Vào đầu thế kỷ XIII, quá trình hình thành quốc gia của người Mông Cổ với những cuộc chiến tranh đẫm máu giữa các bộ lạc sống du mục đã kết thúc. Thiết Mộc Chân (tức Thành Cát Tư Hãn) đã chiến thắng, trở thành vị Hoàng đế quân sự độc tài đầu tiên trong lịch sử Mông Cổ. Sau khi thống nhất Mông Cổ, lợi dụng tài cưỡi ngựa bắn cung, tinh thần cương nghị phi thường của nhân dân Mông Cổ vốn quen sống cuộc đời du mục trên những thảo nguyên và sa mạc bao la, Thành Cát Tư Hãn đã đưa đất nước Mông Cổ lao vào những cuộc chiến tranh bá quyền xâm chiếm các nước lân bang. Quân viễn chinh của Thành Cát Tư Hãn với ưu thế của kỵ binh thiện chiến, thường áp dụng lối tiến công ào ạt, chớp nhoáng và đi đến đâu cướp bóc, tàn phá tan hoang đến đó. Dưới vó ngựa bạo tàn của quân Nguyên, nhiều quốc gia, dân tộc từ Á sang Âu đã phải chịu cảnh nô lệ hoặc bị xóa tên trên bản đồ thế giới, biết bao thành quách cổ kính, lâu đài nguy nga tráng lệ được dày công xây dựng từ bao đời và làng mạc yên lành đã bị quân Nguyên hủy diệt.
Năm 1257, quân Mông Cổ mở cuộc tiến công lớn nhằm tiêu diệt nhà Nam Tống (thuộc Trung Quốc ngày nay). Năm 1258, quân Nguyên bắt đầu tiến đánh Đại Việt, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ nhất. Quân dân nhà Trần dưới sự thống lĩnh chỉ huy của nhà quân sự thiên tài Trần Quốc Tuấn đã anh dũng chiến đấu đánh bại cuộc chiến tranh của quân Nguyên. Mặc dù bị thất bại, nhưng quân Nguyên không từ bỏ âm mưu xâm chiếm Đại Việt. Chúng sai sứ sang dụ vua Trần đầu hàng với những yêu sách trơ tráo. Với tư thế của người chiến thắng, Trần Thái Tông sai trói sứ giả, đuổi về nước. Năm 1279, sau khi đánh bại nhà Tống, xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, với nguồn nhân lực và của cải dồi dào chiếm được, quân Nguyên mở cuộc chiến phục hận, tiến đánh Đại Việt lần thứ hai. Rút kinh nghiệm thất bại trong cuộc xâm lược năm 1258, lần này, quân Nguyên sử dụng lực lượng viễn chinh đông đảo, thiện chiến và hung bạo hơn, từ ba mặt tiến đánh nước ta. 50 vạn quân chia làm hai đạo tiến công từ Bắc xuống. Đạo quân thứ ba do Toa Đô chỉ huy, sau khi chiếm được miền Bắc Chăm Pa, đánh vào phía Nam nước ta. Con trai của Hốt Tất Liệt là Thoát Hoan được phong làm Trấn Nam vương được giao thống lĩnh toàn bộ lực lượng viễn chinh này. Dưới trướng của hắn có nhiều tướng lĩnh cao cấp đã tham gia đánh chiếm Nam Tống và rất quen chiến trận ở miền nam Trung Quốc. Đạo quân chủ lực do Thoát Hoan trực tiếp chỉ huy từ Quảng Tây hùng hổ tiến vào miền Lạng Sơn để đánh vào Thăng Long. Trước thế giặc mạnh như vũ bão, vào một ngày mùa Đông cuối năm Giáp Thân (1284), Thượng hoàng Trần Thái Tông đã triệu tập cuộc hội nghị Diên Hồng để “xét lòng yêu nước của nhân dân và để nhân dân nghe lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái đánh giặc cứu nước”. Tiếng hô đồng thanh “Đánh!” từ Hội nghị Diên Hồng tỏa vang về các địa phương.
Sau Hội nghị, cả nước tăng cường công tác chuẩn bị kháng chiến. Không khí chuẩn bị chiến đấu càng được khích lệ hơn khi Trần Quốc Tuấn – vị chủ tướng, linh hồn của kháng chiến ban Hịch tướng sĩ. Bài hịch đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước và căm thù đang nung nấu trong tâm can các tướng sĩ và khích lệ mọi người đứng lên chiến đấu bảo vệ tổ quốc vì đại nghĩa. Từ các tướng sĩ, bài hịch được truyền đến toàn quân, giục giã các chiến sĩ sẵn sàng xả thân vì nước để bảo vệ giang sơn tổ quốc, cuộc sống và danh dự của dân tộc. Được khích lệ bởi Bài hịch đó, các chiến sĩ đã tự mình thích vào cánh tay hai chữ “Sát thát” (Giết quân xâm lược Mông Cổ). Từ triều đình đến các tầng lớp nhân dân, từ già đến trẻ, từ kinh thành đến các phủ, lộ, huyện,… tất cả đã kết thành một khối đoàn kết quyết tâm đánh giặc cứu nước. Trần Quốc Tuấn tự mình đảm nhiệm mặt trận xung yếu chặn đánh Thoát Hoan. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật được giao nhiệm vụ chặn đánh đạo quân Nguyên từ Vân Nam (Trung Quốc) tiến sang theo lưu vực sông Chảy. Mặt trận phía Nam giao cho Thượng tướng Trần Quang Khải có nhiệm vụ chặn đánh cánh quân của Toa Đô. Song, trước sự điên cuồng và sức tấn công ào ạt của lực lượng đông đảo, thiện chiến hơn, lực lượng của ta ở tuyến đầu trên cả 3 hướng mặc dù đã anh dũng chống trả, song vẫn không trụ vững được, phải rút lui vào sâu nội địa. Trần Hưng Đạo, rút về lập trận địa chặn giặc ở Vạn Kiếp. Tháng Giêng năm Ất Dậu (1285), quân giặc tiến vào Vạn Kiếp, Phả Lại, quân ta bị bất lợi tan vỡ, phải rút lui.
Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật sau khi đánh giặc ở Thu Vật (Yên Bình, Yên Bái), sau đó lui về lập trận địa ở Ngã Ba Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ). Cánh quân Toa Đô ở mặt trận phía Nam cũng đã tiến sâu vào lãnh thổ Đại Việt, buộc Thượng tướng Trần Quang Khải phải rút về tuyến hai lập trận địa mai phục.
Trước sự hung hãn điên cuồng và thế mạnh như vũ bão của quân Nguyên, Thượng hoàng Trần Thái Tông cử Trần Khắc Chung đem thư đến trại giặc Nguyên xin giảng hòa cốt để ngăn thế quân địch, kéo dài thời gian củng cố lực lượng. Mặc dù Khắc Chung đã đối đáp rất thông minh với những lý lẽ đanh thép và kiên quyết, song Toa Đô cậy đông quân, thế mạnh không cho hòa hoãn. Hắn còn sấc xược đòi vua Trần phải đến nộp mạng. Khắc Chung vừa dời khỏi quân doanh của Toa Đô thì thuyền giặc cũng đuổi sát sau lưng, tiến đánh tới Gia Lâm vây hãm kinh thành Thăng Long. Quân đội nhà Trần phải đưa hai vua đi bằng thuyền nhỏ rút về Tam Trĩ (xã Tam Trĩ, châu Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh), còn thuyền ngự thì đưa ra vùng Ngọc Sơn (tên mũi biển thuộc châu Vạn Ninh, tỉnh Quảng Yên) để đánh lạc hướng quân giặc. Nhưng quân Nguyên vẫn phát hiện ra. Ngày 9 tháng 3 thủy quân giặc bao vây Tam Trĩ suýt bắt được hai vua Trần. Tình hình cự kỳ nguy cấp. Tướng Trần Bình Trọng lại hy sinh anh dũng ở bờ sông Thiên Mạc. Như vậy là cả ba mặt trận , quân ta đều phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Quân địch đang ở thế tiến công ào ạt. Cuộc kháng chiến ở thế gay go, ác liệt nhất.
Trước tình thế đó, một số quý tộc, quan lại hèn nhát bắt đầu dao động và có kẻ đã đầu hàng giặc. Nhiều tôn thất nhà Trần như Trần Kiện, Trần Ích Tắc, Trần Lộng đã mang gia quyến chạy sang trại giặc xin hàng.
Làm thế nào để kìm sức tiến công như vũ bão của quân Nguyên vào Thăng Long, bảo toàn lực lượng và để triều đình và nhân dân có thời gian rút lui an toàn về Thiên Trường (Nam Định), Trường Yên (Ninh Bình), và hạ lưu phía Nam, đồng thời chờ thời cơ phản công là câu hỏi làm đau đầu những người lãnh đạo cuộc kháng chiến của vương triều Trần. Cuối cùng, câu trả lời đã được đưa ra. Gánh trọng trách lớn lao và một sứ mệnh mang tính sống còn của dân tộc, quyết định sự thành bại của cuộc kháng chiến không phải là một đạo quân hùng hậu nào mà là một người con gái – Công chúa An Tư, con gái út của vua Trần Thái Tông. Điều này chúng ta biết được là qua Đại Việt sử ký toàn thư. Sách này chỉ ghi một dòng ngắn ngủi: “Sai người đưa Công chúa An Tư (em gái út của Trần Thái Tông) đến cho Thoát Hoan, là có ý muốn làm thư bớt tai nạn của nước vậy”. Hai tháng sau khi Thượng hoàng và Vua Trần phải cắn răng đưa Công chúa An Tư sang trại giặc, vào tháng 5/1285, quân dân nhà Trần bắt đầu phản công trên khắp các mặt trận. Quân Nguyên đại bại, Thái tử Thoát Hoan phải chui vào ống đồng mới trốn thoát về Bắc.
Ngoài sách Đại Việt sử ký toàn thư , hiện có một số tài liệu có ghi chép chuyện về Công chúa An Tư thời Trần. Song, các tài liệu này đều dựa vào tư liệu gốc là Đại Việt sử ký toàn thư trên đây.
Sách Những gương mặt phụ nữ Việt Nam qua tư liệu Hán Nôm (trang 36-37) về An Tư, viết: “Sử chép rất ngắn về An Tư, chỉ biết bà là con gái út Trần Cảnh (Trần Thái Tông) và là em Trần Hoảng (Trần Thánh Tông). Tháng 2 năm 1285, Trần Nhân Tông dùng mỹ nhân kế, dâng công chúa An Tư cho Thoát Hoan, chủ ý làm chậm lại tốc độ hành quân tiến công của quân Nguyên, khiến quân dân nhà Trần có thời gian chuẩn bị phản công. Ô Mã Nhi bị bắt, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn về nước, sử không chép thêm dòng nào về An Tư nữa. Dù chỉ đôi dòng ngắn ngủi, nhưng đây là sự hy sinh lớn lao của một người con gái trước sự nghiệp chung của dân tộc”.
Sách Anmanach Người mẹ và phái đẹp, 1990, trang 76, viết: “An Tư là con gái út của vua Trần Thái Tông (1225-1258) không rõ nàng sinh và mất năm nào, tính tình, dung mạo ra sao, Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi về nàng vẻn vẹn có một câu: “Sai người đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan là có ý muốn làm thư bớt tai nạn cho nước vậy”. Bấy giờ, vào khoảng đầu năm ất dậu (1285), quân Nguyên đã đánh tới Gia Lâm vây hãm Thăng Long. Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đã đi thuyền nhỏ rút ra vùng Tam Trĩ, còn thuyền ngự thì sai đưa ra vùng Ngọc Sơn để đánh lạc hướng quân giặc. Dù vậy, quân Nguyên vẫn phát hiện ra. …Tình hình chiến sự bất lợi. Trần Bình Trọng chặn giặc bên bờ sông Thiên Mạc bị giặc bắt và chết anh hùng….Mặt trận bị vỡ. Trong tông thất nhà Trần, nhiều người hoang mang, sợ giặc. Trần Kiện, Trần Lộng và cả hoàng thân Trần ích Tắc cũng mang gia quyến chạy sang trại giặc. Vua và Thượng hoàng cố tìm cách làm chậm tốc độ tiến quân của giặc. .. Trần Khắc Chung được phái mang thư đến trại Ô Mã Nhi xin giảng hòa, cuộc đối thoại không kết quả. Tình cảnh nước nhà đang rất nguy ngập như ngàn cân treo sợi tóc. Cần phải có thời gian để hội quân, lấy lại sức, tổ chức chiến đấu. Trần Quang Khải được lệnh đem quân vào Thanh Hóa chặn đánh quân Toa Đô từ Chiêm Thành đánh ra nhưng cũng không cản được bước tiến của giặc. Trước tình hình ấy, Trần Thánh Tông bất đắc dĩ phải dùng đến kế mỹ nhân. Vua sai đem dân gem gái út của mình cho Thoát Hoan. Công chúa còn trẻ lắm. Sử sách phong kiến ít ghi chép về phụ nữ nên chẳng rõ khi ra đi vì nạn nước nàng có mang theo hình bóng một chàng trai nào? Nhưng rõ ràng vì nạn nước nàng đã hiến trọn tuổi trẻ, cuộc đời con gái và cả tính mạng. Nàng bỏ lại cuộc sống quen thuộc, những ngày êm ấm giữa cung đình cùng họ hàng tông tộc và những nhũ mẫu, thị nữ đã gần gũi, chăm sóc nàng từ tuổi ấu thơ. Sử sách cũng không ghi rõ tên người cung nhân đã sinh ra nàng. Ngày ra đI mẹ nàng ở đâu. Thực sự An Tư đã đi vào trận chỉ có một mình, không vũ khí. Nàng đã dám chấp nhận tất cả: gian khổ, tủi nhục, them chí cả cái chết. An Tư sang trại giặc không phải với tư cách một công chúa đi lấy chồng mà là vật cống nạp, cũng là một người nội gián. Với nàng, sự hy sinh ấy cao cả biết bao. Không rõ ở trại quân Nguyên, An Tư đã làm được những gì? Nhưng tháng tư năm ấy, quân Trần đã bắt đầu phản công. Những trận Tây Kết, Trường Yên, Chương Dương đã làm cho quân Nguyên tan tác, Thoát Hoan được thuộc hạ giấu vào ống đồng trốn qua biên giới”.
Sách Nhà Trần trong văn hóa Việt Nam, mục Phụ nữ thời Trần có viết về An Tư công chúa: “Công chúa là con gái út của vua Trần Thái Tông, không rõ sinh và mất năm nào. Hình như công chúa có sắc đẹp nổi tiếng và cũng nổi tiếng về tài nữ công gia chánh, lại có tài hội họa và văn thơ cũng nổi tiếng nữa. Có nhiều người đã vẽ tranh về công chúa. Người ta cho rằng, những bọn người trốn sang đầu hàng quân Nguyên, có kẻ đã đánh cắp tranh công chúa dâng cho Thoát Hoan, nên khi tướng giặc này vào được Thăng Long đã ngỏ ý đòi nhà Trần phải tiến mỹ nhân là An Tư. Việc này đã được triều đình bàn bạc và cuối cùng đã phải chấp nhận. Chuyện dã sử cũng kể rằng, khi đến tuổi cài trâm, An Tư cũng đã cùng với Hoàng thân Chiêu Thành Vương ước hẹn. Nhưng giặc Nguyên tràn vào nước ta, lúc này thế của chúng quá mạnh, đã tiến công khắp mặt, đã chiếm được cả kinh thàng Thăng Long. Trước tình hình cấp bách diễn ra, đe dọa khắp nơi, vua quan nhà Trần đành phải giành cho An Tư công chúa sứ mệnh trọng đại này, hy vọng hòa hoãn được phần nào thế của giặc, để triều đình kịp thời xoay chuyển tình thế. An Tư đành phải liều thân vì nạn nước. Người yêu là Chiêu Thành vương cũng đành ngậm ngùi đau khổ”.
Liên quan đến An Tư, các tài liệu Hán Nôm, như: Kiến An tỉnh, Kiến Thụy phủ, Nghi Dương tổng, Nghi Dương xã thần tích – Trần triều Ả Nương Thiên đức Quỳnh Trân công chúa ngọc phả lục, cho biết: Vua Trần Thánh Tông sinh được một nàng công chúa, đặt tên là Quỳnh Trân. Nàng chính là công chúa Quỳnh Hoa ở trên trời, vô ý đánh vỡ chén ngọc, bị Thượng đế giận bắt đầu thai xuống trần, làm con gái vua. Tục nhà Trần, con trai thì gọi là Hoàng tử, con gái gọi là Ả Nương (nàng). Nàng cực kỳ xinh đẹp và thông minh, nên được vua rất yêu, phong là Thiên Thụy công chúa. Đến đời vua Trần Nhân Tông, Trần Khánh Dư có công dẹp giặc Nguyên, được vua phong chức Phiêu kỵ tướng quân và được tự do ra vào cung cấm. Có lần, Khánh Dư lẻn vào phòng Quỳnh Trân định tư thông, bị nàng cự tuyệt và đuổi ra. Sau đó, chán thế tục, nàng xuất gia thờ Phật, dựng một am nhỏ ở trang Nghi Dương, rồi mở rộng qui mô thành chùa, tự xưng là Thiền Đức đại ni, khuyên dân khai khẩn đất hoang, chăm chỉ cày cấy. Năm Ất Dậu, giặc Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy tiến đánh Vân Đồn, Vạn Kiếp. Vua phải chạy vào Nghệ An. Triều đình bàn nhau định gả công chúa Quỳnh Trân cho tướng giặc để cầu thân. Nàng không chịu, vua thương lại cho về chùa, rồi gả công chúa An Tư cho Thoát Hoan. Từ đó, Quỳnh Trân tiếp tục tu hành, bố thí cứu bần, khuyến khích nông tang, dân xã trở nên giầu có. Thời Anh Tông (là cháu của công chúa), nàng xin vua miễn thuế cho 5 xã, dân rất nhớ ơn. Nàng mất cùng ngày với Thượng hoàng Trần Nhân Tông, được dân làng lập đền thờ, tôn làm phúc thần. Nàng được vua phong tặng là Ả Nương Thiên Đức Quỳnh Trân công chúa.
Như vậy có thể thấy, các tài liệu trên có một số tình tiết, do suy diễn từ ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư “sai người đưa An Tư đến cho Thoát Hoan” nên không giống nhau. Sự không giống nhau ấy thể hiện ở việc, có tài liệu nói việc đưa An Tư sang dâng cho Thoát Hoan là “kế mỹ nhân” của vua Trần. Nghĩa là vua Trần đã chủ động nghĩ ra kế ấy, chủ động đưa An Tư sang dâng hiến cho Thoát Hoan, để một mặt làm vật cho Thoát Hoan vui chơi, khiến hắn không động binh nữa; một mặt cài An Tư vào cơ quan tối cao của giặc để làm tình báo; còn tài liệu khác thì cho rằng biết An Tư là công chúa nhà Trần vô cùng xinh đẹp, Thoát Hoan đã đưa ra điều kiện là phải đưa An Tư sang cống nạp, hắn mới không động binh, do đó việc vua Trần buộc phải đưa An Tư sang cho hắn. Cho dù suy diễn ra sao, việc sang trại giặc với tư cách nào, thì việc công chúa An Tư còn rất trẻ và xinh đẹp, lại được học hành giáo dưỡng trong hoàng gia nên nàng thực là cành vàng lá ngọc, nhưng trước vận mệnh của cả triều đình và sự còn mất của dân tộc, nàng đã từ bỏ cuộc sống êm ấm nhung lụa trong cung đình, chấp nhận mọi gian khổ, mọi tình huống éo le đến với mình, kể cả cái chết để làm chậm được bước tiến quân của Thoát Hoan để quân dân nhà Trần có thời gian chuẩn bị lực lượng làm cuộc tổng phản công quân giặc đều được đánh giá cao. Và An Tư là người có công đầu. Sự hy sinh của nàng thầm lặng mà thật cao cả. Ở trại giặc, trước một kẻ xa lạ đang trà đạp lên quê hương đất nước, tàn sát nhân dân, làm cho gia đình nàng phải ly tán, kẻ chết trận, An Tư đã sống ra sao, làm được những gì, không ai biết. Khi Thoát Hoan bị đánh tơi tả phải trốn chạy về nước, An Tư còn hay mất? Nàng có được đưa về phương Bắc cùng Thoát Hoạn không, hay đã tử tiết trong đám loạn quân? Tất cả đều không có tài liệu nào ghi chép, hiện vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải. Trong cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc, một thuộc hạ của Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, sống lưu vong bên Trung Quốc, có ghi: “Trước, Thái tử (Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần, sinh được hai con”. Người con gái nhà Trần này có phải là Công chúa An Tư hay không, đến nay, vẫn cần thêm chứng cứ để khẳng định điều đó.
Tiếp nối truyền thống “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của Hai Bà Trưng, Bà Triệu,… Công chúa An Tư cành vàng lá ngọc, khi có giặc, tuy không thích hai chữ “Sát Thát” (Giết quân xâm lược Nguyên - Mông) lên cánh tay và cầm gươm ra trận như bao chàng trai, nhưng việc làm của Công chúa An Tư có sức mạnh hàng vạn quân giặc không địch nổi. Nàng đã nêu một tấm gương sáng về sự hy sinh phẩm tiết và quyền lợi cá nhân vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nàng đã là nguồn cảm hứng để nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết tiểu thuyết An Tư công chúa, nhà văn Hà Ân viết tiểu thuyết Người Thăng Long được người đọc mến mộ và truyền tụng.