Chế độ độc tài “gia đình trị” Ngô Đình Diệm và cuộc chinh biến năm 1963

08/09/2021 14:20

Theo dõi trên

Giới thiệu quý độc giả loạt bài chế độ độc tài “gia đình trị” Ngô Đình Diệm và cuộc chinh biến năm 1963 của tác giả Nguyễn Sinh.

diem-1-124555-1631085228.gif
Gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm

Ngô Đình Diệm và con đường danh lợi dưới “bàn tay phù phép” của người Mỹ

Ngô Đình Diệm sinh ngày 3/1/1901 trong một gia đình 9 người con. Thân phụ là Ngô Đình Khả từng phục vụ dưới triều vua Thành Thái. Nói chung đây là một gia đình thuần Công giáo và bản thân Diệm cũng từng có ý muốn sau này lớn lên sẽ trở thành linh mục. Diệm theo học trường Quốc học Huế và tốt nghiệp lúc 16 tuổi, sau đó ghi danh học trường Luật và Quản Trị của Pháp ở Hà Nội. Thời gian đi học Diệm luôn tỏ ra mình là một sinh viên thông minh, xuất sắc và ra trường cũng đứng đầu lớp. Tốt nghiệp xong, Diệm đi làm việc ngay cho chính phủ và tiến thân khá nhanh trên đường công danh. Lần lượt ông ta được bổ nhiệm vào nhiều chức vụ như Quan Hậu Bổ, Tri Huyện tỉnh Thừa Thiên, Tri Phủ tỉnh Quảng Trị, Quản Đạo Ninh Thuận (thuộc Phan Rang) và Tuần Vũ Bình Thuận (tỉnh Phan Thiết).

Vốn thường tự xưng là một “người Việt Nam ái quốc”, Diệm luôn tỏ ý chống đối sự đô hộ của Pháp nhưng đồng thời cũng lên án chủ nghĩa Cộng sản, mà theo ông ta đó là “những kẻ thù của người Việt Quốc gia” (?). Có lẽ nhận thấy Diệm thể hiện nhiều khả năng, bản tính lại năng động, vào tháng 3/1933, Vua Bảo Đại đã bổ nhiệm Diệm nắm chức vụ Thượng thư Bộ Lại đứng đầu nội các (tương đương Bộ Nội vụ). Diệm tỏ ra rất thích thú với công việc mới này, ông ta lập tức đưa ra một số biện pháp và chương trình cải tổ guồng máy cai trị, nhưng sau đó bị Bảo Đại và người Pháp từ chối. Tiếp nữa, Diệm lại thất bại trong việc tranh dành ảnh hưởng với Phạm Quỳnh nên cuối cùng quyết định từ chức Thượng thư Bộ Lại, không màng giữ chức vụ gì khác đến khi ông ta được cử làm Thủ tướng vào năm 1954.

diem-2-252355-1631085295.gif
Tổng thống Ngô Đình Diệm

Sau lúc từ chức, Diệm quay về sống tại nhà của thân sinh gần Huế. Ông ta từ chối mọi sự mời mọc của người Nhật, Bảo Đại lẫn các phe phái chính trị. Năm 1951, Diệm sang Mỹ, trong khoảng thời gian 2 năm, Diệm sống trong hai tu viện Maryknoll, thuộc vùng Lakewood, bang New Jersey và Ossining, thuộc bang New York. Nhờ sự gởi gắm của người anh ruột là Giám mục Ngô Đình Thục, Diệm được Đức Hồng y Spellman tiếp nhận, nâng đỡ và tạo cơ hội giao tiếp với dư luận địa phương qua các buổi nói chuyện tại một vài trường Đại học cũng như tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Cuối cùng, Diệm được lọt vào mắt xanh của một vài chính khách Mỹ có uy tín thời đó như Thượng Nghị sĩ Mike Mansfield, John Kennedy, dân biểu Walter Judd, Chánh án Williams Douglas.... Tháng 5/1953, Diệm qua Bỉ và sống trong tu viện Benidictine de St. André-les-Purges, năm tiếp sau lại qua Pháp “nằm chờ thời” trong tình hình quân Pháp đang bại trận nặng nề tại chiến trường Điện Biên Phủ tại Việt Nam. Qua năm 1954, khi có triệu chứng người Pháp gặp vô số thất bại trên chiến trường Đông Dương và phe Cộng sản đang có cơ hội giải phóng toàn cõi Việt Nam, Hoa Kỳ liền quyết định can thiệp để thay chân người Pháp. Lúc này chính phủ Mỹ muốn tìm người ủng hộ họ và Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles cũng từng biết đến Diệm.

Với “lòng trung trinh ái quốc” nhất là tư tưởng chống Cộng triệt để, Diệm đã sớm lấy được cảm tình của Tòa Bạch Ốc. Quay về nước vào cuối tháng 6/1954, Diệm tỏ ra rất quan tâm và xót xa khi thấy quốc gia đang bị băng hoại, tham ô và nạn quan lại nhũng nhiễu. Cùng với áp lực của chính phủ Mỹ phối hợp bởi sự can thiệp tích cực của Đức Hồng y Spellman mà phía sau là Tòa thánh Vatican cùng sức ép của Phong trào Cộng hòa Bình dân thân Vatican lúc ấy, chính phủ Pháp và Quốc trưởng Bảo Đại buộc lòng phải cử Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng trên nửa phần đất phía Nam bằng sắc lệnh 38/QT do Vua Bảo Đại ký ngày 16/6/1954. Đến ngày 1/10/1954, Tổng Thống Mỹ Eisenhower viết cho ông Diệm một lá thư riêng và được Đặc sứ Mỹ Donald R. Heath trao tận tay ông ta vào ngày 23/10/1954 với nội dung Mỹ cam kết ủng hộ kinh tế và quân sự cho “một chính phủ mới của Ngô Đình Diệm”. Những nhân vật Mỹ chính yếu đứng sau lưng Diệm thời đó là Giám đốc Cơ quan Trung ương Tình Báo Mỹ (CIA) Edward G. Landsdale và Tướng J. Lawton “Lightning Joe” Collins, Đặc sứ của Tổng Thống Eisenhower đặc trách miền Nam Việt Nam... Vào ngày 23/10/1955, sau cuộc tổ chức trưng cầu dân ý, dưới bàn tay đạo diễn khéo léo của người Mỹ, Ngô Đình Diệm đạt được 98,2% phiếu, thắng cả Vua Bảo Đại, và sau đó trở thành vị Tổng Thống đầu tiên của miền Nam Việt Nam.

diem3-266777-1631085337.gif
Ngô Đình Nhu, cố vấn và là cánh tay mặt của Diệm

Ngô Đình Diệm và chế độ “gia đình trị”

Mặc dù Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống nhưng ông ta lại hoàn toàn thiếu thực quyền. Vốn rất tâm đắc với quan niệm “cái dù che cái cán” hay “một người làm quan cả họ được nhờ”. Do vậy nên một người như Giám Mục Ngô Đình Thục - anh ruột của Diệm -  đồng thời là người con trai thứ nhì trong gia đình, vẫn thường lợi dụng chức quyền của người em trai đang làm Tổng thổng để bắt buộc các sĩ quan, quận trưởng, tỉnh trưởng và bộ trưởng luôn phải “khăn gói quả mướp” đi học các “lớp nhân vị” do ông ta tổ chức tại Tòa Giám mục Vĩnh Long. Thậm chí đến ngày lễ Ngân Khánh 29/6/1963 (kỷ niệm 25 năm làm Giám mục) của Ngô Đình Thục còn được tổ chức như một Quốc lễ.

Những bộ hạ thân tín của Giám mục Ngô Đình Thục đã thành lập ra một Ủy Ban mừng lễ Ngân Khánh gồm các nhân vật như Trương Vĩnh Lễ, chủ tịch Quốc hội kiêm chủ tịch lễ Ngân Khánh, Bộ trưởng Nội vụ Bùi Văn Lương, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Quang Trình, Viện trưởng viện Đạihọc Sài Gòn Lê Văn Thới, Viện trưởng viện Đại học Huế Cao Văn Luận và tỉnh trưởng các nơi dĩ nhiên đều phải tham gia.

Tại các Bộ, các nha, ty, sở, trường Đại học, quân nhân, công, tư chức khắp 43 tỉnh và thị xã toàn miền Nam đều phải thành lập các tiểu ban để bán vé nhằm ép buộc công chức cùng những quân nhân cấp úy trở lên phải bỏ tiền mua vé “Mừng lễ Ngân Khánh”. Mỗi chiếc vé có giá từ 2.500 đồng đến 5.000 đồng (hối suất lúc ấy 1 Mỹ kim tương đương khoảng 25 đồng tiền Việt Nam). Có người còn ra sức đóng góp nhiều hơn để lấy lòng Đức Giám mục Ngô Đình Thục. Với hành động dĩ công vi tư và bóc lột trắng trợn nầy, Giám mục Ngô Đình Thục thu lượm được bạc tỷ chỉ qua buổi lễ Ngân Khánh của ông ta. Cạnh đó, Giám mục Ngô Đình Thục và người em trai khác là Ngô Đình Nhu còn được độc quyền khai thác gỗ quí tại vùng Long Khánh cũng như dọc theo tuyến từ Định Quán đến Lâm Đồng, làm chủ đại thương xá Tax ở đường Nguyễn Huệ, một nhà sách Xuân Thu khá đồ sộ trên đường Tự Do, một cư xá tầm cỡ chuyên cho thuê ở đường Trần Hưng Đạo, ngôi biệt thự sang trọng gần bờ sông Thị Nghè... Từ thượng vàng đến hạ cám, nhìn chung Ngô Đình Thục đã không từ bỏ bất cứ một cơ hội nào hòng kiếm chác. Đó là chưa kể tới chuyện Ngô Đình Thục còn lấy ngân sách quốc gia để xây cất trung tâm Nhân vị ở Vĩnh Long, cất nhiều nhà cho thuê, xây dựng quán ăn, tiệm giải khát chung quanh trung tâm nầy để kiếm lợi nhuận, lợi dụng cơ hội trùng tu nhà thờ La Vang để hốt bạc...

diem-64667-1631085455.gif
Ngô Đình Nhu và vợ Trần Lệ Xuân

Cũng giống Ngô Đình Thục, gia đình vợ chồng Ngô Đình Nhu cũng có hai biệt thự đồ sộ, một ở đường Phùng Khắc Khoan và một ở góc Pasteur và Hiền Vương (đường Võ Thị Sáu, TPHCM ngày nay). Lúc ấy, hai biệt thự này đươc xếp vào loại sang trọng nhất nhì Sài Gòn. Còn tại Đà Lạt, biệt thự nghỉ mát của vợ chồng Nhu còn nguy nga đồ sộ hơn, gồm có sân vũ cầu, hồ tắm và nhiều loại kiến trúc sang trọng khác, đã xây dựng trong nhiều năm nhưng cho đến trước khi bị lật đổ - năm 1963 - vẫn chưa kịp hoàn thành.

Cùng với người anh Ngô Đình Thục, như đã nói, vợ chồng Nhu còn tiến hành khai thác rừng gỗ quí ở Định Quán và dọc theo tuyến Định Quán - Đà Lạt, độc quyền khai thác nguồn nước suối Vĩnh Hảo, thao túng ngành chế biến lông vịt ở Chợ Lớn, phân chim ở các đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà thuốc Tây O.V.P. Đó là chưa kể họ còn thủ lợi qua các chương trình viện trợ Mỹ, tổ chức những casino kín đáo thậm chí tham gia buôn bán ma túy, thuốc phiện.

Trong cuốn “Chính trị thuốc phiện tại Đông Nam Á” (The Politics Of Heroin In Southeast Asia), Tiến sĩ Alfred W. McCoy, một chuyên viên trong lĩnh vực bài trừ nạn buôn lậu ma túy thế giới và từng là cố vấn tại Nha Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia miền Nam Việt Nam, có mô tả như sau: “Sau khi băng đảng Bình Xuyên bị tống cổ khỏi đất Sài Gòn vào tháng 5/1955, Tổng thống Diệm nhất quyết bài trừ nạn thuốc phiện bằng chiến dịch công khai đốt các bàn đèn và đóng cửa các tiệm bán thuốc phiện... Nhưng chỉ 3 năm sau, chính phủ Diệm đột nhiên thay đổi chủ trương lành mạnh xã hội nầy bằng việc cho buôn bán thuốc phiện trở lại. Chính ông Ngô Đình Nhu, em trai ông Diệm và là giám đốc ngành mật vụ viện cớ thiếu tiền trang trải cho các chương trình tình báo. Mặc dù gần 3 năm qua, chương trình viện trợ của Hoa Kỳ và CIA đã cung cấp nhiều tiền bạc cho các hoạt động tình báo của ông ta, nhưng vì trở ngại về nhân sự và các khó khăn nội bộ nên tòa Đại sứ Hoa Kỳ chỉ từ chối khoản tăng viện do ông Nhu yêu cầu mà thôi. Nhưng ông Nhu vẫn quyết định cho các bang trưởng người Hoa Chợ Lớn mở lại các tiệm bán thuốc phiện và các bàn đèn đã bị dập tắt trong 3 năm trước rồi cho thành lập đường dây chuyên chở thuốc phiện từ bên Lào về. Cho nhân viên rải khắp nước Lào để mua thuốc phiện sống và dùng hệ thống hàng không quân sự để chuyên chở nhân viên và thuốc phiện đi lại giữa Việt nam và Lào...”.

Còn tiếp...

Nguyễn Sinh
Bạn đang đọc bài viết "Chế độ độc tài “gia đình trị” Ngô Đình Diệm và cuộc chinh biến năm 1963" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.