Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống của người M'Nông ở khu vực Tây Nguyên

16/11/2021 11:21

Theo dõi trên

Văn hóa tín ngưỡng là một yếu tố cấu thành của nền văn hóa dân tộc. Được hình thành từ rất lâu trong lịch sử, cùng với thời gian, các loại hình tín ngưỡng đã đi vào mạch sống của từng cộng đồng tộc người, góp phần làm nên sắc thái văn hóa riêng biệt ở mỗi tộc người và sự đa dạng của nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

tguntitled-1-1637036440.jpg
Đồng bào M'Nông trong ngày hội - Ảnh: Hà Hữu Nết

Tây Nguyên là một trong những vùng văn hóa lớn của nước ta với những giá trị văn hóa bản địa độc đáo, đa dạng và phong phú. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị lịch sử, thẩm mỹ đặc sắc vẫn được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Các tộc người ở đây đã sáng tạo nên những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của văn hóa Tây Nguyên. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên sẽ góp phần làm cho nền văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng phong phú, củng cố sự thống nhất, đoàn kết giữa các dân tộc và tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Văn hóa Tây Nguyên rất đa dạng, phong phú và có sự gắn kết chặt chẽ với bản, buôn, làng cùng với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội đặc sắc trong không gian rừng núi đại ngàn. Các tộc người nơi đây cư trú xen cài với nhau thành từng buôn, bon, làng đã tạo nên sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ giữa các tộc người với nhau. Mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên đều có một hệ thống tín ngưỡng thể hiện bản sắc văn hóa đặc thù và chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hóa truyền thống của mỗi tộc người. Trong các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, dân tộc M’Nông là một trong những dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông. Đây là tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Mon - Khmer cư trú tại địa bàn các huyện: Cư Jút, Krông Knô, Đăk Mil, Đăk Song, Tuy Đức, Đăk Rlấp… (tỉnh Đắk Nông) và một số bon làng thuộc các huyện Krông Bông, Lăk, Buôn Đôn… (tỉnh Đắk Lắk). Ngoài ra, còn có một số nhóm người M’Nông cư trú ở bên kia biên giới Việt Nam - Campuchia, trên địa bàn của tỉnh Mondukiri. Tuy dân số người M’Nông hiện nay không nhiều nhưng lại có một sắc thái văn hóa tín ngưỡng rất phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa của Đông Nam Á cổ đại và có ảnh hưởng quan trọng đến toàn bộ nền văn hóa của khu vực Tây Nguyên.

Từ bao đời nay, đồng bào M’Nông sống theo từng bon. Bon của đồng bào M’Nông có khoảng từ 30-50 nóc nhà với 300 đến 400 người, bao gồm các thành viên của một vài dòng họ hợp thành. Người đứng đầu bon là một già làng có uy tín (gọi là kroanh bon). Bon có bến nước, nhà cộng đồng, đất canh tác, nghĩa địa, khu rừng đầu nguồn (gọi là khu rừng thiêng - nơi cư trú các vị thần). Kroanh bon, quản lý bon làng theo luật tục. Mọi thành viên trong cộng đồng bon làng đều tự giác chấp hành luật tục một cách nghiêm túc. Họ coi luật tục là một cái gì đó rất thiêng liêng, nếu ai làm trái sẽ bị thần linh trừng phạt.

Bản sắc văn hóa của đồng bào người M’Nông rất độc đáo và sinh động, như: văn hóa mẫu hệ, văn hóa nhà dài trệt, văn hóa cồng chiêng, văn hóa rượu cần, văn hóa sử thi (Ót N’rông), văn hóa giao tiếp, văn hóa ẩm thực, đặc biệt là văn hóa lễ hội hay còn gọi là văn hóa nghi lễ của đồng bào người M’Nông. Bên cạnh đó, trên cơ sở tín ngưỡng đa thần, người M’Nông đã xây dựng một hệ thống nghi lễ phong phú, đa dạng, giàu bản sắc với hai hệ thống nghi lễ vòng đời và nông nghiệp.

Nghi lễ và lễ hội là hai hiện tượng cơ bản, nổi bật trong văn hóa tín ngưỡng của đồng bào người M’Nông phản ánh những quan niệm độc đáo về thiên nhiên, vũ trụ, thế giới xung quanh từ những kinh nghiệm được tích lũy từ lâu đời. Người M’Nông hiểu được mối quan hệ giữa con người và thế giới xung quanh là một thể thống nhất và cuộc sống của con người bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố của thế giới tự nhiên. Nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của môi trường tự nhiên đối với đời sống của con người, nên đồng bào M’Nông đã hình dung ra hệ thống thần linh cư ngụ khắp nơi trong thế giới tự nhiên đó và có những thái độ ứng xử đối với tự nhiên qua các văn hóa nghi lễ và lễ hội.

Tín ngưỡng đa thần đã không tước đi sức mạnh của con người mà còn tạo nên một khối liên kết giữa con người với thế giới tự nhiên, nó gắn bó con người với thiên nhiên và cộng đồng xã hội. Đồng bào M’Nông cho rằng, vạn vật đều có thần và thần linh ngự trị ở cả ba tầng: tầng trời, tầng trên mặt đất và ở dưới mặt đất, ở mỗi tầng của thế giới đó là một bon làng của các thần linh hoặc ma quỷ. Trong đó, “tầng trời” có khoảng 27 bon, trong đó có bon Me Nar (làng của Mẹ Trời) và các bon của các vị thần linh khác; “tầng trên mặt đất” có khoảng 26 bon, trong đó có bon của vị thần trông coi tầng trên mặt đất và các vị thần như làng của thần Đất, thần Thác, thần Hòn đảo trên biển, thần Chân Trời. Tuy nhiên, theo quan niệm của người M’Nông, tại bon của thần Chân Trời luôn có sự tranh chấp giữa lửa và nước - nơi phân cách giữa mặt đất và tầng dưới mặt đất - nên khi nước lên thì lửa sẽ tắt và khi lửa lên thì nước sẽ cạn; “tầng dưới mặt đất” có khoảng 31 bon, trong đó có bon của thần coi giữ linh hồn, bon của thần Đá, thần Ó, thần Rắn, thần Sóc, thần Chuột… và các bon của ma dữ quỷ ác, các loại ma lai như bon của ma lai sống trên mặt đất, bon của các vị thần ác chuyên ăn thịt người và bắt trẻ em…

Trong văn hóa tín ngưỡng của người M’Nông, hệ thống các vị thần linh khá phong phú và được hình thành một tổ chức ổn định với hệ thống các bon làng là nơi ở của các vị thần linh. Người M’Nông quan niệm có một con đường nối liền giữa “tầng trời” và “tầng trên mặt đất” là con đường chạy giữa hai thế giới thần linh và đứng đầu mỗi bon là vị thần cai quản bon đó. Tại mỗi tầng thế giới, bên cạnh các vị thần lành còn tồn tại các vị thần dữ, các loài ma quỷ. Đó là quan niệm khá biện chứng trong tư duy của đồng bào M’Nông khi nhận thức rằng dù bất cứ ở đâu, bên cạnh những điều may mắn, con người cũng gặp phải không ít những điều bất hạnh, tai họa. Đây là cơ sở cho những hoạt động nghi lễ và lễ hội diễn ra rất phong phú trong đời sống cá nhân và đời sống cộng đồng của bon làng, dòng họ và gia đình. Những vị thần luôn được người M’Nông thờ cúng, những vị thần như thần mặt Trời, thần mặt Trăng, thần Sấm Sét, thần Gió, thần Đất, thần Nước… luôn xuất hiện trong những lời cầu khấn, trong các nghi lễ của người M’Nông như các nghi lễ vòng đời: nghi lễ liên quan đến việc sinh đẻ, nghi lễ liên quan đến sự trưởng thành của con người, nghi lễ liên quan đến việc cưới hỏi, nghi lễ cúng mừng con năm, con bảy, nghi lễ cúng sức khỏe cho người già, nghi lễ trong việc tang… Hệ thống nghi lễ nông nghiệp như: nghi lễ liên quan đến việc phát rẫy, nghi lễ liên quan đến canh tác nương rẫy… và một số phong tục tập quán có liên quan đến hai hệ thống nghi lễ trên như nghi lễ liên quan đến việc săn bắt voi, việc kết nghĩa anh em, việc cúng bờ rào bon làng, việc cúng cầu mưa…

Văn hóa nghi lễ và lễ hội liên quan đến vòng đời con người của đồng bào M’Nông được gắn bó chặt chẽ với từng giai đoạn trong cuộc đời của mỗi con người ngay từ khi còn là một bào thai trong bụng mẹ tới khi trưởng thành và tiễn đưa linh hồn đó về với thế giới tổ tiên của ông bà. Theo trình tự, hệ thống nghi lễ vòng đời của người M’Nông là những nghi lễ liên quan đến việc sinh đẻ, sự trưởng thành của con người, việc cưới hỏi và những nghi lễ liên quan đến tang lễ thể hiện rất sâu sắc nhận thức về thế giới của người M’Nông. Mỗi khi tổ chức nghi lễ dù lớn hay nhỏ tại gia đình đều có sự quan tâm, tham gia của các già làng, bà con cộng đồng trong bon, thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, giáo dục cho con cháu trong gia đình, trong bon nếp ăn lối ở, tính siêng năng, trung thực và sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Các nghi lễ vòng đời thường được người M’Nông tổ chức sau mùa rẫy (vào mùa khô, dịp đầu xuân) và tùy theo từng lễ để người M’Nông lựa chọn thời gian, địa điểm và quy mô tổ chức.

Người M’Nông là một trong những cư dân có truyền thống sản xuất nông nghiệp làm lúa rẫy từ rất sớm. Vì vậy, ngoài những kinh nghiệm về kỹ thuật nông nghiệp, người M’Nông còn tích lũy được những kinh nghiệm ứng xử với những yếu tố liên quan đến công việc sản xuất nông nghiệp như cây lúa, đất rẫy, rừng, suối và thời tiết. Họ cho rằng, tất cả các hiện tượng tự nhiên trong sản xuất nông nghiệp đều chịu sự chi phối của các vị thần linh như thần Lúa, thần Rẫy, thần Rừng, thần Suối, thần Nước, thần Mưa, thần Sấm… Ngoài ra còn có các vị thần là tổ tiên tạo ra loài người của người M’Nông, luôn hỗ trợ họ trong các công việc trồng trọt, làm rẫy. Trong các nghi lễ nông nghiệp, các vị thày cúng khấn gọi tên các vị thần linh, cầu mong phù hộ cho bon làng, gia đình chủ rẫy làm ăn thuận lợi, mưa nắng thuận hòa, mùa màng tươi tốt, ngô lúa trên rẫy không bị chim chóc, thú rừng phá hoại, thu hoạch được đầy bồ, đầy kho… với các nghi lễ chọn đất, chọn rừng làm rẫy cho tới khi gieo trồng và thu hoạch. Các nghi lễ nông nghiệp thường được người M’Nông tổ chức trước và trong mùa rẫy (mùa mưa) tùy theo từng lễ và có thể tổ chức theo từng gia đình, từng dòng họ hay theo từng bon làng.

Nghi lễ dân gian của đồng bào M’Nông mang đậm tính tâm linh đa thần. Hình thức của mỗi nghi lễ thường gắn với việc cúng thần và lễ vật hiến thần. Tùy theo từng lễ mà người M’Nông lựa chọn vật hiến thần như: gà, heo, bò, trâu… thời gian tổ chức lễ thường được tổ chức từ 3 đến 7 ngày và thu hút sự tham gia của mọi người trong gia đình, dòng họ và bon làng.

Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc M’Nông, trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về việc bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông đã đề ra những chủ trương, chính sách cụ thể như: tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, thống kê, phục dựng và giới thiệu diện mạo văn hóa tín ngưỡng các dân tộc bản địa trên địa bàn, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển du lịch tại địa phương, “gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, giữ gìn tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau” (1). Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông đã ban hành những nghị quyết, xây dựng nhiều đề án với những chính sách cụ thể và nguồn kinh phí thích đáng nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào người M’Nông nói riêng nhằm “khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế về tài nguyên du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa” (2). Những chính sách này đã có tác động không nhỏ tới sự phát triển xã hội các tộc người ở địa phương. Đồng bào người M’Nông đã có những thay đổi như ở các bon làng, người M’Nông đã tách ra từng hộ, bỏ nhà dài, cư trú theo mô hình gia đình nhỏ, từng bước xóa bỏ cuộc sống luân canh, tạo dựng cuộc sống gia đình ổn định, phát triển sản xuất, xây dựng đời sống mới. Do đó, văn hóa truyền thống của người M’Nông cũng có nhiều điều kiện tiếp biến, giao thoa để tồn tại và phát triển phong phú đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Cụ thể là, tạo điều kiện để duy trì và phát triển văn hóa nhà dài trệt, văn hóa cồng chiêng, tạo nên một nền văn hóa truyền thống giàu âm hưởng núi rừng Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới.

Bên cạnh đó, các địa phương đã tổ chức sưu tầm, phục hồi nội dung các nghi lễ, lễ hội người M’Nông và lựa chọn các lễ hội tiêu biểu thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của người M’Nông làm các lễ hội truyền thống tổ chức hằng năm của bon làng như: lễ hội Tâm ngết, lễ rước hồn lúa, lễ cúng bến nước, lễ trưởng thành, lễ kết nghĩa anh em…

Đồng thời, các địa phương thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy niềm tự hào, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng bon làng, giúp mọi người trong cộng đồng người M’Nông hiểu được những giá trị văn hóa truyền thống đó. Khắc phục và dần từ bỏ những nghi lễ gắn với những hủ tục, mê tín như: lễ cúng chữa bệnh cho người ốm, lễ cúng đuổi tà ma cho gia đình có người chết dữ, lễ cúng Yàng để xử phạt người bị nghi ma lai… Từ đó, phục hồi, tổ chức và hướng dẫn người dân bảo tồn và phát huy những giá trị tích cực của các nghi lễ - lễ hội một cách lành mạnh, giúp đồng bào M’Nông hướng về cộng đồng và phát huy các giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình, góp phần bảo tồn và khai thác giá trị nhiều mặt của nghi lễ - lễ hội để phục vụ công cuộc phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngành Văn hóa ở các địa phương đã phối hợp với các ban, ngành chức năng tiến hành thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa dân gian, tri thức bản địa của các tộc người nói chung và các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán của đồng bào M’Nông nói riêng. Nghiên cứu và phát huy các giá trị tích cực của tri thức bản địa, các nghi lễ - lễ hội trong công tác xây dựng nếp sống văn hóa ở các bon làng M’Nông. Từ đó, chọn lọc và xuất bản thành sách như: Nghi lễ và âm nhạc trong nghi lễ của người M’Nông (Bu Nông); Văn học dân gian Ê Đê, M’Nông; Văn hóa mẫu hệ M’Nông; Nghi lễ cổ truyền của người M’Nông… Đồng thời, biên tập thành các chương trình văn nghệ dân gian, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện các thước phim tài liệu về nghi lễ - lễ hội trong văn hóa tín ngưỡng của đồng bào M’Nông. Bên cạnh đó, các địa phương cũng ban hành Đề án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch đối với đồng bào người M’Nông và hình thành các tour du lịch gắn với các giá trị văn hóa của các tộc người nơi đây như các tour du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông: Trường ca của lửa và nước, Bản giao hưởng của sự đổi thay, Âm vang từ trái đất.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ những di sản văn hóa dân tộc. Chính quyền các cấp đã có những chính sách, chế độ thích đáng cho những đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ hoạt động tích cực cho công tác bảo tồn, giữ gìn tài sản văn hóa của đồng bào dân tộc M’Nông. Đồng thời, đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng và trang thiết bị cho các nhà văn hóa cộng đồng của đồng bào M’Nông. Cụ thể là: từng địa phương dành cho cộng đồng bon quỹ đất để tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian với diện tích 2.000m2 gồm nhà sinh hoạt cộng đồng và sân tổ chức lễ hội. Đối với các bon, buôn đã có Nhà văn hóa cộng đồng nhưng chưa có sân sinh hoạt văn hóa thì được bổ sung quỹ đất là 1.500m2-1.700m2…

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, đời sống xã hội của người M’Nông nói riêng cũng như đời sống xã hội của các tộc người ở khu vực Tây Nguyên nói chung đang có những thay đổi cơ bản. Do đó, đòi hỏi công tác sưu tầm, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc tại chỗ phải thường xuyên được quan tâm hơn nữa nhằm góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đời sống kinh tế và xã hội của đồng bào M’Nông nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung.

Từ quá khứ đến hiện tại, các loại hình văn hóa tín ngưỡng của người M’Nông ở Tây Nguyên vẫn luôn được người dân nơi đây bảo tồn và phát huy trong đời sống tinh thần xã hội. Sự hồi sinh các loại hình sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người M’Nông đã góp phần làm sống dậy những giá trị mang đậm bản sắc tộc người, góp phần vào sự khởi sắc cho nền văn hóa Việt Nam. Trong giao lưu và hội nhập văn hóa với thế giới, người dân nơi đây cần thiết phải loại trừ những hủ tục lạc hậu, tăng cường nội lực và sức đề kháng cho văn hóa các dân tộc thiểu số. Đồng thời chắt lọc, kế thừa để phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống, tiếp thu các tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho văn hóa tín ngưỡng của các dân tộc khu vực Tây Nguyên nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.145-146.

2. Chương trình số 18 ngày 26-7-2021 về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về phát triển du lịch và gắn du lịch với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2021-2025.

Nguồn: Tạp chí VHNT số 479, tháng 11-2021.

PGS, TS Lê Văn Lợi
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống của người M'Nông ở khu vực Tây Nguyên" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.