Cận cảnh ấn vàng triều Nguyễn

17/03/2021 11:19

Theo dõi trên

Trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn có hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng ròng hoặc ngọc quý.

Tại chái Đông điện Thái Hòa (Đại Nội Huế) hiện đang lưu giữu Phiên bản ấn vàng triều Nguyễn và văn bản hành chính. Những chiếc ấn quý y như thật dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân đã cho người xem nhiều bất ngờ.
 

Trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn đã cho làm hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng, bạc (gọi là kim bảo), chế tác từ ngọc quý (gọi là ngọc tỷ). Dưới thời Nguyễn (1802 - 1945), thời Gia Long (1802 - 1820) có 12 chiếc, thời Minh Mạng (1820 - 1840) có đến 15 chiếc; thời Thiệu Trị (1841 - 1847) có 10 chiếc; thời Tự Đức (1848 - 1883) cũng có 15 chiếc, thời Kiến Phúc (1884) và Hàm Nghi (1885) đều chỉ có 1 chiếc; thời Đồng Khánh (1885 - 1888) có 5 chiếc; thời Thành Thái (1889 - 1907) có 10 chiếc; thời Khải Định (1916 - 1924) có 12 chiếc; và thời Bảo Đại (1925 - 1945) có 8 chiếc.
 



Về cấu trúc và kiểu dáng, các bảo tỷ nói chung bao gồm 2 phần: thân ấn và quai ấn. Biểu tượng chủ yếu trên ấn là con rồng, chân có năm móng. 
 
Kim bảo, ngọc tỷ là những báu vật của quốc gia. Điều đáng tiếc là một số chiếc ấn có tính biểu tượng như chiếc ấn Hoàng đế chi bảo đã thất tán tại Cộng hòa Pháp, một số chiếc đã bị đánh cắp và tiêu hủy như chiếc ấn Nam Phương Hoàng hậu chi bảo. Nhưng hiện nay tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vẫn còn giữ được 85 chiếc ấn bằng vàng, bằng ngọc, bằng bạc của triều Nguyễn.
 



Nhằm góp phần giúp du khách đến tham quan cố đô Huế ngày nay có cơ hội hình dung về một loại cổ vật đặc biệt, gắn liền với quá trình điều hành và quản lý nhà nước thời quân chủ, nghệ nhân Trần Độ từ làng gốm Bát Tràng đã bỏ công sức làm 11 phiên bản của từ các tiêu bản lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Đó là 11 chiếc ấn làm bằng gốm, thếp vàng với tỷ lệ 1/1 y như thật.
 
Đình Duy 

Bạn đang đọc bài viết "Cận cảnh ấn vàng triều Nguyễn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.