Chế độ độc tài “gia đình trị” Ngô Đình Diệm và cuộc chinh biến năm 1963 (Bài cuối)

12/09/2021 13:33

Theo dõi trên

Sau khi chấp thuận lời đầu hàng của anh em Tổng Thống Diệm, Tướng Minh ra lệnh cho một chiếc xe thiết giáp M 113 và 4 xe Jeep đi đón anh em Tổng Thống Diệm do Tướng Mai Hữu Xuân và Đại tá Dương Ngọc Lắm cầm đầu...

diem-236611-1631427960.jpg
Những nhân vật cầm đầu vụ đảo chánh 1963.

Cuộc chính biến 1963

Ngày 1/11/1963, hầu hết các tướng lãnh trung thành với Tổng Thống Diệm hay theo phe đảo chánh đều được mời đến Bộ Tổng Tham mưu tham dự buổi tiệc đứng do Tướng Tổng Tham mưu trưởng Trần Thiện Khiêm khoản đãi. Sau khi mọi người an tọa, Tướng Minh bất ngờ đứng dậy và tuyên bố rằng “giờ đảo chánh đã bắt đầu”. Vừa lúc đó nhiều nhóm quân cảnh lập tức tràn vào phòng với súng tiểu liên vây xung quanh. Tướng Minh kêu gọi các tướng lĩnh nên ủng hộ đảo chánh và họ sẽ được phép rời phòng Tổng Tham mưu nhưng không được ra khỏi Bộ Chỉ huy. Một vài vị, trong đó có Đại tá Lê Quang Tung đứng lên phản đối cuộc đảo chánh bèn bị còng tay tống giam ngay. Tướng Minh lại sai người đem máy thâu băng vào phòng, trong băng, ông ta cho thâu lời tuyên bố đảo chánh, lên án gia đình Tổng Thống Diệm là “chế độ độc tài, gia đình trị” và hứa là quân đội có khả năng cai trị đất nước hơn. Tướng Minh còn đòi các tướng lĩnh hiện diện phải ký vào bản tuyên cáo và hỗ trợ quân đội đảo chánh. Ông ta phân phát cho các tướng những cuốn băng để phân phối đến các đài phát thanh bởi nếu cuộc đảo chánh thất bại thì các tướng cũng không thể chối được việc mình đã tình nguyện tham gia đảo chánh.

Lúc 13 giờ 30, quân đội chính thức phát động đảo chánh. Thông thường là đảo chánh diễn ra ban đêm, nhưng lần này đảo chánh ban ngày nên lính chính phủ Tổng Thống Diệm không chuẩn bị ứng phó kịp thời. Lính đảo chánh mang khăn quàng đỏ, được xem là một dấu hiệu đảo chánh. Hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến tiến vào Sài Gòn từ ngõ Biên Hòa, một tiểu đoàn dù, một tiểu đoàn bộ binh từ ngõ Vũng Tàu, hai tiểu đoàn dù từ phía Bình Dương phối hợp cùng Sư đoàn 5 Bộ binh và nhóm lính quân trường đang đóng ở gần đó. Cuộc đụng độ diễn ra yếu ớt, quân đảo chánh nhanh chóng chiếm được phi trường Tân Sơn Nhất, Bộ chỉ huy Hải quân, Bộ Quốc phòng... Khoảng 500 lính thủy quân lục chiến kéo vào bao vây Tổng nha Cảnh sát vì nơi đó cũng là phe Tổng Thống Diệm chứa giữ nhiều vũ khí. Lính đảo chánh cũng đánh chiếm Sở bưu điện và phòng điện tín. Tới khoảng 15 giờ chiều, Tướng Đôn gọi cho Tòa Đại sứ để hỏi có kế hoạch nào để đưa Tổng Thống Diệm và gia đình ông ta rời khỏi Việt Nam nếu như họ đồng ý đầu hàng. Đại sứ Lodge nói chắc chắn sẽ có máy bay vì chính Đại sứ Lodge đang có máy bay sẳn dự định để chở ông đi Mỹ.

e6084fd4-e3c2-4702-a09e-0b2c29fedde2-1631427941.jpg

Đúng 15 giờ 30 chiều, quân đảo chánh chiếm được Đài phát thanh. Cuộc đụng độ nặng nề nhất là tại lô cốt Cộng hòa của lực lượng phòng vệ phủ Tổng Thống gần Dinh Gia Long. Chiến xa của phe trung thành Tổng Thống Diệm cho bắn rốc-kết vào các cao ốc làm vỡ tường, bể kính khiến dân chúng hốt hoảng kéo nhau di tản. Khi nghe báo cáo là gặp sức kháng cự quá mạnh của phe Tổng Thống Diệm tại lô cốt Cộng hòa, Tướng Khiêm bèn gọi cho Trung tá Nguyễn Cao Kỳ tại Bộ chỉ huy Không quân. Tướng Khiêm nói: “Kỳ ơi! Bọn lính phòng vệ ông Diệm chống cự mạnh quá và thì giờ không còn nhiều nữa. Ngay bây giờ hay không còn dịp khác nữa, mày có sẵn sàng giúp đỡ bọn tao không?” Kỳ liền trả lời: “Dĩ nhiên, ngay lập tức!”. Với tướng mạo màu mè cùng bộ râu kẽm, luôn choàng cái khăn cổ tím và mang bên mình cây súng lục có cán bằng ngà voi, Nguyễn Cao Kỳ đã ra lệnh cho 2 phi công xuất trận. Khoảng 16 giờ chiều, hai chiếc máy bay T-28 xuất hiện trên bầu trời Sài Gòn, trong đó một chiếc từng dội bom Dinh Độc Lập hồi năm 1962. Tuy nhiên quả bom thả trật mục tiêu, một quả bom thả rớt xướng hầm trống của thủy quân lục chiến Mỹ bên kia Dinh Gia Long. Dù là bị oanh kích, nhưng trận đánh vẫn tiếp diễn cho tới tối.

Khi nhận được báo cáo đầu tiên về việc có quân đội tiến về Dinh Gia Long một cách bất thường, song Ngô Đình Nhu vẫn tỏ ra không mấy quan ngại. Ông ta nghĩ đó chính là nằm trong kế hoạch đảo chánh giả của ông gồm 2 phần: nhận diện và tiêu diệt đám đối nghịch chế độ. Phần một ám hiệu là Bravo I, là một cuộc đảo chánh giả. Với rất nhiều đơn vị lính trung thành với chế độ trú đóng xung quanh Sài Gòn, các lực lượng này sẽ tấn công một số mục tiêu đã được định sẵn trong thủ đô. Khi cuộc tấn công bắt đầu, Tổng Thống Diệm và ông Nhu sẽ thoát xuống Vũng Tàu, cách Sài Gòn 50 dặm về phía Đông - Nam. Sau nhiều ngày vô luật lệ và xáo trộn, chính phủ của phe phản loạn sẽ ra mặt. Lúc đó những lực lượng lính trung thành với chính phủ Diệm sẽ tiến vào Sài Gòn và tiêu diệt bọn phản loạn trong phần “phản đảo chánh” với ám hiệu Bravo II.

Theo kế hoạch này, Ngô Đình Nhu tiên đoán là “chúng ta sẽ lừa bọn tay sai của Mỹ rúc hết vào một cái rọ trong thủ đô”. Song cũng thật rủi ro cho anh em Tổng Thống Diệm, ông Nhu vì quá tin tưởng nên đã giao kế hoạch làm đảo chánh giả này cho Tướng Tôn Thất Đính thực hiện. Vào trưa ngày 1/11/1963, Nhu cố liên lạc với Tướng Đính nhưng không gặp, bèn xoay qua liên lạc với các tướng trung thành với chế độ Diệm nhưng cũng không gặp được. Lúc này thì Nhu mới nhận thức ra đây là cuộc đảo chánh thật. Khoảng sau 16 giờ chiều, Tổng Thống Diệm gọi Tướng Khiêm, tức người đã cứu Tổng Thống Diệm trong cuộc đảo chánh năm 1960. Thay vì nói chuyện với Tướng Khiêm, thì Tướng Đôn dành lấy quyền trả lời. Tổng Thống Diệm hỏi: “Các vị đang làm cái trò quái gì vậy?”. Tướng Đôn nói: “Thưa Ngài, thời điểm đã đến, quân đội phải đáp lại nguyện vọng của đồng bào”. Tổng Thống Diệm quở trách Tướng Đôn ăn nói thiếu lễ độ. Sau đó Tổng Thống Diệm tuyên bố là ông muốn thực hiện những điều cải tổ như ý muốn của quân đội miền Nam Việt Nam đòi hỏi trong tháng 9 vừa rồi. Tổng Thống Diệm mời Tướng Đôn và những tướng lãnh khác vào Dinh Gia Long để thảo luận. Vì nhớ lại kinh nghiệm chua cay của cuộc đảo chánh thất bại 1960 khi Tổng Thống Diệm dùng kế hoãn binh để đoàn quân trung thành với ông ta có đủ thì giờ quay về giải cứu, do đó Tướng Đôn quyết định từ chối lời mời.

ngodinhdiem8a-1631428128.jpg

Vào lúc 16 giờ 30 chiều, Tổng Thống Diệm gọi điện thoại cho Đại sứ Lodge hiện đang ở nhà. Theo lời Đại Sứ Lodge báo cáo cho Bộ Ngoại Giao sau này, thì cuộc đối thoại có nội dung như sau:

Ngô Đình Diệm: Có một số đơn vị lính phản loạn và tôi muốn biết thái độ của chính phủ Mỹ ra sao?

Đại sứ Lodge: Tôi hiện không có đủ chi tiết để trình với Ngài. Tôi có nghe tiếng súng nổ, nhưng tôi không biết nguyên do nào. Vả lại, bây giờ ở Hoa Thịnh Đốn là 4 giờ 30 sáng do đó chính phủ Mỹ chắc không thể có quan điểm gì.

Ngô Đình Diệm: Nhưng ông phải có vài ý kiến tổng quát chứ? Tôi là Tổng Thống. Tôi đã cố gắng thi hành những bổn phận của tôi. Bây giờ tôi muốn sử dụng cái bổn phận của tôi. Tôi tin là bổn phận trên tất cả.

Đại sứ Lodge: Ngài lẽ dĩ nhiên đã làm những bổn phận của Ngài. Tôi cảm phục sự can đảm và công lao đóng góp lớn lao của Ngài vào quốc gia của Ngài. Không ai có thể tướt đi cái công ơn mà Ngài đã làm. Bây giờ tôi đang lo ngại cho sự an toàn tính mạng của Ngài. Tôi đã sắp xếp để đưa Ngài và em của Ngài ra nước ngoài để bảo toàn tính mạng nếu Ngài từ chức. Còn nếu như Ngài không đồng ý thì tôi cũng đã sắp đặt để Ngài mang tước vị Quốc Trưởng và Ngài có thể ở lại đây an toàn.

Ngô Đình Diệm: Không, không, tôi không muốn vậy. Tôi muốn tái lập trật tự. Tôi phải tái lập trật tự. (cúp máy)

Tướng Đôn sau này cũng có kể lại là trong khi đang xảy ra cuộc đảo chánh thì Tổng Thống Diệm gọi điện thoại nói chuyện với Tướng Đôn, Tướng Đôn nói với Tổng Thống Diệm: “Thưa Tổng Thống, tôi lấy làm tiếc về sự việc xảy ra nhưng điều tôi muốn Tổng Thống bây giờ là hãy khôn ngoan và hiểu cho hoàn cảnh. Hiện đang có một chiếc máy bay đặc biệt sẵn sàng đưa Tổng Thống và gia đình ra khỏi nước Việt Nam nếu Tổng Thống đầu hàng vô điều kiện”. Cả buổi chiều ngày 1/11, nhiều tướng đảo chánh cũng gọi vào Dinh kêu gọi Tổng Thống Diệm và ông Nhu ra đầu hàng. Lúc 16 giờ 30, Tướng Minh lên tiếng với ông Nhu rằng nếu ông Nhu và Tổng Thống Diệm không ra đầu hàng thì Dinh Tổng Thống sẽ bị pháo kích và dội bom. Phe đảo chánh cũng cho đưa Đại tá Lê Quang Tung đến trước Dinh, vì ông này là người chỉ huy lực lượng đặc biệt trung thành với Tổng Thống Diệm. Họ kê súng vào đầu Đại tá Tung bắt gọi vào cho Diệm. Đại tá Tung báo cáo thẳng là phe đảo chánh đã bắt giam tất cả tướng lãnh và viên chức trung thành chính phủ, Tướng Khiêm với Tướng Đính đã gia nhập phe đảo chánh rồi. Đại tá Tung cũng kêu gọi đầu hàng, nhưng ông Nhu cũng nhất định không chịu. Cũng vào tối hôm đó, phe đảo chánh trói tay Đại tá Tung và em của ông ta đang giữ chức phó Chỉ huy lực lượng đặc biệt Họ bị giao cho cận vệ của Tướng Minh chở về Bộ Tổng Tham mưu, sau đó bắn chết cả hai người và chôn vào 2 cái hố mới được đào.

17 giờ 15 chiều, Tướng Minh lại kêu gọi Tổng Thống Diệm đầu hàng. Tổng Thống Diệm từ chối nói chuyện với Tướng Minh phản loạn và khinh bỉ cúp máy. Quá tức giận về thái độ của Tổng Thống Diệm làm bẽ mặt Tướng Minh trước binh sĩ, sau đó vài giờ, Tướng Minh tiếp tục gọi lại vào Dinh. Tướng Minh dọa nếu anh em Tổng Thống Diệm không ra đầu hàng thì Dinh này sẽ trở thành “vùng bình địa”. Tổng Thống Diệm vẫn từ chối nói chuyện với vị tướng lãnh đạo cuộc đảo chánh này. Để chứng tỏ lời đe dọa là thật, Tướng Minh ra lệnh tấn công vào Dinh. Lý do Tướng Minh chần chừ không tấn công vì muốn giảm thiểu sự đổ máu của hai bên cũng như nghĩ rằng khi thấy lực lượng quân đội đảo chánh hùng hậu như vậy thì tự động anh em Tổng Thống Diệm sẽ ra đầu hàng. Sự từ chối giải pháp đầu hàng của Tổng Thống Diệm đã làm Tướng Minh và các tướng rất ngạc nhiên, bực tức. Cuối cùng, các tướng đảo chánh nhất trí chọn Đại tá Nguyễn Văn Thiệu. Vào khoảng hơn 3 giờ sáng ngày 2/11/1963, Đại tá Thiệu mang quân tấn công Dinh Gia Long bằng vũ khí hạng nặng gồm 50 caliber, pháo 75 mm và xe tăng, phá sập cổng Dinh. Dù vậy anh em Diệm - Nhu cũng không chịu đầu hàng. Tới khoàng rạng sáng, phe đảo chánh tiến vào Dinh Gia Long với cảnh tượng đổ nát, ngỗn ngang. Họ tìm kiếm Tổng Thống Diệm và ông Nhu, lúc đó mới phát giác là hai ông này đã thoát thân từ lúc 20 giờ tối hôm qua, tức tối 1/11.

Theo đó, hai anh em Tổng Thống Diệm - Nhu đã chạy trốn khỏi Dinh Gia Long bằng một con đường hầm bí mật ở cổng sau và chạy lên ẩn nấp trong nhà của một thương gia người Hoa tên Mã Tuyên tại Chợ Lớn. Trong nhà này cũng có trang bị đầy đủ hệ thống điện thoại tối tân để Tổng Thống Diệm và ông Nhu gọi cầu cứu. Hai ông muốn lên cao nguyên hoặc xuống biển để đích thân điều động cuộc “phản đảo chánh”, nhưng khi gọi không được ai thì hai ông thất vọng não nề. Hai ông còn có ý xin tỵ nạn tại tòa Đại sứ Trung Hoa nhưng cũng thất bại.

diem-64649-1631428155.jpg

6 giờ sáng, Tổng Thống Diệm gọi Tướng Đính ra lệnh các tướng đảo chánh phải “đầu hàng” ngược lại mình và từ chối nói chuyện với Tướng Minh, nhưng sau đó lại gọi Tướng Đôn và đồng ý sẽ chịu “đầu hàng trong danh dự”. Hai anh em Diệm - Nhu còn ngõ lời họ muốn được hộ tống ra phi trường an toàn để rời khỏi nước. Tướng Minh vì bị Tổng Thống Diệm làm nhục mấy lần trước mặt binh sĩ nên không chấp nhận cho anh em Tổng Thống Diệm đầu hàng cho đến khi nào “người Việt ngưng giết chóc người Việt”, hàm ý rằng tại Dinh Gia Long vẫn đang còn đánh nhau. Ba mươi phút sau, Tổng Thống Diệm gọi lại Bộ chỉ huy đảo chánh, báo là ông ta đã ra lệnh lính phòng vệ phủ Tổng Thống chấp nhận ngưng bắn và ông đồng ý đầu hàng vô điều kiện. Lần này các tướng đồng ý. Trong khi thương thảo, các tướng đảo chánh yêu cầu ông CIA Conein thu xếp máy bay chở Tổng Thống Diệm và gia đình ra khỏi nước. Ông CIA Conein gọi cho Phó Trưởng phòng CIA David Smith. Chờ chừng 10 phút thì ông Smith trả lời cần tới 24 tiếng đồng hồ mới thu xếp có máy bay được. Chính phủ Mỹ muốn đưa Tổng Thống Diệm bay đến một quốc gia khác tỵ nạn, có lẽ là châu Âu. Song chuyến bay đã được chỉ thị phải bay trực tiếp và không được dừng tiếp nhiên liệu và chỉ ở Guam mới có loại máy bay kiểu này mà thôi. Ông CIA Conein báo lại cho các tướng đảo chánh biết lời của ông Trưởng phòng CIA Smith, Tướng Minh gắt gỏng nói: “Chúng tôi không thể giữ họ lâu nữa được”.

Sau khi chấp thuận lời đầu hàng của anh em Tổng Thống Diệm, Tướng Minh ra lệnh cho một chiếc xe thiết giáp M 113 và 4 xe Jeep đi đón anh em Tổng Thống Diệm do Tướng Mai Hữu Xuân và Đại tá Dương Ngọc Lắm cầm đầu. Sau khi xe rời Bộ Tổng Tham mưu thì được báo là anh em Tổng Thống Diệm không có tại Dinh Gia Long. Tướng Minh bèn ra lệnh lục soát khắp Sài Gòn. Và sau cùng do chỉ điểm của mật báo viên, các tướng đảo chánh mới biết anh em Tổng Thống Diệm đang ở trong một nhà thờ tại Chợ Lớn. Đoàn xe được lệnh đổi lộ trình và tiến về Chợ Lớn. Khoảng 8 giờ 30 sáng, Tổng Thống Diệm và ông Nhu cùng mặc bộ đồ vest màu xám bị bắt tại nhà thờ Don Thanh mà người dân hay gọi là nhà thờ Cha Tam tại Chợ Lớn trong khi họ đang cầu nguyện vì đang là ngày lễ Các đẳng Linh hồn của Công giáo. Theo lời kể của một sĩ quan Việt Nam: “Tổng Thống Diệm thì chứng tỏ cái phong cách lịch sự, nhưng ông Nhu thì kèn cựa cho tới phút chót”. Ông Nhu còn lớn phản đối: “Mấy ông mang chiếc xe như vậy để mà chở Tổng Thống hả?”. Hai tay bị trói tay thúc ké ra đàng sau và bị đẩy vào trong một chiếc xe thiết giáp M113. Trên đường về Bộ chỉ huy, đoàn xe ngừng tại cổng xe lửa độ 5 phút.

diem-6612-1631428177.jpg
Xác Ngô Đình Nhu sau khi ông ta bị giết.

Theo hầu hết lời kể, thì chính cận vệ của Tướng Minh là Đại úy Nguyễn Văn Nhung đã bắn và đâm anh em Diệm - Nhu. Theo lời kể khác, thì Thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa tài xế xe thiết giáp cũng là người giết hai ông. Còn theo lời kể của Tướng Khánh, tức người điều tra cái chết của Tổng Thống Diệm sau cuộc chỉnh lý đã nói rằng: “Đại úy Nhung đã giết anh em ông Diệm. Bởi Nhung cũng là sát thủ chuyên nghiệp. Nhung đã từng giết chết 40 người, nó thường gạch một gạch trên dao găm mỗi lần Nhung giết chết một người”. Sau này Đại úy Nhung bị Tướng Khánh bắt giam năm 1964 nhưng ông ta cũng không sống lâu để khai ai đã ra lệnh giết chết anh em Diệm - Nhu, và Nhung chết trong nhà tù bằng cách treo cổ.

Có rất nhiều mâu thuẩn giữa các tướng trong việc ai là người ra lệnh giết anh em Diệm - Nhu. Theo lời thuật lại của Tướng Đôn trong quyển hồi ký sau này của ông ta thì chính Tướng Minh ra lệnh giết anh em Tổng Thống Diệm. Tướng Đôn viết: “Tôi khẳng định là Tướng Minh và một mình ông ta quyết định thôi”. Trái lại, các sĩ quan cho rằng nếu không phải tất cả, thì hầu hết các tướng đảo chánh đã cùng quyết định giết chết anh em Diệm - Nhu. Còn theo ông sếp CIA William Colby thì: “Thật quá rõ ràng chính Tướng Minh đã giết anh em Diệm - Nhu”. Trái lại, theo lời của một viên chức cao cấp CIA khác, ông George Carver thì hoài nghi: “Tôi không nghĩ là Tướng Minh quyết định một mình vì theo cái bản tính của ông, ông ta thích thảo luận và chia sẻ trách nhiệm khi làm một quyết định quan trọng. Ông ta sợ bị đổ thừa sau này”. Nhưng cũng theo người khác kể thì chính Tướng Mai Hữu Xuân đã ra lệnh giết anh em nhà Diệm - Nhu…

Báo chí Mỹ trong đó có bài viết của phóng viên P. Schlesinger khi ấy làm việc cho hãng tin AP (Mỹ) sau đó còn tường thuật rằng cái chết của anh em Diệm - Nhu đã làm cho Tổng Thống Kennedy buồn rầu hết mấy ngày bởi vì “Tổng Thống Kennedy là con người đạo đức, ông ta không muốn người khác bị giết, hơn nữa người đó lại là vị nguyên thủ quốc gia. Tuy nhiên, một phần khác nữa là Tổng Thống Kennedy sợ rằng cái chết của Tổng Thống Diệm sẽ lôi kéo thêm nhiều quân nhân Mỹ vào Việt Nam”. Cũng theo P. Schlesinger vào thời điểm đó đã có 16 ngàn cố vấn Mỹ tại Việt Nam và có gần 100 lính Mỹ chết trận tại miền nam Việt Nam. Mặc dù Tổng Thống Kennedy mất bình tỉnh, nhưng các giới chức Mỹ thì bình thường. Quân đội và CIA thì luôn nhận thức rằng có đảo chánh là có đổ máu chết chóc. Tướng Taylor sau này nói rằng: “Thực hiện một cuộc đảo chánh không phải giống như một tiệc trà. Nó là một việc làm vô cùng nguy hiểm”. Trước khi đảo chánh, Phó Đại sứ Mỹ Trueheart có gởi một điện văn cho Bộ Ngoại giao khuyến cáo rằng: “Thật nguy hiểm cho hai anh em ông Diệm - Nhu có thể bị tử hình vì các tướng đảo chánh sợ rằng hai anh em ông này sẽ tìm cách trở về chiếm lại quyền hành”. Còn ông phụ tá Ngoại trưởng, Roger Hilsman, người đồng tác giả bức điện văn “tối mật” ngày 24/8 ủng hộ đảo chánh, khi được hỏi ông nghĩ gì khi bàn tay ông ta đang dính đầy máu. Tuy nhiên Hilsman tỏ ra dửng dưng, cho rằng chính phủ Mỹ không quan tâm lắm về cái chết của ông Diệm. Ông nói: “Cách mạng thì ghê gớm lắm. Người ta phải chịu trả giá bằng sự chết chóc mà!”.

ngo-dinh-dieme-1631428411.jpeg

Quay trở lại câu chuyện của anh em nhà Diệm - Nhu, vào ngày 2/11/1963, quân đảo chánh tiếp tục tiến hành bao vây nhà ông Ngô Đình Cẩn và ông này đã phải chạy đến trốn vào một nhà thờ Công giáo tại Huế. Các linh mục tìm đến Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Huế xin tỵ nạn cho ông Cẩn nhưng không được vì theo luật quốc tế chỉ có Tòa Đại sứ mới có quyền cho tỵ nạn mà thôi. Ông Lãnh Sự John Helble hỏi lệnh Tòa Đại sứ và Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao chỉ thị Lãnh Sự Helble phải cho ông Cẩn vào tỵ nạn. Khoảng 10 giờ 45 sáng, một mình ông Cẩn đến trú ẩn tại Tòa Lãnh sự Huế. Tướng Đỗ Cao Trí, Tư lệnh Sư Đoàn I đến Tòa Lãnh sự yêu cầu nơi này đừng chứa chấp ông Cẩn vì e dân chúng tràn vào không giữ an ninh nổi. Cùng ngày, tòa Lãnh sự Mỹ ở Huế yêu cầu tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn nên di chuyển gấp ông Cẩn. Ông Lãnh Sự Helble đã kể lại: ”Tôi được cho biết là sẽ đưa anh em ông Diệm - Nhu ra khỏi nước”. Tháp tùng bởi một người sĩ quan Mỹ, ông Cẩn đã lên máy bay đi vào Sài Gòn. Hạ cánh ở Tân Sơn Nhứt, thay vì gặp một viên chức tòa Đại sứ như đã hứa, nhưng ông CIA Conein đã đón bắt ngay ông Cẩn và giao cho quân đảo chánh giam giữ. Trong lúc chiếc máy bay chở ông Cẩn đang bay, Đại sứ Lodge gọi về Hoa Thịnh Đốn báo tin là Tướng Đôn hứa sẽ cho ông Cẩn được xử án một cách phân minh và công bằng, bởi vậy ông quyết định giao ông Cẩn cho phe đảo chánh. Ông CIA Conein kể là Đại sứ Lodge dặn: “Tôi sắp xếp chuyến bay đặc biệt này và ông phải giải giao người trên phi cơ này cho quân đảo chánh”. Vào mùa Xuân 1964, ông Cẩn bị ghép đủ thứ tội như: tội thủ tiêu, tổ chức ám sát, bắt người vô cớ, làm thiệt hại kinh tế quốc gia mặc dù có lời xin ân xá của Đại sứ Lodge và cuối cùng ông ta cũng bị xử bắn ngày 9/5/1964, chính thức đánh dấu chấm hết cho triều đại của nhà độc tài Ngô Đình Diệm...

Nguyễn Sinh
Bạn đang đọc bài viết "Chế độ độc tài “gia đình trị” Ngô Đình Diệm và cuộc chinh biến năm 1963 (Bài cuối)" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.