Trang trọng Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm sinh (1772 - 1822) và 200 năm mất (1822 - 2022) nữ sĩ Hồ Xuân Hương

04/12/2022 09:28

Theo dõi trên

Tối 3/12, tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trọng thể tổ chức Lễ vinh danh, kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772 - 2022), 200 năm năm mất (1822 - 2022) Nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

z3931639385664-aa4dd82fe3f0beecfe4df3be827fa4ad-1670114177.jpg
 Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm sinh (1772 - 1822) và 200 năm mất (1822 - 2022) nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại Nghệ An

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một người con của quê hương Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bà là nhà thơ nữ kiệt xuất của Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, được tôn vinh “Bà Chúa thơ Nôm” với nhiều tác phẩm đạt đỉnh cao của thơ Nôm, là một hiện tượng hiếm có trong văn học thế giới.

Hồ Xuân Hương để lại khoảng 150 bài thơ, bao gồm tập thơ “Lưu Hương ký” có 24 bài thơ chữ Hán, 28 bài thơ chữ Nôm cùng 100 bài thơ Nôm theo phong cách dân gian, phóng túng, thể hiện sự đặc sắc, phong phú của tiếng Việt.

Trải qua hơn 200 năm, đến nay, thơ Hồ Xuân Hương vẫn được các thế hệ đương đại yêu mến, bởi mỗi tiếng thơ của bà đều đại diện cho tâm tư, tình cảm, khát vọng yêu và sống, sự quyết liệt trong đấu tranh bình quyền… của người phụ nữ.

z3931639383495-3de32a3e8f03b4377c74406cbda89939-1670114472.jpg
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước dự lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm sinh (1772 - 1822) và 200 năm mất (1822 - 2022) nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Với những giá trị tư tưởng, nghệ thuật mang tính quốc tế và vượt tầm thời đại, thơ Hồ Xuân Hương đã được dịch ra 13 thứ tiếng, được đưa vào giảng dạy ở nhiều trường đại học trên thế giới. Nhiều nhà thơ lớn nước ngoài ngợi ca bà là một trong những nữ sĩ hàng đầu châu Á, là nhà thơ nữ Việt Nam độc đáo nhất trong nền thi ca thế giới.

Tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41 vào tháng 11/2021, UNESCO đã thông qua Nghị quyết vinh danh, cùng kỷ niệm 250 năm sinh (1772 - 2022), 200 năm mất (1822 - 2022) của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Lễ vinh danh, kỷ niệm là dịp để tôn vinh, tự hào và trân quý hơn những di sản mà danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương để lại cho hậu thế, qua đó thấm thía hơn cội nguồn sức mạnh của văn hóa, văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của Nhân dân với nhiệm vụ gìn giữ, phát huy những giá trị di sản, tư tưởng của nữ sỹ Hồ Xuân Hương trong việc xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển; đóng góp thiết thực, cụ thể vào nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý Khẳng định.

Ông Christian Manhart - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam bày tỏ: “ … lúc sinh thời, bà đã thể hiện tư tưởng vượt qua thời đại, một nhà hoạt động vì bình đẳng giới từ những ngày đầu. Đây chính là điểm nhấn trong bối cảnh xã hội ở thế kỷ XVIII, XIX. Vì vậy, bà chính là người đã theo đuổi những lý tưởng và ưu tiên mà sau này đã trở thành sứ mệnh của UNESCO”. 

trao-nghi-quyet-1-1670112685.jpeg
Trao Nghị quyết số 41C/15 của UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772 - 2022), 200 năm năm mất (1822 - 2022) Nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Thành Cường

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng, bày tỏ vui mừng nhận thấy sự đổi thay, phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội của Nghệ An. Kết quả đó là sự minh chứng cho bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, dân và quân tỉnh nhà, mở ra một thời kỳ phát triển mới đầy triển vọng, xây dựng quê hương Nghệ An không chỉ là “tỉnh khá” mà là “tỉnh tốt” của cả nước, là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ.

Đồng thời khẳng định, kỷ niệm 250 năm sinh và 200 năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương là để bày tỏ lòng tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của bà đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại nhưng cũng là để tìm trong di sản của bà những kinh nghiệm và bài học quý báu cho sự phát triển của địa phương và đất nước trong tương lai,…

z3931639381013-02cd85c324bdef728708721850af911d-1670114719.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng, giá trị nghệ thuật các trước tác của Hồ Xuân Hương; nghiên cứu sâu hơn nữa thân thế và sự nghiệp của bà; tiếp tục giới thiệu, quảng bá các tác phẩm của "Bà chúa thơ Nôm" đến rộng rãi công chúng trong và ngoài nước, phát huy giá trị văn hóa Hồ Xuân Hương trong giai đoạn mới, chú trọng ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin vào nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá tác phẩm, sáng tác văn hóa nghệ thuật và thực hiện số hóa di sản liên quan đến con người và sự nghiệp Hồ Xuân Hương.

Tại Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, các đại biểu và nhân dân đã thưởng thức Chương trình nghệ thuật với 5 trường đoạn gồm: Những năm tháng đầu đời; Ba chìm bảy nổi; Nỗi đau nhân thế; Thơ đối thoại với … thơ và Những người tình trong thơ.

ctnt3-1670114870.jpg
ctnt2-1670114809.jpg
Chương trình nghệ thuật tại đêm vinh danh và kỷ niệm 250 năm sinh (1772-1822) và 200 năm mất (1822 - 2022) nữ sĩ Hồ Xuân Hương

Qua đó khái quát nên cuộc đời và sự nghiệp của “Bà chúa thơ Nôm” - một hiện tượng văn hóa đặc biệt, vừa mang những nét riêng “độc nhất vô nhị”, vừa mang tính loại hình sâu sắc, là hiện tượng văn hóa tầm nhân loại. Giá trị văn hóa của di sản Hồ Xuân Hương vượt lên giá trị văn học, thi ca, thực sự đã vươn tới tầm phổ quát, không chỉ có ý nghĩa một thời mà nhiều thời, hơn thế, có sức sống trường tồn với thời gian…

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước dự và thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Cùng dự lễ có các đồng chí: Trương Tấn Sang - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Sinh Hùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính; Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Phạm Thị Thanh Trà - Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Lê Khánh Hải - Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Mạnh Cường - Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước...

Về phía đại biểu quốc tế có ông Christian Manhart - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam; đại diện Đại sứ quán nước CHDCND Lào tại Việt Nam; các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, dịch giả đến từ Hoa Kỳ, Cộng hòa Slovakia...

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và đông đảo nhân dân.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Trang trọng Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm sinh (1772 - 1822) và 200 năm mất (1822 - 2022) nữ sĩ Hồ Xuân Hương" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.