Đào Tấn xứng đáng được tôn vinh danh nhân văn hóa thế giới

19/09/2017 17:11

Theo dõi trên

Lễ kỷ niệm 110 năm ngày mất của danh nhân văn hóa Đào Tấn (1907 - 2017) tại Nhà hát Hồng Hà - Hà Nội, các ý kiến cho rằng, với những gì cống hiến cho văn hóa – nghệ thuật dân tộc nói chung, nghệ thuật Tuồng nói riêng, cũng như tấm lòng thương yêu hết lòng vì dân của một vị quan, Đào Tấn xứng đáng được được tôn vinh danh nhân văn hóa thế giới.

Nhà soạn Tuồng kiệt suất
 
 
Danh nhân văn hóa dân tộc Đào Tấn (1845 – 1907).

Sáng 19/9, tại nhà hát Hồng Hà (59 Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể 110 năm ngày mất của danh nhân văn hóa Đào Tấn.
 
 
Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam 

Tại buổi lễ, Giáo sư Hoàng Chương – Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam, nêu rõ: Nhân 172 năm sinh (1845), 110 năm (1907) danh nhân văn hóa Đào Tấn. Chúng ta một lần nữa nêu bật những cống hiến lớn lao của nghệ sĩ vĩ đại Đào Tấn. Đào Tấn sinh năm 1845 tại làng Vinh Thạnh, huyện Tuy Phước, Bình Định, nơi đây nay đã được xây đền thờ Đào Tấn rộng khoảng 3 ha, đã khánh thành nhân kỷ niệm 170 năm ngày sinh của ông (1845 - 2015).

Mặc dù người đời đã ca ngợi Đào Tấn, đã biết nhiều về Đào Tấn, nhưng sự nghiệp văn học nghệ thuật của Đào Tấn chỉ được phát huy sau năm 1975. Đào Tấn là nhà nho yêu nước, 30 năm làm quan, ba lần làm Tổng đốc, bốn lần làm Thượng thư, dốc lòng chăm lo dân và bảo vệ nền văn hóa dân tộc, là một tài năng lớn về nghệ thuật được người đời tôn vinh là hậu Tổ nghệ thuật Hát Bội (Tuồng). Từ năm 17 tuổi, Đào Tấn đã sáng tác Tuồng và làm thơ rất hay. 

Đào Tấn đã để lại cho dân tộc một di sản văn hóa đồ sộ, một khối lượng kịch bản Tuồng, vở diễn Tuồng và văn, thơ cũng như lý luận về sân khấu khó ai bì kịp. Vua Tự Đức đánh giá Đào Tấn có “bút pháp như thần”. Vua Thành Thái coi Đào Tấn là bậc thầy. Ngoài sáng tạo nghệ thuật, ông còn chăm lo đến đào tạo nghệ thuật, “Học Bộ Đình” là trường học do Đào Tấn mở ra ở thành phố Vinh (Nghệ An) – đây được coi là trường dạy nghệ thuật sân khấu đầu tiên ở nước ta từ thế kỷ 19. 

Từ thời trẻ, Đào Tấn đã viết các vở Tuồng nổi tiếng: Tân Dã Đồn, Đảng Khấu, Tam Bảo Thái Giám Thủ Bửu, vở Vạn Hữu Trình Tưởng dài 100 hồi và diễn 100 đêm liên tục. Trong thời gian làm quan, Đào Tấn viết hàng chục vở Tuồng nổi tiếng cùng hàng ngàn bài thơ và từ rất hay, cả nước đã diễn tuồng Đào Tấn. Sau này, Đào Tấn được Mịch Quang coi là nhà soạn Tuồng kiệt suất. 

Giáo sư Hoàng Chương cho rằng, chúng ta chưa nghiên cứu sâu về thi pháp nghệ thuật Đào Tấn. Còn nhiều vấn đề về thế giới quan và phương pháp sáng tác thi pháp, phong cách nghệ thuật Đào Tấn chưa được bàn sâu và giải quyết dứt điểm. Qua nhiều hội thảo, hội nghị, con người sự nghiệp và tư tưởng Đào Tấn ngày càng được sáng tỏ. Ông được đánh giá là danh nhân văn hóa dân tộc, là hậu Tổ nghệ thuật Tuồng. 

Cùng với việc nghiên cứu về Đào Tấn, những vở tuồng viết về Đào Tấn cũng được ra đời như “Thanh Gươm Hát Bội” của Mịch Quang, Hoàng Chương đạo diễn được nhà hát tuồng Khánh Hòa diễn rất thành công. Tiếp theo là vở “Hồn Tuồng” của Lê Duy Hạnh, Võ Sĩ Thừa đạo diễn, Nhà hát Tuồng Đào Tấn diễn, và vở “Giấc Mộng Hồ hoa” của Mịch Quang được Nhà hát Tuồng Khánh Hòa diễn.

Giáo sư Hoàng Chương đã nhắc lại, năm 2007, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất Đào Tấn, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội thảo “Đào Tấn con người và sự nghiệp”. Một lần nữa, con người và sự nghiệp Đào Tấn được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khẳng định. Tại hội thảo này, nhiều ý kiến cho rằng, Đào Tấn không chỉ là danh nhân văn hóa của dân tộc Việt Nam mà còn xứng đáng tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới. 

Giáo sư Hoàng Chương khẳng định, nhiều vở tuồng của Đào Tấn như Hộ Sanh Đàn, Trầm Hương Các, Quan Công hồi cổ thành, Khuê các anh hùng... đã được khai thác biểu diễn và quay thành phim nhựa, phim video, vừa để phục vụ cho công chúng rộng rãi, vừa phục vụ cho các nhà nghiên cứu và giảng dạy ở các trường nghệ thuật sân khấu trong cả nước. So với Đại thi hào Nguyễn Du, thì việc nghiên cứu Đào Tấn còn quá ít. Việc tiếp tục bào tổn và phát huy di sản Đào Tấn là cần thiết và cấp thiết để Đào Tấn không chỉ là hậu Tổ nghề Tuồng, là danh nhân văn hóa dân tộc Việt Nam, mà còn phải là danh nhân văn hóa thế giới. 
 

Nhà hoạt động văn hóa toàn tài 

Trong bài phát biểu, ông Vương Duy Biên (ảnh trên) – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch một lần nữa đánh giá Đào Tấn là một nhà hoạt động văn hóa toàn tài với một sự nghiệp trước tác phong phú, đồ sộ, ít người sánh kịp, không những trong lịch sử văn hóa nước ta mà còn trên thế giới. Được coi là hậu Tổ của nghệ thuật Tuồng, Đào Tấn đã sáng tác, chỉnh lý, cải biên, dàn dựng hàng trăm vở Tuồng; đưa nghệ thuật Tuồng lên những đỉnh cao chói lọi với những kiệt tác sân khấu như “Trầm hương các”, “Hộ sanh đàn”, “Diễn võ đình”... 

Ông cũng là tác giả của nhiều làn điệu độc đáo trong âm nhạc Tuồng, là tác giả tập sách lý luận sân khấu đầu tiên của nước ta mang tên “Hí trường tùy bút”. Ông còn sáng lập và chủ trì hoạt động của rạp hát “Như Thị Quan” ở Nghệ An. Trước hết, chúng ta cần tuyên truyền quảng bá sâu rộng hơn trong nước và ngoài nước về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Đào Tấn cũng như phổ biến có hiệu quả hơn các tác phẩm bất hủ của ông.

Ông Vương Duy Biên đề nghị các đơn vị nghệ thuật Tuồng cũng như các đơn vị sân khấu, các kịch chủng trên cả nước nên có kế hoạch tái tạo các kiệt tác của Đào Tấn theo cách mới phục vụ người xem hôm nay. Ông cũng mong muốn tỉnh Bình Định có kế hoạch phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam để phát huy tốt khu nhà thờ Đào Tấn ở quê hương Tuy Phước, Bình Định.

Bảo tồn và phát huy các di sản của danh nhân văn hóa Đào Tấn chắc chắn là một phần không thể thiếu trong sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng và nhân dân ta. Tên tuổi và sự nghiệp Đào Tấn sẽ tỏa sáng mãi cùng đất nước, cùng dân tộc.
 

Ông Lê Tiến Thọ (ảnh trên) - Chủ tịch Hội Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam với bài phát biểu đã đi sâu, cũng như có cái nhìn “thấu suốt” các tác phẩm của Đào Tấn ở nhiều khía cạnh. Qua đó, Đào Tấn đã có những đóng góp to lớn trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam nói chung, nền nghệ thuật sân khấu Tuồng nói riêng với những tác phẩm nghệ thuật bất hủ. Ông đã để lại cho đời hơn 1000 bài thơ – từ, khoảng 40 vở Tuồng kinh điển và những bài viết đúc kết thành lý luận sân khấu cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật khác. 

Những nhân vật trung tâm trong các vở Tuồng của Đào Tấn đã có sự lựa chọn theo suy nghĩ của cá nhân. Nhân vật nhận định chữ “trung” trong Nho giáo đã chuyển động theo “cái tôi”. Bố cục trong các tác phẩm của ông rất gọn gàng, phần lớn chỉ có một hồi. Trong mỗi vở, Đào Tấn đã tránh được phần giao đãi dài dòng như thường thấy ở Tuồng truyền thống. Nhân vật thường mang tính bi tráng, trữ tình. Nội tâm nhân vật được khai tác, miêu tả tinh tế, phong phú. 
 



Ngôn ngữ Tuồng của ông mượt mà, giàu hình tượng, khái quát, đậm chất ngôn ngữ bác học, mang nhạc điệu riêng của Tuồng, đặc biệt là sự vận dụng các thanh bằng trắc ở biền văn và thể lục bát. Ông cũng sử dụng các câu nói lối đa dạng, linh hoạt, bám sát đặc điểm hình tượng nhân vật. Đào Tấn là một trí thức uyên bác, làu thông thi khúc, giỏi âm nhạc, hiểu biết sâu sắc cuộc sống và dám phản ánh hiện thực cuộc sống bằng trí dũng, nghị lực của mình. Một lần nữa, ông Lê TiếnThọ khẳng định, Đào Tấn xứng đáng được tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới trong tương lai. 
 
Vũ Gia Hà - Thùy Linh

Bạn đang đọc bài viết "Đào Tấn xứng đáng được tôn vinh danh nhân văn hóa thế giới" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.