Vai trò tổ chức đảng, đoàn thể trong xây dựng cánh đồng liên kết

18/12/2014 09:00

Theo dõi trên

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo và phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức đảng, các đoàn thể trong công tác vận động quần chúng, tỉnh Ðồng Tháp triển khai thực hiện thí điểm Ðề án xây dựng mô hình tổ chức đảng, đoàn thể trong cánh đồng liên kết tại xã Phú Ðức, huyện Tam Nông. Ðây là xã được Ðồng Tháp chọn thí điểm thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.



 Tổ bốc vác vận chuyển lúa đông - xuân ở HTX Tân Tiến được thành lập giải quyết nhanh lượng lúa thu hoạch trong ngày cho nông dân.

 
Tại Ðồng Tháp, mô hình cánh đồng mẫu lớn có sự tham gia liên kết tiêu thụ lúa gạo cho nông dân của các doanh nghiệp (DN) được gọi là cánh đồng liên kết.
 
Từ cuối tháng 3-2014, Ðảng ủy xã Phú Ðức tổ chức lễ công bố chính thức thành lập Chi bộ và Hội Nông dân trong cánh đồng liên kết tại ô bao 24A, gồm hai hợp tác xã (HTX) Tân Tiến và Phú Bình với tên gọi là Chi bộ Bình Tiến và Chi hội Nông dân Bình Tiến.
 
Mô hình được thành lập nhằm góp phần làm đa dạng hóa các loại hình tập hợp quần chúng, tuyên truyền vận động, làm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất nhỏ, manh mún của người dân; tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, hiện đại, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nhằm bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nông dân và doanh nghiệp.
 
Ðây là chi bộ trong cánh đồng liên kết đầu tiên của tỉnh Ðồng Tháp. Chi bộ có chín đảng viên, đồng chí Nguyễn Văn Xiêm Nhỏ được điều động, bổ nhiệm làm Bí thư. Chi Hội Nông dân có 256 hội viên.
 
Ðồng chí Trần Văn Sáu, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Ðồng Tháp cho biết, các bước và quy trình thành lập Chi bộ đảng, Chi hội đoàn thể trong cánh đồng liên kết thực hiện đúng theo Ðiều lệ Ðảng, Ðiều lệ của các đoàn thể và các quy định, hướng dẫn. Huyện Tam Nông đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp và được sự thống nhất cao trong Ban Chấp hành Huyện ủy, cùng các ban, ngành, cơ quan chuyên môn cấp huyện và cấp tỉnh.
 
Trước mắt, nhiệm vụ của chi bộ là lãnh đạo tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác có DN đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, cụ thể là công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Võ Thị Thu Hà (công ty Thu Hà), bảo đảm nâng cao đời sống cho xã viên.
Sau khi Chi bộ Ðảng và Chi Hội Nông dân được thành lập, hoạt động của hai HTX Tân Tiến và Phú Bình được tổ chức nhịp nhàng, hiệu quả, được sự đồng thuận cao của xã viên. Ngoài hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa với Công ty Thu Hà bảo đảm giá cao hơn thị trường 200đ/kg, các HTX còn được công ty phân bón Bình Ðiền, Công ty bảo vệ thực vật Sài Gòn và Công ty lúa giống Ðồng Tháp hỗ trợ cung ứng giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chất lượng, giúp tăng năng suất lúa đạt bình quân từ 5,5 đến 6 tấn/ha.
 
Ðồng chí Nguyễn Văn Xiêm Nhỏ, Bí thư chi bộ cho biết, tháng 8 vừa qua, hai HTX đã thành lập bốn đội bốc vác, vận chuyển với 155 thành viên. Các tổ bốc vác hợp đồng thuê phương tiện vận chuyển lúa cho xã viên và cho các DN. Không chỉ giải quyết nhanh lượng lúa thu hoạch trong ngày của nông dân mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương.
 
Ngay khi mới thành lập, đội vận chuyển, bốc vác của HTX Phú Bình đã hợp đồng bốc khoảng 500 tấn lúa từ cánh đồng liên kết đến kho của công ty Thu Hà. Nghe chúng tôi hỏi thăm về tình hình thu nhập, anh Trần Văn Khia, thành viên đội bốc vác vui vẻ cho biết: "Khi chưa thành lập, hằng ngày tôi cũng đi vác lúa bên ngoài nhưng công việc không ổn định, bữa có bữa không, thu nhập trung bình mỗi ngày trên dưới 150 nghìn đồng, từ khi vào đội, việc làm tương đối thường xuyên hơn, cao điểm mùa vụ có ngày thu nhập lên tới 400 đến 500 nghìn đồng.
 
Ngoài thành lập đội vận chuyển, bốc vác, hai HTX Tân Tiến và Phú Bình của xã Phú Ðức còn thực hiện nhiều loại hình dịch vụ khép kín từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, giúp nông dân trong cánh đồng liên kết và HTX giảm chi phí, nâng cao năng suất, sản lượng.
 
Ðồng chí Nguyễn Hoàng Minh Tâm, Bí thư Ðảng ủy xã Phú Ðức cho biết, sau khi thành lập, Ðảng ủy xã đã chỉ đạo Chi bộ và Chi hội Nông dân Bình Tiến tổ chức Hội nghị thảo luận kỹ Quy chế làm việc của Chi bộ; Quy chế phối hợp hoạt động giữa Chi ủy và Hội đồng Quản trị hai HTX; Quy chế hoạt động của Chi hội Nông dân...
 
Theo Bí thư Nguyễn Hoàng Minh Tâm, một trong những kết quả nổi bật của Chi bộ và Chi hội Nông dân Bình Tiến từ khi thành lập đến nay là trong công tác vận động, tuyên truyền về chủ trương, kế hoạch của địa phương, nhất là chủ trương về thực hiện cánh đồng liên kết mà tỉnh Ðồng Tháp chọn xã Phú Ðức làm điểm triển khai thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
 
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc HTX Tân Tiến Võ Văn Ðào cho biết, HTX liên kết công ty Thu Hà từ năm 2012 đến nay. Trong năm 2013, qua ba vụ lúa, công ty bao tiêu cho HTX hơn 10 nghìn tấn lúa hàng hóa. Ngoài bao tiêu với giá cao hơn thị trường, công ty còn cho xã viên vay hơn một tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để mua lúa giống. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ chi phí điều hành của HTX mỗi kg lúa 20 đồng và khuyến khích thêm tiền thưởng mỗi kg lúa 10 nghìn đồng.
 
"Làm lúa có hợp đồng bao tiêu khác hơn trước đây thế nào?", nghe tôi hỏi, ông Nguyễn Phi Hoàng, xã viên HTX Tân Tiến vui mừng, nói: "Làm lúa có hợp đồng bao tiêu như hai năm nay với công ty Thu Hà thì coi như nông dân tụi tui khỏi phải lo đầu ra như trước đây. Tới mùa vụ, cứ theo lịch mà xuống giống, theo lịch mà bón phân, xịt thuốc, cuối vụ thì thu hoạch. Lúa suốt ra cân bán tại chỗ và lấy tiền ngay, không còn lo cảnh bị thương lái o ép giá như trước nữa... Vụ đông - xuân vừa qua, tuy công ty có chậm trả một thời gian nhưng vì làm ăn lâu dài, cho nên bà con chúng tôi không lo lắng gì".
 
Ngoài hiệu quả về công tác vận động, tuyên truyền, mối quan hệ giữa Chi bộ và Chi hội Nông dân với các trưởng ấp trong thời gian qua cũng cơ bản thuận lợi. Các đồng chí trưởng ấp luôn tạo mọi điều kiện để hoạt động của Chi bộ và Chi hội Nông dân đem lại hiệu quả. Công tác phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ luôn nhịp nhàng. Ðảng ủy xã đã chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ và Ðoàn Thanh niên chuẩn bị các bước để tiến hành thành lập Chi hội và Chi đoàn trong cánh đồng liên kết vào năm tới.
 
Ðồng chí Trần Văn Sáu, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Ðồng Tháp nhận xét: Tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ðồng Tháp tiếp tục tăng dần về chất lượng và hiệu quả theo Ðề án tái cơ cấu nông nghiệp. Diện tích cánh đồng liên kết toàn tỉnh năm 2014 đạt gần 85 nghìn ha, tăng 57,22% so với năm 2013. Ðã khắc phục dần những khiếm khuyết trong liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản; xây dựng mối liên kết dựa trên sự hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, vì thế đã tạo được sự đồng thuận cao; quy mô liên kết tăng dần và từ mô hình liên kết thành công mặt hàng lúa, sau đó được nhân rộng sang nhiều sản phẩm nuôi, trồng khác.
 

Mô hình thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong cánh đồng liên kết là cách làm mới của Ðồng Tháp, mặc dù đến cuối năm 2015 mới tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, nhưng bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực... góp phần thực hiện thắng lợi Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

TRẦN VĂN SÁU (Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Ðồng Tháp)
 
Theo NHỰT TRUNG/Tin Tức Miền Tây

Bạn đang đọc bài viết "Vai trò tổ chức đảng, đoàn thể trong xây dựng cánh đồng liên kết" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.