Để phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa

09/09/2017 16:03

Theo dõi trên

Từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đạm đà bản sắc dân tộc”, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được xem là một nhiệm vụ chiến lược. Tuy nhiên, có những dự án bảo tồn di sản văn hóa thực sự để phát triển du lịch, nhưng cũng có những dự án gắn với phát triển du lịch chỉ là hình thức. Mục đích phát triển du lịch đã làm cho nhiều di tích, di sản bị biến dạng do bàn tay con người. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Nghệ An mà trong phạm vi cả nước.



Du khách ngỡ ngàng trước Khu di tích Kim Liên được “làm mới”

Tiềm năng chưa được “đánh thức”

Nghệ An là một tỉnh có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch văn hóa. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng hơn 1000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có gần 150 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng. Nhiều di tích được xếp hạng Quốc gia đặc biệt như: Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn – quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; di tích lịch sử Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh… Đây còn là một tỉnh có nền văn hóa dân gian phong phú và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc như các điệu hát dân ca, ví, dặm, hát phường vải, hò, vè, các lễ hội văn hóa truyền thống. Là địa bàn có 6 dân tộc anh em cùng chung sống là Kinh, Thái, Khơ Mú, Thổ, Mông và Ơ Đu đã để lại nhiều sản phẩm văn hóa dân tộc đặc sắc tại vùng miền Tây Nghệ An.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế việc khai thác tài nguyên du lịch văn hóa ở Nghệ An đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đạt hiệu quả. Bởi lẽ, vấn đề khai thác tài nguyên văn hóa phục vụ cho chiến lược phát triển du lịch của tỉnh còn hạn chế, quy mô nhỏ, lẻ, chưa có chiều sâu, dẫn đến số điểm du lịch văn hóa thu hút khách du lịch quốc tế đến tham quan còn chưa nhiều. Phần lớn các di tích lịch sử mới chỉ để phục vụ nhu cầu người dân địa phương đến dâng hương, dâng hoa vào các ngày lễ, ngày hội, hay phục vụ các hoạt động giáo dục tuyên truyền cho lớp trẻ. Bên cạnh đó, những giá trị văn hóa phi vật thể như kho tàng văn học, khúc hát dân ca, các làng nghề truyền thống, những nét đẹp trong bản sắc văn hóa của các dân tộc ít người đã đưa vào khai thác nhưng chưa có chiều sâu và sức hút đối với khách du lịch…

Có rất nhiều nguyên nhân đẫn đến tiềm năng du lịch văn hóa ở Nghệ An vẫn chưa được khai thác hiệu quả, trong đó có nguyên nhân nội tại từ phía các đơn vị lữ hành và doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 50 doanh nghiệp lữ hành chủ yếu mới khai thác được thị trường khách nội địa và khách Nghệ An đi nước ngoài (Outbound), còn việc khai thác khách nước ngoài vào Nghệ An (Inbound) vẫn chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn.
 


Khu bán hàng trước đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An)

Tăng cường phát triển du lịch có bảo tồn được di sản văn hóa?

Trước tiên phải khẳng định rằng, bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch là một hướng đi đúng nhằm khai thác giá trị di sản góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng phải công nhận rằng hướng đi này có những yêu cầu hoàn toàn khác nhau. Một bên là yêu cầu phải giữ nguyên giá trị gốc, giữ nguyên hiện trạng khi bảo tồn, tôn tạo, tránh hiện tượng làm biến dạng, “làm mới” từ nhiều góc độ. Do những yêu cầu khắt khe đó nên việc bảo tồn di sản văn hóa không thể sinh ra lợi nhuận, càng không chạy theo lợi nhuận. Nhưng một bên là ngành công nghiệp không khói, yêu cầu bắt buộc đối với phát triển du lịch là phải tạo ra lợi nhuận ngày càng cao. Như vậy, xét từ góc độ kinh tế thì rõ ràng bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch có sự mâu thuẫn với nhau.

Vậy nhưng, vấn đề dường như có sự mâu thuẫn này lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Những di sản văn hóa độc đáo có sức thu hút lớn đối với du khách là cơ sở để ngành du lịch tạo nguồn thu. Du lịch văn hóa là hành trình đưa du khách tìm về cội nguồn của chính mình để sống nhân văn hơn, hoàn thiện hơn. Nguồn thu từ hoạt động này hoàn toàn chính đáng nếu di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy tốt hơn, lan tỏa trong cộng đồng nhờ hoạt động du lịch. 

Thực tế cho thấy, các dự án bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, vì mục đích lợi nhuận người ta đã đảo ngược giá trị, lấy kinh doanh du lịch làm mục đích hàng đầu. Kéo theo đó là những chuyện đáng buồn xảy ra bất chấp phản ứng của dư luận. Những công trình dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, cầu vượt, cáp treo… ngang nhiên mọc lên lấn át cả di tích. Những con đường, bãi đậu xe được bê tông hóa bao vây các di tích làm mất cả không gian văn hóa. Nhiều quán ăn, nhà hàng, nơi gửi xe mọc lên “chặt chém” du khách. Hoạt động hành nghề mê tín dị đoan, bán hàng rong, hành khất… Điển hình như vụ việc “làm mới” dẫn đến “ làm mất” đền Cuông ở Nghệ An; khu di tích lịch sử Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) – quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng bị “làm mới”, làm cho du khách cảm thấy tiếc nuối khi về thăm, “chặt chém” du khách Đền Ông Hoàng Mười…

Di sản văn hóa là vô giá, mất đi là không bao giờ có lại. Còn các dịch vụ dù hiện đại đến đâu cũng chỉ tính bằng tiền, có thể phá đi làm lại dễ dàng. Hấp dẫn du khách là di sản văn hóa chứ không phải các công trình dịch vụ. Vì vậy, đề phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa, trước tiên, các nhà lãnh đạo, nhà quản lý và những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải minh định rạch ròi giá trị di sản văn hóa với giá trị các công trình dịch vụ. Phát triển du lịch có bảo tồn được di sản văn hóa hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhìn văn hóa của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý và những người làm du lịch. Có tầm nhìn văn hóa thì kho tàng di sản sẽ là cơ sở thuận lợi để phát triển du lịch bền vững. Ngược lại, phát triển du lịch chỉ là “ăn xổi ở thì” không tránh khỏi phá hoại di sản.
 
Minh Thụ

Bạn đang đọc bài viết "Để phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.