Thái Nguyên tu bổ di tích đình Xuân La

08/06/2015 16:30

Theo dõi trên

Tình trạng xuống cấp của di tích đình Xuân La không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong xã mà còn làm mai một đi nét cổ kính của một di tích có ý nghĩa lịch sử.

Đình Xuân La nằm ở Xóm Giữa, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, được xây dựng từ thế kỷ XVII để thờ người anh hùng dân tộc Dương Tự Minh.

Đình được xây dựng theo kiểu kiến trúc thời Lê. Đình nằm trên một quả đồi thoai thoải giữa làng với kiến trúc nghệ thuật khá độc đáo. Đình có chiều dài 23m, rộng 12m, cao đến nóc là 6m. Đình có 6 hàng cột mỗi hàng có 8 cột, tổng số 48 cột, đường kính các cột từ 0,4m đến 0,5m chân cột được kê trên tảng đá xanh.

Mái đình lợp bằng ngói mũi nhỏ. Các đầu kẻ, kèo được trạm trổ hoa văn tinh sảo rất có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật. Đình được xây dưng theo kiểu chữ Đinh “Đình trước, Chùa sau“. Nóc đình có lưỡng long trần nguyệt trông rất uy nguy. Trong đình có thượng cung để thờ cúng, trên thượng cung có bức hoành phi khắc dòng chữ Thánh cung vạn tuế.

Đình Xuân la còn giữ được 3 đạo sắc phong của vua Duy Tân và vua Khải Định; 1 bản Thanh Hoàng sự tích; 1 hương án cổ; 1 bức kim môn thêu “Lưỡng long trầu nguyệt“; 1 lá cờ lệnh; 4 lá Tứ linh; trước thượng cung có 2 con Hạc bằng gỗ quý cao đứng trên 2 lưng con Rùa trông rất uy linh. Đình Xuân La còn giữ được 1 bộ Kiệu bát cống cổ nhất trong vùng. Song song tồn tại với Đình Xuân la là cây lim trước sân đình đã được trồng cách đây khoảng 500 năm cành lá xum xuê, quanh năm xanh tốt.

Qua thời gian, ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng, mỗi khi trời mưa to gió lớn thì đình dột nhiều và có nguy cơ bị sập nên không ai dám ở đó. Một số hạng mục của đình đã xuống cấp nghiêm trọng như: phần mái gian giữ có nhiều chỗ ngói đã sập hoàn toàn khiến các vật dụng đồ thờ bên trong đều bị ướt mỗi khi trời mưa. Đình có 4 cột cái, 12 cột quân, 24 cột hiên bị mối mọt hư hỏng, ngoài ra còn bị lún nóc phần bên trong mặt chầu nguyệt. Trong số 48 cột đình bằng gỗ lim thì có tới hơn 10 cột cần được gia cố lại, một số đầu hoành, xà đui bị mối xông nham nhở.

Tường vây gian trái của đình bị ẩm, mốc đã vỡ nứt, chịu lực kém. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống cửa đình đã cũ và hỏng nặng không thể đóng mở, để khắc phục phải dùng dây thừng buộc gá các cánh cửa với nhau. Bên trong đình đều có chỗ bị sụt lún, chỗ thì được sửa chữa chắp vá bằng xi măng trông thiếu mĩ quan…

Tình trạng xuống cấp của di tích đình Xuân La không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong xã mà còn làm mai một đi nét cổ kính của một di tích có ý nghĩa lịch sử. Hằng năm, để góp phần tu sửa đình, UBND xã Xuân Phương đã huy động đóng góp từ bà con trong xã để đảo lại ngói, đưa thêm những cột gỗ chống đỡ cho các cột đã bị mối mọt, mục nát, phát động đoàn viên thanh niên và nhân dân tham gia lao động công ích, chỉnh trang lại cảnh quan khu di tích…

Năm 2004, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện chống xuống cấp di tích đình Xuân La với kinh phí 100 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa. Tuy nhiên, số tiền này chỉ có thể chống xuống cấp ở một số hạng mục như: thay thế một số dui mè, xà đã bị mối xông rỗng, gia cố một số cột trụ chính, sửa chữa và phục hồi một số nền chắp vá bằng xi măng, làm biển chỉ đường, giới thiệu đình…

Ngày 1/6/2015 vừa qua, Bộ VHTTDL có văn bản gửi Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Xuân La, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, Bộ VHTTDL đã xem xét và thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích nói trên gồm các hạng mục: tu bổ Đại đình, xây mới nhà vệ sinh. Tuy nhiên, Bộ cũng đề nghị Sở VHTTDL lưu ý một số vấn đề: Bổ sung các bản vẽ nối, vá, tháy cốt ốp mang…nhằm giữ tối đa các cấu kiện gỗ nguyên gốc, đặc biệt là các mảng chạm khắc và dấu tích chỉ định niên đại; Bổ sung ảnh, bản vẽ vị trí lỗ mộng để làm căn cứ phục hồi hệ thống sàn, vách; Không làm thêm hoa chanh bờ nóc, bờ chảy; Cần bổ sung quy hoạch cây xanh, nhất là dải cây xanh phía trước nhà vệ sinh để tránh ảnh hưởng đến khu vực đình, chùa Xuân La.

Đình Xuân La là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong làng và trong vùng. Là nơi trước đây các nhà vua đi kinh lý qua thường ghé thăm và nghỉ chân. Đình còn là nơi hôi họp tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn hóa, phổ biến các chủ trương của Đảng, nhà nước đến mọi người dân. Đình Xuân La hàng năm vẫn tổ chức các nghi lễ và lễ hội cổ truyền thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương tham dự. Ngày 28/12/2001 Đình Xuân La đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Theo Di Sản Xanh
Bạn đang đọc bài viết "Thái Nguyên tu bổ di tích đình Xuân La" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.