Thăm lại sóc BomBo

15/05/2015 07:49

Theo dõi trên

Là một địa danh được biết đến rộng rãi qua bài hát “Tiếng chày trên sóc BomBo” của nhạc sĩ Xuân Hồng, nhưng ít ai biết rằng sóc Bombo cũng là một địa danh du lịch hấp dẫn tại tỉnh Bình Phước.


Giã gạo trên sóc BomBo

Sóc BomBo thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, Sóc được hình thành từ những năm kháng chiến chống Mỹ, sóc BomBo với tiếng chày giã gạo suốt ngày đêm để có đủ gạo nuôi quân chống giặc đã trở thành hình ảnh đẹp trong ký ức của thế hệ đi trước và là hình ảnh đầy tính nhân văn cho đến ngày nay.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, người dân S’tiêng của Sóc BomBo đã đóng góp sức người, sức của rất lớn cho cuộc kháng chiến trường kỳ và dai dẳng.

Thông thường thì người dân Bom Bo có lệ giã gạo hằng đêm để làm lương thực cho gia đình ngày hôm sau, nhưng vào những năm địch gắt gao càn quét, quân ta thiếu lương thực phải chịu đói khát thì Sóc BomBo đã huy động già trẻ gái trai đồng lòng ngày đêm giã gạo để nuôi quân. Cũng chính từ cảm nhận cái nóng hừng hực của bếp lửa hồng và ngọn lửa yêu nước, nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết nên “Tiếng chày trên Sóc BomBo”, bài hát đi vào huyền thoại của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

"Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ;
Sóc BomBo sẵn có cối chày đây;
Người Bom Bo sẵn có đôi bàn tay;
Với tình yêu nước và thù giặc ngày ngày"

Ngày đó, cối và chày giã gạo được làm bằng gỗ, rất thô sơ, nhưng nhờ những đôi tay rắn rỏi nhịp nhàng của đồng bào S’tiêng, Sóc BomBo đã lập nên công trạng rất lớn trong chiến thắng của cách mạng Bình Phước. Những cối với chày ngày xưa đó nay đã thành kỷ vật để tưởng nhớ về một thời quá khứ vẻ vang và oai hùng. Hàng năm vào những ngày lễ hội đặc biệt, người dân nơi đây vẫn duy trì tổ chức thi giã gạo như cách thể hiện niềm tự hào về dân tộc mình.





Cuộc sống êm đềm ở sóc BomBo ( nay là Thôn 1) và những kỷ vật trưng bày gợi nhớ về quá khứ hào hùng

Chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 2 giờ đồng hồ chạy xe do vậy có rất nhiều phương tiện để có thể đến Bình Phước thăm sóc BomBo. Mặc dù ngày nay sóc BomBo đã thay đổi rất nhiều, tên gọi sóc BomBo cũng không còn thay vào đó là tên gọi Thôn 1 song nơi đây vẫn là điểm đến hấp dẫn với những người yêu lịch sử, yêu những điều bình dị và văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số S’tieng. Đến thăm sóc BomBo, du khách có thể thăm quan các nhà lưu niệm nơi trưng bày những kỷ vật của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thưởng thức đặc sản núi rừng và tận hưởng bầu không khí trong lành tuyệt đối.





Vườn quốc gia Bù Gia Mập và thác Mơ êm đềm

Bên cạnh đó nếu đã đến Sóc BomBo, du khách không nên bỏ lỡ vườn quốc gia Bù Gia Mập cách sóc không xa. Vườn quốc gia với hệ động thực vật vô cùng phong phú, thiên nhiên hoang dã và hùng vĩ là nơi thư giãn lý tưởng cho người dân Sài Gòn sau những mệt mỏi, căng thẳng thường ngày. Ngoài ra còn có núi Bà Rá, một ngọn núi nằm lẻ loi giữa miền đất bằng phẳng, tạo nên cảnh quan vô cùng đặc sắc. Kể từ khi hệ thống cáp treo lên núi Bà Rá được xây dựng thì ngày càng có nhiều du khách đến đây để được ngắm nhìn toàn cảnh tuyệt đẹp bên dưới, ngắm thị trấn Thác Mơ dịu dàng thơ mộng và hồ Thác Mơ êm đềm những ngày nắng, tung bọt trắng xoá những ngày mưa…

Tuy không phải là điểm du lịch được đầu tư lớn, cũng không có quá nhiều di tích hay chùa chiền song thăm quan sóc BomBo vẫn mang lại cho du khách những cảm nhận đẹp bởi giá trị nhân văn sâu sắc mà địa danh này đã tạo nên từ hàng chục năm trước đến nay vẫn được người dân trân trọng, giữ gìn.

Theo Cinet.vn

Bạn đang đọc bài viết "Thăm lại sóc BomBo" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.