Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là DSVHPVT đại diện của nhân loại

21/10/2024 10:23

Theo dõi trên

Các hoạt động kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11, 12/2024 tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

screenshot-122-1729480972.jpg
Một hoạt cảnh Dân ca Ví, Giặm. Nguồn: dantri.com.vn

UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Văn bản số 664/KH-UBND về Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Kế hoạch được ban hành và triển khai với mục đích nhìn lại chặng đường 10 năm Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa và con người Nghệ Tĩnh, tự hào với truyền thống của quê hương, từ đó, xác định trách nhiệm xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh. Hoạt động này góp phần cụ thể hóa chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO. Đồng thời, thông qua đó tăng cường tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản, làm cho Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trường tồn và lan tỏa, đồng thời giới thiệu hình ảnh quê hương Nghệ An, Hà Tĩnh với bạn bè trong nước và quốc tế.

Theo Kế hoạch, các hoạt động được tổ chức tại Nghệ An, gồm: Lễ Kỷ niệm 10 năm dân ca Ví, Giặm được UNESCO ghi danh và Khai mạc Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”; Lễ tổng kết và trao gải Cuộc thi sáng tác ca khúc, soạn lời Dân ca Ví, Giặm; Xây dựng và tổ chức show diễn thực cảnh tại Bảo tàng Nghệ An; Cầu truyền hình chương trình nghệ thuật “Đôi bờ Ví, Giặm” diễn ra tại Trường quay Đài Truyền hình Nghệ An và Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Tĩnh.

Cùng với đó là các hoạt động được tổ chức tại Hà Tĩnh, như: Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; Hội thảo quốc gia đánh giá công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Dân ca Ví, Giặm, cũng giống như nhiều loại hình dân ca khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ, có nguồn gốc từ cuộc sống lao động, sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân, do vậy đều có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời.

Ví, Giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ví, Giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật: lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa. Vì vậy, các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường nón, Giặm ru, Giặm kể, Giặm khuyên,…

Ví, Giặm có đặc tính địa phương về thang điệu, điệu thức, tiết tấu, giai điệu và giọng hát. Các kỹ năng hát đúng tiết tấu, cao độ, trường độ, luyến láy chủ yếu được trao truyền giữa các thế hệ bằng truyền khẩu, trực tiếp từ các nghệ nhân, đảm bảo thể hiện được giọng hát, ngữ điệu của phương ngữ Nghệ Tĩnh.

Ví, Giặm được diễn xướng theo ba hình thức: hát lẻ, hát đối, hát cuộc. Mỗi cuộc hát thường có ba chặng: hát dạo, hát đối và hát xe kết, nổi bật nhất là hát giao duyên. Ca từ bằng thể thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể (hát Ví), 5 chữ (hát Giặm), cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát. Hát Ví có âm điệu tự do phụ thuộc vào lời ca, vào bối cảnh và tâm tính của người hát, âm vực không quá một quãng 8. Hát Giặm có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ, nhịp 3/4 và 6/8. Hai lối hát này luôn được hát xen kẽ cùng nhau. 

Ca từ của Dân ca Ví, Giặm có nội dung đa dạng, miêu tả cuộc sống, phản ánh tập quán xã hội, lịch sử, tình yêu quê hương, đất nước, con người, tình yêu đôi lứa. Nhiều bài hát mang tính giáo dục sâu sắc: kính trọng cha mẹ, chung thủy, nghĩa tình, trung thực, góp phần gìn giữ các tập tục, truyền thống tốt đẹp trong ứng xử xã hội ở làng xã.

Dân ca Ví, Giặm gắn liền với lối sống và tập quán của cộng đồng người Nghệ Tĩnh, có sức sống mạnh mẽ trong đời sống đương đại, nên luôn được trao truyền, bảo tồn và phát huy. Năm 2012, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 27/11/2014, tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức tại thủ đô Paris, Pháp, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cụ thể, hồ sơ đề cử Di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã đáp ứng đầy đủ 05 tiêu chí đặt ra của Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, gồm:

Một là, Dân ca Ví, Giặm được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng cư dân Nghệ Tĩnh, chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống văn hóa và tinh thần, phản ánh bản sắc văn hóa cũng như thể hiện suy nghĩ và cảm xúc theo cách của họ.

Hai là, việc ghi danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào “Danh sách Đại diện” có thể góp phần thúc đẩy nhận thức về di sản văn hóa phi vật thể thông qua sự quan tâm đối với dân ca, khuyến khích sự khoan dung và sự đồng cảm giữa các nhóm dân tộc và các cộng đồng cũng như đối thoại giữa các nghệ nhân của các phong cách âm nhạc khác nhau.

Ba là, các biện pháp bảo vệ gồm nâng cao nhận thức, giáo dục và phát huy được đề xuất với sự hỗ trợ tài chính của các cơ quan Nhà nước và địa phương, nhằm đảm bảo tính bền vững việc thực hành di sản, thể hiện cam kết và ý chí của chính quyền, cộng đồng trong việc bảo vệ di sản.

Bốn là, hồ sơ đề cử được xây dựng với sự tự nguyện tham gia của cộng đồng, chính quyền địa phương, các tổ chức chuyên ngành, các chuyên gia và cùng cam kết bảo vệ.

Năm là, di sản đã được Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam kiểm kê với sự tham gia và đóng góp của cộng đồng; được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào 2012.

Bích Thủy - Di Sản Xanh
Bạn đang đọc bài viết "Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là DSVHPVT đại diện của nhân loại" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.