Nghệ An: Hội thảo khoa học Quốc tế “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản”

03/12/2022 21:14

Theo dõi trên

Ngày 3/12, tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam long trọng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) - Danh nhân văn hoá và giá trị di sản.

1e-hthxh1-1670068983.jpg
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh Hồ Hà

Nghị quyết 41C/15 ngày 23 tháng 11 năm 2021 của Đại hội đồng UNESCO thống nhất vinh danh và cùng tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 - 1822) - “Bà chúa thơ Nôm” của Việt Nam đã khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị về văn học nghệ thuật và đặc biệt là tư tưởng về bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, xứng tầm là một Danh nhân văn hóa mang tầm vóc nhân loại, nhà thơ mang tầm vóc một Thi hào. Cũng từ đây, Nữ sĩ Hồ Xuân Hương được UNESCO trao sứ mệnh vinh quang: sứ mệnh truyền cảm hứng và lan tỏa ảnh hưởng tích cực đến mọi người trên thế giới.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là con gái ông Hồ Phi Diễn (1704 - 1786, một nhà nho ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Mạch nguồn truyền thống văn hóa xứ Nghệ đã góp phần hun đúc, hình thành nên con người, tư tưởng, hồn thơ nữ danh nhân kiệt xuất của dân tộc.

Hơn 200 năm qua, Hồ Xuân Hương - một tài năng văn học gắn với nhiều bí ẩn đã không ngừng thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng và giới nghiên cứu ở cả trong và ngoài nước. Phong cách thơ Hồ Xuân Hương khoáng đạt, sáng tạo, độc đáo bậc thầy, với hệ thống các phương thức, phương tiện nghệ thuật được vận dụng và thực thi đầy linh hoạt, biến hóa, nhiều bài đạt tầm kiệt tác, xứng đáng là đỉnh cao của thơ Nôm (tiếng Việt). Về tư tưởng, thông qua các tác phẩm của mình, Hồ Xuân Hương đã nói lên tiếng nói đấu tranh đòi quyền sống cho con người, trước hết là nữ quyền và quyền bình đẳng.

1ehthxh4-1670069039.jpg
Đồng chí Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Phạm Bằng

Nghị quyết 41C/15 của UNESCO được Đại Hội đồng UNESCO thông qua, đã xác định 7 điểm cốt lõi về Danh nhân Hồ Xuân Hương: Hồ Xuân Hương có tư tưởng nhân văn mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống cho con người - con người với tư cách là những thực thể tồn tại trên mặt đất với mọi nhu cầu, khát vọng sống trần thế; Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn hóa - thẩm mỹ đặc biệt với cả một hệ thống quan niệm độc đáo qua các tác phẩm thi ca; Hồ Xuân Hương có đóng góp lớn cho nữ quyền, cho sự bình đẳng của phụ nữ; Di sản của Hồ Xuân không chỉ là thơ ca, mà còn là hệ ứng xử - tinh thần - ý thức vì một sự tiến bộ tốt đẹp; Hồ Xuân Hương không chỉ có đấu tranh, bảo vệ mà còn có ý thức cảnh báo, phê phán, chống lại, phủ định những gì ngăn cản sự tiến bộ của con người; Hồ Xuân Hương và di sản của bà có một sức sống mãnh liệt, có sức lan tỏa, truyền cảm hứng đến nhiều dân tộc, nhiều quốc gia; Tác phẩm của Hồ Xuân Hương đã được giới nghiên cứu nhiều nước thừa nhận và dịch sang tiếng nước mình (đến năm 2021 đã là 13 thứ tiếng). Và rất có thể sau Hội thảo khoa học quốc tế và Lễ vinh danh Danh nhân Hồ Xuân Hương, số quốc gia dịch thơ bà sang tiếng nước mình sẽ tăng lên.

1ehthxh7-1670069150.jpg
Các đại biểu tham quan triển lãm thơ Hồ Xuân Hương. Ảnh: Phạm Bằng

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 131 tham luận, trong đó có 107 tham luận được in thành kỷ yếu. Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe 14 tham luận về: Thơ Hố Xuân Hương trong truyền thống văn học thế giới (GS Trần Đình Sử); Hồ Xuân Hương - một bậc thầy được giáo dưỡng (Lady Borton - Hoa Kỳ); GS John Balaban (Hoa Kỳ) với thơ Hồ Xuân Hương; Hồ Xuân Hương - từ cái nhìn hậu hiện đại (PGS.TS Đoàn Lê Giang), Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Từ cuộc đời, thi ca đến sáng tạo nghệ thuật (PGS.TS lê Thị Bích Hồng); Tư liệu Hán Nôm về Hồ Xuân Hương (GS.TS Đinh Khắc Thuân)...

Các tham luận và một số ý kiến phát biểu của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, tập trung làm rõ các vấn đề: vị thế, tầm vóc và lịch sử tiếp nhận, chuyển ngữ (dịch thuật) Hồ Xuân Hương; Thân thế, quê hương và thời đại Hồ Xuân Hương; Hồ Xuân Hương trong các mối liên hệ với văn hóa dân tộc, văn hóa khu vực và văn hóa nhân loại; đặc sắc hiện tượng văn hóa Hồ Xuân Hương; Thi pháp, phong cách nghệ thuật và sức hấp dẫn, lan tỏa của thơ Hồ Xuân Hương; Tiếp nhận và phát huy giá trị di sản của Danh nhân Hồ Xuân Hương trong bối cảnh hiện nay.

1ehthxh12img-6910-1670069267.jpg
Ông Christian Manhart Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Hồ Hà

PGS.TS Biện Minh Điền khẳng định, Hội thảo đã rất thành công, đạt được mục đích đặt ra: Thông báo và công bố rộng rãi việc UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm 250 năm sinh (1772 - 2022), 200 năm mất (1822-2022) Danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương, đồng thời khởi tạo bầu không khí tinh thần mới trong tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp nhận và phát huy giá trị di sản văn hóa của Nữ sĩ - Danh nhân Hồ Xuân Hương; Nhìn nhận, đánh giá lại lịch sử tiếp nhận Hồ Xuân Hương và giá trị khối di sản của bà ở cả trong và ngoài nước; Công bố một số sưu tầm, khảo cứu, nghiên cứu mới về con người, cuộc đời, sự nghiệp và trước tác của Danh nhân Hồ Xuân Hương; Công bố những nghiên cứu, đề xuất mới về những đóng góp, tầm vóc, vị thế của Hồ Xuân Hương và những ý tưởng, dự án về phát huy giá trị di sản của Danh nhân trong bối cảnh mới.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Nghệ An: Hội thảo khoa học Quốc tế “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản”" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.