Viếng Đền Hùng để hiểu rõ hơn lịch sử, cội nguồn của dân tộc là một chuyến đi về nguồn nhiều ý nghĩa

18/01/2023 11:13

Theo dõi trên

Từ rất xa xưa, trong dân gian Việt Nam đã lưu truyền câu ca dao: Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba. Mồng 10 tháng 3 - Giỗ tổ Hùng Vương, đây là ngày Quốc lễ của dân tộc Việt Nam. Ngày Giỗ tổ với Lễ hội Đền Hùng là sinh hoạt lễ hội truyền thống của dân tộc Kinh, với ý nghĩa tôn kính, tưởng nhớ công lao dựng nước của các vua Hùng. Lễ hội được tổ chức hàng năm tại đền Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh - thuộc địa phận xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

a12563464-1674015117.jpg
Ảnh Internet

Quần thể Đền Hùng gồm các đền, chùa thờ tự các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh (cao 175 mét). Theo các tài liệu khoa học thì kiến trúc đền Hùng được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng. Đến thời Hậu Lê thì được tiếp tục hoàn chỉnh như quy mô như hiện tại.

Nếu xuất phát từ Hà Nội theo Quốc lộ 32 đến Phong Châu đi thẳng là tới đền Hùng. Còn nếu như ta theo Quốc lộ 2 đi Vĩnh Phúc, qua cầu Việt Trì đến trung tâm thành phố rẽ trái hơn chục km là đến đền Hùng.

Khu di tích lịch sử đền Hùng bao gồm bốn đền chính là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và đền Giếng. Từ dưới chân núi, ta đi theo một con đường bê tông nhỏ xuyên qua bóng cây rừng rợp mát. Khách sẽ qua một cổng tam quan kiến trúc theo kiểu “cổ lâu” truyền thống. Cổng tam quan sơn màu đỏ, hai bên có phù điêu hộ pháp (thần bảo vệ) đền.            

Đầu tiên ta sẽ gặp đền Hạ, Tương truyền đây là nơi Quốc Mẫu Âu Cơ... đẻ ra bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con. 50 mươi con xuống biển, 50 con lên rừng. Kế tiếp là Nhà bia: Nhà bia nằm ngay cạnh đền Hạ có kiến trúc hình lục giác với 6 mái. Bên trong có tấm bia đá khắc lại câu nói nổi tiếng của Bác Hồ nhân dịp Người về thăm Đền Hùng, nói chuyên với các cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong (Sư đoàn 308) tại đền Hùng, ngày 19/9/1954: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Gần đó có Chùa Thiên Quang: còn gọi là Thiên Quang thiền tự, nằm cạnh đền Hạ. Chùa Thiền Quang thờ Phật, Vua, Vương, tướng, tôn thất của các vua Hùng.                

Từ đền Hạ ta đi theo con đường quanh co men theo sườn núi hai bên có nhiều cây cổ thụ như liêm, mét, bồ đề, gỏ, gụ… Đặc biệt ở đây có nhiều cây sứ đại cổ thụ, hoa tỏa ngát hương thơm! Đền Trung - Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn núi Nghĩa Lĩnh ngắm cảnh và họp bàn việc nước. Đền Thượng nằm trên đỉnh Ngũ Lĩnh, đây là nơi có lăng mộ vua Hùng thứ 6. Đền được xây dựng trên đỉnh núi, theo truyền thuyết kể lại, các Vua Hùng thường lên núi tiến hành các nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp: thờ trời đất, thờ thần nông, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân chúng bình an. Ngoài cổng đền có dòng đại tự: “Nam Việt triệu tổ” (tổ tiên của Việt Nam). 

Có một số câu đối sơn son thiếp vàng trước, hai bên nghi môn và bên trong chính điện. Một vài câu tiêu biểu như: Thông thông uất uất, trung hữu lăng yên tẩm yên, long phục tiên mẫu chi linh tính, hữu ngã hậu nhân võng khuyết; Cổ cổ kim kim, thử sơn dã thuỷ, dã thánh tổ thần tông chi sáng tạo, y hi tiền vương bất vong.

a1134647-1674015172.jpg

Dịch: Trong cây cỏ tốt xanh vẫn có miếu có lăng, hồn thiêng cha mẹ Rồng Tiên phù hộ đời sau không thiếu sót; Suốt thời gian dài dặc thấy kìa sông kìa núi, công đức tổ tiên thần thánh, nhớ ơn Vua nước chẳng hề quên.                

Cột đá thề: Bên phía tay trái đền Thượng có một cột đá gọi là cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói trông nom miếu vũ họ Hùng Vương.    

Lăng Hùng Vương - tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía đông đền Thượng. Xưa kia đây là một ngôi mộ đất, thời Tự Đức năm thứ 27 (năm 1870), vua đã cho xây mộ, dựng lăng. Đền Giếng: Tương truyền là nơi công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lí qua vùng này. Đền được xây dựng vào thế kỉ thứ 18.        

Bước vào đầu tháng 3 âm lịch, lễ hội bắt đầu diễn ra với những phong tục như đâm đuống (đánh trống đồng) của dân tộc Mường, hành hương tưởng niệm các vua Hùng, và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, với lễ rước kiệu và dâng hương trên đền Thượng. Trong ngày chính hội có 2 lễ được cử hành cùng thời điểm này

Lễ rước kiệu vua: Đám rước kiệu xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền Hạ, đền Trung  để tới đền Thượng, hàng ngàn người với rừng cờ, phướng, hoa, lọng, kiệu, trang phục cổ trang truyền thống, màu sắc sặc sỡ, chiêng khua, trống động, thanh la, não bạt trùng trùng náo nức kéo đến nơi làm lễ dâng hương. Đám rước uốn lượn  như một con rồng xuyên qua những tán rừng, những bậc đá  hướng về đỉnh Nghĩa Lĩnh linh thiêng.            

Lễ dâng hương: Trong sâu lắng tâm hồn người Việt thì mỗi nắm đất, gốc cây nơi đây đều linh thiêng như máu thịt của tổ tiên hiển hiện. Ta sẽ gặp rất nhiều hương nhang  cắm đỏ nơi những gốc cây, hốc đá. Người hành hương về đền Nghĩa Lĩnh với mong muốn trải lòng mình với tổ tiên, trân trọng tri ân các vua Hùng đã có công lập quốc, di truyền mãi đến muôn đời con cháu mai sau.            

Trong lễ hội Đền Hùng có rất nhiều trò chơi dân gian đặc sắc. Đó là những cuộc thi hát Xoan (hát ví ghẹo), một hình thức dân ca độc đáo của Phú Thọ, những cuộc thi vật, kéo co, hay thi bơi sải ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh.        

Lễ hội đền Hùng không chỉ diễn ra ở khu di tích lịch sử đền Hùng Phú Thọ mà sẽ diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Vĩnh Long và nhiều địa phương khác. Các Nhà nước  phong kiến Việt Nam từ xưa đã giao việc quản lí đền Hùng cho địa phương và nhân dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái. Đền Hùng được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch) xếp hạng là Khu di tích đặc biệt của quốc gia vào năm 1962. Năm 2007, UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng” là “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể đại diện của nhân loại”.                

Tháng 3 âm lịch về Phú Thọ, viếng Đền Hùng để hiểu rõ hơn lịch sử, cội nguồn của dân tộc là một chuyến đi về nguồn nhiều ý nghĩa.

Ngọc Nhi
Bạn đang đọc bài viết "Viếng Đền Hùng để hiểu rõ hơn lịch sử, cội nguồn của dân tộc là một chuyến đi về nguồn nhiều ý nghĩa" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.