Bảo tồn Dân ca Sán Chí xã Kiên Lao (Lục Ngạn) - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở Bắc Giang

15/07/2022 21:55

Theo dõi trên

Huyện Lục Ngạn có 8 dân tộc anh em (Kinh, Tày, Nùng, Sán Chí, Sán Dìu, Hoa, Dao và Cao Lan) sinh sống đan xen, tạo cho nơi đây hội tụ những giá trị lịch sử, văn hóa đa dạng, tiêu biểu của văn hóa cộng đồng các dân tộc trong tỉnh Bắc Giang.

ba-con-dan-toc-san-chi-o-kien-lao-gap-go-1640602414-1657896780.jfif
Bà con dân tộc Sán Chí gặp gỡ

Huyện Lục Ngạn đã nổi tiếng trong và ngoài nước với nhiều loại nông sản khác nhau, trong đó có các sản phẩm đặc trưng như: vải thiều, cam đường canh, mật ong rừng, mì chũ.... Song song với phát triển kinh tế, nhân dân các dân tộc trong huyện Lục Ngạn có ý thức coi trọng, bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa truyền thống dân tộc. Lục ngạn đã lưu giữ, bảo tồn được những làn điệu dân ca đặc sắc như những điệu hát Sli, Lượn, Sloong hao, sịnh ca, hát then... trong đó hát dân ca Sán Chí là một đại diện tiêu biểu.

Ông Nguyễn Bá Đạt, nguyên Trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Lục Ngạn cho biết: “Ngày 27/12/2012, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL về việc công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lục Ngạn có 02 di sản được ghi danh trong đó có dân ca Sán Chí xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn. Dân ca Sán Chí là một loại hình văn hoá dân gian truyền thống đã có từ lâu đời. Đó là thể loại dân ca trữ tình, một hình thức sinh hoạt phong phú hấp dẫn của người Sán Chí ở xã Kiên Lao huyện Lục Ngạn. Thể loại dân ca này ra đời từ bao giờ cũng không ai biết rõ, chỉ biết rằng người Sán Chí trong xã Kiên Lao, từ đời này sang đời kia, từ thế hệ này sang thế hệ khác đã truyền dạy cho nhau học hát, người già truyền dạy cho người trẻ, người biết hát nhiều truyền dạy cho người biết hát ít, ai ai cũng học hát, người già hát, thanh niên hát, con trẻ hát. Cứ như vậy dân ca của người Sán Chí được lưu truyền cho đến ngày nay”.

ba-con-dan-toc-san-chi-kien-lao-luc-ngan-hat-giao-luu-1640602508-1657896822.jpg
Bà con dân tộc Sán Chí hát giao lưu vào ban đêm để tỏ tình giao lưu kết bạn

Mỗi bài hát dân ca Sán Chí ở tất cả các thể loại nói chung đều viết theo thể thơ 4 câu, mỗi câu có 7 chữ. Nội dung các bài hát rất phong phú và đượm chất trữ tình, ca từ thì vừa mộc mạc lại vừa tinh tế, rất gần gũi với đời sống của người dân nơi đây. Với lối hát đối đáp nam nữ chào hỏi, đố nhau, chúc tụng... nội dung chủ yếu là ca ngợi cảnh sinh hoạt, cảnh đẹp quê hương, ca ngợi về tình yêu nam nữ, nói nên tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân lao động. Hiện nay, người Sán Chí còn lưu giữ được hàng nghìn bài hát dân ca ở các thể loại khác nhau: hát chục côộ (hát ban ngày); hát cnắng côộ (hát vào ban đêm); hát cháu côộ (hát đám cưới); hát zoóng hôồ côộ (hát đổi tên).

Ở thể loại hát chục côộ, là thể loại hát ban ngày; người Sán Chí hiện còn lưu giữ được khoảng 500 bài, viết bằng chữ Hán. Ở lối hát này, người ta lấy việc đối lời, đối ý là chính, với nội dung mang ý nghĩa sâu sắc. Do đó nó đòi hỏi sự nhanh trí, sắc sảo trong đối đáp của các chàng trai, cô gái. Những lời hát chục côộ có thể được cất lên khi những chàng trai, cô gái cùng lên nương. Họ cùng hát lên tiếng lòng để khuây khoả, xua tan nỗi mệt nhọc. Cũng có khi gặp nhau ở nơi đất lạ, người ta cùng nhau chục côộ để thử sức thử tài. Họ làm quen rồi kết bạn với nhau qua câu hát.

trai-gai-san-chi-gap-nhau-hat-giao-duyen-ban-ngay-ket-1640602539-1657896860.jpg
Trai gái Sán Chí gặp nhau hát giao duyên ban ngày kết bạn tâm tình 

Hát cnắng côộ là thể loại được hát vào ban đêm. Ở lối hát này, người Sán Chí chỉ hát trong nhà chứ tuyệt đối không hát ở ngoài đường. Hát mỗi khi nông nhàn, trai gái tụ tập để tỏ tình, giao duyên, kết bạn. Người hát cnắng côộ phải thể hiện với giọng nhẹ nhàng, khoan thai như hát ru. Cuộc hát có khi diễn ra đến năm, bảy đêm. Hát theo cặp 2 nam, 2 nữ. Nam hát trước, hát qua song cửa vọng vào trong nhà để đánh tiếng, xin phép cho đến khi nữ hát đáp mời vào. Cặp nam nào được sự đồng ý của cặp nữ (khi nữ hát đáp mời vào) thì cặp đó vào nhà. Cứ như thế cho đến khi tất cả các cặp nam được vào nhà. Lúc đó canh hát trong nhà tiếp tục diễn ra, chủ nhà thường chuẩn bị đầy đủ dầu đèn, chè nước, trầu thuốc để cuộc hát được trọn vẹn suốt cả đêm.

Hát cháu côộ (hát đám cưới) là lối hát vừa ăn cỗ, uống rượu vừa hát, hát chúc mừng cô dâu chú rể, hát ca ngợi quê hương.

Hát zoóng hôồ côộ (hát đổi tên) là thể loại chỉ có nam giới hát với nhau trong lễ đổi danh của người con trai khi đủ 18 tuổi. Ở thể loại này, số lượng bài hát ít (khoảng 50 bài). Do thường chỉ được hát trong dịp lễ đổi danh nên hiện còn rất ít người thuộc và hát được các bài dân ca ở thể loại này. Trong dịp hát, nam giới Sán Chí thường chia ra từng cặp hai người và hát đối đáp với nhau.

Khi công nghệ thông tin đã đi vào cuộc sống, người dân Sán Chí ở xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn đã biết hát dân ca qua điện thoại. Người nam thường chủ động gọi điện thoại cho người nữ, cuộc hát có thể diễn ra bất cứ lúc nào; nếu có 2 nam, 2 nữ thì điện thoại được mở loa ngoài. Những số điện thoại của người hát hay thường được truyền tay nhau, lan nhanh không kém gì trên mạng xã hội. Hình thức hát này, người nam và người nữ có thể không biết mặt nhau; họ ở cách xa nhau hàng trăm, vài trăm, thậm chí hàng nghìn ki lô mét. Thông qua các cuộc hát dân ca, nhiều chàng trai, cô gái đã tìm được người bạn đời trăm năm của mình.

hat-dan-ca-qua-dien-thoai-giao-luu-voi-ban-be-1640602695-1657896897.jpg
Hát dân ca qua điện thoại giao lưu với bạn bè

Hiện nay, xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, dân ca Sán Chí vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng của người dân. Theo ông Lâm Minh Sặp, Chủ nhiệm CLB dân ca Sán Chí: “Hát dân ca ra đời đã góp phần khôi phục, lưu giữ và phát triển làn điệu dân ca Sán Chí, đồng thời bảo tồn và đẩy mạnh việc sử dụng ngôn ngữ, trang phục văn hóa truyền thống của dân tộc. Trước đây, người Sán Chí có thể hát dân ca mọi lúc mọi nơi. Ngày nay, đồng bào thường chỉ hát trong những dịp lễ hội, hát trong sinh hoạt câu lạc bộ hát dân ca. Thế hệ trẻ Sán Chí dần ít người biết hát dân ca; thành viên câu lạc bộ hát dân ca đều có độ tuổi từ 40 trở lên”. Vậy làm thế nào để nét đẹp văn hoá này được duy trì và phát triển mãi mãi, vấn đề đáng được quan tâm của các nhà làm công tác phát triển và quản lý văn hoá các cấp hiện nay?

Bảo tồn Dân ca Sán Chí xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; là một việc làm vô cùng cần thiết, để làn điệu dân ca Sán Chí, góp phần làm giàu hơn nữa cho nền văn hoá Việt Nam và nhân loại./.

Vũ Hoàng Thương
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn Dân ca Sán Chí xã Kiên Lao (Lục Ngạn) - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở Bắc Giang" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.