Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế cho biết, Kinh đô Huế là nơi có nhiều dạng kiến trúc phong kiến điển hình của Việt Nam vào thế kỷ XIX với nhiều cung điện, miếu mạo, lăng tẩm, phủ đệ,... lộng lẫy và đa dạng, trong đó, nét điển hình của một ngôi nhà gỗ hoàn thiện ở Huế hay còn gọi là nhà rường Huế, đó là loại kiến trúc mà vật liệu được lấy từ thân cây mít, kiền kiền, hay chò, táu,... Nếu so với ngôi nhà gỗ Đàng Ngoài, nhà rường Huế thường có nét mảnh dẻ, đan thanh bởi cột nhỏ mái thẳng và mỏng được điểm tô qua những nét nhấn bằng các loại hồi văn uốn lượn theo mô-típ long hóa, giao hóa hay hoa lá cách điệu trên đường nóc hoặc các góc mái và tuyệt nhiên không có những loại đầu đao cong vút mạnh mẽ và sinh động như ở Đàng Ngoài.
Có thể nói, ngôi nhà rường là sản phẩm trí tuệ của con người nơi đây, nó không chỉ là thành tựu của sự chọn lọc những giải pháp tối ưu trong xử lý kỹ thuật mà còn là một tác phẩm nghệ thuật về kiến trúc đã được đúc kết và hoàn thiện qua nhiều thế hệ. Theo thời gian, việc bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa cũng như thương hiệu nhà rường Huế chưa phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả so với tiềm năng, giá trị hiện có, mặt khác một số ngôi nhà rường đã dần xuống cấp theo thời gian.
Hội thảo lần này nhằm hướng đến mục tiêu tiếp tục phát huy, khai thác giá trị văn hóa đối với nhà rường Huế, đưa nhà rường Huế trở thành biểu tượng của vùng đất Cố đô Huế. Thông qua ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa Huế nhằm bảo tồn và xây dựng thương hiệu nhà rường Huế gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng nổi tiếng của vùng đất cố đô Huế.
Bên cạnh đó, Hội thảo hướng đến đề xuất một số giải pháp phát triển thương hiệu nhà rường Huế thông qua các cơ hội đầu tư phát triển du lịch, kinh doanh nhà rường Huế, đề xuất thêm những chính sách, giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ để bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa nhà rường Huế.
Tại hội thảo, các chuyên gia, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhà rường Huế đã thảo luận một số giải pháp để bảo tồn phát triển nhà rường Huế. Một só ý kiến chuyên gia cho rằng, cần có một kế hoạch hành động xây dựng thương hiệu nhà rường Huế, có thể bằng hình thức chỉ dẫn địa lý cho nhà rường huế, hoặc nhãn hiệu tập thể. Trong đó đề xuất thành lập Hội sản xuất kinh doanh nhà rường Huế gồm các nghệ nhân, các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm nhà rường, các chủ nhà rường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để làm chủ thể quản lý nhãn hiệu nhà rường Huế sau này.
Để các cơ sở sản xuất nhà rường tạo dựng cho mình một nhận diện thương hiệu đối với nhà rường, quảng bá thương hiệu nhà rường đi khắp trên cả nước và có thể xuất khẩu, Một số ý kiến cho rằng cần tập trung một số nội dung như hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và cải thiện khả năng thương mại hóa sản phẩm; Hỗ trợ truyền thông quảng bá, phát triển thị trường; Hỗ trợ tổ chức triển lãm giới thiệu sản phẩm Nhà rường Huế. Cần hỗ trợ một số chính sách đảm bảo cho nhà rường Huế phát triển như hỗ trợ tìm nguồn nguyên liệu bền vững; hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ quy hoạch mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất nhà rường Huế có điều kiện mở rộng quy mô đáp ứng nhu cầu thị trường…
Cần có kế hoạch khảo sát, xác định giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của các nhà rường Huế tiêu biểu để đưa vào diện cần bảo tồn, tiến hành đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di sản nhà rường Huế. Xây dựng bảo tàng nhà rường Huế gắn với quảng bá sản phẩm du lịch cũng như đưa các mô hình nhà rường có thể thương mại hóa, đưa sản phẩm nhà rường Huế ra thị trường ngày càng lớn hơn.
Cần đưa di sản nhà rường vào chiến lược phục vụ du lịch, góp phần quảng bá nét đặc sắc di sản văn hóa Huế và tạo ra nguồn thu nhập cho chủ nhân nhà rường, qua đó khuyến khích việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhà rường được tốt hơn./.