Theo đó, trên diện tích khai quật 100m2, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hai lớp di tích văn hóa riêng biệt: Lớp trên là lớp văn hóa Chămpa sớm, có niên đại khoảng thế kỷ II,III sau Công nguyên; Lớp dưới mang tính chất di chỉ xen mộ táng, thuộc giai đoạn văn hóa tiền Sa Huỳnh có niên đại cách đây 2500 đến 3000 năm.
Những hiện vật tìm thấy chủ yếu là vật dụng sinh hoạt làm bằng gốm, đá. Trong đó có 5 rìu đá còn nguyên vẹn. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn thu được cụm hiện vật gồm các đồng tiền xu (tiền âm dương) khả năng thuộc niên hiệu Nguyên Phong (đời Tống), muộn nhất là thời Hồng Vũ (Minh Thành Tổ) và các mảnh gốm sứ… Điều này cho thấy giai đoạn người Trung Quốc sang giao thương, làm ăn tại khu vực này vào thế kỷ 17 - 18.
Được biết, từ năm 2001, Đoàn nghiên cứu khảo cổ học gồm các cán bộ Khoa Lịch sử thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cùng cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng do GS. Trần Quốc Vượng dẫn đầu đã đến khảo sát và tiến hành khai quật một địa điểm trong vườn đình, kết quả đã cho thấy trên mảnh đất này cách ngày nay khoảng 3000 năm đã có con người sinh sống,
Lần khai quật thứ hai này nhắm xác định giá trị đã đạt được tại lần khai quật thứ nhất, xác định địa hình ban đầu trước khi người Sa huỳnh sinh sống đồng thời tìm hiểu về văn hóa của cư dân tại đây, đặc biệt tìm ra mối liên kết sự chuyển tiếp từ giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh lên Chămpa.
Từ nay đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ khai quật nhiều di tích khác trên địa bàn nhằm đánh giá lại diện mạo và xây dựng lại bản đồ di tích khảo cổ học, bảo vệ các di tích trước quá trình đô thị hóa.