Chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2001 với nội dung là "Di tích kiến trúc nghệ thuật, nơi lưu giữ hai pho tượng môn thần - tác phẩm điêu khắc Chăm thế kỷ XIII".
Sách Đại Nam nhất thống chí chép về chùa “…chùa Ông Đá, ở thôn Nhạn Tháp, huyện Tuy Viễn, về phía Nam thành Chà Bàn. Trong chùa có hai tượng đá, đứng hai bên nhìn nhau trên viên đá vàng, mình cao hơn 6 thước, lưng rộng hơn 5 thước, một pho sơn son, một pho sơn đen, thầy chùa chế áo xiêm, mũ đai bằng vải vẽ hình mây rồng mặc vào, trông như hình người còn sống”.
Có nhiều truyền thuyết về hai pho tượng cổ này, và theo Đồ Bàn Thanh Ký của Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển viết năm 1860 thì “Bên cạnh núi Nhạn Tháp có chùa ông Đá, tương truyền hai ông đá là tượng Phật Thích Ca và tượng Phật Lạc Đa. Có nhiều người lại bảo đó là ông Thiện và ông Ác.”
Chùa dựa lưng vào núi Long Cốt (trên núi xưa kia có tháp nên còn có tên Tam Tháp Sơn) làm tiền án cho thành Đồ Bàn. Ngày đầu năm có dịp đến thăm chùa, chạm vào hai pho tượng cổ với tấm lòng hướng thiện, cầu mong một năm mới hạnh phúc bình an.