Chế độ độc tài “gia đình trị” Ngô Đình Diệm và cuộc chinh biến năm 1963 (Bài 3)

10/09/2021 15:58

Theo dõi trên

Tại Sài Gòn tất cả trường học hầu như đều đóng cửa, tin tức đảo chánh càng lan truyền rộng. Các tướng đảo chánh âm thầm di chuyển các đơn vị dù vào Sài Gòn và chính quyền Diệm - Nhu cũng ngầm ra lệnh bố trí chống đảo chánh...

diem-2647575889-1631264063.gif
Hoa Thịnh Đốn họp bàn cách loại bỏ chế độ Ngô Đình Diệm, người ngồi thứ nhất bên phải ảnh là Tổng Thống Mỹ Kennedy

Hoa Thịnh Đốn với chính sách “Củ cà rốt và cây gậy”

Ngày 24/8/1963, Đại sứ Lodge đánh điện văn cho Bộ Ngoại giao. Phụ Tá Ngoại trưởng Hilsman phúc đáp, chỉ thị cho tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn tiếp xúc với các tướng lãnh để thực hiện đảo chánh. Do trúng vào ngày thứ bảy cuối tuần, Tổng Thống Kennedy, Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk, Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara không có mặt tại Hoa Thịnh Đốn, nhưng các phụ tá của họ như Thứ trưởng Ngoại giao Harriman và Phụ tá Tổng Thống Forrestal cũng có mặt làm việc với sự hỗ trợ của phụ tá Ngoại Trưởng Hilsman. Những người này cùng thảo ra một bức điện văn để trả lời cấp tốc cho Đại sứ Lodge. 

Bức điện văn đề ngày 24/8/1963 có nội dung (nguyên văn) như sau: "Bộ Ngoại Giao gởi Tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn để thi hành ngay lập tức. Tối Mật. Không được phép phổ biến. Chỉ đích thân Đại Sứ Lodge mới được phép đọc mà thôi. Đối với CINPAC/POLAD thì chỉ Đô Đốc Felt được phép đọc mà thôi.

Theo CAS Sài Gòn 0265 báo cáo về quan điểm của Tướng Đôn; Saigon 320, Saigon 316, Saigon 329. (Các con số là những ký hiệu mật mã). Bây giờ thì rõ là hoặc quân đội đề nghị lệnh thiết quân luật hoặc ông Nhu đã lừa họ. Ông Nhu đã lợi dụng tình trạng đó để tấn công chùa chiền bằng cảnh sát và Lực Lượng Đặc Biệt của Đại Tá Tung trung thành với ông ta, làm cho nhân dân Việt Nam và thế giới ngỡ lầm rằng quân đội làm. Hơn nữa, cũng thật quá rõ là ông Nhu đã âm mưu sắp đặt ông ta vào vị trí chỉ huy.

Chính phủ Hoa Kỳ không thể dung dưỡng tình trạng mà quyền hành lại nằm trong tay ông Nhu. Ông Diệm phải loại bỏ ông Nhu và các thuộc hạ của ông để thay vào đó bằng quân đội tinh nhuệ và các chính trị gia có tư cách. Nếu ông (tức Đại Sứ Lodge) cố gắng hết sức, nhưng ông Diệm vẫn ngoan cố và từ chối thì chúng ta phải đối đầu với một điều có thể xảy ra, là ngay cả bản thân ông Diệm cũng không thể tồn tại được. Ký tên: Hilsman, Forrestal, Ball, W.Everell Hariman”.

Sau khi soạn xong bản điện văn, ông Forrestal đã gọi điện thoại cho Tổng Thống Kennedy đang nghỉ cuối tuần tại Hyannis Port, bang Massachusetts và đọc cho ông ta nghe. Nghe xong, Kennedy hỏi lại: “Có thể chờ cho đến thứ hai để có đủ người họp được không?”. Ông Harriman và Hilsman trả lời là “phải cần gởi gấp ngay bây giờ”. Nghe thế, Tổng Thống Kennedy đồng ý và bảo “Hãy gởi đi!”. Ông Hilsman cũng gọi điện thoại báo cho Ngoại trưởng Rusk và cũng được đồng ý cho phép gởi đi. Ông Hilsman gởi ngay điện văn này qua Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn và được coi như Mỹ đã “bật đèn xanh” cho cuộc đảo chánh. Bộ trưởng Quốc phòng McNamara và Giám Đốc CIA McCone do chưa được đọc bức điện văn trước khi nó được gởi đi nên tỏ ra rất bất mãn. Đại sứ Lodge nhận được điện văn và gởi ngay cho ông “sếp” CIA William Colby, lúc đó đang làm Giám đốc CIA vùng Viễn Đông, có trụ sở tại Langley Virginia. 

Sáng ngày 26/8/1963, tức vào sáng thứ hai, các cố vấn của Tổng Thống Kennedy chia làm hai phe: Tướng Tổng Tham mưu trưởng Maxwell Taylor phàn nàn rằng Bộ Ngoại giao quyết định thảo bức điện văn ngày 24/8 mà không hội ý các nhân vật cao cấp, tạo nên sự nghi ngờ về mức độ thành công của việc đảo chánh. Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc CIA cũng cùng quan điểm. Giám Đốc McCone cho rằng: “Tổng Thống Diệm là người lãnh đạo xứng đáng nhất tại Việt Nam và CIA cũng khó mà thực hiện được tinh thần bức điện văn ngày 24/8/1963”. Tổng Thống Kennedy thì khiển trách ông phụ tá Forrestel đã không chịu giữ lại bức điện văn cho tới thứ hai. Ông Forrestal đã xin từ chức qua chuyện này nhưng Tổng Thống Kennedy vẫn muốn giữ ông ta lại. Bộ Quốc phòng cũng tỏ ý bất đồng với Bộ Ngoại giao và cho rằng họ muốn có thêm một cơ hội nữa để thuyết phục Tổng Thống Diệm nên tự ra tay loại bỏ ông Nhu.

Khoảng 8 giờ sáng ngày 27/8/1963, đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA lên tiếng chỉ trích chỉ có cảnh sát của ông Nhu tham gia tấn công chùa chiền và minh xác rằng quân đội không hề nhúng tay vào. Đài VOA cũng tuyên bố Mỹ sẽ cắt viện trợ chính phủ Tổng Thống Diệm bởi sự việc này. Đại sứ Lodge nghe xong bèn gọi điện thoại cho Ngoại trưởng Rusk phàn nàn về việc vì sao đài VOA lại quá nhanh nhảu đi thông báo về chuyện cắt viện trợ, do cũng vào lúc 11 giờ sáng ngày này Đại sứ Lodge sẽ gặp trình Ủy nhiệm thư cho Tổng Thống Diệm. Ông Ngoại trưởng Rush liền gởi điện văn qua xin lỗi ông Lodge và đài VOA cũng đính chính lại sẽ không có chuyện Mỹ cắt viện trợ. Trong dịp này, Đại sứ Lodge còn yêu cầu Tổng Thống Diệm cần thiết phải loại trừ Nhu ra khỏi chức cố vấn nhưng xem ra đã quá trễ vì lúc này Nhu đã trở thành tai, mắt và là cánh tay phải đắc lực của Tổng Thống Diệm. Cùng ngày, ông Conein còn có cuộc tiếp xúc với Tướng Trần Thiện Khiêm tại Bộ Tổng Tham mưu. Tướng Khiêm khuyên ông Conein nên tìm cách tiếp xúc với Tướng Dương Văn Minh (tức “Big” Minh), bởi Tướng Minh đang là cố vấn quân sự cho Tổng Thống Diệm và càng tréo cẳng ngổng nữa khi ông ta cũng lại là Chủ tịch Ủy ban đảo chánh. Trong khi ấy thì một ông “sếp” CIA Mỹ ở Sài Gòn khác là Al-Spera cũng đã bay lên cao nguyên để gặp tướng Nguyễn Khánh. Tướng Khánh không nêu danh tánh các tướng lĩnh sẽ tham gia đảo chánh nhưng khi nghe nhắc đến tên tướng Khiêm thì tướng Khánh nói “Chúng tôi cũng thích như vậy!”.

Ngày 27/8/1963, Tổng Thống Kennedy cho họp các cố vấn cao cấp. Những người này có cả cựu Đại sứ Nolting tham dự. Ông Nolting tỏ ý không tin tưởng cuộc đảo chánh thành công vì ông cho rằng các tướng đảo chánh không thực sự can đảm như anh em Diệm - Nhu, họ cũng không đoàn kết mà lại hay chia rẽ, không có ai sáng mặt trở thành lãnh đạo thật sự và họ cũng không có thực lực quân đội trong tay. Tổng Thống Kennedy hỏi lại ông Nolting: “Tại sao Tổng Thống Diệm không giữ lời hứa với chúng ta? Tại sao chính quyền Tổng Thống Diệm dùng sức mạnh đàn áp Phật giáo? Bà Nhu hiện đang nắm chức quyền gì?”. Ông Nolting cố bào chữa cho Tổng Thống Diệm và đề nghị chính phủ Mỹ nên cho thêm một cơ hội nữa để đòi Tổng Thống Diệm loại bỏ ông Nhu và truất quyền bà Nhu. Ông Nolting nói với Tổng Thống Kennedy: “Ông Diệm và ông Nhu cũng giống như cặp song sinh Siamese dính nhau nên không thể tách rời ra được”. Ông Nolting cũng nhắc cho Tổng Thống Kennedy biết về việc 3 năm trước đây, Đại sứ Mỹ Durbrow cũng đòi Tổng Thống Diệm loại bỏ ông Nhu nhưng thất bại nên đã trở về Mỹ. Tổng Thống Kennedy còn nói rằng: “Nếu ông nói đúng, thì chuyến đi của Đại sứ Lodge kỳ này sẽ là chuyến đi ngắn nhất trong lịch sử Hoa kỳ”. Song cuối cùng Tổng Thống Kennedy vẫn giữ lập trường ủng hộ bức điện văn ngày 24/8.

diem-2564646-1631264158.gif
Quân đảo chính tấn công Dinh Gia Long

Trong khi đó tại Sài Gòn tất cả trường học hầu như đều đóng cửa, tin tức đảo chánh càng lan truyền rộng. Các tướng đảo chánh âm thầm di chuyển các đơn vị dù vào Sài Gòn và chính quyền Diệm - Nhu cũng ngầm ra lệnh bố trí chống đảo chánh. Đáng kỳ vọng nhất trong cán cân quân sự của Diệm - Nhu lần này có Tôn Thất Đính, tức Tư lệnh Thủ đô Sài Gòn, trong tay đang có 2.500 lính dù, 1.500 lính thủy quân lục chiến, 700 quân cảnh. Ngoài ra Tướng Đính còn có liên hệ mật thiết với Sư đoàn 5 Bộ binh. Ngoài ra, phe của Diệm - Nhu cũng có Đại tá Lê Quang Tung đang nắm quyền chỉ huy 1.700 lính phòng vệ phủ Tổng Thống, 900 lính lực lượng đặc biệt và 700 cảnh sát dã chiến.

Vào ngày 8/8/1963, ông “sếp” CIA Conein gặp lại các tướng đảo chánh lần hai, gồm các Tướng Dương văn Minh, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh, Lê Văn Kim và Đại tá Nguyễn Văn Thiệu. Các tướng này cũng mong muốn Mỹ chính thức ủng hộ cuộc đảo chánh bằng sự lên tiếng của Đại sứ Lodge. Ông Trưởng phòng CIA John Richardson còn khuyến cáo rằng tình hình bây giờ không thể thối lui được nữa và “đây là trận đánh cuối cùng của gia đình Tổng Thống Diệm”. Ông này còn tiên đoán rằng các tướng đảo chánh sẽ thắng, tuy nhiên phải thuyết phục cho được Tướng Tôn Thất Đính và Đại tá Lê Quang Tung gia nhập vào hàng ngũ phe đảo chánh. Riêng Đại sứ Lodge cũng tỏ sự ủng hộ đảo chánh và nói rằng “nếu trễ nãi sẽ dễ thất bại”. Trái với ý kiến của ông Trưởng phòng CIA Richardson và Đại sứ Lodge, Tướng Paul D. Harkins, Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt Nam nghi ngờ khả năng của các tướng đảo chánh. Ông khuyên Mỹ chỉ nên đứng ngoài cuộc đảo chánh này.

Tại Hoa Thịnh Đốn, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ họp cũng ủng hộ kế hoạch đảo chánh. Chỉ có cựu Đại Sứ Nolting phản đối nói: “Nếu Mỹ bỏ rơi Diệm - Nhu tức là Mỹ đã nuốt lời cam kết trong quá khứ”. Thứ trưởng Ngoại giao Harriman chống lại ý kiến ông Nolting và chỉ trích ông Nolting đã không phục vụ quyền lợi nước Mỹ trong thời gian ông làm Đại sứ tại Việt Nam. Tổng Thống Kennedy tỏ ra phân vân, nhưng cuối cùng đồng ý ủng hộ cuộc đảo chánh, tuy nhiên ông muốn trao quyền quyết định cho Đại sứ Lodge.

Tổng Thống Kennedy nói với ông Lodge: “Tôi tin là ông sẽ không ngại ngùng khi đưa ra quyết định đình hoãn hay thay đổi kế hoạch đảo chánh nếu ông nghĩ cần thiết”. Bấy giờ, Ngoại trưởng Rusk cũng cho gởi điện văn đến Đại sứ Lodge, chỉ thị mọi cách trước mắt phải loại bỏ cho được vợ chồng Nhu ra khỏi chính quyền. Tuy nhiên khoan cắt đứt viện trợ mà hãy chờ cho đến khi nào các tướng sẵn sàng đảo chánh. Bởi ông ta sợ rằng nếu Tổng Thống Diệm biết được thì có khi Diệm sẽ kêu gọi phía Cộng sản Bắc Việt ủng hộ họ để đánh lại người Mỹ (?).

Ngày 29/8/1963, Tổng Thống Kennedy gởi điện văn cho Đại sứ Lodge, nhắn nhủ: “Tôi chấp thuận tất cả những điều đề cập trong điện văn mà những vị khác gởi cho ông (tức bức điện văn “tối mật” ngày 24/8) và tôi ủng hộ các điều đó hết mình. Chúng tôi sẽ cố gắng làm hết sức để có thể giúp ông hoàn thành sứ mạng này một cách mỹ mãn. Cho đến khi các tướng lãnh ra tay, tôi xin được dành cái quyền thay đổi kế hoạch hay đảo ngược chỉ thị vào giờ chót. Tôi hoàn toàn nhận hết trách nhiệm về bất cứ sự thay đổi nào và tôi cũng chịu hoàn toàn trách nhiệm về kế hoạch này và hậu quả của nó”.

Còn tiếp...

Nguyễn Sinh
Bạn đang đọc bài viết "Chế độ độc tài “gia đình trị” Ngô Đình Diệm và cuộc chinh biến năm 1963 (Bài 3)" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.