Bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là người mẹ Việt Nam tiêu biểu cho tấm lòng nhân hậu, đức hi sinh cao cả

25/01/2022 08:11

Theo dõi trên

Người mẹ ấy đã đi xa, nhưng trong thâm khảm của mỗi người con đất Việt, bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là người mẹ Việt Nam tiêu biểu cho tấm lòng nhân hậu, đức hi sinh cao cả, đẹp người, đẹp nết và đẹp trí tuệ. Tưởng niệm 121 năm ngày mất của bà Hoàng Thị Loan, là lúc chúng ta đoái nhìn lại một người mẹ vĩ đại đã sinh thành cho đất nước Việt Nam một lãnh tụ, danh nhân văn hóa kiệt xuất - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

1186358-ba-hoang-thi-loan-1643072847.jpg
Bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người mẹ vĩ đại

“Người mẹ ấy sinh con trong trời đêm

Giữa bùn đen mà hoa sen thắm nở

Chiếc võng gai che nghiêng khung cửi lụa

Mẹ ru con trong tiếng thoi đưa…”

Sinh trưởng trong cái nôi văn hóa Xứ Nghệ với truyền thống yêu nước nồng nàn (làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), bà Hoàng Thị Loan (1868 - 1901) là con gái đầu lòng của cụ Hoàng Đường - cụ bà Nguyễn Thị Kép, một gia đình nho học nhân văn có tiếng. Ngoài tình thương yêu dành cho 2 cô con gái của mình, gia đình còn nhận nuôi thêm cậu học trò nghèo Nguyễn Sinh Sắc. 

Từ nhỏ bà đã là một người thông minh, giỏi giang trong công việc lao động, khéo léo trong nghề xe tơ dệt vải. Mặc dù “nữ nhi” dưới chế độ phong kiến không được học hành, thế nhưng bà vẫn học được ít nhiều chữ Hán, say mê hát ví, hát dặm, trở thành một trong những người hát ví phường vải hay nhất của Chung Cự lúc bấy giờ. Lý giải vì sao trước lúc Bác đi xa, Bác muốn nghe một câu hò ví giặm, bởi nơi đó có dáng hình người mẹ tảo tần sớm hôm hun đúc ý chí cho cậu bé Nguyễn Sinh Cung thuở nào. 

Sự chịu thương, chịu khó, tình yêu quê hương đất nước, con người, sẻ chia trong cuộc sống đời thường trong bà ngày một lớn lên, trở thành người con gái vẹn toàn đức hạnh.

Vượt qua lễ giáo phong kiến hà khắc “môn đăng hộ đối”, bà Hoàng Thị Loan đã đem lòng thương yêu chàng trai mồ côi Nguyễn Sinh Sắc. Bà bắt đầu bước vào cuộc đời làm vợ năm 15 tuổi, 22 tuổi đã là mẹ của ba người con thơ. Cũng từ đây, bà dành trọn cuộc đời cho người chồng và các con yêu quý của mình. 

Từ năm 1883 đến năm 1894, suốt 11 năm trong ngôi nhà tranh ba gian, bà con Hoàng Trù đã chứng kiến hình ảnh rất quen thuộc, đầm ấm, thi vị của đôi vợ chồng trẻ: “chàng miệt mài kinh sử, thiếp canh cửi đưa thoi”. Ban ngày, bà một nắng hai sương chăm lo việc đồng áng, đêm đến lo cơm nước cho chồng con, tối khuya vẫn ngồi dệt vải, chị em cùng cảnh có hỏi, bà nói: gắng thức cho chồng học tập mong có kết quả cao hơn, vừa lại có thêm thu nhập cho gia đình.

Người con gái của một gia đình đồ nho đã dành trái tim nhân hậu của mình để đến với chàng trai mồ côi nghèo ham học. Cùng với đó là những khó khăn vất vả của người phụ nữ làm nông phải gánh việc chăm lo nuôi con cho chồng học hành thi cử. Chính bà là người tạo ra vật chất duy trì cuộc sống gia đình và là nguồn cổ vũ tinh thần cho ông Nguyễn Sinh Sắc trên con đường sự nghiệp. 

Mỗi độ tết đến xuân về, bà vẫn khoác trên mình tấm áo vá vai đã bạc màu qua thời gian; Khi ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ Cử nhân, bà con chạy ra tận ruộng báo tin cho bà Cử, bà nhẹ nhàng cảm ơn mọi người rồi vẫn từ tốn cấy cho đến quá trưa.

Đậu Cử nhân, ông Sắc vào Huế dự kỳ thi Hội nhưng kỳ thi lần đầu ông không đỗ. Ông về bàn với vợ việc theo ông vào kinh thành giúp ông ăn học. Là người phụ nữ nông thôn chưa một lần đi xa, nhưng tầm nhìn của bà đã vượt qua lũy tre làng để đến với kinh thành hoa lệ, bởi nơi đó hội tụ đủ các điều kiện cho chồng được theo học, các con được trưởng thành. 

Ở bà, không chỉ là sự bao dung, vị tha mà còn có sự mạnh mẽ, quyết đoán của một người vợ, người mẹ. Mảnh đất kinh thành xa lạ, ruộng vườn không có, cuộc sống của gia đình bộn bề những lo toan, khó khăn chồng chất, bà Hoàng Thị Loan tiếp tục chọn nghề dệt vải để kiếm kế sinh nhai. Bà phải lao động cật lực mới có thể cạnh tranh được với nghề dệt rất điêu luyện của mảnh đất cố đô.

Năm 1900, bà sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Xin trong cảnh ngộ túng thiếu, chồng và con trai cả (Nguyễn Sinh Khiêm) đang vắng nhà. Do lao động quá sức nên bà Hoàng Thị Loan đã lâm bệnh nặng và đột ngột qua đời vào trưa ngày 22 tháng chạp năm Canh Tý (10/2/1901), chỉ còn 8 ngày nữa là kết thúc năm cũ (Canh Tý), đón chào năm mới (Tân Sửu). Năm đó, bà bước sang tuổi 33. 

mo-ba-loan-1643045137.jpg
Mộ bà Hoàng Thị Loan (1868 - 1901) trên núi Động Tranh, xã Nam Giang (huyện Nam Đàn, Nghệ An)

Mộ phần trên núi Động Tranh

Mộ bà Hoàng Thị Loan nằm trên núi Động Tranh, thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 

Từ đỉnh núi nơi cất mộ bà Hoàng Thị Loan nhìn ra về hướng Tây Nam, xa xa là dãy núi Thiên Nhẫn, kế bên là làng Kim Liên quê nội, làng Chùa quê ngoại của Bác Hồ với núi Chung còn in dấu tuổi ấu thơ của Bác… Xa hơn nữa là dòng sông Lam chảy như sợi chỉ trắng vắt ngang trời in vào đáy nước một vùng đất "địa linh nhân kiệt" với những tên tuổi Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu và thế hệ sau này là Trần Phú, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai… và nhiều tên tuổi nhà cách mạng tiền bối khác…

Từ chân núi Động Tranh đi theo lối lên là phần mộ bà Hoàng Thị Loan nằm ở bên trái, cùng phía này còn có mộ bà Hà Thị Hy, bà nội của Bác Hồ cũng mới được tu bổ. Phần mộ bà Hoàng Thị Loan có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất - 1969), lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc (con số 42 là năm ông Khiêm đưa hài cốt mẹ về đây - 1942). Trước phần mộ xuống sân bia có 33 bậc, ứng với con số 33 là tuổi đời của bà. Phía trên mộ là giàn hoa cách điệu hình khung cửi. Hai cụm cây hoa giấy che mát phần mộ bà được lấy giống từ Huế - nơi bà mất và khu lăng mộ của ông Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp. Khe trước phần mộ trồng nhiều cây quí từ nhiều miền đất nước

Phần mộ được giữ nguyên theo hình mẫu ban đầu, được ốp bên ngoài bằng đá hoa cương, đá cẩm thạch liền khối. Phần trên mộ được xây dựng theo hình khung cửi cách điệu, gợi nhớ cuộc đời canh cửi vất vả để nuôi chồng, nuôi con thuở sinh thời. Phía sau phần mộ là bức phù điêu bằng đá trắng khắc họa hình những cánh sen thanh cao, tinh khiết của quê nhà và cũng là biểu tượng về cuộc đời, nhân cách của bà.

tham-c3dfb-1643045316.jpg
“Mẹ làng Sen, mẹ làng Sen, Người mẹ Việt Nam đã cho đời người con quang vinh/ Mẹ làng Sen, mẹ làng Sen, Người mẹ Việt Nam đã cho đời người anh hùng Hồ Chí Minh..."  (Ảnh: Khu di tích Kim Liên)

Mang hài cốt của mẹ từ Huế về Nam Đàn

Theo tư liệu của cố nhà văn Sơn Tùng, trong những lần được trực tiếp gặp bà Nguyễn Thị Thanh, cố nhà văn được bà Thanh tâm sự về câu chuyện đích thân bà đã chuyển hài cốt mẹ mình từ Huế về Nam Đàn ra sao, bà kể:

"O ra khỏi nhà tù năm Nhâm Tuất (1922), nhưng phải quản thúc tại Kim Long, kinh đô Huế. Mẹ o, em trai của o là Nguyễn Sinh Nhuận nằm xuống đất Huế, o không được nhìn mặt mẹ lần cuối cùng, chưa nhìn được mặt em trai một lần. Thật là nước mất nhà tan…

Trước cảnh ngộ cha phiêu bạt nơi lục tỉnh Nam Kỳ một cách vô định lai hồi, em Tất Đạt đang tại tù, em Tất Thành bôn ba hải ngoại, chẳng biết ở chân trời góc biển nào! Quyết đưa di hài mẹ về cố quận. Nhưng để làm được việc hiếu này, trong cảnh ngặt nghèo này, khó lắm cháu ơi. Cũng may những năm phụ thân o thụ giám, mở trường dạy học tại kinh đô rồi làm quan ở Bộ Lễ, Người để lại một phương danh nơi quan trường, sỹ thứ thì o và cậu Tất Đạt, Tất Thành được thơm lây, được thừa hưởng "lộc cha phúc mẹ". O bị quản thúc vô thời hạn: "nhật nhật tại dã, bất khả viễn phương". Nhưng khi công môn, o xin về Nghệ thăm nhà, họ không hạch sách gì, còn được lời ân ưu: "cô Chiêu Thanh, trưởng nữ của quan Phó bảng Sắc. Cô về thăm quê ở bao lâu cũng được. Cố chịu phiền một chút, báo cho hương lý sở tại lúc về và lúc trở lại kinh đô Huế…". Nhờ vậy, o lo liệu công việc di chuyển di hài mẹ về quê thuận lợi. Việc đưa di hài mẹ về quê, o chỉ bàn bạc với dì An, em ruột mẹ và một hai người bên nội biết. Năm ấy năm Nhâm Tuất (1922), mẹ Lụa (cụ Trần Thị Trâm), chú Cử Thống (Hồ Phi Thống) không còn bị tù ngục nữa. Một số nhà khoa bảng ở ngục Côn Lôn lần lượt trở về. O về Vinh gặp chú Cử Thống, chú mở cửa hiệu ở thành Vinh, bây giờ là danh sư Hồ Phi Huyền, dạy học, viết sách, chữa bệnh…

Đúng vào canh ba, đêm tháng mười năm Nhâm Tuất, chú Hồ Phi Huyền lên biểu bạch để o thực hành việc di hài cát táng từ kinh đô về Nam Đàn. Dì Hoàng Thị An lo liệu nơi cất giữ di hài cho đến khi tìm được cát địa. Mẹ Lụa dặn: Khi mở nấm mộ phải đứng tránh ngọn gió. Nước gỗ vang phải nhiều, đun sôi kỹ từ hôm trước để rửa cốt thật sạch, lau khô bằng giấy bản. Nước gỗ trầm hương, tẩm cốt rồi xếp vào vải điều, gói vuông vức lại, bọc ngoài một tấm vải đen, cất dưới đáy bị cói, trên xếp các loại thuốc viên. Hài cốt được tẩm nước gỗ trầm hương đưa đi xa, qua đò, qua tàu, xe hay gặp các loại súc vật khứu giác nhạy như chó cũng không thể bắt mùi. Về Huế, o nhờ gia đình người học trò của phụ thân o giúp việc "quán tẩy di hài" (rửa lau hài cốt)… Mọi việc làm trong âm thầm kín như bưng và trơn bọt lọt lạch…

Xong mọi việc hiếu nghĩa với mẫu thân mà O không thể nào bắt liên lạc được với phụ thân, để Người yên lòng và cậu Tất Đạt, O cũng chưa gặp lại được. Mãi tới năm Canh Thìn (1940), cậu Tất Đạt mới được về quê. Cậu ở lại quê được ít lâu, cậu mời chú Hồ Phi Huyền cùng đi xem cát địa để cát táng mẫu thân của chị em O. Chú Hồ Phi Huyền, cậu Tất Đạt đi khắp từ Đông Nam sang Tây Nam dãy núi Đại Huệ, đi qua cả truông Hến, truông Băng, truông Bồn… Cậu giáo Tôn Quang Duyệt (em học giả Tôn Quang Phiệt) hàng ngày đi theo mang bầu rượu và nước trà cam thảo lão mai phục vụ hai "thầy địa lý". Cuối cùng tìm được hai điểm Động Tranh và Đại Hài, về sau quyết định lấy một. 

Năm Tân Tỵ (1941), cậu Tất Đạt chọn Động Tranh làm nơi thiên thu an lạc tĩnh thổ cho mẫu thân… Mùa thu Ất Dậu (8/1945), Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam mới ra đời, O ra Thủ đô thăm cậu Tất Thành lần thứ nhất, tại nhà cậu mợ Đặng Thai Mai, O có nói với cậu Tất Thành việc O chuyển di hài mẫu thân về quê, việc O vào Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc chịu tang phụ thân năm Kỷ Tỵ (1929)…

Bà Hoàng Thị Loan đã trở về với cõi vĩnh hằng nhưng trái tim của bà vẫn mãi nồng ấm những thương yêu, chở che. Bà đã kịp gửi gắm cả những ước mơ cuộc đời của mình trong sự nghiệp của chồng, tương lai của các con. Bằng tấm lòng nhân hậu và sự mẫn cảm của người mẹ, bà đã vun trồng, uốn nắn, dạy dỗ cho con những bài học đầu tiên về đạo lý làm người. 

Bằng vốn hiểu biết văn hóa dân gian phong phú cùng những câu hò, điệu ví, và qua những lời ru ngọt ngào, chứa chan tình cảm, bà đã truyền tới các con tình yêu quê hương đất nước, tâm hồn rộng mở, tấm lòng nhân ái bao la. Chính trái tim nhân hậu, sự cần cù, chịu thương chịu khó, đức hi sinh cao cả ở bà đã có tầm ảnh hưởng lớn đến đạo đức, phong cách của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. 

Cuộc đời bà Hoàng Thị Loan là tấm gương sáng về phẩm chất giản dị, khiêm tốn, đức hy sinh to lớn, lòng nhân ái bao dung. Nếp sống giản dị, thanh cao, yêu lao động được phản ánh rất rõ trong trong cuộc đời của các con bà sau này và nổi bật nhất là ở Bác Hồ kính yêu. Các thế hệ người Việt Nam sẽ mãi mãi biết ơn người mẹ vĩ đại Hoàng Thị Loan - người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng cho dân tộc Việt Nam những người con yêu nước, đặc biệt là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.  

Tưởng niệm 121 năm Ngày mất của bà Hoàng Thị Loan (1901 - 2022) là dịp để mọi người dân Việt Nam thể hiện lòng tri ân và biết ơn sâu sắc đối với thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

“Mẹ làng Sen, mẹ làng Sen, Người mẹ Việt Nam đã cho đời người con quang vinh
Mẹ làng Sen, mẹ làng Sen, Người mẹ Việt Nam đã cho đời người anh hùng Hồ Chí Minh”

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là người mẹ Việt Nam tiêu biểu cho tấm lòng nhân hậu, đức hi sinh cao cả" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.