Bia Khôn Nguyên Chí Đức Chi Bi - Bảo vật vô giá của quốc gia

27/02/2015 16:24

Theo dõi trên

Trong số 12 hiện vật, nhóm hiện vật vừa được công nhận là Bảo vật Quốc gia (đợt 3) có Bia Khôn Nguyên Chí Đức Chi Bi. Đây là bảo vật độc đáo, mang trong mình những giá trị lịch sử sâu sắc.

Trong số 12 hiện vật, nhóm hiện vật vừa được công nhận là Bảo vật Quốc gia (đợt 3) có Bia Khôn Nguyên Chí Đức Chi Bi. Đây là bảo vật độc đáo, mang trong mình những giá trị lịch sử sâu sắc.

Bia Khôn Nguyên Chí Đức Chi Bi hay còn gọi là Bia Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao có niên đại thuộc thế kỷ XV, tọa lạc trên đồi Phú Lâm, thuộc Khu Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa.

Bia được khởi dựng ngày 24 tháng 2 năm Mậu Ngọ niên hiệu Cảnh Thống thứ nhất (1498) đời vua Lê Hiến Tông để ca ngợi công đức của Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao - người có công lớn cùng vua Lê Thái Tông xây dựng và bảo vệ đất nước.

Giá trị mỹ thuật độc đáo

Bia Khôn Nguyên Chí Đức Chi Bi có hình chữ nhật, tạc bằng đá xanh nguyên khối, trọng lượng khoảng 13 tấn (rộng 1.92m, dài 2.75m, cao 2.8m, dày 0,27m) đặt trên lưng một con rùa lớn, hai mặt bia đều khắc chữ Hán, tên bia viết theo lối chữ triện, nội dung bia viết theo lối chữ khải chân phương.

Với lối trang trí kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tinh xảo, bia mang phong cách nghệ thuật thời Lê Sơ. Một mặt, kế thừa những tinh hoa truyền thống trong mỹ thuật thời Lý - Trần. Mặt khác, do sự thay đổi hoàn cảnh xã hội thời Lê Sơ nên bia mang một phong cách riêng, là tiền đề cho một thời đại huy hoàng của nghệ thuật kiến trúc cung đình, biểu hiện rõ nét quyền uy trên các đường nét trang trí rồng, hoa cúc mãn khai, đao lửa…

Phía trước, xung quanh diềm bia mỗi bên khắc 2 đường chỉ chìm và 2 đường chỉ nổi chạy song song theo chiều dài từ đỉnh bia đến đế bia. Khoảng cách giữa các đường chỉ khắc nổi 24 rồng yên ngựa, hai bên mỗi bên khắc 9 rồng, miệng nhả ngọc hướng về đỉnh bia chầu vào mặt nguyệt.

Dưới chân đế bia khắc 6 rồng, mỗi bên 3 rồng chầu vào mặt nguyệt xen lẫn hình vân mây và các đao lửa xoắn ngược kim đồng hồ, tượng trưng cho bầu trời. Dưới đỉnh trán bia ở giữa khắc rồng ổ uốn lượn, mặt hướng ra phía trước, thân có vẩy, bàn tay rồng lộ rõ 5 móng. Hai bên khắc 2 rồng nhỏ trong tư thế vươn cao chầu vào hình vuông, giữa thân rồng khắc lồng vân mây, phía ngoài vân mây trang trí hình lá đề móc câu, chóp lá đề trang trí hoa cúc dây cách điệu.

Bia tọa lạc trên đồi Phú Lâm, thuộc Khu Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa.

Phía dưới rồng khắc 1 đường chỉ, phía trên và phía dưới khắc 4 đường chỉ nổi và 4 đường chỉ chìm, khoảng cách giữa các đường chỉ là: 0,32m khắc tên của bia theo hàng ngang gồm 6 chữ theo lối chữ Triện.

Hiện nay, bia đã bị sứt một mảnh nhỏ ở thân mặt sau và rùa có vết rạn nứt ở lưng. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, thì bia được xem là một trong những tấm bia có kích thước lớn, đạt giá trị nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, tiêu biểu về hình thức, kiến trúc, điển hình cho một phong cách nghệ thuật mới hoàn chỉnh.

Ý nghĩa lịch sử sâu sắc

Tấm Bia Khôn Nguyên Chí Đức được dựng hai năm sau ngày Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao qua đời, văn do Tiến sĩ Nguyễn Bảo và Tiến sĩ Nguyễn Xung Xác soạn.

Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao sinh năm 1420, người xã Động Bàng, nay thuộc Đồng Phang, xã Định Hòa (Yên Định). Bà là phụ nữ tiêu biểu, dòng dõi gia tộc lớn, ông, bà, bố, mẹ đều là quan. Cha là Ngô Từ - gia thần của vua Lê Thái Tổ.

Bà sinh ra Tư Thành (sau này là Lê Thánh Tông). Khi Lê Tư Thành chưa đầy tháng tuổi thì vua Lê Thái Tông qua đời, bà ở góa nuôi con, sống xa chốn cung đình, gần gũi nhân dân, bà tự rèn luyện thực hành đạo đức làm gương cho con và mọi người.

Theo nội dung văn bia, Hoàng Thái hậu sinh ra đã là người đôn hậu, cần kiệm, không chuộng xa hoa. Khi tiếp xúc với ai cũng tỏ vẻ hòa nhã, dịu dàng. Bà kính trọng tông miếu, phụng thờ thần linh, của ngon vật lạ bốn phương dâng lên, bao giờ cũng đem tiến cúng trước. Không làm việc trái lễ, không ở nơi không chính đáng, giản dị mà trang nhã, lịch sự, cử chỉ thường lễ độ, ít khi ra khỏi phòng vi. Trong cung đình, kẻ sang người hèn đều gọi Người là Phật sống. Khi được vua cung cấp vàng lụa thì đem ban phát cho mọi người xung quanh và giúp đỡ kẻ nghèo khó, hòm tủ thường trống rỗng, không có của cải dành riêng.

Đặc biệt, khác với người thường là tuổi cao mà tóc bà không bạc, răng không rụng, mắt không mờ, nhan sắc không kém sút, vẫn tươi đẹp như người trạc tuổi 40. Tuy danh vị sang mà làm việc thiện không biết mỏi, tuổi tác cao mà tinh thần càng sáng suốt. Tính vốn ham học, lại biết làm thơ, mỗi lúc nhàn rỗi lại đem kinh truyện ra dạy bảo đàn cháu nhỏ.

Công lao lớn nhất của bà Ngô Thị Ngọc Dao đối với xã tắc là đã nuôi dưỡng, dạy bảo con trai trở thành vị vua anh minh, tài lược. Các sử gia đời sau đánh giá: Đức của bà sánh với trời đất, có công làm rạng rỡ ba đời vua (Thái Tông, Thánh Tông, Hiến Tông). Bà xứng đáng ở vị trí hàng đầu các vị hoàng hậu của nước Đại Việt. Năm 1496, ngay sau khi mất, vua Lê Thánh Tông truy phong bà là Quang Thục Hoàng Thái hậu, cho tạc tượng và đúc chuông thờ tại điện Huy Văn.

Bia là tài liệu vô cùng quý giá, không chỉ mang tính giáo dục truyền thống lưu truyền cho hậu thế, mà còn là tài liệu quý khi nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật Việt Nam thời Lê Sơ. Đồng thời còn là tài liệu lịch sử đích thực vì được ghi ngay sau khi sự kiện xảy ra mà không hề sao chép, bởi vậy còn có giá trị góp phần bổ sung vào chính sử.

Theo cinet.vn
Bạn đang đọc bài viết "Bia Khôn Nguyên Chí Đức Chi Bi - Bảo vật vô giá của quốc gia" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.