Chế độ độc tài “gia đình trị” Ngô Đình Diệm và cuộc chinh biến năm 1963 (Bài 2)

09/09/2021 10:03

Theo dõi trên

Ngày 2/6/1963, tại Huế, khoảng 500 sinh viên cũng xuống đường biểu tình chống chính quyền kỳ thị Phật giáo. Cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo động, cảnh sát đã dùng chó săn cùng lựu đạn cay tấn công đoàn biểu tình khiến cho 67 sinh viên bị thương phải vào bệnh viện...

thieu-2565656-1631156424.gif
Phật giáo bị đàn áp mạnh dưới chế độ Ngô Đình Diệm với đỉnh điểm là vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức

Những cuộc tranh đấu mang màu sắc tôn giáo

Ngày 5/5/1963, thành phố cổ kính Huế bắt đầu cho giăng đầy cờ và khẩu hiệu để chuẩn bị tiến tới mừng lễ Ngân Khánh của Đức Giám Mục Ngô Đình Thục, bào huynh của Tổng Thống Diệm. Trong số cờ ấy có cờ của Giáo hội Công giáo Vatican tức lá cờ nửa vàng nửa trắng và hình ảnh Đức Giáo Hoàng. Biểu tượng này được nhìn nhận như là Tòa Thánh Vatican đã công nhận đạo Công Giáo tại Việt Nam, xóa đi hình ảnh đô hộ của Pháp quốc lâu nay.

Tuy vậy vào ngày 8/5/1963, Phật tử tại Huế cũng cho treo cờ Phật giáo để mừng Đại Lễ Phật Đản lần thứ 2.507 song chính quyền không cho phép (?). Vì quá tức giận sự bất công, ngay tối hôm đó một số Phật tử liền kéo đến biểu tình tại Đài phát thanh để phản đối chính quyền. Trong khi xô xát, một quả bom nhỏ (có người nói là một trái lựu đạn) bất ngờ phát nổ. Kết quả có 9 người chết, trong đó có một trẻ em và 20 người khác bị thương. Chính quyền Diệm lâp tức quy kết rằng phe Cộng sản trà trộn vào đặt chất nổ giết người để gây xáo trộn, còn phía biểu tình nhất loạt kết án chính Thiếu Tá Đặng Sỹ (người của chính quyền Diệm) đã ra lệnh nổ súng giết những người biểu tình.

Còn theo lời kể của viên Lãnh sự Mỹ tại Huế sau này là do “lính chính quyền hốt hoảng vì tiếng nổ và tiếng la hét của đám biểu tình nên đã xả súng bắn vào đám biểu tình”. Cũng cần biết thêm rằng vào thời điểm này riêng ở miền Nam, Phật giáo có khoảng 10,5 triệu tín đồ còn Công giáo chỉ có khoảng 1,5 triệu tín đồ.

Vào ngày 15/5/1963, một phái đoàn Phật giáo gồm 8 người từ Huế vào Sài Gòn trình bản kiến nghị cho Tổng Thống Diệm về vụ xô xát nêu trên và Diệm đã đồng ý hầu hết các yêu sách cũng như hứa hẹn sẽ tiến hành điều tra. Tuy nhiên Tổng Thống Diệm đã không chịu bồi thường cho các gia đình nạn nhân vì “lo sợ Phật giáo nhân cơ hội này càng làm tới”. Thế rồi khoảng một tuần lễ sau, Tổng Thống Diệm bất ngờ đổi ý, không chịu nhượng bộ Phật Giáo nữa và sự kiện này đã làm cho phe Phật Giáo hết sức bất mãn.

Ngày 28/5/1963, Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, lãnh đạo Phật giáo Việt Nam lúc ấy lên tiếng kêu gọi các tín đồ đứng lên biểu tình. Tại Huế, hàng ngàn tăng ni đã nhất loạt xuống đường còn ở Sài Gòn cũng có hàng trăm tăng ni kéo ra đường biểu tình và tuyệt thực 48 giờ ngay trước tòa nhà Quốc hội. Khi này Đại sứ Mỹ Frederick E. Nolting cố tình vắng mặt tại Sài Gòn và Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ thị cho ông Phó Đại Sứ William C. Trueheart đứng ra giải quyết.

Ngày 2/6/1963, tại Huế, khoảng 500 sinh viên cũng xuống đường biểu tình chống chính quyền kỳ thị Phật giáo. Cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo động, cảnh sát đã dùng chó săn cùng lựu đạn cay tấn công đoàn biểu tình khiến cho 67 sinh viên bị thương phải vào bệnh viện. Chính quyền còn ra lệnh giới nghiêm cả thành phố Huế và cho cảnh sát, công an kiểm soát hầu hết các nẻo đường. Để tránh đụng chạm nhiều, Tổng Thống Diệm sau đó đã quyết định sa thải 3 viên chức có dính líu trách nhiệm trong vụ bắn chết người biểu tình ngày 8/5/1963, trong đó có thiếu tá Đặng Sỹ. Tiếp theo, chính quyền còn chính thức lên tiếng xin lỗi Phật giáo, nói rằng các nhân viên chính quyền đã thiếu tế nhị khi hành xử công tác và hứa sẽ cho một phái đoàn chính phủ tiếp xúc với Phật giáo để bồi thường cho các gia đình nạn nhân.

Tuy vậy, vào ngày 7/6/1963, bà Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu) trong một buổi họp báo đã cố tình ca ngợi tổ chức Phụ nữ Liên đới của bà ta vừa thành lập và lớn tiếng lên án cho rằng những vị lãnh tụ Phật giáo đều do Cộng sản giật dây (?). Ngay sau đó vào sáng ngày 11/6/1963, phát ngôn viên của Phật giáo đã thông báo cho các phóng viên, ký giả Mỹ biết sẽ có một biến cố quan trọng sẽ xẩy ra tại ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng ở thành phố Sài Gòn. Sự kiện này hoàn toàn có thật: trước hàng ngàn tăng ni, phật tử đứng chung quanh, Hòa Thượng Thích Quảng Đức (lúc đó 73 tuổi) đã ngồi bình thản tự thiêu bằng xăng. Thế nhưng chính quyền Diệm (thực chất là bà Trần Lệ Xuân) lại tuyên truyền rằng Hòa Thượng Thích Quảng Đức ngồi bình tỉnh là do “đã tiêm chích ma túy trước đó” nên không biết lửa nóng là gì! Bà Xuân còn tuyên bố về cái chết của Hòa Thượng Thích Quảng Đức là: “Tất cả cái mà các vị lãnh đạo Phật Giáo đóng góp vào quốc gia này là đi nướng trui một vị tăng ni (barbecue)”. Chính quyền Tổng Thống Diệm sau đó cũng cho rằng việc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức “là do Cộng Sản sắp đặt” và Đại Sứ Mỹ Nolting cũng ủng hộ lời giải thích này.

phat-giao-235235253-1631156452.gif

Ông ta nói: “Theo tôi nghĩ, chuyện này là do Việt cộng bày ra. Động lực thúc đẩy việc này là do chính trị chứ không phải do vấn đề tín ngưỡng gì hết cả!” (?). Cái chết của Hòa Thượng Thích Quảng Đức sau đó cũng là ngọn lửa châm ngòi cho Phật giáo đấu tranh kịch liệt và mạnh mẽ hơn. Hình ảnh tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã gây ra niềm xúc động cho nhân dân, ngay cả người của chính phủ Mỹ và toàn thế giới. Chính phủ Mỹ bèn xoay qua lên án chính quyền Diệm còn Bộ Ngoại Giao Mỹ thì chỉ thị cho Phó Đại sứ Trueheart bí mật tiếp xúc với Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ để báo tin cho biết là Mỹ sẽ ủng hộ Phó Tổng Thống Thơ nếu Tổng Thống Diệm vì lý do nào đó sẽ phải “ra đi”.

Có lẽ cũng vì nhận thấy Đại Sứ Mỹ Nolting “ngày càng quá thân thiết” với Tổng Thống Diệm do vậy sau đó Tổng Thống Mỹ Kennedy đã tuyên bố thay thế Đại Sứ Nolting bằng tân Đại sứ Henry Cabot Lodge (trong lúc Đại sứ Nolting đang đi công du ở châu Âu mà không hề thông báo trước cho ông ta biết). Đại Sứ Nolting chỉ được biết tin này thông qua đài phát thanh chừng 2 giờ đồng hồ. Sau này, Tướng Maxwell D. Taylor, có thời gian là Chủ tịch Liên quân Hoa Kỳ (tương đương cấp Tổng Tham mưu trưởng) thời đó đã kể lại là Ban cố vấn của Tổng Thống Kennedy lúc ấy chia ra làm 2 phe: một phe muốn lật đổ Diệm vì họ cho rằng “sẽ không thể thắng được Cộng sản nếu vẫn còn Tổng Thống Diệm”, còn phe kia ủng hộ Tổng Thống Diệm trong đó có Tướng Taylor cho là “có thể chúng ta không thể thắng Cộng sản nếu đi với Tổng Thống Diệm, nhưng nếu không đi với Diệm thì chúng ta sẽ đi với ai?”.

Vào ngày 16/6/1963, Ủy ban Chính phủ và Phật giáo cùng nhau ký vào bản Thông cáo chung, trong đó chính quyền Diệm đồng ý thỏa mãn các đòi hỏi của Phật giáo, nhưng lại cương quyết không nhận trách nhiệm gì. Lúc này, Phật giáo cũng cho thay thế Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết bằng Thượng Tọa Thích Trí Quang lãnh đạo cuộc đấu tranh. Vào ngày 25/6/1963, Trưởng Phòng CIA John Richardson tại Sài Gòn cho biết “hoàn toàn thất bại trong việc đứng ra điều đình giữa chính quyền Tổng Thống Diệm và phe Phật giáo”. Ông Cố vấn Nhu thì chỉ trích quyết liệt thái độ mềm dẻo của Tổng Thống Diệm vì cho rằng làm như vậy khiến cho chính quyền khó giải quyết vấn đề. Ông Nhu còn tuyên bố: “Nếu chính phủ không sớm áp dụng luật pháp thì chính phủ sẽ sụp đổ và tôi là người đầu tiên nghĩ như thế!”. 

Vào những ngày cuối tháng 6/1963, Phó Đại Sứ Trueheart cũng đã có những cuộc tiếp xúc với Tổng Thống Diệm để đòi hỏi Diệm nên nhượng bộ Phật Giáo. Vì thấy Tổng Thống Diệm không nghe lời, Phó Đại Sứ Trueheart thậm chí còn đe dọa “Mỹ sẽ không tiếp tục ủng hộ chính phủ Tổng Thống Diệm nữa”. Do bị xúc phạm bởi những lời đe dọa của Mỹ, kể từ đây Tổng Thống Diệm đã tỏ ra bất cần người Mỹ và kêu gọi dân chúng “thắt lưng buộc bụng để độc lập với Mỹ”.

Ngày 11/7/1963, Đại Sứ Nolting quay trở lại Sài Gòn. Tuyên bố với báo chí lúc đó, Nolting nói rằng ông ta qua Việt Nam lần này nhằm thuyết phục Tổng Thống Diệm thay đổi lập trường. Chính Nolting đã khuyến khích Diệm lên đài phát thanh để nhận lỗi về việc tranh chấp với Phật giáo. Nghe theo Nolting, ngày 19/7/1963, Tổng Thống Diệm nói trên đài phát thanh chỉ 2 phút. Tuy nhiên với giọng nói lạnh lùng, Tổng Thống Diệm hứa hẹn rất ít, chỉ yêu cầu mọi người kính trọng chức vụ Tổng Thống của ông ta và hứa sẽ chỉ định một Ủy ban Chính phủ khác điều tra về các khiếu nại của Phật giáo. Dù vậy, cảnh sát vẫn tiếp tục bao vây các chùa chiền bằng những hàng rào dây kẻm gai.

Bức xúc trước tình trạng này, vào ngày 5/8/1963, tại Phan Thiết, sư Nguyên Hương cũng đã tự thiêu bằng xăng. Ngày 13/8/1963, một vị sư khác ở Huế tiếp tục quấn cờ Phật giáo vào người tự thiêu. Tại Ninh Hòa, một ni cô ngồi tại nhà thờ Công giáo cũng tự thiêu rồi một vị sư 71 tuổi lại tự thiêu trong sân chùa Từ Đàm Huế. Vì phong trào Phật giáo đấu tranh quá mạnh mẽ tại Huế và Nha Trang, nên chính quyền Tổng Thống Diệm cho ban tình trạng thiết quân luật tại hai tỉnh này.

ngo-dinh-diem-2556-1631156473.gif
Hoa Thịnh Đốn họp bàn cách loại bỏ chế độ Ngô Đình Diệm, người ngồi thứ nhất bên phải ảnh là Tổng Thống Mỹ Kennedy

Ngày 14/8/1963, Đại Sứ Nolting từ biệt Tổng Thống Diệm về Mỹ. Trước lúc ra đi, Nolting còn yêu cầu Tổng Thống Diệm tốt nhất nên thỏa hiệp với Phật giáo và muốn Tổng Thống Diệm lên tiếng phủ nhận lời tuyên bố “đổ dầu vào lửa” của bà Nhu và còn răn đe là nếu như Diệm không thực hiện các điều kể trên thì “chính phủ Mỹ khó có thể tiếp tục giữ tình hữu nghị như hiện tại”. Tổng Thống Diệm thì nói với Đại Sứ Nolting rằng Hoa Kỳ phải nên hiểu rằng việc rối rắm này “không phải do Phật giáo mà cũng chẳng phải do gia đình ông tạo nên”. Và sau đó, Tổng Thống Diệm lại tuyên bố: “Chính sách liên kết với Phật Giáo của tôi không thể thực hiện được”. Nói chung lúc này thực lòng Diệm cũng muốn đánh một ván bài chót là đàn áp Phật giáo thật mạnh mẽ với hy vọng là nếu thành công thì đây là món quà của ông ta nhằm đón tiếp tân Đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge. 

Vào ngày 15/8/1963, Đại Sứ Nolting rời khỏi Sài Gòn. Ông Nhu cảnh giác cho các tướng lãnh Việt Nam biết chính sách Mỹ thay đổi và có thể Mỹ sẽ bỏ rơi Việt Nam. Nhu còn trưng dẫn bằng chứng là Mỹ vừa ký thỏa hiệp cấm thử bom nguyên tử với Liên Xô có nghĩa là Mỹ cũng đang đi nước cờ hòa hoãn với Cộng sản. Ngày 20/8/1963, mười vị tướng lãnh yêu cầu Tổng Thống Diệm ban bố tình trạng thiết quân luật để quân đội có thể đưa các vị tăng ni ngoài Sài Gòn trở về chùa. Song cũng tối hôm đó, Ngô Đình Nhu đã tự ý hành động mà không thông báo cho các tướng lãnh khi quyết định tấn công chùa Xá Lợi, phá cửa chính bằng súng, lựu đạn cay, bắt bớ các sư trụ trì cùng tăng ni.

Riêng tại Huế, lực lượng an ninh của Nhu cũng dùng súng tiểu liên M1 nã vào chùa Từ Đàm, bắn vỡ tượng Phật và tịch thu 30 ngàn Mỹ kim của nhà chùa. Gần chùa Diệu Đế, nhiều đàn bà, đàn ông, trẻ em cũng phải đương đầu với cảnh sát. Sau khoảng năm tiếng đồng hồ xô xát cho đến khi có xe tăng tới, tại chùa này cũng đã có ít nhất 30 người chết, 200 người bị thương và cảnh sát cũng bắt giam 10 người.

Vào ngày 21/8/1963, sau khi Tổng Thống Diệm chính thức ban bố tình trạng thiết quân luật, Nhu còn ra lệnh cho lực lượng đặc biệt (Special Forces) do Đại tá Lê Quang Tung cầm đầu cùng với cảnh sát dã chiến (Combat Police) tấn công nhiều chùa chiền khác. Đã có khoảng 2000 ngôi chùa bị tấn công, bố ráp trên toàn quốc và cảnh sát đã bắt giam hơn 1.400 vị tăng ni, Phật tử. Ít nhất có hàng trăm người chết. Sự kiện này đã làm cho các nhà cố vấn Mỹ tại Sài Gòn cũng như Hoa Thịnh Đốn rất bực tức và họ đã cùng lên án chính quyền Diệm khá gắt gao.

Tại Honolulu, ông Nolting gặp tân Đại sứ Lodge và một số giới chức Mỹ, qua đó gởi cho Tổng Thống Diệm một bức điện thư, đại loại nói rằng: “Đây là lần đầu tiên các ông đã nuốt lời hứa với tôi”. Hết sức chịu đựng và không còn nhẫn nại được nữa, Tổng Thống Mỹ Kennedy đã quyết định giao cho CIA giải quyết mọi vấn đề liên quan. Cũng trong ngày này, vào khoảng 6 giờ sáng, đài phát thanh Sài Gòn phát thanh lời Tổng Thống Diệm nói rằng “3 tháng thương thảo với Phật giáo xem như đã hoàn toàn thất bại” và tuyên bố toàn nước đặt trong tình trạng thiết quân luật.

Binh sĩ tại Sài Gòn trang bị áo giáp, mang tiểu liên, lựu đạn cay và canh gác khắp các ngã đường cùng những cây cầu chính yếu. Xe Jeep cũng được trang bị súng lớn tuần tiểu thường xuyên khắp thành phố. Sinh viên cũng cùng nhau xuống đường biểu tình bất tuân lệnh thiết quân luật, khiến cho Bộ Trưởng Ngoại Giao Vũ Văn Mẫu từ chức, cạo trọc đầu để phản đối Tổng Thống Diệm. Điều tệ hại hơn là Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ là ông Trần Văn Chương, thân sinh của bà Trần Lệ Xuân (tức bà Nhu) cũng quyết định từ chức và chỉ trích chính quyền Tổng Thống Diệm là “chế độ quá sức độc tài”.

Vào ngày 22/8/1963, khoảng lúc 9 giờ 30 tối, tân Đại Sứ Henry Cabot Lodge đến Sài Gòn. Ngày hôm sau, Tướng Trần Văn Đôn cho mời ông trùm CIA Mỹ ở Sài Gòn là Lucien Conein đến Bộ Tổng Tham mưu để nhận thư trao tận tay cho tân Đại sứ Lodge, nói là thực ra quân đội không hề nhúng tay trong việc đàn áp Phật giáo vừa rồi. Tướng Lê Văn Kim là phụ tá của tướng Đôn và là anh em rể của tướng Đôn còn đòi triệt hạ ngay quyền binh của ông Nhu và yêu cầu chính phủ Mỹ lên tiếng ủng hộ thì quân đội sẽ đứng lên lật đổ chính phủ độc tài của Tổng Thống Diệm.

Tân Đại sứ Mỹ Lodge đã báo cáo về Hoa Thịnh Đốn tất cả sự kiện trên, nhưng trong thâm tâm Lodge không hề muốn ủng hộ việc loại bỏ Nhu. Lodge còn đưa ra lời khuyên nếu Mỹ ủng hộ cuộc đảo chánh (nếu có) thì nên núp trong bóng tối. Cuối cùng, bức điện văn tố cáo "ông Nhu đang bị dân chúng Việt Nam chán ghét" cũng được gởi đến bàn của phụ tá Ngoại trưởng Mỹ Roger Hilsman. Ông Hilsman đọc qua điện văn này đã lên án Nhu và nói rằng nếu còn Nhu thì chẳng những ông này sẽ đưa miền Nam Việt Nam vào thảm họa mà còn kéo theo nước Mỹ xuống vũng bùn đen nữa. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách chính trị vụ Averell Harriman cũng đồng ý rằng Hoa Thịnh Đốn không nên tiếp tục ủng hộ chính phủ Diệm - Nhu nữa. 

Còn tiếp...

Nguyễn Sinh
Bạn đang đọc bài viết "Chế độ độc tài “gia đình trị” Ngô Đình Diệm và cuộc chinh biến năm 1963 (Bài 2)" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.