170 năm ngày mất vua Thiệu Trị

07/10/2017 08:36

Theo dõi trên

Vua Thiệu Trị tính nết hiền hòa, không thích thay đổi, không hay bàn việc, nhà vua cho rằng mọi việc từ thời vua cha đã có quy củ nên cứ thế mà làm. Chính vì vậy mà mọi mặt chính trị, ngoại giao, binh bị, kinh tế, văn hóa – xã hội không có gì thay đổi nhiều so với thời vua Minh Mệnh.



Lăng mộ vua Thiệu Trị

Vua Thiệu Trị là vị vua thứ 3 của vương triều nhà Nguyễn, tên húy là Dong còn có tên húy nữa là Miên Tông. Vua Thiệu Trị sinh ngày 16 tháng 6 năm Đinh Mão 1807, và mất ngày 4 tháng 10 năm Đinh Mùi 1847. Thân sinh là vua Minh Mệnh (1791 – 1840), thân mẫu là bà phi Hồ Thị Hòa.

Vua Minh Mệnh có tổng cộng 142 người con, gồm 78 hoàng nam, và 64 hoàng nữ. Cuối năm Canh Tý 1840, vua Minh Mệnh mất,  Hoàng tử Miên Tông là con trưởng được triều thần lập lên nối ngôi, hiệu là Hiến Tổ, đặt niên hiệu là Thiệu Trị.
 
Vua Thiệu Trị tính nết hiền hòa, không thích thay đổi, không hay bàn việc, nhà vua cho rằng mọi việc từ thời vua cha đã có quy củ nên cứ thế mà làm. Chính vì vậy mà mọi mặt chính trị, ngoại giao, binh bị, kinh tế, văn hóa – xã hội không có gì thay đổi nhiều so với thời vua Minh Mệnh. Trong thời gian vua Thiệu Trị trị vì, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân vẫn nổ ra liên tục ở nhiều nơi, lại thêm một số việc mới nảy sinh trong quan hệ với Chân Lạp và Pháp, nhưng nhìn chung mọi việc vẫn được giải quyết tốt.

Về mặt đối ngoại, vua Thiệu Trị dàn xếp mối bang giao với Chân Lạp. Tháng 6 năm Ất Tỵ 1845, Chân Lạp bị Xiêm La (Thái Lan) chiếm đóng, triều đinh Huế cử binh sang giúp Chân Lạp, buộc tướng của nước Xiêm La là Chất Tri phải ký hòa ước rồi hai nước bãi binh.
 
Về quan hệ với phương Tây, dưới thời vua Thiệu Trị thì việc cấm đạo đã không còn quyết liệt như thời vua Minh Mệnh. Một số giáo sỹ trước đó bị giam giữ, nhờ có sự can thiệp của hải quân Pháp, đã lần lượt được thả tự do. Theo đà đó, đầu năm Đinh Mùi 1847, Pháp sai Đại tá Ri - gơn đờ Giơ -nưi đem tàu đến Đà Nẵng đưa thư yêu cầu bỏ việc cấm đạo.
 
Trong khi đó, triều đình Huế đứng đầu vua Thiệu Trị đang xem xét thì quân Pháp gây sự, chúng bắn đại bác làm 5 chiếc thuyền vỏ bọc đồng của ta bị đắm. Lãnh binh Nguyễn Đức Chung và Hiệp quản là Lý Diên bị trúng đạn chết. Sau đó thủy quân Pháp chạy ra biển Đông. Vua Thiệu Trị được tin cấp báo, lập tức giáng chiếu chỉ cách chức một số tướng sỹ giữ cảng Đà Nẵng, và ngay sau đó , vua Thiệu Trị đã ban thêm dụ cấm người ngoại quốc đến giảng đạo, và trị tội người trong nước theo đạo.
 
Trong khi đó, người Anh cũng tìm cách đặt chân lên đất nước ta, nhưng sau sự kiện trên thì người Pháp và cả người Anh đã không được triều đình Huế đón tiếp. Thời vua Thiệu trị, chính sách “bế quan tỏa cảng” nhìn chung vẫn không thay đổi gì so với thời vua Minh Mệnh trước đó là bao.
 
Về Kinh tế, dưới thời vua Thiệu Trị, nhìn chung không có thay đổi gì nhiều ngoài việc đắp lại đê điều, đắp đập chắn ngang sông Cửu An, khắc phục giải pháp không có kết quả việc phá bỏ đê điều vùng trũng phía nam Hà Nội, khơi đào sông thoát lũ cho vùng Hải Dương. Vua Thiệu Trị cũng cho tăng cường khai thác các loại tài nguyên khoáng sản quý như vàng, bạc v.v…
 
Về mặt văn hóa giáo dục, sau khi lên ngôi, vua Thiệu Trị đã cho mở liên tiếp nhiều khoa thi Hội để kén chọn nhân tài ra giúp nước. Nhưng nhìn chung trong các khoa thi dưới  vua Triệu Trị người có thực tài không được bao nhiêu.
 
Vào ngày 4 tháng 10 năm Đinh Mùi 1847, vua Thiệu Trị mất, hưởng dương được 41 tuổi. Tổng cộng vua Thiệu Trị làm vua được 7 năm. Sau khi vua Thiệu Trị mất, Nguyễn Phúc Hồng Nhậm lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Tự Đức.
 
Vương Quốc Hoa

Bạn đang đọc bài viết "170 năm ngày mất vua Thiệu Trị" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.