Về ngôi đền hơn 400 năm tuổi thờ người thầy của 2 đời vua

21/08/2020 17:41

Theo dõi trên

Đất Cổ Bôn xưa, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn (Thanh Hoá) ngày nay là một vùng văn hiến của xứ Thanh. Truyền thống văn hiến của Tứ xã Bôn được thể hiện ở nhiều mặt, trước hết là ở truyền thống văn hóa và truyền thống học hành. Truyền thống văn hóa ở Đông Thanh được biểu hiện ở nhiều mặt đời sống văn hóa vật chất và tinh thần trong các làng ở Tứ xã Bôn.

Nét nổi trội ở đây là nơi có nhiều di tích lịch sử - văn hóa đặc sắc, đáng chú ý là các công trình này không phải là các công trình lớn của quốc gia xây dựng ở địa phương mà là các công trình làng xã, do nhân dân các làng xây dựng. Tiêu biểu là đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi - một con người tài năng với nhân cách mẫu mực. Hàng trăm năm đã trôi qua, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn được hậu thế nhắc đến với sự ngưỡng mộ, biết ơn.
 
 
Nét cổ kính, trang nghiêm của đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi.

Chuyện về người thầy dạy 2 đời vua Lê
 
Đông Thanh là một trong những xã có nhiều di tích lịch sử - văn hóa nhất ở vùng châu thổ sông Mã. Đây là nơi có nhiều di tích lịch sử - văn hóa đặc sắc, trong đó có di tích đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh. Theo chân vị công chức văn hóa xã, tôi đã đến thăm và tìm hiểu thêm sâu hơn cuộc đời và sự nghiệp của tướng công Nguyễn Văn Nghi cũng như những nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo của ngôi đền này.
 
Theo sử sách ghi lại: Đền thờ Thái phó Nguyễn Văn Nghi - người trực tiếp hầu giảng 2 vị vua: Lê Anh Tông và Lê Thế Tông nên thường được truyền tụng là “người thầy của 2 đời vua”. Ông sinh năm 1515, trong một gia đình “danh gia vọng tộc”. Khi còn trẻ tuổi, Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi ngày đêm miệt mài đèn sách. Năm 39 tuổi, ông thi đỗ Nhất giáp Chế khoa, khoa thi năm Giáp Dần (1554), đời Vua Lê Trung Tông. Là người tài đức vẹn toàn nên ông được giao cho giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới 3 triều Vua Lê: Lê Trung Tông, Lê Anh Tông và Lê Thế Tông. Trải qua 3 triều vua, từng kinh qua nhiều chức vụ khác nhau: Hiệu lý Hàn lâm viện, Đông các hiệu thư, Tham chính Nghệ An, Tả thị lang Bộ Lại, nhập thị Kinh diễn kiêm Đông các học sĩ. Cho dù ở cương vị nào đi chăng nữa, ông vẫn luôn được mọi người tin yêu, quý trọng bởi cả tâm đức và tài năng.
 
Ông là bậc danh nho đỗ cao, được ba vua tri ngộ, đức nghiệp và tiếng tăm hơn cả các nho thần đầu thời Trung hưng. Sau khi ông mất, nhân dân lập đền thờ; Vua Lê Thế Tông gia ân tặng chức Thượng thư bộ Công, tước Thái bảo, ban thụy hiệu là Phúc Khê tướng công, ban cho 30 mẫu ruộng ở quê nhà để nhân dân làm công điền thờ cúng ông.
 
Đền thờ tướng công Phúc Khê Nguyễn Văn Nghi được xây dựng năm 1617, niên hiệu Hoàng Định thứ 18 đời Vua Lê Kính Tông (1600 - 1619). Là ngôi đền cổ với tuổi đời hơn 400 năm. Ấn tượng ngay từ đầu tiên bước chân vào đền, đó là lối thiết kế cổng thành khiến bất kỳ ai cũng đều có cảm giác quen thuộc đến kỳ lạ, dễ dàng liên tưởng đến công trình kiến trúc độc đáo - Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ - Thành Tây Đô. Cổng dẫn vào đền có hình mái vòm, một cửa duy nhất, kết hợp giữa kỹ thuật xếp đá (ở thành cổng) và gạch xây (ở phía nóc thành), bên trên có khắc ba chữ “Tướng công môn”. Tường đá bao bọc cao tới gần 2m, bề rộng 1,5m dựng bằng hai hàng đá tảng, ở giữa đổ đất nện, phía trên là những phiến đá hình mai rùa úp xuống. Khu ngoài đường đi vào đền chính dài hơn 200m, lát đá, phiến đá rộng, có bia đá, ghi công tích Nguyễn Văn Nghi và công tích người con trai là Đăng Quận công Nguyễn Khải. Bên trong thành nội có nhà thờ chính thờ cụ Nguyễn Văn Nghi.
 
Ông Nguyễn Xuân Lộc, người coi đền cho biết: Trước đây toàn bộ khu đền thờ có tới 24 dãy nhà lớn bé bao quanh, bố trí từ nhà sắp lễ ở ngoài cổng, khu đền thờ, khu hậu viên, khu nhà tổ, khu nhà thờ dành cho người vợ của Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi... Trải qua biến thiên của lịch sử, rêu phong của thời gian, đến nay, khu đền thờ chỉ còn lại gian nhà cầu nối nho nhỏ dùng làm nơi thờ tự. Đây là gian nhà nằm giữa, nối gian tiền đường, trung đường với nhà chánh tổng dài và rộng ở phía sau. Tất cả đều có mái chạm trổ cong cong, lát gạch lợp mũi hài, nung thủ công. Gian cầu nối tuy nhỏ nhưng hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều các bức chạm trổ trang trí, vì kèo, xà ngang, hệ thống cột đỡ... minh chứng tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc tinh xảo lúc bấy giờ.
 
Cần được trùng tu xứng tầm di tích quốc gia
 
Đền thờ Nguyễn Văn Nghi là công trình kiến trúc đặc sắc ở Đông Sơn và cũng là một trong những công trình kiến trúc mang dấu ấn văn hóa thời Lê tiêu biểu ở Thanh Hóa. Công trình được xây dựng nhằm tôn vinh sự nghiệp của nho thần danh tiếng Nguyễn Văn Nghi - người được tôn làm Thành hoàng của làng. Công trình là một tổ hợp kiến trúc gồm: đền thờ, thành luỹ và các tác phẩm điêu khắc bằng đá. Trong đền có hai tượng voi to lớn, được xem là cặp tượng voi đá cổ lớn nhất Đông Nam Á. Tượng bên phải có chạm khắc đai xích sắt. Một con dáng vẻ quy thuận, một con biểu lộ sức mạnh như tạo thành hai thể đối nghịch của âm dương. Ngoài ra còn có tượng chó đá, tượng ngựa và các công trình bằng đá khác như văn bia ghi về gia đình, dòng họ, thân thế, sự nghiệp của Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi, chữ viết và hoa văn được chạm khắc rất tinh tế, tỉ mỉ... Các công trình này được các nghệ nhân đục đá núi Nhồi (Đông Sơn) tạo dựng đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc đá thời Lê ở Thanh Hóa. Với những giá trị văn hóa - lịch sử, nghệ thuật kiến trúc còn lưu giữ lại được, đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1990. Từ năm 2010 đến nay, cùng với sự quan tâm của cấp chính quyền có liên quan và sự cung tiến của người dân, một số hạng mục cũng được quan tâm như đảo mái ngói, làm rui mè, xây dựng con đường vào đền...
 
Tuy nhiên, trải qua những những biến cố của lịch sử và rêu phong của thời gian, di tích cũng đang bị xuống cấp. Tình trạng mối mọt ngày càng nhiều và hiện nay được người coi đền khắc phục tạm thời bằng cách xịt thuốc muỗi thường xuyên để tránh mối mọt nhưng cũng không có hiệu quả gì. Bên cạnh đó là những bức tường cũng đã cong vênh và nứt nẻ theo thời gian. Để khắc phục tạm thời tình trạng mối mọt, cứ khoảng 2-3 ngày, ông Lộc lại đi kiểm tra và mang thuốc xịt mối nhưng cũng không ăn thua gì...
 
“Đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi thực sự là một công trình kiến trúc, điêu khắc độc đáo nhưng trải qua thời gian tồn tại hơn 400 năm đền đang bị xuống cấp. Tình trạng mối mọt ngày càng nhiều, con em địa phương cũng đã góp công sức để sơn và trám lại những chỗ bị bong tróc. Tuy nhiên, để xứng tầm với di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, địa phương rất cần sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời từ các cấp, các ngành có liên quan và sự chung tay góp sức của nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Đây cũng là nguyện vọng của con cháu dòng họ cụ Nguyễn Văn Nghi nói riêng và của địa phương nói chung”, ông Hoàng Văn Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thanh trăn trở.
 
Theo Văn hóa & Đời sống

Bạn đang đọc bài viết "Về ngôi đền hơn 400 năm tuổi thờ người thầy của 2 đời vua" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.