Bảo tồn, phát huy giá trị di sản góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia

31/08/2022 11:20

Theo dõi trên

Tại Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 9 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) diễn ra tại Trụ sở UNESCO ở Paris (Pháp) từ ngày 5-7/7 vừa qua, Việt Nam trúng cử Ủy ban bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO với số phiếu cao nhất trong số các nước trúng cử nhiệm kỳ 2022 – 2026 cho thấy uy tín, vị thế của đất nước ngày một nâng cao, đặc biệt là trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản (phi vật thể).

vn-2366-1661919512.jpg
Vịnh Hạ Long đứng thứ 2 trong top 10 địa điểm ở châu Á phải đến một lần trong đời do Tạp chí The Travel bình chọn (ảnh baoquangninh.com.vn)

Di sản góp phần phát triển kinh tế xã hội

Việt Nam có trên 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; 3.581 di tích quốc gia; 119 di tích quốc gia đặc biệt; 396 di sản văn hóa phi vật thể ghi danh trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 08 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 14 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; 3 di sản tư liệu thế giới và 4 di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Di sản văn hóa được xác định "là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa". Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa đã được các địa phương rất quan tâm. Theo số liệu thống kê từ các địa phương cho thấy, giai đoạn 2010-2018, nguồn xã hội hóa cho tu bổ, tôn tạo di tích lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Nhờ đó, nhiều di tích được tu bổ, chống xuống cấp, nhiều hạng mục, công trình di tích bị xuống cấp do chiến tranh, thiên tai đã được phục hồi, cảnh quan thiên nhiên được quan tâm, gìn giữ.

Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn, thu hút du khách tham quan, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh của từng địa phương.

Theo các chuyên gia, các di tích lịch sử, di sản văn hóa chính là nguồn tài sản quý giá, cấu thành môi trường sống của con người. Đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa. Mỗi năm, các khu di tích lịch sử, danh thắng như: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội); Di tích Cố đô Huế; Khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình); Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); đô thị cổ Hội An (Quảng Nam)… đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước, thu về hàng chục tỷ đồng. Nguồn thu từ kết quả hoạt động phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các bảo tàng cả nước không hề nhỏ, góp phần có ý nghĩa vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Riêng di sản Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, đô thị cổ Hội An đạt mức hàng trăm tỉ đồng là những ví dụ tiêu biểu về việc di sản văn hóa đem lại nguồn lực to lớn, là hàng hóa có giá trị đặc biệt.

Khách du lịch DSVH đi thăm nhiều nơi hơn gấp 2 lần, ở lại mỗi nơi lâu hơn 2,5 lần và chi tiêu nhiều hơn những khách du lịch khác.

dai-noi-hue-1-1579197244704826126613-1661909553371-1661909553456217899170-1661919574.jpg
Di sản Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, đô thị cổ Hội An mức doanh thu hàng trăm tỉ đồng là những ví dụ tiêu biểu về việc di sản văn hóa đem lại nguồn lực to lớn, là hàng hóa có giá trị đặc biệt.

Thực tế chứng minh, sự khác biệt văn hóa, đa diện, đa loại, đa dạng của DSVH là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức hút, lực hấp dẫn đối với việc quảng bá hình ảnh quốc gia; đồng thời, tạo nên nguồn lợi không nhỏ của tổng thu nhập quốc dân. Tổ chức Du lịch thế giới ước tính 37% du lịch toàn cầu xuất phát từ động lực tìm hiểu văn hóa. Khách du lịch DSVH đi thăm nhiều nơi hơn gấp 2 lần, ở lại mỗi nơi lâu hơn 2,5 lần và chi tiêu nhiều hơn những khách du lịch khác. Ở một số quốc gia giá trị DSVH đóng góp khoảng 10% GDP hàng năm. Điển hình, Italia mỗi năm thu hút trên 50 triệu khách quốc tế và đem lại nguồn thu gần 170 tỷ USD (xấp xỉ 85% tổng GDP của Việt Nam năm 2016).

Do vậy, loại tài nguyên đặc biệt này không chỉ là đối tượng thụ động nhận sự đầu tư, quan tâm của nhà nước, cộng đồng mà còn là nguồn "nguyên liệu" đầu vào để phát triển du lịch văn hóa, tạo ra sản phẩm và dịch vụ mang lại lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội to lớn. "Di sản văn hóa được đánh giá là dữ liệu, chìa khóa quan trọng để mở cách cửa quá khứ và chứa đựng giá trị đa diện quá khứ - hiện tại – tương lai. Chúng ta cần biến những tài nguyên này thành những nguồn lực cho hiện tại và tương lai"- GS.TSKH Lưu Trần Tiêu nhận định.

Với ý nghĩa nhằm phát huy truyền thống, ý thức trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng và tổ chức hoạt động trên lĩnh vực DSVH; đồng thời, động viên, thu hút mọi tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, phát huy giá trị DSVH dân tộc, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/QĐ-TTg lấy ngày 23/11 hàng năm là "Ngày DSVH Việt Nam". Tiếp đó, ngày 21/9/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2017/NĐ-CP Quy định về "Bảo vệ và quản lý DSVH và thiên nhiên thế giới" nhằm thống nhất chương trình tổng thể, kế hoạch, quy chế và trách nhiệm quản lý, bảo vệ Di sản Thế giới.

Cùng với xây dựng hành lang pháp lý, giai đoạn 2011 – 2018, thông qua Chương tình mục tiêu quốc gia về văn hóa và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, Chính phủ đã "hỗ trợ trực tiếp trên 1.560 tỷ đồng cho các địa phương trên cả nước để chống xuống cấp, tu bổ di tích", đồng thời, huy động hàng nghìn tỷ đồng nguồn xã hội hóa cho tu bổ, tôn tạo di tích. Bên cạnh việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích, Việt Nam còn tích cực sưu tầm nghiên cứu, phục dựng trao truyền, tổ chức trình diễn các DSVH phi vật thể. Công tác trên không những góp phần bảo tồn, phát huy giá trị DSVH mà còn trực tiếp nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng dân cư tại địa phương.

Trong nhiều năm qua, với kết quả nổi bật trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bằng việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và tăng cường hoạt động quảng bá, di sản văn hóa ở nước ta trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, số lượt khách và nguồn thu từ phí tham quan năm sau đều cao hơn năm trước.

Di sản nâng cao vị thế quốc gia

Ngày 8/12/2017, tại Hội nghị lần thứ 12, Ủy ban liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện này đã đánh dấu thành công bước đầu của tỉnh Phú Thọ và của cộng đồng đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện cam kết bảo vệ di sản Hát Xoan trong tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất trong lịch sử của UNESCO khi một di sản cần bảo vệ khẩn cấp trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này cũng chứng tỏ, cộng đồng quốc tế đánh giá cao công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Việt Nam.

Mới đây, việc trúng cử Ủy ban bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO với số phiếu cao nhất trong số các nước trúng cử nhiệm kỳ 2022 – 2026 một lần nữa khẳng định vai trò, uy tín của Việt Nam tại UNESCO nói riêng và trên trường quốc tế nói chung.

Theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhận trọng trách này tại cơ quan điều hành then chốt về văn hóa của UNESCO, sau nhiệm kỳ 2006-2010. Với tư cách là thành viên Ủy ban liên chính phủ nhiệm kỳ 2022-2026, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước 2003, nâng tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể vì đây không chỉ là nguồn lực thiết yếu cho đa dạng văn hóa, sáng tạo, đối thoại giữa các nền văn hóa và gắn kết xã hội mà còn là động lực cho sự phát triển bền vững.

Di sản đóng góp vai trò quan trọng trong việc tạo hình ảnh, thương hiệu quốc gia. Vịnh Hạ Long là một ví dụ. Theo Sở VHTT Quảng Ninh, nhiều khách du lịch quốc tế đến Vịnh Hạ Long đều chia sẻ, đến Việt Nam mà chưa đến Vịnh Hạ Long là chưa đến Việt Nam. Tháng 3 vừa qua, Tạp chí The Travel bình chọn 10 địa điểm ở châu Á phải đến một lần trong đời, trong đó vịnh Hạ Long xếp thứ hai, tiếp tục khẳng định tình cảm, sự yêu mến của du khách dành cho Vịnh Hạ Long đồng thời khẳng định, di sản văn hóa góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, khẳng định thương hiệu quốc gia.

Đúng như PGS, TS Phan Trọng Hào, Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, trong thời đại ngày nay, hội nhập đang trở thành một xu thế tất yếu khách quan. Dân tộc Việt Nam, hay bất cứ một dân tộc nào khác không thể nằm ngoài quỹ đạo đó. Vấn đề đặt ra là chúng ta hội nhập, giao lưu như thế nào. Với tư thế chủ động, tích cực hội nhập văn hóa, chúng ta có thể nhận thức đầy đủ hơn, có ý thức hơn trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc của dân tộc mình. Đồng thời trong quá trình đó, chúng ta sẽ thấy được những hạn chế của những truyền thống có khả năng cản trở sự tiến bộ để tìm cách khắc phục. Một khi đã nhận thức được như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ kết hợp hài hòa các giá trị truyền thống với các giá trị hiện đại, trên cơ sở bảo tồn bản sắc dân tộc, giữ lấy những gì là tinh hoa, loại bỏ dần các yếu tố lỗi thời, tăng cường giao lưu, học hỏi với bên ngoài, nhất định chúng ta sẽ vượt qua được những thử thách, sẽ khơi dậy được vai trò động lực của các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Với tinh thần và bản lĩnh của người Việt Nam, chúng ta sẽ "phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa", kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để phát triển đất nước và từng bước khẳng định vị thế, bản lĩnh văn hóa của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế./.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.