Bản sắc đình thần Nam Bộ

17/06/2015 08:16

Theo dõi trên

Trong quá trình định làng lập ấp của người xưa trên vùng đất phương Nam, những ngôi đình làng cũng nhanh chóng hình thành. Bên cạnh những giá trị tín ngưỡng truyền thống, đình làng Nam Bộ còn mang bản sắc riêng, thể hiện ước mơ, khát vọng của lưu dân thời mở cõi.

Hình ảnh mái đình làng đã trở nên quen thuộc trong tâm trí của nhiều người. Mái đình không chỉ là nơi thờ tự những bậc thánh nhân và những người có công với làng xã, mà còn là nơi gắn kết cộng đồng, gởi gắm niềm tin và lưu giữ ký ức về làng quê của mỗi con người. Thời kỳ đầu mở đất, lưu dân phải chống chọi với nhiều thế lực của tự nhiên, với rừng sâu nước độc. Vì thế, việc hình thành làng xã và xây dựng đình thờ được xem là những bước cơ bản trong công cuộc định cư.

Tuy vẫn giữ lại những giá trị cốt lõi trong tín ngưỡng thờ thần nhưng người Nam Bộ đã tạo ra nhiều nét khác biệt trong tư duy tín ngưỡng. Với đình làng Bắc Bộ, vị thần được thờ phụng có thể hữu danh hoặc vô danh. Đôi khi đó là người có công lớn với làng xã hay một bậc quan, tướng nào đó có công với cộng đồng dân cư. Do đó, Thành hoàng của các làng rất khác nhau.

Ngược lại, ở Nam Bộ lại có rất nhiều ngôi đình chỉ thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh như một vị Thành hoàng bảo vệ người dân trước mọi thế lực tiêu cực ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Về mặt lịch sử, đây là vị tướng có công lớn trong quá trình “mang gươm đi mở cõi”. Về góc độ văn hóa, ông là vị thần trong lòng của người dân, bởi quan niệm “sinh vi tướng, tử vi thần”.

Đến thăm một số ngôi đình trên địa bàn tỉnh hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh uy nghi giữa chính điện. Ông Phan Văn Trạng, Trưởng ban Quý tế đình thần Bình Mỹ (Châu Phú), chia sẻ: “Ông Nguyễn Hữu Cảnh là vị danh tướng có công khai mở đất phương Nam. Vì vậy, ông xứng đáng với sự tôn sùng của người dân. Các bậc tổ tiên của chúng tôi dưới sự phù hộ của ông đã cùng nhau gầy dựng cho xóm làng này bình yên, trù phú bao đời”.

Bên cạnh Nguyễn Hữu Cảnh, người dân cũng dành nơi trang trọng để thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền, ông Thần Nông và ông Hổ. Tất cả đều là tín ngưỡng dân gian, thể hiện niềm tin vào sự bảo vệ từ các thế lực siêu nhiên của người xưa.

Theo phong tục, mỗi năm các ngôi đình đều có 2 kỳ lễ lớn là Kỳ Yên thượng điền và Kỳ Yên hạ điền. Mục đích của 2 kỳ lễ này đều hướng đến mong ước được sự phù hộ của Thành hoàng để người dân trong làng có được cuộc sống bình yên, mùa màng tươi tốt, thắng lợi. Ngoài ra, đây cũng là dịp người dân thể hiện sự tin tưởng, ngưỡng vọng đến thần linh, tạo nên sức mạnh tinh thần giúp họ vượt qua mọi khó khăn trở ngại trong cuộc sống.

 Mỗi lễ Kỳ Yên thường kéo dài 2 - 3 ngày. Ngày đầu tiên gọi là lễ Túc Yết - ngày cúng các vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, các vị có công với nước, có công xây dựng và bảo quản ngôi đình. Kế đến là lễ Chánh Tế, được tiến hành vào giữa đêm thứ hai, có đọc văn tế ca ngợi trời đất và các thần linh, ca ngợi công lao của những bậc tiền hiền, hậu hiền, những người có công quy dân, lập ấp, phát triển sản xuất…

Nét đặc sắc trong cúng đình Nam Bộ là phần hát bội. Đêm lễ đầu tiên hát cho thần xem, các đêm sau phục vụ quần chúng. Theo thời gian, hát bội chỉ còn tồn tại trong phần lễ xây chầu đại bội. Hiện nay, người ta chú trọng sử dụng cải lương hầu quảng để tái hiện các tuồng tích xưa, giáo dục con người về đạo đức và tinh thần chính nghĩa.

Sau phần lễ là phần hội. Phần hội trong mỗi dịp cúng đình thường có nhiều trò chơi hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân tham gia. Trong lễ Kỳ Yên vừa qua, Ban Quý tế đình thần Bình Mỹ đã tổ chức nhiều trò chơi dân gian để người dân cùng tham gia, như: Đập nồi, kéo co, cờ tướng, bóng chuyền và đua thuyền.

“Dù ở vào thời điểm nào, những trò chơi này đều thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng mạnh mẽ, thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công gầy dựng nên mảnh đất thiêng liêng này cho con cháu đời sau sinh cơ lập nghiệp” - ông Trạng cho hay.

Ngày nay, tục cúng đình vẫn tồn tại trong đời sống của người Việt. Tuy xã hội có nhiều biến đổi nhưng những giá trị nhân văn, nét đẹp tín ngưỡng trong mỗi dịp cúng đình vẫn như dòng sữa ngọt nuôi dưỡng tâm hồn của bao thế hệ. Vì vậy, đình thần Nam Bộ vẫn là nơi lưu dấu bản sắc văn hóa đất phương Nam.

Theo THANH TIẾN/Tin Tức Miền Tây
Bạn đang đọc bài viết "Bản sắc đình thần Nam Bộ" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.