Đất hát Cổ Đạm vắng tiếng ả đào

14/09/2017 23:18

Theo dõi trên

Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, Ca trù Cổ Đạm (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) đã lay thức biết bao tâm hồn người nghe. Những điển tích, điển cố, những giá trị của nguồn “tài nguyên” vô giá này đã làm phong phú thêm kho tàng văn hóa đạm đà của dải đất miền Trung – mảnh đất “gánh hai đầu đất nước”. Thế nhưng, ít ai biết được rằng “kho báu” nghệ thuật ấy đang dần mai một theo thời gian.



Giáo sư Vũ Khiêu nghe nghệ nhân Dương Thị Xanh biểu diễn ca trù ở đình Nguyễn Công Trứ

Những trang sử nơi đất tổ ca trù

Theo “Đại Nam sử ký”, ca trù hay còn gọi là hát ả đào xuất hiện từ thế kỷ 16, đất tổ ca trù là ở Cổ Đạm (Xuân Hoa, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã có cách đây hơn bốn ngàn năm. Tương truyền, tổ sư ca trù là vợ chồng Đinh Lễ và Bạch Hoa ở Tổng Cổ Đạm. Ông được hai vị tiên cho khúc gỗ và mẫu vẽ cây đàn đáy, dựa vào mẫu đó, Đinh Lễ đã đẽo thành cây đàn. Tiếng đàn đánh lên hay đến nỗi chim cá cũng phải ngẩn ngơ lắng nghe. Ông có vợ là nàng Bạch Hoa, con gái quan tri châu ở Thanh Hóa. Nàng vốn bị câm, nhưng sau khi nghe tiếng đàn bỗng biết nói và biết hát. Hai vợ chồng về Cổ Đạm lập nghiệp, chồng dạy đàn, vợ dạy hát, đệ tử rất đông. Sau đó, Đinh Lễ được tiên ông đưa về trời, hóa thành con chim xanh, phong là Thanh Xà đại vương. Bạch Hoa mất biến thành cây đào đỏ, phong là Mãn Đào Hoa công chúa. Nhân dân lập đền thờ hai vợ chồng, lấy ngày 11 tháng Chạp hàng năm làm ngày giỗ.

Ở làng Cổ Đạm từ xa xưa đã hình thành các giáo phường hát ca trù gọi là giáo phường ty Cổ Đạm. Vào thế kỷ 17, ca trù ở đây rất thịnh hành, và đến cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, với sự đóng góp to lớn của Nguyễn Công Trứ mà ca trù ở Nghi Xuân trở nên nổi tiếng trong thiên hạ. Những ngày mở hội ca trù, tế tổ đào nương, giai nhân tài tử các nơi đua nhau về Cổ Đạm thi tiếng đàn, tiếng hát, cảnh tưng bừng, nhộn nhịp không thua kém gì ở Thăng Long.

Ở Cổ Đạm, ca trù thường được hát nhanh, tiết tấu rõ hơn, không luyến láy ngừng nghỉ nhiều như ở các vùng miền khác. Cách đệm đàn, trống, phách cũng có những nét rất riêng biệt. Phách ở đây đánh chìm, đánh lửng trong khi phách ở nơi khác đánh nổ, đánh giòn và ngắn gọn hơn. Cũng chính vì thế mà Đào ở vùng nào thì Kép đàn ở vùng đó thì mới có thể hát được.

Ca trù là tiếng nói ân tình, đậm đà bản sắc dân tộc, dễ gần với mọi tầng lớp nhân dân. Tiếng hát có nội dung trong sách vở ngàn xưa, có danh ngôn của các nhà hiền triết; ca tụng những tấm gương sáng, anh hùng quên mình hy sinh cho đất nước; những người con hiếu thảo, những đấng sinh thành mẫu mực; có tiếng ru nhẹ nhàng của mẹ, có lời răn dạy của cha… Lúc đất nước yên bình thì tiếng hát ca ngợi cuộc sống thái bình, thịnh trị. Khi đất nước gặp cơn binh lửa thì ca trù lại làm con thuyền chở tải ý chí của các anh hùng đứng lên cứu nước và kêu gọi trăm họ tiếp bước ra chiến trường. Tất cả đều hòa quyện trong âm hưởng ca trù, chính vì vậy mà nó được ví như là “chiếc thuyền con chở đạo lý”.

Điều lấy làm day dứt là những năm trở lại đây, mặc dù ca trù vẫn chiếm giữ một vị trí nhất định trong lòng người dân Cổ Đạm, song có không ít những lý do bất khả kháng mà nó đang dần phai nhạt trên chính mảnh đất mà nó được sinh ra…
 


Đất Cổ Đạm ngày càng vắng tiếng ả đào

Vắng hẳn tiếng ca trù

Năm 2009, ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần đươc bảo vệ khẩn cấp. Đã 8 năm kể từ khi ca trù được vinh danh nhưng đề án bảo vệ di sản này cũng như những nghị định, thông tư, chế độ ưu đãi cho những người cống hiến cho ca trù vẫn đang nằm ở dạng bàn bạc, đề xuất. Nếu như CLB ca trù Thăng Long có sân khấu biểu diễn và khán giả thường xuyên thì 15 tỉnh còn lại đều không có được điều kiện ấy.

Hiện nay, ở Cổ Đạm, hầu như đã vắng hẳn tiếng ca trù. Trong làng chỉ còn vợ chồng chị Xanh – anh Đài và một số ca nương của CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ là còn say mê hát và thường xuyên tham gia biểu diễn ở các sân khấu lớn nhỏ, các sự kiện của tỉnh và huyện Nghi Xuân. Tuy nhiên, số tiền thù lao mà họ được trả cho mỗi buổi biểu diễn cũng không đủ sức hấp dẫn để thế hệ trẻ có động lực kế tục sự nghiệp. Ca trù vốn dĩ hàn lâm, nay càng cách xa hơn với sinh hoạt văn hóa của nhân dân.

Nhắc đến thực trạng Ca trù Cổ Đạm hiện nay, Chủ nhiệm CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ thẳng thắn chia sẻ: “Ca trù Cổ Đạm đang ngày càng phai nhạt dần đi, cũng do ca trù rất kén người nghe, mà thế hệ trẻ bây giờ không mặn mà với ca trù nữa. CLB từ lúc mới thành lập có hơn 40 thành viên nhưng giờ đã nghỉ gần hết với lý do đi làm ăn xa, đi học, đi lấy chồng… Nhà nước, từ cấp bộ, cấp địa phương cần phải quan tâm, đầu tư cho chính đáng. Các nghệ nhân cần được quan tâm nhiều hơn và sự chung tay của cả cộng đồng. Nếu không e rằng một ngày nào đó ca trù sẽ không còn nữa…”.

Mong muốn được phục dựng lại loại hình nghệ thuật đặc sắc mà cha ông đã để lại đang là nỗi ao ước của không chỉ riêng mỗi người nghệ nhân mà còn là của cả cộng đồng. Đề án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Ca trù Cổ Đạm – Nghi Xuân (giai đoạn 2013 - 20120) đã và đang được xây dựng khá công phu, đề xuất và thực hiện nhiều giải pháp, nhưng đến nay vẫn chưa thấy chuyển biến gì đáng kể so với mục tiêu đã đề ra. Phải chăng tất cả chỉ là trên lý thuyết?.

Và phải chăng nếu chú trọng về lượng, mà ít quan tâm về chất, không đầu tư kịp thời để bảo tồn, truyền dạy những bài bản, thế cách, lề lối ca trù thì nguy cơ loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp bậc cao thành một thứ ca múa nhạc văn nghệ quần chúng là điều có thể nhìn thấy. Và “cái nghèo” đeo đẳng khiến ca trù Cổ Đạm thời điểm này ngày càng vắng những làn điệu “ứ hự” mượt mà.

Minh Thụ

Bạn đang đọc bài viết "Đất hát Cổ Đạm vắng tiếng ả đào" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.