Thưởng ngoạn phố núi A Lưới

11/08/2015 14:57

Theo dõi trên

Du khách đam mê khám phá, miền sơn cước A Lưới (TT – Huế) là điểm đến lý tưởng, không chỉ có vẻ đẹp hoang sơ, không khí trong lành nơi đây còn lưu giữ vốn văn hóa đặc sắc, ẩm thực độc đáo... của các đồng bào. Lữ khách đã đi chẳng muốn quay về.


“Cảnh tiên” trên núi

Đường lên A Lưới mùa này thật đẹp. Đứng trên cao nhìn xuống, phóng vào tầm mắt, bức tranh thiên nhiên mê mẫn tâm hồn, một vẻ đẹp hoang sơ đến man dại. Con đường uốn quanh, nép mình dưới chân núi những ngôi nhà nhỏ xinh lấp ló trong cánh rừng xanh mướt chen lấn đỏ, vàng... của hoa lá rừng tạo nên khung cảnh thơ mộng. Bên triền dốc màn sương giăng kín con đường quanh co như sợi lụa chạy dài tít tắt... Vượt đèo A Co rộng thanh thang uốn lượn dài 16km, đổ dốc xuống đường Hồ Chí Minh “phố Núi” A Lưới nằm giữa thung lũng bao bọc bởi núi rừng trùng điệp. Hai bên đường thị trấn A Lưới những chùm hoa phượng đỏ hòa quyện màu xanh của cây bàng, bằng lăng tím ngắt kế bên nhà hàng, khách sạn, quán xá... mọc lên như nấm. 

Ghé chân, quán ven đường nhâm nhi ly cà phê, lặng mình giữa màn trời sương mờ se se, những tia nắng vàng vọt yếu ớt của buổi sớm rọi xuống khe những tán lá, từng dòng người qua lại náo nhiệt đi chợ sáng tạo nên cảnh sắc thi vị. “Khám phá A Lưới là một trải nghiệm thú vị. Cảnh nơi đây vừa đẹp lại thanh bình mà không kém lãng mạn. Người đồng bào thì rất hôn hậu, gặp ai cũng nở nụ cười thân thiện. Đi miết không chán. Thích nhất là tắm thác A Nôr, tầng thác cao vút, nước trong veo mát lành, đi mùa này quả thực rất tuyệt vời”, chị Tuyết Mai (34 tuổi – du khách ở Quảng Nam) thích thú, nói. 

Khi trời chớm nắng màn sương mờ dần, xe lăn bánh đưa chúng tôi về phía Đông Bắc cách trung tâm huyện 3km để thả hồn mình vào dòng thác A Nôr (Hồng Kim) mát lành. Đến thác A Nôr không chỉ được đắm mình trong dòng thác trong mát mà còn thỏa mình khám phá phong cảnh non nước hữu tình, đến nay vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ vốn có. Cái thú của lữ khách leo thác là vừa chinh phục từng tầng thác cheo leo, cao vút vừa được lắng tai nghe tiếng suối róc rách trong vách đá vọng lại như lời thủ thỉ của thiếu nữ, rất vui tai và êm dịu, cảm giác như nhớ nhung đến khó tả... Khi đứng trên đỉnh thác phóng vào tầm mắt là cả vùng trời bao la, gió thoáng mát... Từ thác A Nôr chạy xe trên đường nhựa hiện ra trước mắt một bức tranh thủy mặc lồ lộ giữa núi đồi những căn nhà nhỏ ẩn mình bên sườn đồi, dưới chân núi nhấp nhô nối đuôi nhau là dòng suối chạy quanh đê ô ruộng, xa xa vài cô sơn nữ lom khom “say” mê lao động. Đi hơn 15km tới đèo Pê ke (dài 8km), bao quanh con đèo sừng sững đầy hùng vĩ là cánh rừng nguyên sinh xanh mướt, mây sương giăng kín. Lướt qua đèo, bạn đi cùng phải thốt lên, đèo có những đoạn dốc thật ngoạn mục nhưng vừa ngắm núi rừng điệp trùng ẩn hiện sau đám mây vừa “liều mình” chinh phục những khúc cua ngoằn ngoèo cho cậu bạn cảm giác đôi chút hồi hộp nhưng thú vị khi hai bên đường là cả rừng cây khoe sắc đua nở tuyệt đẹp đâu đó còn văng vẳng tiếng ve gọi hè... 

Say nồng “men trời”

Lên A Lưới, bỏ qua những món đặc sản núi rừng là một sự “phí phạm”. Sắc vị khó chối từ của những món ăn đậm đà mùi truyền thống đồng bào như món Cà - lèng từ cái tên đã gợi sự tò mò, ăn vào dễ ghiền hay món lạp, cá trắng suối nướng, cháo sóc... rất ngon và bổ. Món “tụ” được liệt vào danh sách “vua đồ uống” của đồng bào không thể bỏ qua những ché rượu cần, rược đoác, Tar đin... làm ngây ngất bao đời người Pa Cô, Ta Ôi, Cơ Tu từ người trẻ đến cụ già, không kể gái trai. “Từ nhỏ rượu cần như “bạn tri cốt” của mình vậy. Uống và say mê “ủ” nó làm cho mình quên đi mọi vất vả, lo toan. Cái rượu này cho mình thứ tình cảm khó nhạt, không có hắn trong người khó chịu lắm”, chị K’Lựp (42 tuổi) ở Hồng Thủy cười tươi, bộc bạch. 

Ghé A Roàng lúc chiều ngả về Tây, lướt qua con đường nhựa thẳng tắp hai bên đường là những cánh rừng bạt ngàn chạy dài như đến vô tận. Thỉnh thoảng 3, 4 chiếc xe phấn khối lớn của du khách đua nhau làm náo động núi rừng. A Roàng mùa này đón khá nhiều khách đến “tận mắt” chiêm ngưỡng điệu múa dân vũ, nhạc cụ dân tộc đặc sắc hay thưởng thức những món đặc sản, khám phá các điểm du lịch sinh thái... của miền sơn cước này. 

Đêm. Lửa nhen lên bùng cháy rực, phá tan cái màn đêm tĩnh mịch. Các chàng trai cô gái, người già người trẻ trong chiếc áo, váy của người Ta Ôi, bắt đầu nhảy múa quanh đống lửa bập bùng theo nhạc điệu vang ngân của tiếng công, chiêng, tiếng tù - và. Những ché rượu cần to, nhỏ kèm “vòi hút” bằng trúc dài gần 1m bắt đầu bày lên đãi khách... Hết ché rượu đầu, người vừa như lâng lâng khi rượu dần ngấm vào vừa cảm giác ngây ngất, cuồng quay với điệu múa thanh thoát, uốn éo của thiếu nữ Ta Ôi quanh đống lửa mập mờ. Những âm thanh trầm bổng vang vọng của nhạc cụ dân tộc bởi các chàng trai Ta Ôi say mê “biểu diễn”, khung cảnh giữa núi rừng như tăng thêm huyền náo, nhộn nhịp. A Roàng lung linh, huyền ảo như gọi mời khách hòa mình cùng điệu múa dân vũ dập dờn đầy chậm rãi nhưng hết sức duyên dáng, ngây ngất... Những chụm rượu cần ngọt, bùi như “đầu độc” như hớp hồn tâm trí khách bởi “gia chủ” không ngớt tiếp đãi... Tiệc cứ thế tiếp diễn mãi, những điệu múa uốn éo như quay cuồng cả đất trời, những âm thanh cứ thế vang lên như là so kè, chạy đua với thời gian và với núi rừng vậy...

Mảnh đất một thời khói đạn. Sự chết chóc, hoang vu, hẻo lánh... là những kí ức hoặc trong tâm trí của những ai chưa đặt chân lên A Lưới. Giờ đây, in dấu “đậm” trong lữ khách, nơi đây là một điểm hẹn du lịch lý tưởng, luôn chờ đợi du khách khám phá, chinh phục mảnh đất đầy kì thú khó ngờ...
 
Nguyễn Đức Nhơn 

A Lưới có nhiều điểm du lịch lí tưởng như về du lịch sinh thái (có thác A Nôr; suối nước nước nóng Tôm Trung, suối A Lin...), du lịch di tích lịch sử cách mạng (đồi A Bia, sân bay A So...) hay du lịch cộng đồng ở làng A Ka, A Chi (A Roàng), làng A Hưa xã Nhâm và còn là nơi hội tụ bản sắc dân tộc Pa Cô, Ta Ôi, Cơ tu... các làng nghề truyền thống, món ăn dân gian; nguồn văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức phong phú, đa dạng...

Bạn đang đọc bài viết "Thưởng ngoạn phố núi A Lưới " tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.