Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới vịnh Hạ Long

04/11/2014 20:29

Theo dõi trên

Ngày 1/11, tại TP Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội thảo “Bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long”.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình kỷ niệm 20 năm vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới.

Tới dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên; Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy; Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Katherine Muller-Marin; đông đảo các nhà khoa học, nghiên cứu trong và ngoài nước.

Những nỗ lực bền bỉ

Các ý kiến trình bày tại hội thảo một lần nữa khẳng định giá trị đặc sắc, độc đáo của vịnh Hạ Long về địa chất, sinh học cũng như lịch sử, văn hóa. Hạ Long là địa bàn có hoạt động du lịch sôi động, đa dạng, là một trong những điểm đến tốt nhất của nước ta. Theo Sở VHTTDL Quảng Ninh, hiện nay, hằng năm vịnh Hạ Long thu hút khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 64%.

Trong 20 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm quản lý, bảo tồn phát huy giá trị di sản (với hàng chục dự án quan trọng), duy trì quản lý du lịch bền vững, giảm nhẹ  biến đổi khí hậu và từng bước ứng phó với thách thức đặt ra trong phát triển kinh tế- xã hội; lập kế hoạch, quy hoạch hạn chế tối đa về phát triển đô thị; bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long; cộng đồng địa phương được tạo công ăn việc làm và có thu nhập. Một số chủ trương về đầu tư tôn tạo, phát huy giá trị di sản, xúc tiến hạ tầng, liên kết vùng … phát huy mạnh mẽ.

Cũng trong thời gian qua, vịnh Hạ Long đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo  hàng đầu của Bộ VHTTDL và Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.

Phát huy giá trị di sản thế nào?

Tuy nhiên, bên cạnh đó, hiện cũng đặt ra những thách thức cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long về: cơ chế chính sách, nguồn lực, áp lực từ sự phát triển với công tác bảo vệ môi trường, việc đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, quản lý di sản theo hướng thân thiện, văn minh, trở  thành điểm đến an toàn, hấp dẫn.

“Bảo tồn di sản là mục tiêu lớn nhất và lâu dài còn khai thác phát huy hợp lý giá trị bền vững là phương châm hành động. Khai thác và phát huy giá trị di sản phải đảm bảo mục tiêu bảo tồn toàn vẹn di sản và phù hợp với phát triển kinh tế- xã hội nhanh và bền vững”- Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh.

PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, khu di sản vịnh Hạ Long cần được quản lý với tư cách là một điểm đến du lịch đặc thù và hấp dẫn vào bậc nhất nước ta.Thông qua các giải pháp và mô hình quản lý (quản lý nhà nước, kết hợp công và tư, tư nhân quản lý một số hoạt động…) để có thể giảm thiểu những xung đột trong quá trình quản lý khu di sản. Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Katherine Muller-Marin cho biết Ủy ban Di sản thế giới khuyến khích tăng cường năng lực quản lý của Ban Quản lý vịnh Hạ Long để cho nó một mức độ tự chủ, thẩm quyền và quyền quyết định lớn hơn nhằm quản lý một cách hiệu quả và thực thi các nỗ lực bảo tồn vịnh.

Trong tham luận “Xây dựng và định vị Hạ Long trở thành thương hiệu quốc gia”, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn đã khẳng định vịnh Hạ Long có cơ sở để phát triển thành thương hiệu du lịch quốc gia và ông đề ra các giải pháp cần thiết để định vị Hạ Long trở thành thương hiệu du lịch quốc gia trong thời gian tới, bao gồm về quản lý và phát triển sản phẩm du lịch; quản trị và truyền thông thương hiệu. Trong đó, tăng cường khả năng trải nghiệm các giá trị thương hiệu qua các sản phẩm du lịch là giải pháp quan trọng trong quá trình định vị thương hiệu.

Chuyên gia Paul R. Dingwal của Tổ chức IUCN (Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế) thì lưu ý đến quan hệ đối tác công –tư liên quan đến các dự án bảo tồn, hoạt động xúc tiến, huy động các nguồn lực đào tạo, trang thiết bị và hỗ trợ tài chính. Một ví dụ là tại khu danh thắng Tràng An, một công ty tư nhân đã được ủy quyền quản lý và xúc tiến du lịch đã mang lại lợi ích kinh tế- xã hội rất lớn cho người dân của cộng đồng địa phương ở mức độ có thể là chưa từng có tại bất kỳ di sản thế giới khác trong khu vực.

* Từ năm 1996 đến nay, vịnh Hạ Long đã đón 28,8 triệu lượt khách, trong đó gần 14,6 triệu lượt khách Việt Nam và trên 14,2 triệu lượt khách nước ngoài, doanh thu từ phí tham quan đạt hơn 1400 tỷ đồng. (Nguồn: Ban Quản lý vịnh Hạ Long)./.

Theo Báo Du Lịch
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới vịnh Hạ Long" tại chuyên mục Địa phương. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.