Một trang của Lã Đường di cảo thi tập (chữ Hán) - Nguồn: Thư viện Quốc gia
Theo các sử liệu còn ghi, ta được biết Thái Thuận nổi tiếng về thi ca. Đương thời vua Lê Thánh Tông, một vị vua rất hay chữ, Nguyên suý của Hội tao đàn cũng phải rất nể phục. Nhà vua đã từng khen ông là “tự chuyên ở trường thơ” và đặc cách ban cho ông danh hiệu Tao đàn phó nguyên suý, giao làm sái phu của hội: sửa chữa, biên tập và cho in ấn các sáng tác của hội viên (Hội tao đàn là một hội thơ trứ danh do vua Lê Thánh Tông sáng lập vào năm 1495 và duy trì cho đến năm 1497. Hội có hai mươi tám người nổi tiếng về văn chương gọi là nhị thập bát tú, tương ứng với hai mươi tám vì sao trên bầu trời, do vua Lê Thánh Tông đứng đầu. Hội tao đàn này thực chất là một câu lạc bộ thơ ca thời đó. Câu lạc bộ thơ ca này đã có những đóng góp quan trọng vào lịch sử văn học nước nhà với nhiều tập thơ như: Hồng Đức quốc âm thi tập, Quỳnh uyển cửu ca, Cổ tâm bách vịnh, Xuân văn thi tập, Minh lương cẩm tú, Văn minh cổ xúy, Chinh Tây kỷ hành). Có lẽ ở trong Hội tao đàn Thái Thuận đã làm nhiệm vụ “sái phu” rất xuất sắc nên người ta đã đổi tên ông, gọi là Sái Thuận. Đương thời ông không chỉ có sửa thơ giúp mọi người, về phần mình, Thái Thuận cũng là thi sĩ xuất chúng trên bầu trời thơ ca Đại Việt. Ông sáng tác rất nhiều, có đến hàng ngàn bài nhưng không có ý thức giữ gìn, lưu truyền nên đã bị thất lạc rất nhiều. Sau khi ông mất, con trai ông (Thái Đôn Khắc) cùng với một người học trò của ông (Đỗ Chính Mô) đã sưu tầm, biên soạn thành một tập di cảo gọi là “Lã Đường di cảo thi tập”, khoảng 290 bài thơ.
Theo các đánh giá của người đời, Thái Thuận là một nhà thơ tài năng. Chỉ tính riêng việc lọt được vào “mắt xanh” của Lê Thánh Tông đã cho thấy tài năng thơ ca hơn người của ông. Và, không chỉ có Lê Thánh Tông, lúc bấy giờ và sau này cũng đã có nhiều danh nhân, thi sĩ đọc lại thơ ông. Họ cũng đã không khỏi mến phục và hết lời khen ngợi. Trong “Truyền kỳ mạn lục”, ở thiên truyện “Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa”, nhà văn Nguyễn Dữ đã từng ghi lại: “Cho nên từ khi triều Lê dựng nghiệp, thi sĩ có đến hơn trăm nhà, mà duy nhất tập thơ của ông Sái thịnh hành”; trong “Trích diễm thi tập” Hoàng Đức Lương cũng hạ bút khen: “sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp”. Còn nhà bác học Lê Quí Đôn trong “Toàn Việt thi lục” thì hết mực đề cao: “đạo đức, văn chương được một thời tôn trọng” và Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” có nói: “Thơ phần nhiều thanh nhã, có phong cách Vãn Đường,... các bài đều tiêm tế, xinh đẹp, dồi dào, đáng là danh gia”. Chỉ sơ qua đôi điều đánh giá, nhận xét như vậy, chúng ta đã đủ thấy tài văn chương của Thái Thuận đã vượt lên cái lẽ “văn mình” của giới văn chương trong thiên hạ.
Gần sáu thế kỷ đi qua, đọc lại “Lã Đường di cảo thi tập” chúng ta không khỏi phấn khích trước một hồn thơ tinh tế, độc đáo. Đó không phải là thứ thơ thù tạc khuôn sáo như không ít vần thơ cung đình thường gặp. Ở Thái Thuận ta sẽ thấy những vần thơ bình dị, không phô trương hoa mỹ nhưng rất thanh thoát, khoáng đạt và không kém phần đằm thắm, trữ tình. Và, bao trùm lên tất cả, ở tập thơ ấy người ta nhận thấy những quan niệm mới mẻ cùng những giá trị chân chính, sâu sắc cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật của tác giả. Trước hết, điểm khác người của nhà thơ cung đình Thái Thuận là ở cái nhìn và cách thể hiện. Trong khi các thi sĩ của Hội tao đàn thi nhau phụng hoạ, bình tán, tụng ca thì Thái Thuận chọn cho mình cách im lặng hoặc đi tìm cảm hứng thi ca ở những chốn ngoài cung đình. Trong bài thơ “Đề Toản Viên phường sở cư bích thượng” ông đã nói rõ điều này: “Tràng An xa mã hỗn hồng trần/ Ngô ái ngô lư tư ẩn luân/ Bắc khuyết vô thư can thế dự/ Tây hồ hữu nguyệt cấp thi bần” (Xe ngựa ở kinh đô rộn rã bụi hồng/ Ta yêu cái nhà của ta tựa như bậc ẩn sĩ/ Không dâng thư lên cửa Bắc để cầu cạnh tiếng tăm với đời/ Đã có trăng hồ Tây cung cấp cho cái nghèo của nhà thơ). Ở giữa chốn phồn hoa náo nhiệt của kinh đô, ở ngay bên cạnh vua nhưng nhà thơ quyết không dâng thư để cầu cạnh công danh như đời vẫn thường diễn ra mà yêu quí và không nguôi nhớ về ngôi nhà nơi quê kiểng. Giữa chốn cung đình nếu có nghèo “tứ thơ” thì ông cũng quyết đi tìm ở trăng nước “hồ Tây” chứ không đi theo lối mòn của người đời với những kiểu cách hoa lệ nhưng sáo rỗng. Sống ở thế kỉ XV, từng kinh qua cửa Khổng sân Trình nhưng tư tưởng, quan điểm về thơ về cách sống của Thái Thuận như vậy rất tiến bộ. Cũng bởi thế mà Thái Thuận thường hay hướng ngòi bút của mình đến những vẻ đẹp mỹ lệ của thiên nhiên tứ thời với cỏ cây, hoa lá, gió sớm, trăng đêm… chứ không phải là nơi lầu son gác tía của chốn cung đình thâm nghiêm. Này đây, ta hãy ngắm nhìn bức tranh bốn mùa linh diệu ấy qua nét bút của thi nhân. Bức tranh cuối xuân trên sông nước: “Bích thủy hàm không tịch chiếu tàn/ Mộ xuân qui tứ chính man man/ Dã Yên loạn khởi tân lang ám/Giang vũ tà xâm yến tước hàn…” (Ngưu Uyên độ); dịch nghĩa: “Nước biếc dầm bóng không trung, ánh chiều tàn lụi/ Cuối xuân tình tứ trở về đang man mác/ Khói đồng nội bốc loạn xạ vườn cau mờ tối/ Mưa trên sông chênh chếch xiên lấn én sẻ lạnh lùng…”; bức tranh mùa hạ khi tiễn bạn: “Cấm thụ oanh thanh hiểu/ Giang phong yến tử tà/ Thắng du tân hạ cảnh/ Quy hứng cố viên hoa” (Tống hữu); dịch nghĩa: “Buổi sớm chim oanh hót ở cây vườn cấm/ Chiều về chim yến liệng trong làn gió sông/ Chơi vui thỏa thích trong cảnh đầu hạ/ Hứng thú muốn trở về hoa vườn cũ”; bức tranh mùa thu trong đêm làm khách xa nhà: “Mao thiềm lao lạc thự tinh trầm/ Thảo tế hàn tương vị bãi ngâm/ Bán chẩm hàn phong xuy mộng đoạn/ Mãn đình lạc diệp báo thu thâm” (Thu dạ khách xa); dịch nghĩa: “Sao buổi sáng lặn xuống mái tranh thưa mỏng/ Trong đám cỏ con dế lạnh lẽo cứ kêu hoài/ Gió lạnh nửa gối thổi đứt giấc mộng/ Lá rụng đầy sân báo tin thu muộn…”; bức tranh mùa đông rét mướt nhưng tạo vật vẫn không bị lụi tàn: “… Mai hoa điểm phá song tiền dịch/ Trúc diệp nùng thiêm chưởng thượng bôi/ Chúng lý tâm dung quy mặc tọa/ Bác Sơn yên lũ nhậm bồi hồi” (Đông cảnh); dịch nghĩa: “Hoa mai chấm phá kinh dịch trước cửa sổ/ Lá trúc đậm màu thêm chén trên tay/ Lòng dung hòa mọi lẽ qui về lúc ngồi lặng lẽ/ Sợi khói ở lư hương Bác Sơn mặc sức bồi hồi”. Hướng ngòi bút đến những cảnh vật ấy với Thái Thuận không nhằm mục đích nào khác ngoài việc “muốn đem văn chương làm đẹp cho đất nước” như chính lời tâm sự của ông trong một bài thơ: “Hoa quốc văn chương tổng thị hiền/ Ta dư độc quí ngọc đường tiên” (Khánh thọ giai yến qui giản chư liêu hữu); dịch nghĩa: “Văn chương làm đẹp đất nước thảy là bậc hiền/ Thương ta riêng những hổ thẹn mình là vị tiên ngọc đường”. Cũng bởi quan niệm như vậy mà thơ ca của ông cũng đã hết lời ca ngợi mọi vật trong thiên nhiên xinh tươi, đẹp đẽ của quê hương, đất nước. Ở đó, ta sẽ bắt gặp hình ảnh của giang sơn nước Việt hiện lên mỹ lệ và hào hoa. Đây là cảnh vật trù phú của quê ông, Kinh Bắc: “Ly lạc thanh yên tán ỷ la/ Quất chi giá duẩn bạng nhân gia/ Thái bình hữu tượng kham ngu mục/ Nhất chủng đông phong vạn chủng hoa” (Thuận An xuân vọng); dịch nghĩa: “Từ phên giậu làn khói xanh tỏa màu gấm vóc/ Cành quýt mầm mía mọc cạnh nhà người/ Cảnh tượng thái bình thật đáng vui mắt/ Chỉ một thứ gió đông mà có muôn thứ hoa”. Và, đây nữa là bức tranh họa đồ của Lâm Thao (xứ Nghệ): “La ỷ trì tòng hoa địa xuất/ Thanh giang triều đáo bạch y lai” (Hương Sơn Lâm Thao xã tức sự); dịch nghĩa: “Ao nổi gấm vóc như từ đất nở hoa/ Trào dâng trên sông trong tựa bộ cánh trắng ào đến”. Còn đây là cảnh sông Gianh của dải đất miền Trung cát trắng: “Bạch lộ trào thôn túc/ Thanh Sơn vụ ẩn hình/ Yên chưng khư dã hỏa/ Thảo nhiễu bạng ngư đinh” (Quá Linh giang ngẫu thành); dịch nghĩa: “Thủy triều nuốt chân móc trắng/ Sương mù giấu hình non xanh/ Làn khói bốc thổi ánh lửa đồng nội/ Cỏ diễu quanh bên cồn làng chài”. Có thể nói, chỉ điểm qua vài bức tranh đơn sơ ấy ta cũng đủ để nhận ra một tấm lòng gắn bó tha thiết, sâu lặng với quê hương đất nước trong cõi lòng thi nhân.
Không chỉ ngợi ca quê hương đất nước, làm cho đất nước đẹp lên bằng những vần thơ, trong thơ Thái Thuận người ta thấy ẩn sau tâm hồn lạc quan yêu đời ấy còn chứa đựng một tấm lòng bao dung nhân hậu và những nỗi niềm lo nước thương đời của một kẻ sĩ “trung thần vị quốc”. Ông vui với cái vui của nhà vua, của toàn dân trong cảnh đất nước thái bình thịnh trị sau những năm tháng chiến tranh: “Tứ hải vân nghê khoan chúng vọng/ Cửu châu điền dã lạc nông công/ Thái bình thiểm đáo côn bồng khách/ Nguyện hiến Chu thi tụng lũ phong” (Hỷ vũ); dịch nghĩa: “Bốn bể mây mống thư thái nỗi trông chờ của dân/ Chín châu đồng nội vui vẻ công sức nhà nông/ Khách thơ cảm thấy thẹn với đời thái bình/ Nguyện dâng thơ nhà Chu ca ngợi cảnh được mùa liên tiếp” hoặc “Đế đức hỷ phù càn đức đại/ Tư dân tư thế hựu ung hy” (Thời vũ); dịch nghĩa: “Mừng đức nhà vua hợp với đức lớn của trời/ Nhân dân này, thời đại này sống trong khung cảnh hài hòa tươi sáng”. Như chúng ta đã biết, sau cuộc kháng chiến chống Minh thành công, nhờ những cải cách về kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp mà xã hội Đại Việt có những phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Khắp nơi thôn cùng ngõ hẻm cuộc sống của người dân đều được ấm no. Chẳng thế mà ca dao thời đó có câu: “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông/ Lúa thóc đầy đồng trâu chẳng buồn ăn”. Đất nước thái bình, cuộc sống sung túc, mọi nơi hân hoan ca hát. Tuy vậy trong thơ ông đâu đó ta vẫn thấy canh cánh nỗi niềm của Phạm Trọng Yên (thời Tống): “Nhật lạc Bình Than ngư địch đoản/ Dạ hàn Phả Lại phật đăng cô/ Bất tri kim cổ đăng lâm khách/ Diệc hữu tiên ưu hậu lạc vô” (Lưu đề Hải Dương giải vũ); dịch nghĩa: “Ác xế Bình Than tiếng sáo chài ngắn giọng/ Rét đêm Phả lại phật chong đèn/ Chẳng hay những khách viếng cảnh xưa nay/ Có ai nghĩ đến lo trước vui sau không?”. Thái Thuận hỏi đời đấy nhưng cái chính là bộc lộ lòng mình. Nỗi niềm của ông đã phản ánh cái ý thức trách nhiệm của bề tôi hưởng lộc triều đình, điều này khác hẳn với không ít người chỉ lo hưởng lạc. Là một kẻ sĩ sẵn có tấm lòng lo nước thương đời nên nhà thơ cũng rất nhạy cảm với những nỗi niềm của thiên hạ, nhất là nỗi buồn của người phụ nữ. Đã có lần ông nhập thân vào người thiếu phụ để nói lên nỗi cô đơn, quạnh quẽ trong những canh chầy đêm xuân vắng chồng: “Trùng trùng liêm ảnh nguyệt tà di/ Thích tú vô nhân ngữ dạ trì/ Chẩm thượng mộng hồn thùy hoán tỉnh/ Đỗ quyên thanh tại bách hoa chi” (Xuân dạ); dịch nghĩa: “Bóng mành lớp lớp trăng tà chuyển bóng chênh chênh/ Ngồi thêu lặng bặt tiếng người, đêm càng khuya khoắt/ Hồn chiêm bao trên gói kìa ai gọi cho tỉnh dậy?/ Ấy là tiếng cuốc kêu ở trên cành trăm hoa”. Thế đó, thơ ông là tiếng lòng trắc ẩn với những nỗi sầu ly biệt: “Cô thú hướng hồi thu liểu liểu/ Trường môn vọng đoạn dạ y y/ Bất tri khách lệ năng đa thiểu/ Hựu hướng Tiêu Tương tống lạc huy” (Nhạn thanh); dịch nghĩa: “Người lính thú cô đơn hướng về trời thu man mác/ Tựa cửa buông tầm mắt trông xa mờ khuất trong đêm bịn rịn/ Chẳng biết giọt lệ của khách tha hương có bao nhiêu? Mà rồi lại quay về sông Tiêu Tương tiễn đưa bóng xế”. Đặt trong bối cảnh văn hóa đương thời, với một nhà thơ cung đình như Thái Thuận thì việc hướng ngòi bút về những số phận như vậy, đặc biệt là người phụ nữ thì quả là điều mới mẻ. Nhưng có lẽ cũng chẳng thể nào khác được bởi tâm ông nghĩ sao thì ngòi bút của ông hiện lên là vậy. Điều ấy cho thấy ông là một nhà thơ đầy nhân bản.
Bên cạnh những nội dung đã nêu, đọc thơ Thái Thuận ta còn thấy ông hiện lên là một người con hiếu thảo, một người bạn ân tình với những tình cảm trong sáng, thiết tha. Trong dặm dài quan lộ, trên những bước đường tha hương lữ thứ nhà thơ đã không ít lần dãi bày gan ruột với nỗi niềm day dứt, bồn chồn: “Cửu thập thiều quang dung dị quá/ Thảo tâm du tử khổ nan bình” (Xuân mộ); dịch nghĩa: “Thiều quang chín chục dễ dàng trôi qua/ Lòng đứa con đi xa như tấc cỏ khó nỗi được yên” hay “Nhật mộ hương quan hồi thủ vọng/ Thảo tâm du tử bất thăng ty” (Sơ xuân); dịch nghĩa: “Dưới ánh chiều tà ngoái đầu trông về quê hương/ Lòng đứa con đi xa như tấc cỏ xuân nhớ mong khôn xiết”. Thái Thuận thấp thỏm, băn khoăn, thậm chí là còn nhỏ lệ bởi ông biết mình chưa báo đền cha mẹ như lòng mong muốn để có thể làm tròn đạo hiếu: “Tam xuân nhất niệm bằng thùy báo/ Thuyết đáo ư dư dãn lệ linh” (Thảo); dịch nghĩa: “Nỗi niềm ba xuân biết đền đáp vào đâu/ Khi nhắc đến ta chỉ những tuôn rơi giọt lệ”. Quả là trung - hiếu khó vẹn đôi đường. Nhưng dẫu sao từ trong sâu thẳm của tâm hồn nhà thơ những đấng sinh thành không bao giờ bị phai mờ nhân ảnh. Chỉ thế thôi, rất chân thực nhưng cũng rất mực hiếu thảo, trọn đạo làm con. Một con người như thế chắc hẳn tình cảm với bạn bè cũng phải rất sáng trong, nhân hậu vô ngần. Xem lại di cảo của Thái Thuận ta sẽ thấy có rất nhiều bài thơ nói về tình bạn. Đó là những vần thơ tiễn tặng bạn bè: “Tiễn thừa chỉ Võ tiên sinh hồi hương”, “Tiễn Ngô Kiểm thảo qui Gia Lâm”, “Tiễn Thiên Trường Vệ úy hồi hương”, “Tống Đàm Hiệu úy vô Quế Dương”, “Tống Đỗ Minh Phủ” … Đọc những vần thơ này ta dễ thấy tình cảm của ông với bạn rất mực chân thành. Ở đó không còn những khách sáo lễ nghi mà toàn những lời chân thật. Ta hãy xem ông nói với Ngô Kiểm Thảo: “Kỳ đắc đình vi diên vọng cửu/ Khê kiều khách lộ mạc kê trì” (Tiễn Ngô Kiểm thảo qui Gia Lâm); dịch nghĩa: “Nên nhớ rằng cha mẹ mong chờ đã lâu/ Xin đừng nán lại ở nhịp cầu qua suối trên chặng đường tha hương”. Có lẽ phải là người đã từng trải, phải là người đau đáu nỗi niềm về bổn phận làm con và cũng phải rất mực thân tình thì nhà thơ mới nói với bạn được như vậy. Lẽ dĩ nhiên trong những lần chia tay ấy cũng sẽ có những bùi ngùi, lưu luyến như chẳng muốn rời xa: “Phong vũ nhất triệu sinh biệt hận/ Giang sơn lưỡng xứ hạn thông tân/ Khả liên kim nhật trùng hồi thủ/ Tràng đoạn giang châu đãn bạch tần” (Tống Đỗ Minh Phủ); dịch nghĩa: “Một sớm gió mưa mà nảy sinh mối hận ly biệt/ Hai nơi sông núi thành ngăn cách bởi cái bến đò/ Hôm nay mấy lần ngoái lại thật là đáng thương/ Chỉ thấy rau tần trắng trên bãi sông mà tưởng như đứt ruột”.
Sau gần sáu trăm năm nhìn lại, di cảo thi tập của Lã Đường quả đúng là một hồn thơ nhân bản, đa cảm, trong trẻo, độc đáo và tha thiết với đời. Tập thơ ấy là một “di sản văn hóa có giá trị” của nước nhà. Xét trong tiến trình đồng đại và lịch đại, nó đã có những đóng góp to lớn cho nền thơ ca Đại Việt lúc đương thời và góp phần vào sự phát triển của nền thi ca dân tộc. Còn riêng với đất Kinh Bắc, Thái Thuận là “một tác giả lớn, một ngôi sao sáng”. Ông là niềm tự hào không những của quê hương mà của cả dân tộc. Thái Thuận xứng đáng với sự suy tôn của mọi người “danh sĩ Kinh Bắc”.