Đó là sách của đồng nghiệp Vũ Quang Đồng, cựu Phó Tổng biên tập Báo Vĩnh Phúc, cựu chiến binh quê ở xã Đạo Đức (nay là thị trấn Đạo Đức), huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, từng là chiến sĩ đơn vị E14, D2, Lữ đoàn 305, Binh chủng Đặc công, Phân khu I, Bắc Sài Gòn - Gia Định. Có nhiều người là lính, là cựu chiến bịnh tham gia kháng chiến cứu nước, không phải ai cũng viết được tự truyện. Nói như vậy là để rất kính trọng, nể phục đồng nghiệp Vũ Quang Đồng.
“Cuốn theo cuộc chiến” là những hồi ức sâu sắc mà ngay chương I mở đầu cuốn sách “Đi theo tiếng gọi lên đường” đã gợi nhớ lại những tháng năm gian lao kháng chiến của chàng thanh niên Vũ Quang Đồng đứng trước lựa chọn khó khăn: Đi bộ đội ra chiến trường đánh giặc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với bao gian khổ, có thể hy sinh hay đi học đại học với nhiều hứa hẹn cho tương lai bản thân.
Vũ Quang Đồng không quản ngại gian khổ hy sinh, đã chọn con đường “Tất cả cho tiền tuyến. Tất cả vì miền Nam ruột thịt!” xếp bút nghiên lên đường tòng quân (tr3): “Năm 1968, tròn 18 tuổi, tôi học xong lớp 10/10 và thi đỗ tốt nghiệp cấp 3 (bây giờ gọi là tốt nghiệp Phổ thông Trung học)! Nghỉ hè được nửa tháng, từ Ủy ban nhân dân xã, ông anh họ làm Xã đội trưởng về tận nhà trao cho tôi hai tờ giấy, một là gọi nhập ngũ và một là giấy gọi nhập học Trường Đại học nông nghiệp I, Trâu Quỳ, Hà Nội.
Anh tôi bảo: "Chú tự lựa chọn và quyết định!" rồi đi ngay. Thanh niên chúng tôi thời đó luôn đứng trước hai sự lựa chọn, hoặc là đi bộ đội, bước vào con đường gian khổ, thậm chí hi sinh và sự lựa chọn còn lại là đi học, sẽ có tương lai tươi sáng hơn… Giữa hai con đường đó, ai mà không vấn vương, không tâm tư, không lưỡng lự. Gần một tháng sau đó, gia đình lại nhận được giấy gọi tôi đi học ở Liên Xô - đúng là số tôi không được xuất ngoại! Nhưng, cũng như các trai làng bấy giờ, tôi chọn con đường: Đi bộ đội! … vào Binh chủng Đặc công”. Lứa tuổi Vũ Quang Đồng khi đó thuộc thế hệ thanh niên Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… “Xẻ dọc Trường Sơn. Mà long phơi phới dậy tương lai!”.
Là tự truyện với lối kể dung dị của người trong cuộc, tác giả tả thực “Đi chiến trường” (tr 15) hơn ba tháng trèo đèo, lội suối vượt Trường Sơn cõng nặng trên vai trang bị, súng đạn vượt dốc Nguyễn Chí Thanh, qua hẻm Bà Định, qua dèo gió hú và những khu rừng già chưa có dấu chân người… Đơn vị nhận quân mang tên Đoàn 770 đặc công biệt động vùng ven Sài Gòn - Gia Định. Trận đánh Mỹ đầu tiên vào đầu tháng 7/1969 trên quốc lộ 13, lập chiến công bất ngờ… đến bắt được tù binh… rồi những ngày chiến đấu mưu trí, dũng cảm trên vùng đất thép Củ Chi tham gia nhiều trận đánh “vào sinh ra tử” cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975… Những chuyện đó được đồng nghiệp Vũ Quang Đồng kể lại một cách chân thực, sinh động, đã khắc họa được phần nào chân dung những người lính đặc công “chân đất, chí bền” vùng đất Thép, tri ân các đồng đội đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Đông Nam Bộ “gian lao mà anh dũng”.
Cuốn tự truyện “Cuốn theo cuộc chiến” mà tôi được tác giả “thân tặng” là một kỷ niệm quý để mỗi khi mở ra đọc, chúng ta lại gặp nhau, nhớ lại những năm tháng gian khổ “Một thời đạn bom. Một thời hòa bình”. Họ đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất giang sơn, góp phần bảo vệ chủ quền biên giới, lãnh hải, thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước “có được cơ đồ như hôm nay”.
Đúng như tác giả đã bày tỏ trong Lời nói đầu cuốn sách “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã lùi xa (gần nửa thế kỷ). Nhưng với những người lính trở về vẫn chưa quên những năm tháng gian khó. Giờ đây, chân tôi cũng đã chậm, mắt không còn tinh, tay bắt đầu run và đêm cũng đã quá dài, đêm đêm lại nhớ về những năm tháng ở chiến trường, từng gương mặt đồng đội đã lại hiện về, vẫn rạng rỡ tuổi 20. Họ vẫn xung phong trong mưa bom, bão đạn. Họ vẫn che chắn cho nhau trước mọi hiểm nguy… Trái tim tôi lại chộn rộn, lại như được cùng đồng đội vượt núi, băng rừng, chia nhau từng giây sống và hy vọng ngày toàn thắng”. Họ đã sống như thế đấy! Lớp người được rèn luyện trong gian lao kháng chiến cứu nước hoàn toàn khác với một bộ phận không nhỏ những người chưa trải qua thử thách, gian khổ đã len lõi để có chức, quyền, sớm "tự chuyển biến", "tự chuyển hóa", "tự đánh mất mình" đang là hồi chuông cảnh tỉnh trong bối cảnh xây dựng, bảo về đất nước, thực hiện "mục tiêu kép" hiện nay.
Trước khi nhận được bản in, gõ trên google, đã có baovinhphuc.com.vn; Trái tim người lính; vutrangmiendong... lần lượt đăng tải các chương mục nội dung quyển Tự truyên này của Vũ Quang Đồng, thu hút sự quan tâm của bạn đọc và công chúng. Dù đã xem trên mạng nhưng khi nhận được bản in chuyển đến, tôi tranh thủ đọc lại, càng cảm thấy tự háo, trân quí trí nhớ, sức lao động cần cù của người đồng nghiệp cùng họ Vũ có tác phẩm “Cuốn theo cuộc chiến” hấp dẫn bạn đọc./.