Công tác quản lý, chi tiêu tiền công đức ở Nghệ An

09/10/2017 15:55

Theo dõi trên

Đa số đền, chùa, phủ nào trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng thấy hòm công đức “phong toả” khắp nơi. Những đồng tiền ấy “trôi nổi” ở đâu, và ai sẽ “kiểm soát” nó? Đặc biệt trong đó có việc minh bạch tiền công đức? Đây là những câu hỏi cho đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

Công đức là nét đẹp văn hóa mà hầu hết người dân đều tự nguyện hưởng ứng mỗi khi tham dự lễ hội xuân tổ chức tại các di tích, đình, chùa, đền, miếu... Nhiều người coi đây là việc làm thành tâm mang lại may mắn, để phúc đức cho con cháu. Thực tế cho thấy tiền công đức, tiền giọt dầu là nguồn lực quan trọng để tôn tạo các di tích khang trang, đẹp đẽ hơn.
 


Tại sao một điện thờ lại có hai hòm công đức?

Hòm công đức “bủa vây” khắp đền, chùa

Chỉ thị số 16/CT của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động văn hoá, tín ngưỡng tại các di tích trong đó có nội dung, “mỗi di tích chỉ nên đặt một hoặc tối đa ba hòm công đức”.

Thế nhưng, qua hơn mấy năm “có mặt” của Chỉ thị này thì nhiều di tích, chùa, đền… trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các hòm công đức vẫn “bủa vây”!. Thậm chí, chỉ có những ngôi đền mà có tới trên… 10 hòm công đức “bày binh, bố trận”. Ví như, đền Hồng Sơn (thành phố Vinh), đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên, Nghệ An),… Tại đây, nhiều du khách không khỏi phiền lòng bởi việc Ban quản lý bố trí quá nhiều hòm công đức trong khu di tích.

Thực trạng trên khiến nhiều du khách tỏ ra lúng túng bởi tiền lễ phải bỏ quá nhiều chỗ, trong khi đó, tại nội điện, ngoài việc đặt lễ trên ban thờ thì còn nhiều hòm công đức được bố trí gần ban thờ và cơ số hòm công đức khác được đặt riêng tại bàn có nhân viên trực.

Hơn nữa, nhiều nơi lập bàn thờ, đặt hòm công đức và đĩa để tiền giọt dầu tại di tích khiến du khách đặt quá nhiều tiền lẻ lộn xộn, làm mất vẻ trang nghiêm, thanh tịnh, gây sự phản cảm trong sinh hoạt tâm linh. Chính điều này cũng khiến cho nhiều người có cảm giác bị “tính toán” vì chỗ nào cũng phải dùng đến tiền. Có thể thấy rằng, Chỉ thị này đã bị “mất thiêng” khi đi vào cuộc sống.

Phải chăng có sự “thỏa thuận” ngầm trong phân chia nguồn thu công đức, tiền giọt dầu đã dẫn đến trong một số đền chùa có quá nhiều khay đựng tiền giọt dầu, hòm công đức?
 


Công tác quản lý, chi tiều khoản tiền “nhạy cảm” này cần minh bạch, rõ ràng...



... và công đức là việc làm thành tâm nên rất mong số tiền này được sử dụng vào mục đích tâm linh tốt đẹp.

Khó như quản lý tiền công đức

Ở thời điểm này, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thực hiện tốt việc phân cấp quản lý di tích, nhưng tiền công đức - giọt dầu cũng không nhờ đó mà minh bạch hơn.

Hay việc sử dụng các nguồn thu từ công đức và dịch vụ chưa đúng mục đích, minh bạch, chưa tương xứng với nguồn kinh phí cung tiến và công đức của du khách. Nhiều người “hưởng lợi” nhưng hầu hết đều có suy nghĩ “cha chung không ai khóc” từ đó dẫn tới việc khi sử dụng chính những nguồn thu này phục vụ lại cho di tích theo quy định của Luật Di sản gặp nhiều khó khăn.

Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã giao Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam thực hiện Đề án nghiên cứu quản lý tiền công đức trong các di tích, đền chùa, nơi thờ tự. Thế nhưng chính bản thân những người được giao nhiệm vụ cũng nhìn rõ cái sự “tiến thoái lưỡng nan” trong việc quản lý tiền công đức, bởi cái khó hiện nay là quan điểm xử lý vấn đề.

Theo các chuyên gia văn hóa thì công đức là vấn đề nhạy cảm và chưa hề được xử lý ở bình diện quản lý nhà nước. Cần phải xác định rõ bản chất câu chuyện quản lý ở đây là không làm khó dân mà tạo hành lang pháp lý cho mọi tổ chức, cá nhân khi công đức, hay các cơ sở nhận công đức đều rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình, góp phần bảo tồn di tích và tổ chức lễ hội trên một tinh thần minh bạch, hiệu quả, cân bằng lợi ích của các bên liên quan. 


Hơn thế, tại khoản 3 Điều 33 Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8-11-2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo quy định rõ: “Nguồn thu từ công đức, tài trợ cho cơ sở và nguồn thu khác thu được từ việc tổ chức lễ hội của cơ sở tôn giáo đã xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh phải được công khai trong Ban quản lý di tích. Nguồn thu này được sử dụng để phục vụ cho việc quản lý, tu bổ di tích, hoạt động tôn giáo và đảm bảo đời sống bình thường của chức sắc, nhà tu hành tại cơ sở đó”. 
 




Hình ảnh phản cảm chốn tâm linh cần phải dẹp bỏ

Khó cũng phải làm

Thực sự việc quản lý và minh bạch tiền công đức trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua là không đơn giản. Thực hiện văn minh trong nghi lễ tâm linh có lẽ cần bắt đầu từ ý thức người đi lễ, để ngay cả việc công đức tiền lẻ cũng phải đúng nơi qui định. Tiếp đó là sự kiên quyết của các BQL di tích, danh thắng tỉnh Nghệ An.

Quản lý tiền công đức tại các đền, chùa công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích là rất cần thiết. Đó cũng chính là một trong những quy định tại Quyết định 18/2016/QĐ của UBND tỉnh Nghệ An về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức tại các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Quyết định nêu rõ, hàng năm, nếu nguồn chi cho hoạt động thường xuyên và cho hợp đồng lao động tại di tích không sử dụng hết thì số tiền còn lại được điều chuyển cho hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích đó. Đối với nguồn kinh phí tu bổ tôn tạo di tích, nếu trong năm đơn vị chưa có nhu cầu sử dụng thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng; Trường hợp di tích đã tu bổ hoàn chỉnh, nguồn công đức còn nhưng không có nhu cầu sử dụng thì đơn vị quản lý di tích xem xét, quyết định điều chuyển sang phục vụ tu bổ tôn tạo, phát huy giá trị cho các di tích khác tại địa phương. 

Có thể thấy, thời gian qua, nhờ tăng cường công tác quản lý nên tại các đền, đình và di tích được xếp hạng, công tác tiếp nhận và sử dụng nguồn công đức phát huy có hiệu quả, tránh tình trạng lộn xộn, sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, tại các chùa do các sư trụ trì thì việc quản lý công đức còn gặp không ít khó khăn.
 
Minh Thụ

Bạn đang đọc bài viết "Công tác quản lý, chi tiêu tiền công đức ở Nghệ An" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.