Trụ sở UBND xã - Ảnh: P.V
Ngay từ khi thực hiện chương trình, chính quyền địa phương đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm nên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động và huy động mọi nguồn lực để thực hiện.
Để có thêm điều kiện tham gia xây dựng quê hương xã tạo điều kiện hỗ trợ và đã động viên nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập để giảm nghèo bền vững. Trong năm xã đã thành lập Tổ hợp tác khoai tây ở các thôn Tân Trung, Kim Tân. Đặc biệt, đến thời điểm này đã có 3 mô hình chăn nuôi đi vào hoạt động hiệu quả được Nhà nước hỗ trợ hàng trăm triệu đồng, đời sống các hộ dân đã được cải thiện đáng kể.
Cơ sở hạ tầng cũng được cải thiện đáng kể với việc xây mới được 4 phòng học trường Mầm non trị giá 2,8 tỷ đồng, mở rộng đường mương khu vực Nhà Cọi, Đồng Dần 246 triệu đồng, xây dựng nhà để xe của UBND xã trị giá 60 triệu đồng, xây dựng cầu Con Tre với số tiền 500 triệu đồng và xây mới Nhà văn hóa thôn Tân Trung trị giá 1.1 tỷ đồng. Đến nay 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và có phương tiện nghe, nhìn và được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài trên 14,274 km đã được nhựa hóa cùng 0,73 km kênh mương nội đồng tạo điều kiện cho nhân dân trên địa bàn mở mang sản xuất, giao lưu, mua bán, trao đổi hàng hóa.
Tuy nhiên, từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Tân Lộc mới chỉ đạt 4 tiêu chí, hiện đang đứng tốp cuối của huyện. Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND, Trưởng BQL xã cho rằng, là xã đặc biệt khó khăn duy nhất của huyện, thu nhập và đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng chủ yếu lại là ruộng bậc thang nên khó khăn trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt cơ sở hạ tầng của xã vừa thiếu lại vừa yếu nên mặc dù nhân dân đồng thuận, tích cực tham gia, hưởng ứng chương trình nhưng huy động sức người, sức của và nguồn lực tại chỗ còn nhiều hạn chế. Trên địa bàn xã hầu như không có nguồn thu, trong khi đó, kinh phí của T.Ư, tỉnh và huyện dành cho chương trình “nhỏ giọt”. Vì thế, khó có thể hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Cũng theo ông Thạch, chương trình NTM là một chủ trương lớn, đúng đắn nhưng với điều kiện thực tế của Tân Lộc hiện nay thì việc thực hiện chương trình NTM quả là khó khăn. Vì vậy địa phương rất cần sự quan tâm vào cuộc của cấp trên trong việc hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, mở lớp đào tạo kỹ thuật chăn nuôi và các nghề mới cho nhân dân. Để từ đó bà con phát triển kinh tế ổn định và thoát nghèo bền vững và có điều kiện xây dựng quê hương.