Phát biểu tại lễ ký kết, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với kết quả khoa học tu bổ di tích và đặc biệt hơn nữa làm gắn kết chặt chẽ thêm mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa Việt Nam và Nhật Bản.
"Tôi tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản về chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm, chắc chắn rằng di tích Chùa Cầu ở phố cổ Hội An sẽ được tu bổ đạt kết quả tốt nhất, những giá trị dủa di tích sẽ được bảo tồn một cách chân xác, toàn vẹn và đảm bảo bền vững lâu dài trong tương lai. Hy vọng rằng, tỉnh Quảng Nam nói sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Nhật Bản trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong thời gian đến", ông Trần Văn Tân nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cũng cho biết, sắp tới, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu sẽ được tỉnh Quảng Nam triển khai. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND thành phố Hội An phối hợp với các cơ quan thẩm quyền và Văn phòng JICA Việt Nam xúc tiến thủ tục để sớm tiếp nhận chuyên gia từ Nhật Bản hỗ trợ tu bổ di tích Chùa Cầu dự kiến triển khai thi công vào giữa năm 2022.
Ông Shimisu Akira - Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết, công việc tu bổ Chùa Cầu gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi kiến thức và chuyên môn kỹ thuật cao. JICA dự kiến sẽ hỗ trợ dự án tu bổ Chùa Cầu mà tỉnh Quảng Nam và TP Hội An làm chủ đầu tư, thông qua các hoạt động phái cử chuyên gia và tình nguyện viên Nhật Bản.
Theo hồ sơ tư liệu, Chùa Cầu được người Nhật dựng xây ở phố cổ Hội An vào đầu thế kỷ 17. Trước sự bào mòn của thời gian cùng tác động của con người lẫn thiên tai, di tích hàng trăm năm tuổi này đang xuống cấp từng ngày, mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ di tích Chùa Cầu với tổng cộng giá các gói thầu gần 17 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP Hội An bố trí 50%.
Di tích Chùa Cầu là một thành phần quan trọng, có giá trị tiêu biểu trong khu phố cổ Hội An, do đó, việc tu bổ nhằm góp phần bảo tồn di tích, giữ gìn tối đa giá trị cốt lõi của di tích trong tổng thể chung của khu phố cổ Hội An và góp phần duy trì sự ổn định lâu dài, tăng độ bền vững, tuổi thọ cho di tích, tôn tạo cảnh quan, cải tạo môi trường tạo điều kiện tốt cho việc nâng cao giá trị của di tích.