Cần nghiêm trị hành vi hack "bí mật" của người khác bêu rếu trên mạng xã hội

05/10/2021 15:29

Theo dõi trên

Gần đây, trên mạng xã hội xảy ra chuyện có những người giỏi công nghệ được gọi là hacker có thể hack được những tin nhắn, hay những thứ gọi là bí mật đời tư của người khác. Không biết thực hư thế nào, nhưng sau những lời dọa dẫm này, thì mấy ngày sau, những cái tên được cho là bị dọa trước đó được xướng lên với những bí mật mà cư dân mạng coi là động trời, “dơ dáy”.

hacker-1623507999-1633422492.jpg
Hành vi hack thông tin của người khác là vi phạm Luật An ninh mạng Việt Nam, tùy mức độ phải bồi thường thiệt hại, truy cứu trách nhiệm hình sự. Ảnh: Internet

Theo tài liệu, hacker là những người sử dụng các kỹ năng (lập trình, phần mềm, phần cứng, hệ thống mạng…) đồng thời lợi dụng những lỗ hổng bảo mật để can thiệp một cách trái phép vào phần mềm, phần cứng, máy tính, hệ thống máy tính, mạng máy tính nhằm thay đổi các chức năng vốn có của nó theo ý thích của bản thân mình. Hack là việc lợi dụng những lỗ hổng bảo mật can thiệp một cách trái phép vào phần mềm, phần cứng, máy tính, hệ thống máy tính, mạng máy tính nhằm thay đổi các chức năng vốn có của nó. Như vậy, ta có thể hiểu hack vào tài khoản người khác để lấy thông tin là “can thiệp một cách trái phép” vào tài khoản cá nhân của người khác.

Không ai mong những sai lầm quá khứ của mình bị “khui” ra. Vì vậy, những sai lầm nếu chẳng may mà hacker hack được, thì trước tiên đã gây ra sự tức giận, phẫn nộ cho người bị hack. Ông cha ta từng có câu “xấu che tốt khoe”, có thể một ý nghĩa nào đó là để nói, những thứ không mong muốn, những thứ mà mình cho là xấu, có hại cho xã hội thì không nên trưng ra, một mặt là ảnh hưởng đến bản thân, mặt khác là gây sự chú ý không mong muốn của xã hội đến với mình, hoặc là gây “nặng lượng xấu” đến cho xã hội.

Đã là con người, không ai hoàn hảo, có những sai lầm có thể bỏ qua được, nhưng cũng có sai lầm phải trả giá bằng tù tội, mạng sống. Trả giá bằng tù tội thì đã có luật pháp, còn trả giá bằng những thứ mà không vi phạm pháp luật, thì trong chừng mực nào đó, giữa con người với nhau, có thể bỏ qua, để người mắc sai lầm có cơ hội thay đổi, và không đi vào “vết xe đổ”.

Ông cha ta cũng có câu “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” là cũng có ý nói, nên bỏ qua những khiếm khuyết, sai lầm của người luôn có ý cầu thị, biết sửa chữa lỗi lầm. Nhưng dường như, việc bỏ qua sai lầm cho người khác ngày càng trở nên khó khăn, khi sai lầm đó (ở đây nói về sai lầm không vi phạm pháp luật) được “mổ xẻ” trên mạng xã hội. Những bình luận vô tội vạ, không thương tiếc, chỉ sướng mười đầu ngón tay viết ra đã gây ra biết bao hậu quả cho người chẳng may mắc sai lầm đó. Cứ thế, hết trang mạng này đến trang mạng khác dẫn lại, trở thành độ “hot” không nên có. Đó là chưa nói các báo, các trang tin, tạp chí đưa tin theo.

Người đồng cảm, khuyên lơn, biết bỏ qua thì ít, người chỉ trích thêm thì không đếm xuể. Điều đáng nói, những sai lầm này (nếu có) lại theo cái cách được các hacker “thần thánh” hack được. Việc này, về nhân cách con người là không được phép. Ở trường hợp này, hacker trở thành một kẻ ăn trộm, khi vào nhà người khác ăn trộm những thứ không phải vàng bạc, mà là ăn trộm danh dự của người khác đem ra bêu rếu. Có hacker nhơn nhơn khoe “thành tích” của mình moi thông tin đời tư của người khác để cung cấp cho người thuê mình, để người này bêu riếu trên mạng, từ đó được nhận phần thưởng hậu hĩnh!

Về luật pháp, ở Việt Nam, đã có luật An ninh mạng, được Quốc hội Việt Nam khóa XIV (2016-2021) biểu quyết thông qua vào sáng ngày 12 tháng 6 năm 2018. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Luật đưa ra các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi: Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống nhà nước; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc…. Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng,…

Theo Điều 9 của Luật An ninh mạng về xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng, người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, về mặt luật pháp, việc hacker hack thông tin của cá nhân người khác, rồi bôi nhọ trên mạng xã hội đã vi phạm luật an ninh mạng, và đương nhiên, người này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Về mặt nhân cách, như đã nói, việc hacker với khả năng giỏi công nghệ “đào” quá khứ của người khác rồi đưa ra trên mạng xã hội là không được phép. Giả hoặc, một ngày xấu trời nào đó, những lỗi lầm của hacker đó bị bêu rếu như vậy, thì chắc rằng hacker đó sẽ không chịu được.

Chúng ta không cổ vũ cho việc che dấu sai lầm, nhất là những sai lầm đó vi phạm pháp luật. Nhưng chúng ta cũng không nên đưa sai lầm của họ công khai quá đáng trên mạng xã hội, nhất là những sai lầm đó có thể bỏ qua. Nếu những sai lầm đó xấu xí, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội thì việc làm đó đáng lên án. Nhưng việc lên án đó cần phải đúng pháp luật, chuẩn mực đạo đức.

Nhưng cũng không vì thế, mà chúng ta làm theo cái cách của những hacker xâm phạm quyền đời tư của người khác. Nếu ai đó, phát hiện một người vi phạm pháp luật, thì có quyền viết đơn tố giác đến cơ quan công an, chứ không phải lên mạng xã hội bôi xấu khi sự việc chưa được rõ ràng. Cơ quan pháp luật chưa đưa ra quyết định nào thì mạng xã hội vô hình chung đã giết chết danh dự, nhân phẩm của người bị bêu rếu đó.

Vì vậy, trước khi đưa thông tin lên mạng xã hội về ai đó có vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, lối sống hay không thì ta nên suy xét lại. Bởi việc này, về mặt pháp luật là đã vi phạm Luật An ninh mạng Việt Nam. Mặt khác, vô hình chung đã hủy hoại một con người, rồi người thân, bạn bè họ cũng bị vạ lây. Chúng ta nên biết sử dụng mạng xã hội, chứ đừng để mạng xã hội sử dụng ta cho việc làm vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, những kẻ đánh cắp bí mật đời tư của người khác cần bị nghiêm trị!

Tham khảo baophapluat.vn

Quyền riêng tư được pháp luật bảo vệ như thế nào?

Nhà nước Việt Nam công nhận và bảo hộ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong các văn bản pháp luật như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và pháp luật chuyên ngành.

Điều 21 Hiến pháp năm 2013 có quy định: “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn;

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.

Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” quy định: “1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 , khoản 2 Điều 46 “Bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử” quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Điều 16 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, theo đó: “1. Cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với thông tin do mình xử lý”.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào; b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông; c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật; đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác…”.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR). Tại Điều 17 Công ước khẳng định: “(1) Không ai bị can thiệp một cách độc đoán và bất hợp pháp đến đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín; hoặc bị xúc phạm một cách bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. (2) Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại mọi sự can thiệp và xúc phạm như vậy”. 

Luật sư Nguyễn Mạnh Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội): Vì thông tin bí mật, thông tin riêng tư thường “đánh đúng” tâm lý tò mò của nhiều người, nên trong quá trình hoạt động, tình trạng thông tin đời tư bị công khai trên phương tiện truyền thông vẫn còn.

Tiết lộ bí mật đời tư của người khác, lại còn đăng trên phương tiện truyền thông có thể sẽ làm ảnh hưởng đến nhân phẩm danh dự, thậm chí đẩy người đó vào tâm lý bi quan, sợ hãi, bị người khác khinh rẻ. Thực tế vừa qua, đã không ít trường hợp vì những thông tin đời tư bị phát tán mà nhiều bạn trẻ rơi vào bế tắc dẫn đến tự tử. Đối với những người nổi tiếng, việc này làm ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự, ảnh hưởng đến thái độ của khán giả và thậm chí còn làm ảnh hưởng đến cả công việc của họ./.

Tiểu Vũ
Bạn đang đọc bài viết "Cần nghiêm trị hành vi hack "bí mật" của người khác bêu rếu trên mạng xã hội" tại chuyên mục Thời cuộc. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.