm xà, mâm ấu, bát hương, viên đá thờ, án gian, bộ bát bửu, hoành phi, chó đá, phù điêu hình rồng... có niên đại từ khoảng thế kỷ 17 đến thế kỷ 20. Tuy nhiên, các di vật có giá trị hơn cả là: 13 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến, trong đó sắc phong có niên đại sớm nhất là Cảnh Hưng nguyên niên (năm 1742); 03 cuốn tài liệu viết bằng chữ Hán nói về vị thần được thờ ở đền Đức Ông (niên đại thế kỷ 17 - 19); 01 chóe độc long (thế kỷ 19); 01 hòm sắc (thế kỷ 1),... Các cổ vật này hiện đang được lưu giữ, bảo quản nghiêm cẩn.

Tiến Dũng
Bạn đang đọc bài viết "Đền Đức Ông, thị trấn Tứ Trưng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) được công nhận di tích lịch sử Quốc gia" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.