Thơm hương núi rừng buôn Diêm

05/09/2015 13:28

Theo dõi trên

Lần đến buôn Diêm, chúng tôi được chứng kiến màn rượu cần ấn tượng. Thứ rượu sẫm như mật ong, nồng lựng, chuyền cần đến đâu thì lịm môi đến đó. Món thịt bò hun khói rồi nướng vàng lên lửa than, chấm với loại muối được làm từ tổ kiến vàng, có mùi hương đặc biệt của núi rừng.

Độc đáo ẩm thực truyền thống

Mấy năm nay, buôn Diêm (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đã khởi sắc do được đầu tư xây dựng "Buôn văn hóa du lịch", góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa cộng đồng Ê Đê bản địa và tạo thêm việc làm cho bà con trong vùng.

Theo Trưởng buôn Ma Hồng, lợi thế về thông thương đã giúp cho 173 hộ đồng bào Ê Đê buôn Diêm phát triển trồng trọt và chăn nuôi khá trù phú. Vùng đất này còn nổi tiếng yêu nghệ thuật, có nhiều nghệ nhân sử dụng nhạc cụ truyền thống, múa xoan, kể sử thi… Chính vì vậy mà từ năm 2011, buôn Diêm đã được chọn đầu tư điểm đến du lịch miền núi của tỉnh Phú Yên.



Phụ nữ Ê Đê buôn Diêm bên ché rượu cần. (Ảnh: Hùng Phiên)

Lần đến buôn Diêm, chúng tôi được bà con đãi cơm gạo lúa rẫy ăn với thịt bò nướng chấm muối ớt kiến vàng cùng canh bồi. Và tất nhiên, không thể thiếu ché rượu cần được bốc ủ bằng men lá truyền thống. Màu rượu sẫm như mật ong, nồng lựng, chuyền cần đến đâu thì lịm môi đến đó. Món thịt bò hun khói rồi nướng vàng lên lửa than, chấm với loại muối được làm từ tổ kiến vàng, có mùi hương đặc biệt của núi rừng. Món canh bồi được nấu từ hàng chục loại rau cùng măng tươi giã nhuyễn với gạo rẫy. Còn rượu cần của buôn thì được ủ bằng loại gạo đỏ với men làm bằng nguyên liệu lá cây, củ, rễ,… lấy từ núi Hòn Cồ...

Màn đêm buông xuống, một đống lửa lớn được đốt trước sân nhà dài. Từng tốp trai gái trong làng dìu dặt bên điệu múa xoan. Nhiều du khách ban đầu còn rụt rè, sau đó cứ như bị hút theo tiếng cồng chiêng và điệu xoan đồng vọng…

Để các nghệ nhân “ưng cái bụng”

"Thổ cẩm trước đây làm ra chỉ để sử dụng trong nhà, dùng để mặc trong các lễ cưới hỏi, lễ cúng, các lễ hội buôn làng... Mấy năm nay, nhờ có du lịch cộng đồng, nhiều người hỏi mua, thế là nghề dệt thổ cẩm trong buôn khởi sắc. Khoảng 80 hộ ở buôn Diêm hiện có người biết dệt”.
Nghệ nhân Mí Lép

Theo ông Ksor Y Phao - Phó buôn Diêm, lực lượng thanh niên “cốt cán” trong các đêm hội đón khách là Câu lạc bộ Cồng chiêng - múa xoan của buôn, đến nay đã thu hút hơn 30 thanh niên tham gia. Nhờ đầu tư duy trì câu lạc bộ, trai gái trong buôn rất say mê tập luyện các loại nhạc cụ, múa hát truyền thống. Điều này còn làm cho các nghệ nhân cao tuổi “ưng cái bụng” và dốc sức truyền dạy. Và cứ thế thấm dần trong lớp trẻ. Không chỉ dịp đón khách du lịch, việc múa hát truyền thống luôn diễn ra trong sinh hoạt thường ngày.

Đặc biệt hơn, từ khi được chọn là điểm đến du lịch cộng đồng, buôn Diêm đã có thêm nhiều phụ nữ dệt thổ cẩm. Đây vốn là một nghề truyền thống của đồng bào Ê Đê buôn Diêm, thế nhưng cách đây mươi năm, nghề này trong buôn dần mai một. Ngành văn hóa Sông Hinh đã trực tiếp vào cuộc vận động, tìm đầu ra cho nghề. Bắt đầu, là việc chọn 8 hộ gia đình để hỗ trợ một phần kinh phí, khôi phục nghề dệt vải thủ công.

Nghệ nhân Mí Lép (61 tuổi) cho hay: “Để dệt một tấm khố thổ cẩm phải mất hơn mười ngày. Thế nên bọn trẻ trong buôn thấy “lâu ăn” nên chẳng chịu học dệt. Từ khi có nhiều đoàn khách đến, thổ cẩm bán có giá, vậy là nhiều chị em rất siêng năng với khung cửi”.

Theo Hùng Phiên (Dân Việt)

Bạn đang đọc bài viết "Thơm hương núi rừng buôn Diêm" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.