Cô con dâu PaLing Thị Hà (áo xanh, bìa trái) được chị ruột, mẹ chồng và bố chồng đưa ra suối xúc cá sau ngày cưới để đoán số phận, tính cách sau này. (Ảnh: N.V)
Già Liên cho hay, con trai con gái Pa Kô đủ 18 tuổi trở lên sẽ đi sim, tâm tình với nhau. Cặp nào yêu nhau thì sẽ tổ chức đi bỏ của (tương tự đám hỏi của người Kinh) sau đó làm lễ cưới. Buổi tối sau lễ cưới, bố mẹ chồng chuẩn bị một mâm cỗ cúng gia tiên. Trong khi đôi vợ chồng mới cưới quỳ trước bàn thờ thì bố chồng sẽ chia đôi lá gan con gà cúng và đĩa xôi cho hai con của mình. Khi hai con ăn thì ông bố sẽ khấn vái, báo với tổ tiên đó là vợ chồng. Ăn xong bữa cơm tân hôn thì họ mới chính thức trở thành vợ chồng, mới được ngủ chung với nhau. Trước đó không ai được động đến ai, chứ không bị biến tướng lợi dụng đi sim như một số nơi hiện nay.
Sáng hôm sau, mẹ chồng đưa cô con dâu ra suối tiến hành tục xúc cá đoán mệnh số, tính cách. Theo phong tục của người Pa Kô, khi con dâu xúc trúng con cá đầu tiên là cá bống (đầu to đuôi nhỏ, màu đen) nghĩa là cô ấy sẽ rất siêng năng, làm ăn giỏi, chỉ có điều hơi luộm thuộm trong sinh hoạt cá nhân. Nếu xúc trúng cá trơn (cá màu đen, láng bóng, trơn) thì con dâu làm ăn giỏi, nhanh nhẹn, thông minh nhưng tính cách hơi bướng, đôi khi không nghe lời bố mẹ chồng. Còn nếu xúc được cá trắng thì rất tuyệt vời vì con dâu sẽ làm ăn giỏi, nhanh nhẹn, thông minh, biết nghe lời bố mẹ chồng, sẽ là người vợ đảm đang giúp gia đình ăn nên làm ra, yên ấm hạnh phúc… Nhưng cha mẹ sẽ rất buồn nếu con dâu xúc phải con ốc, cua, tôm vì như thế thì con dâu sẽ chậm chạp, không biết làm ăn, không biết nghe lời bố mẹ, vợ chồng sẽ hay cãi vã, gặp trắc trở…
Tuy nhiên theo già Côn Liên, đây chỉ là phong tục, tín ngưỡng từ xưa kia của người Pa Kô, chứ thực tế ngày nay họ không quá nặng nề về việc con dâu xúc cá sẽ như thế nào. “Tôi chưa thấy có trường hợp nào con dâu xúc trúng con cua, con ốc hay con tôm mà bị mắng chửi hay điều tiếng gì. Không ai lấy việc xúc cá đoán vận số, tính cách ra làm thước đo hạnh phúc gia đình” – già Liên nhấn mạnh.
Lần đó, tôi còn được già Liên dắt đi dự một đám cưới của đôi vợ chồng trẻ Hồ Văn Đà và Paling Thị Hà (thôn A Pun, Tà Rụt) và cũng chứng kiến phong tục thú vị này.
Theo Dân Việt