Thăm chùa Bản Giốc

24/03/2015 15:27

Theo dõi trên

Giữa điệp trùng núi non hùng vĩ nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc, quần thể chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc như bông hoa sen nở giữa đất trời. Ngôi chùa được tọa lạc tại địa phận xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng), cạnh địa danh thiên nhiên hũng vĩ thác Bản Giốc.

Ngôi chùa nơi biên cương

Cung đường tỉnh lộ 206 từ TP. Cao Bằng lên huyện Trùng Khánh dài khoảng 90km đã được đầu tư nâng cấp, rút ngắn thời gian di chuyển cho du khách so với trước đây.

Dọc tuyến đường, chúng tôi có dịp thư thả dừng chân chụp những cảnh đẹp ven đường, chợ phiên Án Lại buổi sáng đầy sắc màu vùng cao, ghé thăm tìm hiểu làng nghề đúc rèn của người Tày...

Từ xa, chúng tôi đã thấy chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc nổi bật trên ngọn núi Phia Nhằm. Vượt hàng trăm bậc đá nguyên khối, bước lên sân chùa phóng tầm mắt nhìn bao quát được toàn bộ khu du lịch Bản Giốc nằm giữa không gian thoáng rộng của núi rừng.

Tới thác Bản Giốc-một trong 5 thác nước hùng vĩ của thế giới, chợt nhớ câu thơ của Bác Hồ: “Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.

Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc được đầu tư xây dựng, nhằm phát triển   đưa khu du lịch thác Bản Giốc trở thành điểm du lịch tâm linh của tỉnh Cao Bằng.

Được khởi công ngày 15/6/2013, trên tổng diện tích 3ha, với tổng kinh phí gần 38 tỷ đồng (do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đóng góp tài trợ).

Chùa được thiết kế theo lối kiến trúc thuần Việt với kết cấu gỗ lim, vật liệu gạch ngói cổ truyền, mái đao truyền thống, hệ thống hoành phi câu đối bằng tiếng Việt. Sau 18 tháng thi công bởi hàng trăm thợ lành nghề vùng Kinh Bắc, ngày 15/12/2014, ngôi chùa hoàn thành, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới dự cắt băng khánh thành.

Tổng thể công trình gồm các tòa Tam bảo, nhà thờ Tổ, đền Việt Nam Triệu Tổ Hùng Vương, đền thờ vị anh hùng Nùng Trí Cao (thế kỷ XI), người có tài thao lược quân sự và ngoại giao, có công lớn trong việc gìn giữ bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc.

Ngoài ra còn có đền thờ Đức Thánh Trần, đền thờ anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sỹ. Điểm nhấn ngôi chùa là lầu chuông Đại hồng chung Thiên Bảo, với quả chuông bằng đồng nặng 1,5 tấn, tam quan và khuôn viên tượng Quan Âm Bồ Tát.

Trước đây, huyện Trùng Khánh có lợi thế lớn về du lịch khi sở hữu thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao cạnh dòng sông Quây Sơn xinh đẹp. Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc được đầu tư xây dựng, thêm sự lựa chọn cho du khách khi đến với vùng đất cách mạng địa đầu Tổ quốc.

Quần thể du lịch đặc biệt

Sự  kỳ vĩ của thác Bản Giốc  mang lại sức hấp dẫn khó cưỡng với du khách. Mỗi lần đặt chân đến đây, tâm trạng lữ khách đều có cảm giác lâng lâng khó tả, bởi vừa có dịp trải nghiệm thiên nhiên phong cảnh hùng vĩ, văn hóa bản địa độc đáo của đồng bào dân tộc Tày thân thiện, hiếu khách.

Thác Bản Giốc nằm giữa biên giới Việt Nam-Trung Quốc, là thác nước lớn thứ tư thế giới nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia và là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Thác có ba tầng hùng vĩ, bất luận thời tiết thế nào, thác vẫn tạo nên bức tranh sơn thủy mê hoặc du khách. Trong một ngày thăm quan, du khách có dịp thưởng lãm các sắc màu khác nhau hòa quyện giữa sắc trời, mây, nước.

Vào mùa lúa chín vàng cánh đồng bên cạnh thác, cảnh sắc càng thêm huyền diệu... Đến gần, khối nước từ trên cao đổ xuống tạo thành cụm sương mù, làm mát dịu cả khoảng trời mùa hạ.

Thú vị nhất có lẽ vào buổi chiều tà, dưới ánh hoàng hôn, từ xa du khách phóng tầm mắt bao quát cánh đồng với đàn trâu nhẩn nha gặm cỏ, nghe tiếng ầm ào vui nhộn từ thác nước cao 53m.

Động Ngườm Ngao cách thác Bản Giốc khoảng 2km, có cảnh đẹp tâm linh huyền bí. Từng tới tham quan nhiều hang động, chúng tôi cảm nhận vẻ đẹp của Ngườm Ngao không hề thua kém hang động Sơn Đoòng, thiên đường của tỉnh Quảng Bình.

Mới bước vào cửa động, đã cảm nhận không khí mát lạnh và sự choáng ngợp trước những dải thạch nhũ nhiều màu sắc, hình thù độc đáo, kỳ diệu, gõ vào phát ra âm thanh du dương, trầm bổng réo rắt vui tai.

Cùng với chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, việc đưa vào khai thác khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Bản Giốc góp phần  thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của địa phương, cả hai đều tọa lạc tại vị trí khá đẹp, hướng tầm nhìn ra thác Bản Giốc.

Theo ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đến Trùng Khánh du khách sẽ có “4 trong 1” gồm: Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, tham quan chiêm bái chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc và nghỉ dưỡng, ẩm thực, vui chơi giải trí tại Sài Gòn - Bản Giốc.

 Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Bản Giốc do Saigontourist đầu tư,  đạt tiêu chuẩn 4 sao với tổng diện tích 31,15 ha, giai đoạn 1 đã đưa vào khai trương khu nghỉ dưỡng bao gồm phòng ngủ, khu vực tiếp tân, nhà hàng - phòng hội nghị sức chứa trên 200 khách chuyên phục vụ các món ăn Âu, Á, ẩm thực đặc sản địa phương.

Trong giai đoạn tiếp theo, Saigontourist tiếp tục hoàn thiện các hạng mục công trình gồm 80 phòng ngủ, khu thể thao, vui chơi giải trí, spa cùng các khu vực dành cho các hoạt động cắm trại, sinh hoạt ngoài trời...

Nhân sự phục vụ tại khu nghỉ dưỡng với trên 95% là người địa phương xã Đàm Thủy và huyện Trùng Khánh,  góp phần giới thiệu đến du khách điệu hát then cùng các điệu múa đầy sắc màu đời sống văn hóa bản địa của bà con dân tộc vùng cao.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ Anh Tuấn cho biết: Việc đầu tư tuyến điểm du lịch tại vùng Đông Bắc nói chung và Cao Bằng nói riêng nằm trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt.

Thác Bản Giốc là tuyệt phẩm thiên nhiên ban tặng con người, gắn với ý nghĩa nơi gắn cột mốc chủ quyền Tổ quốc và ngôi chùa Phật Tích Trúc Lâm sẽ thu hút du khách khắp mọi miền đất nước đến chiêm ngưỡng.

Đến với vùng biên cương địa đầu Tổ quốc ngắm những đổi thay nơi đây, chúng tôi thêm yêu mảnh đất xinh đẹp, giàu truyền thống cách mạng Cao Bằng.

Hy vọng những năm tới người dân vùng biên vươn lên thoát nghèo từ những công trình văn hóa, du lịch tâm linh này.

Theo Báo Dân Sinh
Bạn đang đọc bài viết "Thăm chùa Bản Giốc" tại chuyên mục Khám phá. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.