Cụt Thanh Hoài - Chủ tịch UBND xã: “Thời gian tới, địa phương rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của cấp trên để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần giúp địa phương đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội” - Ảnh: P.V
Năm 2014, người dân xã Bảo Thắng gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển sản xuất. Song được sự quan tâm của Chính phủ cùng các cấp chính quyền và nỗ lực cố gắng của nhân dân nên kinh tế đã thu được kết quả khả quan.
Đời sống của nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông - lâm nghiệp. Theo kết quả rà soát năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 63,84%, giảm 15,9% so với năm trước. Từ thực tế đó, để làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, thời gian qua Đảng ủy, chính quyền xã đã vào cuộc triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện địa phương. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho người dân. Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về công tác xóa đói giảm nghèo, qua đó khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
Hệ thống giao thông cần được quan tâm đầu tư
Với lợi thế về đất lâm nghiệp, nên trong những năm qua phong trào trồng rừng ở xã Bảo Thắng đã phát triển mạnh, nhiều hộ dân đã có thu nhập cao hàng trăm triệu đồng từ khai thác rừng trồng. Cùng với việc ổn định diện tích cây trồng lâu năm, xã còn vận động nhân dân sử dụng các loại giống lúa, ngô có năng suất cao vào thâm canh; Đàn gia súc, gia cầm tiếp tục được phát triển, đặc biệt là đàn trâu, đàn bò (so với cùng kỳ năm 2013, đàn trâu tăng 16,46 %, đàn bò tăng 129,4 %). Triển khai có hiệu quả công tác tiêm phòng dịch bệnh, kiểm soát dịch bệnh. Đến nay chưa có ổ dịch lớn xảy ra trên địa bàn. Song song với đó, Bảo Thắng chú trọng lồng ghép với các chương trình, dự án của Trung ương, của Tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tập trung thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ vốn vay đối với người dân, đặc biệt là hộ nghèo. Đồng thời triển khai cấp phát kịp thời các hạng mục của Dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thuộc chương trình 135 năm, chương trình 30a, dự án VIE/028 như hỗ trợ giống bò địa phương, giống vịt...
Cùng với đó các hoạt động văn hóa, văn nghệ đã được xã chú trọng phát triển. Lĩnh vực giáo dục quan tâm đúng mức nên chất lượng dạy và học ngày một được nâng cao. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm thực hiện. Đời sống tinh thần của đồng bào ngày một nâng cao so với các địa phương trong huyện.
“Những kết quả mà chính quyền và nhân dân Bảo Thắng đã đạt được trong năm qua là dấu hiệu đáng mừng để giúp nhân dân thoát nghèo. Song nhìn lại thực tế tại địa phương thì còn nhiều điều phải suy ngẫm vì cơ sở hạ tầng của Bảo Thắng thực sự đã xuống cấp nghiêm trọng nhất là trụ sở làm việc, hệ thống trường học của trường tiểu học, mầm non đều thiếu và xuống cấp, đường giao thông về các bản đang còn lầy lội về mùa mưa. Vì vậy để địa phương thoát nghèo bền vững thì ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương và bà con thì cần lắm các chương trình, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cho xã vùng cao này”, ông Cụt Thanh Hoài - Chủ tịch UBND xã cho biết.