Đền Cả, di tích văn hóa Quốc gia cần được tu bổ, tôn tạo

26/08/2017 16:37

Theo dõi trên

Đối với người dân Ích Hậu (Lộc Hà, Hà Tĩnh), Đền Cả được xem là nhân chứng từng ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử nước nhà, là nơi tụ họp, sinh hoạt của các chiến sĩ yêu nước. Với những giá trị văn hóa, lịch sử, di tích Đền Cả đã được xếp hạng là di tích văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1992. Trải qua bao thăng trầm biến động của thời gian, đến nay Đền đã bị xuống cấp nghiêm trọng.



Lối vào Đền Cả

Đền Cả được xây dựng vào năm 1475 thờ 3 vị Lý Nhật Quang (hoàng tử thứ 8 của vua Lý Thái Tổ) và hai vương hầu là Lý Đạo Thành và Lý Thái Giai, đã có công hướng dẫn nhân dân vùng Tây Nam Hồng Lĩnh khai lập nên một số làng trong đó có làng Kẻ Ngật thuộc xã Ích Hậu. Về sau Đền còn thờ thêm hai vị công thần là Trần Công Khải và Trần Khánh Dư. Ngôi Đền với lối kiến trúc chạm trổ tinh vi, thể hiện sự phát triển sớm về văn hóa tâm linh nơi đây.

Theo các bậc cao niên trong làng, hàng năm tại Đền Cả diễn ra khá nhiều lễ như Khai hạ (đầu năm), sắp ấn (cuối năm) và đặc biệt là lễ Xuân Điển nhằm tưởng nhớ thần Tam Lang có công giúp quân Đại Việt đánh thắng giặc ngoại xâm. Ba năm một lần làng có tổ chức bơi thuyền rồng, rước thần trên kênh trước Đền.
 


Ngôi Đền ẩn mình trong những cây cổ thụ

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và đời sống xã hội, ngày nay không chỉ riêng các lễ hội diễn ra ở Đền mà ngày rằm, mồng 1 cũng thu hút hàng trăm lượt du khách thập phương dến thắp hương, dâng lễ cầu bình an. Với những giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo, năm 1992, Đền Cả đã được vinh dự đón nhận danh hiệu Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Tuy nhiên trải qua bao thăng trầm biến động của thời gian, đến nay Đền đã bị hư hỏng và xuống cấp trầm trọng.
 


Trong Đền Cả...



... những khúc gỗ được chống tạm bợ...



... bức tường bong tróc và có nguy cơ sập bất cứ một lúc nào.

Phóng viên Phương Nam Plus đã theo chân cụ Thắng – một trong những người quản lý, bảo vệ ở đây một vòng quanh ngôi Đền. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt đó là cảnh tượng bên trái Đền cây khô chất đống, bên phải là vàng mã đốt kèm với túi bóng còn chưa cháy hết trông khá nhếch nhác. Bên trong Đền, cột chống và các thanh xà trên mái bị mối mọt ăn chạy thành từng hàng dài. Có những cây cột bị mục nát và sập, các cụ quản lý Đền và dân làng lại phải kiếm thanh gỗ khác thay thế, cống đỡ tạm. Mái ngói ngôi Đền chính đã bị thủng nhiều lỗ, bức tường lâu năm đã bị bong tróc, sập lúc nào chẳng hay. Sân Đền, ghế đá đều bị vỡ vụn do đã dùng quá lâu.

Cụ Thắng cho biết, do nằm trên địa hình bao quanh là cây cối, trước mặt là đồng ruộng bao phủ nên nhưng lúc mưa bão, Đền đều phải hứng chịu thiệt hại do thiên nhiên gây ra. Khi được hỏi về vấn đề trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử Đền Cả thì cụ Thắng còn cho biết thêm, với những tác động hư hại của thời gian, thiên nhiên thì chính quyền và nhân dân xã nhà cũng đã bày tỏ nguyện vọng tu sửa lại ngôi Đền để xứng tầm với giá trị lịch sử. Tuy nhiên, vấn đề này đang được Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Tĩnh xem xét, rà soát để hỗ trợ di tích bị xuống cấp.

Trong tiềm thức của người dân xã Ích Hậu nói riêng và huyện Lộc Hà nói chung, thì từ bao đời Đền Cả đã là một biểu tượng cao quý và thiêng liêng đáng tự hào. Nỗi niềm trăn trở của chính quyền và nhân dân nơi đây là mong muốn được thấy một Đền Cả xứng tầm với giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
 
Diệp Thuần

Bạn đang đọc bài viết "Đền Cả, di tích văn hóa Quốc gia cần được tu bổ, tôn tạo" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.