Giải pháp nào cho các "đại dự án - rùa bò" ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị?

27/08/2021 16:09

Theo dõi trên

Trước thực trạng hàng loạt dự án tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị thực hiện với tốc độ "rùa bò", ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương, Ban chỉ đạo các Dự án động lực tỉnh Quảng Trị đã tổ chức họp bàn, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ, thúc đẩy nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án.

Hàng loạt dự án tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị thực hiện với tốc độ "rùa bò" thậm chí một số dự án vẫn chưa hoàn thiện thủ tục, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương, điều này đã khiến chính quyền tỉnh Quảng Trị vô cùng lo lắng và mới đây tỉnh này tổ chức họp bàn, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ, thúc đẩy nhà đầu tư triển khai dự án.

Trước thực trạng này, ngày 25.8, Ban chỉ đạo (BCĐ) các Dự án động lực tỉnh Quảng Trị đã tổ chức họp bàn để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đồng hành hỗ trợ các nhà đầu tư với sự chủ trì của ông Lê Quang Tùng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, Trưởng ban chỉ đạo, ông Nguyễn Đăng Quang - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên ban chỉ đạo.

240260793-376146937441619-7139834893804268008-n-sltm-1629921669.jpg
Ban Chỉ đạo các Dự án động lực tỉnh Quảng Trị tổ chức họp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các dự án chậm triển khai. Ảnh: Thanh Lộc

Tại cuộc họp, trong số các dự án chậm tiến độ, có 2 dự án được nhắc BCĐ nhắc đến nhiều nhất là dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 1 và Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy. 2 dự án này đã lần lượt khởi công vào các năm 2019 - 2020, được nhà đầu tư công bố mức vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng... tuy nhiên cả 2 dự án này đến nay vẫn "án binh bất động".

Phát biểu tại cuộc họp, trưởng BCĐ Lê Quang Tùng cho biết, cần có giải pháp phù hợp tình hình thực tế để cùng với nhà đầu tư giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai, bởi đây là 2 trong số các dự án động lực của tỉnh, là cơ sở quan trọng để phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Đối với Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng), ông Lê Quang Tùng đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị cần sớm làm việc với nhà đầu tư là Công ty Cổ phần liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) về tương lai của dự án này.

collage-1629916685.jpg
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 1 và Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy chậm triển khai

Trước đề nghị này, đại diện UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất 2 phương án để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên. Cụ thể, phương án thứ nhất là UBND tỉnh Quảng Trị kêu gọi các nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư vào Khu bến cảng Mỹ Thủy dưới hình thức Góp vốn mua cổ phần của MTIP hoặc hình thành Tổ hợp các nhà đầu tư độc lập để tham gia đầu tư dự án cùng MTIP.

Phương án thứ hai là hoàn thiện hồ sơ pháp lý trình Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các bộ, ngành liên quan xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấm dứt đầu tư của MTIP đối với dự án này.

Đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 1, đến nay nhà đầu tư đã triển khai được 70% quy trình thủ tục nhưng việc đàm phán hợp đồng BOT chưa hoàn tất (gồm hợp đồng mua bán điện, hợp đồng cung cấp than, thuê đất, thành lập công ty BOT và đầu tư Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1 tại Việt Nam…). Vì thế, rất khó để dự án khởi công vào năm 2022 và đưa vào vận hành năm 2025 như kế hoạch đề ra.

Giải pháp được UBND tỉnh Quảng Trị đưa ra là đề xuất thay đổi thời gian vận hành dự án từ năm 2023 - 2024 sang năm 2025 -2026 trong Quy hoạch điện 8. Đồng thời, thay đổi bổ sung thành viên liên doanh mới thực hiện dự án khi nhà đầu tư Nhật Bản rút khỏi liên doanh nhà đầu tư dự án. Trong trường hợp chủ đầu tư dự án là Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan có thay đổi bổ sung thành viên liên doanh góp vốn thực hiện dự án thì phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Dự án đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) làm chủ đầu tư vào tháng 1/2019. Dự án có quy mô 685 ha, bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn. Tổng mức đầu tư của dự án là 14.234 tỷ đồng. Dự án được đầu tư theo 3 giai đoạn, gồm: giai đoạn 1 (từ 2018 - 2025) đầu tư 4 bến; giai đoạn 2 (từ 2026 – 2031) đầu tư 3 bến; giai đoạn 3 (từ 2032 - 2036) đầu tư 3 bến.

Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATi) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT (tháng 8/2013) có quy mô 450 ha, trong đó có 50 ha nằm ở ngoài biển. Công suất điện khoảng 1.200 MW gồm 2 tổ máy mỗi tổ 600 MW. Sản lượng điện thương phẩm hàng năm khoảng 7,25 tỷ kWh. Tổng mức đầu tư của dự án ước tính khoảng 2,26 tỷ USD. Dự kiến, tổ máy số 1 đưa vào vận hành năm 2019 - 2020 và tổ máy số 2 đưa vào vận hành vào năm 2030./.

Quảng Hà
Bạn đang đọc bài viết "Giải pháp nào cho các "đại dự án - rùa bò" ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị?" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.