Tỉnh Kiên Giang chú trọng phát triển kinh tế tập thể, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động

15/12/2021 13:08

Theo dõi trên

Năm 2013, tỉnh Kiên Giang có 233 Hợp tác xã (HTX), đến 31/12/2020 có 495 HTX, dự kiến cuối năm 2021 là 505 HTX, trong đó có 167 HTX đã chuyển đổi hoạt động, với 53.987 thành viên, tạo việc làm cho 9.228 lao động.

2-kien-giang-chu-trong-1639534619-1639548489.jpg

Lợi nhuận tăng

Tổng vốn hoạt động và giá trị tài sản của HTX 375,658 tỷ đồng, tăng 269,679 tỷ đồng so với năm 2013. Nông nghiệp - thuỷ sản doanh thu bình quân 349 triệu đồng/HTX/năm, lợi nhuận bình quân 88 triệu đồng/HTX/năm. Thuỷ sản doanh thu bình quân 698 triệu đồng/HTX/năm, lợi nhuận bình quân 176 triệu đồng/HTX/năm. Giao thông vận tải doanh thu bình quân 1,061 tỷ đồng/HTX /năm, lợi nhuận 371 triệu đồng/HTX/năm. Xây dựng doanh thu bình quân 1,820 tỷ đồng/HTX/năm, lợi nhuận 273 triệu đồng/HTX/năm. Thương mại dịch vụ doanh thu bình quân 1,369 tỷ đồng/HTX /năm, lợi nhuận 205 triệu đồng/HTX/năm. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp doanh thu bình quân 407 triệu đồng/HTX/năm, lợi nhuận 61 triệu đồng/HTX/năm. Quỹ tín dụng nhân dân doanh thu bình quân 36,027 tỷ đồng/quỹ/năm, lợi nhuận 4,503 tỷ đồng/quỹ/năm. Theo đánh giá, phân loại dự kiến cuối năm 2021 của 428 HTX  có 249 HTX khá - giỏi và 179 HTX trung bình, không có HTX yếu kém.

Trên lĩnh vực nông - thủy sản có 444 HTX, vốn điều lệ 169,334 tỷ đồng, có 34.701 thành viên với 63.243 ha canh tác, tạo việc làm cho 3.473 lao động. Các HTX nông nghiệp tuy doanh thu và lợi nhuận không cao nhưng đã giúp thành viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giảm lượng giống, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động làm tăng năng suất và thực hiện tốt các khâu dịch vụ hỗ trợ như: bơm tát, làm đất, thu hoạch, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi và tiêu thụ sản phẩm giúp giảm chi phí, tăng thu nhập cho thành viên từ 700.000 đồng đến 3.200.000 đồng/ha/vụ, điển hình như hợp tác xã ở các huyện: Châu Thành, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Gò Quao, An Biên và một số hợp tác xã thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên; một số hợp tác xã thủy sản ở huyện Kiên Hải đang hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị bằng mô hình nuôi cá lồng kết hợp với du lịch sinh thái cung ứng dịch vụ giải trí và ăn uống cho du khách tại nhà lồng nuôi cá đã tạo được việc làm tại chỗ cho thành viên.

Lĩnh vực giao thông vận tải hiện có 20 HTX với 2.524 thành viên, có 2.543 phương tiện, tạo việc làm cho 3.709 lao động, vốn điều lệ 5,710 tỷ đồng. Các HTX thực hiện tốt các quy định về vận tải hàng hóa đường thủy, bộ, nỗ lực khắc phục khó khăn đầu tư mua sắm phương tiện mới, chất lượng để đáp ứng nhu cầu đi lại và lưu thông hàng hóa ngày càng cao; mở thêm luồng tuyến, tìm kiếm, ký kết các hợp đồng vận chuyển khách tham quan, du lịch, điển hình như: HTX Vận tải thủy bộ Rạch Giá, thành phố Rạch Giá; HTX Vận tải thủy bộ Kiên Tân, huyện Kiên Lương; HTX vận tải Đảo Ngọc Phú Quốc, thành phố Phú Quốc.

Lĩnh vực xây dựng có 03 HTX xây dựng với 37 thành viên, giải quyết việc làm cho 1.251 lao động thường xuyên và thời vụ. Tổng nguồn vốn điều lệ  27,5 tỷ đồng. Các HTX hoạt động ổn định, ký kết được các hợp đồng xây dựng có giá trị với các Ban Quản lý đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, đường giao thông nông thôn thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, nhà dân hoặc nhận thi công lại của các nhà thầu khác. Các HTX đều kinh doanh có lãi, tăng thu nhập cho thành viên và HTX cũng đã giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho một bộ phận lao động nông thôn.

Lĩnh vực thương mại dịch vụ có 07 HTX thương mại với 73 thành viên và tạo việc làm cho 355 lao động với tổng vốn điều lệ 119,1 tỷ đồng. Các HTX đổi mới phương thức kinh doanh, mở rộng thị trường, sản phẩm hàng hóa đa dạng; tăng cường liên kết với các HTX và doanh nghiệp để cung ứng hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động.

Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có 09 HTX hoạt động, với tổng vốn điều lệ 5,758 tỷ đồng, có 165 thành viên và 175 lao động thường xuyên, góp phần tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, duy trì được nghề truyền thống và mở rộng đa dạng sản phẩm để phù hợp với thị hiếu của thị trường.

Toàn tỉnh hiện có 22 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động tại 65 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thành phố trong tỉnh với 16.487 thành viên; có 265 lao động; vốn điều lệ là 48,256 tỷ đồng. Các quỹ tín dụng hướng tới nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị; tổng nguồn vốn hoạt động của các quỹ đạt 1.170,503 tỷ đồng. Các quỹ đều hoạt động có lãi, duy trì khả năng thanh toán, 21/22 quỹ có thu nhập lớn hơn chi phí là 18,658 tỷ đồng. Thông qua việc huy động vốn cho vay tại chỗ đối với các thành viên trên tinh thần tương trợ lẫn nhau, giúp thành viên giải quyết nhu cầu về vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của thành viên trên địa bàn, hạn chế tình trạng vay nặng lãi, ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, điển hình hoạt động tốt như: Quỹ tín dụng nhân dân Vĩnh Thanh Vân, Quỹ tín dụng nhân dân Vĩnh Hiệp, Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Tân Hiệp, Quỹ tín dụng nhân dân Bình An,...

Các Hợp tác xã trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã hình thành một số HTX có cách làm hay, khởi nghiệp sáng tạo, tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương, phát huy nghề truyền thống sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như: đan đệm bàng, đan lục bình, mây tre, sản xuất rượu và các loại bánh truyền thống của địa phương, trong đó sản phẩm của 08 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp được cấp chứng nhận OCOP,... đã tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, góp phần khôi phục nghề truyền thống và hình thành các làng nghề mới của tỉnh.

Năm 2013, toàn tỉnh có 3.392 Tổ hợp tác (THT). Từ năm 2013-2021 phát triển mới 937 THT, trong đó 698 tổ nông nghiệp và 239 tổ phi nông nghiệp, thu hút thêm 23.388 thành viên. Tính đến 31/12/2020 tỉnh có 2.278 THT, dự kiến cuối nắm 2021 có 2.328 THT, trong đó lĩnh vực nông nghiệp là 2.089 THT tổ và lĩnh vực phi nông nghiệp 239 THT với 48.005 thành viên là hộ gia đình, số vốn góp 18,932 tỷ đồng và 73.607 ha canh tác, tạo việc làm cho 8.288 lao động theo thời vụ.

Tổ hợp tác là cầu nối gắn kết tình làng nghĩa xóm góp phần bảo vệ an ninh trật tự và an toàn xã hội ở địa phương. Một số địa phương có nhiều Tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, quản lý chặt chẽ từ vốn góp đến khâu hoạt động sản xuất kinh doanh có thể học tập và nhân rộng như các tổ hợp tác tôm - lúa của các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng; Tổ hợp tác khai thác thủy sản và Tổ hợp tác chăn nuôi bò của thành phố Hà Tiên; Tổ hợp tác thủ công mỹ nghệ và trồng hoa ở thành phố Rạch Giá; các tổ hợp tác bơm tưới của Tân Hiệp, Hòn Đất, Giồng Riềng, Gò Quao,... là tiền đề tốt để các tổ hợp tác dần phát triển lên thành hợp tác xã.

1-kien-giang-chu-trong-1639534619-1639548511.jpg

Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh

Để kinh tế tập thể ngày càng phát triển, trong những năm tới, Kiên Giang cần tuyên truyền các điển hình tiên tiến, mô hình HTX kiểu mới đến đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân và người lao động, làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo tham gia xây dựng phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng lao động cho thành viên HTX. Có chính sách khuyến khích cán bộ trẻ có trình độ, năng lực tham gia vào các chức danh quản lý, điều hành HTX; khuyến khích hộ thành viên cử con em đào tạo trung cấp, đại học về phục vụ cho HTX. Quan tâm, theo dõi đội ngũ cán bộ trẻ trong HTX để có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ quản lý, điều hành HTX, góp phần cho HTX phát triển lâu dài, bền vững.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể (KTTT), HTX. Củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan có liên quan từ tỉnh đến cơ sở để theo dõi, giám sát, hỗ trợ phát triển KTTT, HTX. Hằng năm, các cấp, các ngành xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển KTTT gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung sản xuất theo hướng quy mô lớn gắn với tái cơ cấu nông nghiệp; tập huấn bồi dưỡng kiến thức về KTTT cho cán bộ HTX và cán bộ quản lý Nhà nước làm công tác theo dõi KTTT để nâng cao năng lực, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển KTTT, HTX của tỉnh.

Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu uy tín và chất lượng sản phẩm của HTX để cạnh tranh trên thị trường. Trang bị đầy đủ kiến thức quản lý, điều hành HTX cho bộ máy lãnh đạo HTX, nhất là kiến thức về quản trị kinh doanh, kế toán, thị trường, phương án sản xuất kinh doanh. Tăng cường công tác kiểm tra tình hình hoạt động của các HTX trên địa bàn, kịp thời phát hiện những vướng mắc, yếu kém nhằm có giải pháp hỗ trợ hướng dẫn HTX hoạt động đúng Luật và hiệu quả.

Tăng cường tư vấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới; trọng tâm là thu hút đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Tổ chức nhiều mạng lưới tổ hợp tác sản xuất giống các loại ứng dụng công nghệ cao, có hàm lượng khoa học cao theo yêu cầu sản xuất của các tổ chức kinh tế hợp tác. Phối hợp với viện, trường và các chương trình dự án hỗ trợ THT, HTX thực hiện sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, hỗ trợ chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và chỉ dẫn địa lý cho các THT, HTX tiến đến xây dựng đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm đối với HTX, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, trong đó tập trung vào việc cung cấp thông tin về thị trường và khách hàng, tham gia diễn đàn trao đổi kinh nghiệm của các HTX trong và ngoài tỉnh, các hoạt động triển lãm, hội chợ; xây dựng và quảng bá thương hiệu; hỗ trợ một số HTX có điều kiện xúc tiến thương mại ra thị trường trên thế giới.

Huy động mọi nguồn lực phát triển HTX; khuyến khích, tạo điều kiện để các HTX và các thành phần kinh tế khác đầu tư vào HTX nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh. Lồng ghép, kết hợp các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút các nguồn lực phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết. Hình thành chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu gắn với xây dựng cánh đồng lớn, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh.

Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các hộ nông dân khi tham gia HTX, THT và các hình thức tổ chức liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh theo chuỗi các sản phẩm nông nghiệp. Tranh thủ sự tài trợ, hỗ trợ về tài chính và cơ sở vật chất của các tổ chức, cá nhân, khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Khuyến khích hợp tác quốc tế trong phát triển HTX, nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào HTX mạnh, phát triển thành lập và nâng cao năng lực HTX; nâng cao năng lực cơ cấu tổ chức KTTT; mở rộng hoạt động và phát huy vai trò HTX trong phát triển quan hệ với các tổ chức quốc tế, trước hết là Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA), Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và các nước Đông Nam Á./.

Trương Anh Sáng
Bạn đang đọc bài viết "Tỉnh Kiên Giang chú trọng phát triển kinh tế tập thể, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động" tại chuyên mục Địa phương. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.